GN - Đến hẹn lại lên, mùa hoa gạo thắp lửa dọc triền non nước đón muôn Phật tử trở về cõi Tịnh độ của Quán Âm Diệu Thiện, mừng ngày Khánh đản Bồ-tát Quán Thế Âm.
Những con đò đưa chúng tôi trôi dần vào đêm, suối Yến trở nên huyền nhiệm bởi 2.013 ngọn hoa đăng được thả trôi lung linh như hàng ngàn nốt nhạc vô thanh buông trên mặt nước dập dờn. Khắp khuôn viên chùa Thiên Trù cũng lung linh muôn ngọn hoa đăng kết thành hàng ngang dọc các bờ tường, sân, khu vườn tháp. Cơ hồ như hàng ngàn ngọn đèn của lòng từ bi kham nhẫn của Bồ-tát Quán Thế Âm đang soi đường đi vào thế giới an lành.
Tương truyền, Hương Tích Sơn là Đạo tràng của Bồ-tát Quán Thế Âm (dân gian thường gọi là “Phật bà”). Lễ hội chùa Hương từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt. Tác phẩm Bà Chúa Ba có đoạn: “Rằng trong bể nước Nam ta/ Chùa Hương có Đức Phật Bà Quán Âm… Dẫu cho nước cạn, đá mòn/ Hương Sơn Nam Hải vẫn còn dấu thiêng”.
Huyền nhiệm đêm khánh đản
Quán Âm bản hạnh chép: Phật Bà là con gái thứ ba của vua Trang Vương, nước Hưng Lâm. Lớn lên, hai cô chị của Chúa Ba lập gia đình, ngán nỗi toàn gặp phải những chàng phò mã ham chơi. Vua Trang Vương ép Chúa Ba lấy chồng, những mong kén được người tài cho nối ngôi. Chúa Ba không tuân lời, nhất định xin đi tu để độ cứu gia đình và chúng sanh thoát khỏi tai ách. Trang Vương nổi giận sai đốt chùa, sát hại Chúa Ba. Trời Phạm Thiên bèn sai thần núi Hương Tích hóa thành chúa sơn lâm nhảy xuống cứu nạn Chúa Ba.
Thần hổ cõng Chúa Ba về núi Hương Sơn, để bà tu hành ở am Phật Tích. Chúa Ba đắc đạo hóa thành Phật Bà ngàn mắt ngàn tay. Ngàn mắt là biểu tượng của đại trí tuệ, ngàn tay biểu tượng cho đại từ bi. Nơi đâu chúng sanh mắc nạn, Quan Âm Diệu Thiện ở chùa Hương Tích cũng nhìn thấy, vươn tay ra để cứu độ. Vua cha và hai người chị lâm nạn, Chúa Ba cũng đã cứu độ cả gia đình đưa lên Hương Tích quy y, về sau đều viên thành chánh quả.
Truyền thuyết Chúa Ba nhắc nhở mọi người lấy đức hiếu - nhân làm trọng, Đức Phật Bà Diệu Thiện đã tạo nên niềm tin tưởng trong lòng người dân Việt Nam. Hàng vạn người hành hương về Hương Tích mỗi năm chính là minh chứng hùng hồn cho niềm tin ấy.
Ngay từ những ngày đầu mới khai sơn, xây dựng Tùng lâm Hương Tích, chư vị Tổ sư chùa Hương đã tổ chức lễ Khánh đản Bồ-tát Quán Thế Âm vào ngày 19 tháng Hai. Ngày nay Lễ hội chùa Hương kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân, trở thành lễ hội dài nhất Việt Nam, mỗi năm có hàng chục vạn người trẩy hội. Tuy nhiên, Ban Tổ chức vẫn giữ ngày vía Bồ-tát Quan Âm làm chính hội, tức 19 tháng Hai âm lịch.
Vào tối 29-3-2013 (tức 18-2 Quý Tỵ), những bài hát về chùa Hương vang lên sâu lắng giữa sân chùa Thiên Trù. Hàng ngàn ngọn nến trên tay khán giả Phật tử cùng đung đưa theo tiếng nhạc, khiến cảnh vật càng trở nên lung linh huyền ảo. Năm nay, Tùng lâm Hương Tích cùng các ca sĩ, nhạc sĩ kính dâng Phật những nhạc phẩm vừa được hoàn thành trong CD Hương Sơn Ca Vol.3, thể hiện tấm lòng thành kính của người con Phật đối với chốn Tổ linh thiêng - Đệ nhất Nam thiên.
TT.Thích Minh Hiền - Phó ban Văn hóa T.Ư GHPGVN, trụ trì Tùng lâm Hương Tích nhận định: “Hương Sơn Ca Vol.1 là thời kỳ tìm đạo; Hương Sơn Ca Vol.2 là quá trình nhập đạo; Hương Sơn Ca Vol.3 là thời điểm thấy, trực nhập con đường mà người học đạo khổ công tháng ngày. Đó là kiến đạo của nhạc sĩ, Phật tử Diệu Thiện - Cù Lệ Duyên khi chị trải tâm mình qua những nhạc phẩm CD Hương Sơn Ca Vol.3.
