Huyền Trân công chúa và cuộc bang giao Đại Việt - Chăm-pa

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1146 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1146 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Nhận định về cuộc hôn nhân giữa Huyền Trân công chúa và vua Chăm-pa Chế Mân, nhà văn Hoàng Quốc Hải cho rằng đây không phải là cuộc đổi lấy đất đai, mà là một giải pháp ngoại giao mang tính tình thế từ Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Chuyện về cuộc hôn nhân giữa công chúa triều Trần với nhà vua Chăm-pa từng được nhiều nhà văn, nhà thơ khai thác đưa vào trong những tác phẩm văn học. Dường như phần lớn người đời sau đều cho rằng, năm 1306, Huyền Trân công chúa được gả cho quốc vương Chiêm Thành Chế Mân (Jaya Sinhavarman III) là để đổi lấy hai châu Ô, Lý (toàn bộ đất của hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị ngày nay).

Tại sao, nước Đại Việt 3 lần chiến thắng Nguyên Mông, lại phải đem một cô gái nhỏ tuổi để gả cho vua Chiêm Thành? Để hiểu rõ thêm câu chuyện trên, Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với nhà văn Hoàng Quốc Hải, tác giả của bộ tiểu thuyết lịch sử Bão táp triều Trần, về bản chất thực sự của cuộc hôn nhân Huyền Trân công chúa - Chế Mân, qua sự “giải mã” của ông. Nhà văn Hoàng Quốc Hải chia sẻ:

- Năm 1288, Đại Việt chiến thắng giặc Nguyên Mông lần thứ 3. Năm 1293, Hốt Tất Liệt qua đời, con ông ta lên nối ngôi, đã cho sứ sang tuyên cáo ở Đại Việt rằng: Thiên triều bãi bình, không muốn chiến tranh với Đại Việt nữa. Đội quân bách chiến bách thắng của Đại Việt thời ấy đã ảnh hưởng đến Chăm-pa. Sử sách ghi lại, tháng 2-1301, phái đoàn sứ thần của Chăm-pa sang đến kinh thành Thăng Long rồi lại về ngay. Tháng 3 năm ấy, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông đang tu hành khổ hạnh ở trên núi Yên Tử, thấy phái đoàn của Chăm-pa sang và về ngay, thì lập tức xuống núi về kinh, sau đó làm một cuộc du hành sang Chiêm Thành.

Ta nhìn nhận sự việc trong bối cảnh sách sử ghi chép: Ngài đang tu hạnh đầu đà. Trong nhà Phật, dù tu Tịnh độ tông hay Thiền tông, cũng không bắt buộc phải tu hạnh đầu đà. Nhưng nếu ai có hạnh đó, thì sẽ phát nguyện trước Tăng chúng tu trong thời gian 3 tháng, 6 tháng, hoặc một năm.

Khi Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã phát nguyện, tuyên cáo với Tăng chúng là tu hạnh đầu đà thì không thể tu dối được, không thể bỏ dở giữa chừng. Thế nhưng đang tu hạnh đầu đà, Phật hoàng phải bỏ dở để đi sang Chăm-pa, thì chắc chắn phải có chuyện rất hệ trọng quốc gia, rất cấp bách vào thời diểm ấy.

* Chuyến đi của Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông với mục đích gì, thưa nhà văn?

Sau ba lần chiến thắng giặc Nguyên Mông, binh lực nước ta rất hùng cường, các tướng lĩnh đều tài ba thao lược. Hầu hết tướng sĩ đều gây sức ép lên triều đình muốn tấn công chinh phục Chăm-pa để mở rộng đất đai về phương Nam. Hàng vạn binh lính cùng các tướng lĩnh đồn trú về phía biên giới với Chăm-pa để thị uy sức mạnh, khiến nước Chăm-pa bất an, phải cứ đoàn sứ thần sang Thăng Long thương thuyết, đề nghị triều đình Đại Việt chỉ đạo tướng lĩnh biên ải không khiêu khích, không tấn công Chăm-pa. Vì thương thuyết không thành công, nên đoàn đi sứ phải về ngay.

