Hương Từ nơi phố núi đại ngàn

GN - Tọa lạc ngay trung tâm TP. Pleiku, chùa Bửu Thắng là ngôi chùa cổ nhất cũng là nơi chứng kiến nhiều thăng trầm của Phât giáo Gia Lai qua nhiều giai đoạn lịch sử.

Chứng nhân của lịch sử

Vào những năm 30 của thế kỷ trước, khi Gia Lai vẫn còn là vùng đất đỏ đồi núi hoang vu, ngôi chùa Bửu Thắng đã được hình thành. Ban sơ, chùa chỉ là một am tranh trên khu đất khoảng 18ha do nhiều người dân có tín tâm Tam bảo khai hoang và dựng lập. Tuy nhiên, giai đoạn này, do thời cuộc nên am tranh ấy phải dời đi chuyển lại nhiều lần với nhiều vị trí khác nhau. Cũng có lúc, tại khu đất của chùa, quân đội Pháp đã trưng dụng tất cả để làm khu quân sự.

wwwt9 (8).JPG

Chùa Bửu Thắng trong nắng sớm - Ảnh: Bảo Thiên

Ðến năm 1945, vì niềm tin Tam bảo và sự khát vọng tâm linh nên Phật tử địa phương với sự giúp sức của ông Hoàng Văn Ở (cảnh sát chế độ thực dân) đã đệ đơn xin lại khu đất cũ bị Pháp chiếm. Nguyện vọng này được chấp thuận, ngôi thảo am được sửa chữa và nâng cấp. Ðến năm 1950, ngôi thảo am được đặt hiệu là chùa Phật Học (vì đã liên hệ với Hội Phật học Trung Kỳ), trên khu đất chỉ còn 6.000m2.

Cũng từ đó, với nhu cầu phát triển và do những tác động của phong trào Phật giáo cả nước nói chung, chùa trở thành trung tâm tu học và hoạt động văn hóa, giáo dục của Phật giáo như việc mở Trường Bồ Ðề dạy chữ Quốc ngữ.

Ðặc biệt, trong phong trào đấu tranh của Phật giáo những năm 60, chùa là cái nôi phát khởi nhiều cuộc biểu tình, xuống đường của Tăng Ni, Phật tử tại phố núi với sự dẫn dắt của vị trụ trì lúc bấy giờ là ÐÐ.Thích Ðức Thiệu (chùa cũng được Ðại đức đặt tên Bửu Thắng khi bắt đầu về nhận trụ trì năm 1956). Ðỉnh điểm của cuộc đấu tranh là hành động của huynh trưởng GÐPT Bùi Viết Ký cắt tay lấy máu để viết khẩu hiệu phản đối chính quyền độc tài Ngô Ðình Diệm.

Từ đó về sau, chùa là nơi diễn ra các sự kiện lớn, ghi nhận những thay đổi trên nhiều mặt của Phật giáo tỉnh nhà mà có lúc tưởng chừng không thể vượt qua được những bất đồng, dị biệt để đi đến tinh thần phụng sự chung.

Ðiểm sáng về công tác Phật sự

Tiếp nối quá khứ, chùa Bửu Thắng ngày nay khá khang trang với ngôi chánh điện vừa được trùng tu hoàn tất dưới sự điều hành của TT.Thích Tâm Tường (vị trụ trì hiện tại, được bổ nhiệm vào năm 2006 - NV). Ngôi chánh điện mới trùng tu gồm 2 tầng và 1 tầng hầm, cao 24,5m với tổng diện tích 2.253m2. Ngoài ra, một ngôi bảo tháp 7 tầng cao 25m, an trí nhục thân của cố Ðại lão HT.Thích Giác Ngộ cũng vừa khánh tạ.

wwwt9 (9).JPG

Chánh điện chùa Bửu Thắng - Ảnh: Bảo Thiên

Ðây là một trong những công trình kiến trúc, nghệ thuật Phật giáo được xếp vào hàng nhất nhì của tỉnh nhà, là niềm vinh hạnh cho Tăng Ni, Phật tử địa phương bởi sự hài hòa giữa cảnh sắc thiên nhiên và nét đẹp đời sống tâm linh.

Tuy vẫn còn nhiều hạng mục cần phải tiến hành nhưng chùa hiện là nơi tu học lý tưởng của các Phật tử khu vực thành phố và các địa phương khác trong toàn tỉnh. Ðây cũng là nơi tham quan, chiêm bái, của khách hành hương mỗi khi đặt chân lên đất Gia Lai. Hàng năm chùa đều tổ chức an cư kiết hạ cho chư Tăng và tổ chức các khóa tu Bát quan trai thường xuyên cho Phật tử về tu tập, là điểm bố-tát của chư Tăng; tổ chức lớp giáo lý cho Phật tử vào thứ Bảy hàng tuần.

Song song với công tác tổ chức tu học, Thượng tọa trụ trì còn vận động để ủng hộ cho những chùa nghèo tại các huyện vào những ngày Phật đản và mùa Vu lan Báo hiếu hàng năm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.