Theo đó, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, UBND huyện Quốc Oai quyết định không tổ chức lễ hội chùa Thầy năm 2021.
Dù vậy, huyện Quốc Oai vẫn đồng ý tổ chức phần lễ theo phong tục địa phương và mở cửa đón khách để đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân. Tất cả các nghi lễ sẽ được thực hiện với hình thức gọn nhẹ, không tổ chức rước lễ để tránh tình trạng tụ tập đông người. Khách thập phương vẫn có thể về vãn cảnh chùa Thầy với điều kiện thực hiện nghiêm các quy định về phòng dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Vũ Hán, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quốc Oai (Hà Nội) cho biết: Ban Quản lý di tích đã phối hợp với UBND xã Sài Sơn bố trí lực lượng ở hai cổng ra - vào khu di tích để đo thân nhiệt và nhắc nhở khách thập phương đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách, đồng thời phân bổ lực lượng giám sát, nhắc nhở kịp thời các trường hợp không tuân thủ quy định.
Ngoài ra, các hàng quán dịch vụ kinh doanh trong khu vực cũng phải ký cam kết thực hiện đầy đủ quy định về phòng, chống dịch. "Công tác này sẽ tiếp tục được tăng cường hơn nữa trong những ngày tới, nhất là thời điểm trước và trong lễ hội chùa Thầy, ngày mùng 5, 6, 7 tháng ba âm lịch", ông nói.
Lễ hội chùa Thầy gắn liền với câu ca: Nhớ ngày mùng 7 tháng 3/ Trở vào hội Láng, trở ra hội Thầy.
Đây được coi là một trong những lễ hội lớn của xứ Đoài. Hàng năm, chính hội chùa Thầy diễn ra từ mùng 5 đến 7-3 (âm lịch) và người dân thường đi lễ trong suốt cả tháng 3.
Chùa Thầy tên chữ là Thiên Phúc tự, thuộc địa phận xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai. Chùa được xây dựng từ thời Lý, đến nay đã trên nghìn năm tuổi. Chùa Thầy hiện lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, mỹ thuật, kiến trúc còn được bảo lưu nguyên vẹn.
Năm 2014, chùa Thầy cùng dãy núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.