Với 11 ca khúc mang đậm chất thính phòng hòa quyện với âm điệu dân ca châu thổ sông Hồng, phong cách nhạc Phật đương đại ở giai đoạn này có thể nói đã chín trong giai điệu và ca từ. Những giai điệu hùng tráng - trang nghiêm của bản Hào khí Hương Thiên, chất thánh thiện vượt tục của Hương thu ca, Về bến chân như dẫn người nghe đi từ Đản sinh đến tu hành và cập bến chân như giác ngộ. Suối nguồn của tâm là dòng chảy miên viễn trong nét nhạc thanh tịnh đậm chất thi ca với những ca từ giản dị trong sáng khiến người nghe cảm nhận, gần gũi cuộc sống”.
Rất nhiều Tăng Ni, Phật tử tham dự đêm khánh đản trong lung linh nến nguyện cầu
Điểm nhấn, tạo sự ngạc nhiên nhiều nhất trong đêm Khánh đản Phật Bà chùa Hương có lẽ phải kể đến chùm ca khúc Hào khí Hương Thiên, Bè trầm, và Đóa hoa dâng người do Nghệ sĩ Ưu tú Quốc Hưng, ca sĩ Phúc Tiệp và ca sĩ Phật tử Tâm Như - Tâm Phương thể hiện. Ở ca khúc Hào khí Hương Thiên, đây là lần đầu tiên tác giả đã khai thác nhịp hành khúc vào trong nhạc phẩm Phật giáo với những ca từ rắn chắc và dứt khoát để ca ngợi Tổ đệ thập của Tùng lâm Hương Tích - cố HT.Thích Thanh Chân, đồng thời khẳng định sự đồng hành của Phật giáo với những thăng trầm của dân tộc, đặc biệt trong những năm đất nước bị giày xéo dưới gót giày của thực dân Pháp xâm lược.
Ca khúc Bè trầm được thể hiện với chất giọng Nam Trung dày và đầy đặn đã mở ra một không gian âm nhạc thật quyến rũ. Còn trong ca khúc Đóa hoa dâng người, hình ảnh người thầy hiện lên lồng lộng, rực rỡ: “Thầy như ánh dương soi/ Rọi chiếu khắp ngàn nơi/ Một đời vì nước non/ Gian khó không lùi bước/ Thầy như đóa hoa sen/ Tỏa hương ngát ngàn phương...”.
Ca khúc Màu áo nâu sồng do tam ca Minh Đức, Ngọc Kỳ, Lê Anh Dũng trình bày, bên cạnh phần phối khí khá độc đáo, có sự phối hợp giữa 3 giọng nam cao tạo cho nhạc phẩm một ấn tượng mạnh mẽ. Ca khúc Về bến chân như do ca sĩ Phật tử Tâm Đức - Thanh Quý thể hiện, vang vọng lời ca: “Theo nước mây trôi về bến nhớ, nước thời gian chảy mãi trong đời, phải chăng giọt nước ngàn năm ấy, tìm lại cành sen lắng viễn khơi. Trên suối hiền hòa ôm núi thắm, tôi dong thuyền về bến chân như…” Ca khúc Hương xuân do ca sĩ Phật tử Diệu Ngọc - Mỹ Linh thể hiện, dường như lại muốn đưa chúng ta thoát khỏi không gian âm nhạc linh thiêng để đến với sự chộn rộn, xao xuyến của những chàng trai, cô gái mùa trẩy hội Chùa Hương.
Ca sĩ Phật tử Phúc Minh - Lê Anh Dũng trình bày nhạc phẩm Tri âm và dàn hợp xướng đưa chúng ta đến ca khúc Mẹ Quán Âm, cùng dàn lĩnh xướng - ca sĩ Phật tử Quảng Thanh - Ngọc Ký và ca sĩ Phật tử Tâm Như - Tâm Phương. Những lời ca ghi khắc ơn sâu đời đời của chúng sinh kính dâng lên Mẹ Quán Âm với một lòng thiện tín thành kính: “Ngàn hoa soi ánh nước lung linh, theo dòng Yến trong xanh ngút trời mâu/ Về đây nơi chốn linh sơn bên Mẹ hiền Quán Âm muôn vàn thương yêu/ Ngàn sao thắp sáng muôn phương cất ngàn tiếng ca xao xuyến trời Hương”.
Sau chương trình văn nghệ đặc sắc ở Thiên Trù, du khách hành hương xuyên qua màn đêm đen đặc để vào động Hương Tích. Từ 11 giờ đêm 18-2 đến 1 giờ sáng 19-2 âm lịch, 2.013 ngọn nến được thắp lên trong Nam thiên đệ nhất động lễ “Ngũ bách danh” (niệm 500 danh hiệu Đức Quán Âm) với hàng nghìn Tăng Ni và Phật tử tham dự. Lòng động Hương Tích bao la, ôm chứa hàng ngàn Phật tử. Mặc dù du khách rất đông, nhưng không hề có sự ách tắc chen lấn xô đẩy, bởi tất thảy mọi người đều ngồi xếp hàng trật tự, ai đến được đâu thì ngồi tiếp theo ở đó, không ai vượt qua người khác để tiến lên. Dòng người ngồi tụng niệm cứ nối nhau kéo dài ra mãi.
Những người đến muộn, không vào được trong động, thì ngồi xuống tụng niệm ở Quán Âm kiều. Những tiếng niệm Phật, tụng kinh hòa âm vào nhau tạo thành bản giao hưởng khổng lồ cơ hồ như lay động cả vũ trụ. Du khách hành hương đảnh lễ Đức Quán Thế Âm Hương Tích, trải qua khổ công trèo non lội suối mới cảm nhận hết công hạnh tu trì của Bồ-tát khi xưa và thực sự an lạc nơi đất Phật.