Nhìn thấy nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa hai nước, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông vốn là một ông vua nhân ái, lại là bậc xuất gia tu hành đạo Phật sẵn tính từ bi đức độ, nên không muốn một cuộc chiến tranh nào xảy ra nữa.

Thông thường, từ Đại Việt sang Chiêm Thành thường đi đường thủy sẽ thuận lợi hơn, nhanh hơn. Nhưng Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông đi đường bộ từ Thăng Long dọc theo miền Trung, với mục đích để xem xét sự bố trí binh lực quân ta ở phía Nam ra làm sao, nếu định tấn công Chăm-pa thì phải ngăn lại.

Năm 1301, sử sách ghi Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông sang Chăm-pa phải ở đó tới 9 tháng. Nếu chỉ là một cuộc viếng thăm, sao phải ở đó lâu đến vậy? Trần Nhân Tông sang đó mục đích không gì khác là thương thuyết với Chế Mân. Muốn ngăn cản binh lính Đại Việt không gây chiến tranh với Chăm-pa, chỉ có giải pháp thuyết phục Chế Mân cắt 2 châu Ô, châu Lý cho Đại Việt, thì tướng sĩ Đại Việt mới từ bỏ ý định phát động chiến tranh.

Chế Mân là người anh hùng của nước Chăm-pa, không dễ gì bắt nạt. Ban đầu Chế Mân có lẽ cực lực phản đối, cho dù Trần Nhân Tông giải thích cái lẽ đời nó phải như thế. Sau nhiều tháng, có lẽ Chế Mân cũng đã nhận ra việc cắt đất là bắt buộc, vì nếu Đại Việt gây chiến tranh, chắc chắn Chiêm quốc sẽ thua, cuối cùng cũng sẽ mất đất. Khi đó, không chỉ mất 2 châu Ô, Lý, mà có thể sẽ bị mất vùng lãnh thổ lớn hơn, thậm chí sẽ bị mất toàn bộ đất nước. Việc chủ động cắt đất là để Trần Nhân Tông có lý do yêu cầu tướng sĩ Đại Việt bãi binh, cũng là để cảnh tỉnh: chỉ “ăn” được đến đấy thôi, không thể “ăn” thêm được nữa đâu.

Sau nhiều lần thuyết phục, Thái thượng hoàng Đại Việt nhận ra, Chế Mân đã có vẻ thuận, nhưng khó “ăn nói” với thần dân Chiêm quốc. Vốn là một bậc anh hùng, nếu người ta chưa đánh, đã cắt đất đai giang sơn đem dâng vô điều kiện, thì sẽ bị cho là “hèn mạt”. Trong tình huống bang giao khó khăn, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông bèn nghĩ ra “kế sách”, gả con gái yêu quý của mình cho Chế Mân, vừa để bày tỏ lòng thành tâm vì mối bang giao tốt đẹp, vừa giúp Chế Mân “dễ ăn nói” với thần dân của mình.

Cho nên cuộc tình duyên ấy, việc gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân là giải pháp tình thế cho một tình thế chính trị. Sự kiện này cũng là minh chứng cho việc sử dụng thuyết “bất bạo động” để giải quyết xung đột của nhà Phật.

Cuộc hôn nhân này bị triều đình Chăm-pa phản đối. Vì vậy, hứa gả từ năm 1301, mà mãi đến năm 1305 họ mới sang xin tiến hành lễ cưới. Ngay cả ở Đại Việt, khi ấy triều đình chúng ta cũng phản đối, vì ta không ở cái thế yếu mà phải đem gả công chúa sang đó như là làm con tin. Các tướng sĩ đều cho rằng cứ đem quân tràn sang là sẽ lấy được đất, không cần cuộc hôn lễ với Chế Mân. Trong triều đình chỉ có 2 người ủng hộ cuộc hôn nhân này, là Trần Khắc Chung và Trần Nhật Duật, và người buộc phải đồng ý là vua Trần Anh Tông (anh trai của Huyền Trân) không thể làm trái ý chỉ của cha mình.

* Khi cuộc hôn nhân đã thành, chỉ một năm sau Chế Mân qua đời. Đại Việt đã có cuộc giải cứu công chúa dễ dàng. Phải chăng, “lừa” người Chăm không khó, thưa ông?

Chăm-pa có phong tục, khi vua qua đời, sẽ thiêu sống cả những người vợ yêu của vua, với niềm tin khi xuống suối vàng, vua có người để hầu hạ. Họ muốn thiêu sống công chúa Huyền Trân, vì phải thực hiện theo phong tục cổ truyền. Nhưng họ cũng e ngại Đại Việt có cớ sang gây chiến, nên họ phải báo tang cho Đại Việt. Triều đình ta cử Trần Khắc Chung cùng một An phủ sứ sang đón về.

Khi sang nước Chăm, ta nói với họ rằng, phong tục của Chăm-pa thì phải thực hiện. Nhưng, trước khi lên giàn hỏa thiêu, phải cho hoàng hậu thực hiện đủ nghi lễ theo phong tục Đại Việt. Đó là, cho ra bờ biển, dựng đàn lễ, hướng về phía Bắc để “tế sống” cha mẹ. Coi như đây là trả ơn nghĩa tổ tiên trước khi lìa trần. Người Chăm vốn trọng phong tục, nghi lễ cổ truyền, vì thế họ không thể chối từ đề nghị của ta. Thuyền của Đại Việt đang đêm cập bến, rước đưa Huyền Trân đi, và rút lui cả phái đoàn của Đại Việt đã đi theo Huyền Trân đến Chăm-pa từ năm trước.

Tôi nghĩ rằng, cuộc giải cứu này, người Chăm họ biết trước, chứ không phải là họ không biết. Nhưng mà người ta cũng muốn Huyền Trân đi cho xong. Bởi triều đình Chăm lúc đó đang ở giữa tình huống khó xử: vừa sợ Đại Việt gây chiến tranh, lại không muốn làm trái phong tục của ông cha họ truyền lại. Nên họ cũng muốn người Đại Việt đưa Huyền Trân đi. Thêm nữa, Huyền Trân lúc đó đã có con với Chế Mân. Huyền Trân đem theo cả Thái tử Chế Na Đa khi đó mới mấy tháng tuổi cùng về Đại Việt. Đó cũng là điều phía Chăm càng mong muốn, vì người Chăm không muốn có ông vua mang trong mình một nửa dòng máu Đại Việt.

Hải quân Chăm-pa là hải quân mạnh nhất khu vực thời đó, họ thường ra vùng biển quốc tế chặn tàu của các nước. Sử sách của nhiều nước từng ghi chép về sự hùng mạnh của hải quân Chăm-pa, tàu của các nước khi đi qua vùng biển của Chăm-pa đều rất sợ. Với lực lượng hải quân như vậy, khi Trần Khắc Chung đưa Huyền Trân đi trên biển, thuyền của Chăm-pa sẽ dễ dàng đuổi theo cướp lại. Thế nhưng, thuyền của Chăm-pa đã không đuổi theo.

Có thể nói cuộc giải cứu Công chúa Huyền Trân là phương thức sử dụng văn hóa phong tục để xứ lý rất tuyệt vời về một tình huống khá nhạy cảm, éo le trong mối bang giao Đại Việt - Chăm-pa.

* Sau khi về Thăng Long, công chúa Huyền Trân sống ở đâu, thưa nhà văn?

Chế Mân qua đời tháng 10-1307, đến tháng 8-1308 công chúa Huyền Trân mới về đến Thăng Long. Huyền Trân khi đó không ở kinh đô được, mà về Thái Bình khai hoang lập ấp. Bà về khu vực huyện Hưng Hà bây giờ, chiêu mộ dân tứ tán khai hoang tạo dựng làng xóm mới. Về sau, bà chia hết ruộng đất cho người dân ở đó, rồi về bên Vụ Bản ở Nam Định, tu tại một ngôi chùa. Ngày nay, ở gần Ủy ban Nhân dân huyện Vụ Bản còn ngôi chùa, trong chùa có đền thờ công chúa Huyền Trân. Đó chính là nơi bà tu hành, khi qua đời được người dân lập đền thờ.

* Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.