Hướng đến ngày thành lập Giáo hội

GN - Tổ Khánh Hòa đã phục hưng Phật giáo. Ngài nói một câu làm chấn động lòng người là có chùa mà không có Tăng Ni, Phật tử tu học cũng như không có chùa.

Ngài trụ trì chùa Tuyên Linh và phát mãi ngôi chùa này để mua một bộ Đại tạng kinh. Ai muốn tu học thì về đây, Ngài sẵn lòng hướng dẫn. Từ đó mới có Hội Phật học Lưỡng Xuyên ra đời.

DSC_0111.jpg

Năm 1981, Đại hội Phật giáo cả nước. Tôi nhớ Đại hội đã suy cử cố Hòa thượng Đức Nhuận làm Pháp chủ. Ngài có một thỉnh cầu duy nhất, nếu được chấp nhận, Ngài mới nhận làm Pháp chủ. Đó là Ngài yêu cầu Chính phủ cho phép mở trường đào tạo Tăng Ni. Và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã hứa thực hiện yêu cầu của Ngài. Sau đó, Chính phủ đã cho phép chúng ta mở trường đào tạo Tăng Ni và tổ chức trường hạ cấm túc an cư. Đó là cơ hội tốt nhất để chúng ta phát triển đạo Phật.

Vì vậy, vấn đề giáo dục Tăng Ni được coi là hoạt động hàng đầu trong Phật giáo. Lúc đó, Đại hội suy cử tôi làm Trưởng ban Hoằng pháp. Tôi liền nghĩ đến việc đào tạo giảng sư.

Thành phố Cần Thơ được mở khóa đào tạo giảng sư ngắn ngày. Tuy khóa học này chỉ có một tuần, nhưng đã tạo tiếng vang lớn cho các tỉnh thành, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Như vậy, phải nói rằng thành phố Cần Thơ đi đầu trong việc giáo dục Tăng Ni của đồng bằng sông Cửu Long. Lúc đó cũng có nhiều khó khăn nhất định. Tôi đã tới đây làm Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Phật học trong hai khóa. Mặc dù thời gian làm việc ở đây không lâu, nhưng tôi đã dành tất cả cảm tình cho thành phố này và Tăng Ni, Phật tử.

Đặc biệt cũng có đạo tràng Pháp Hoa được thành lập sớm nhất tại thành phố Cần Thơ và Sư cô xin thọ pháp đầu tiên là Ni sư Như Tâm.

Vì vậy, thành phố Cần Thơ là địa bàn mà tôi hoạt động hoằng pháp ở đây sớm nhất. Sau đó mở rộng đến các tỉnh đồng bằng Cửu Long và các tỉnh miền Đông, miền Trung.

Những năm sau này, tôi ít có điều kiện xuống đây, vì Giáo hội đã giao cho tôi nhiệm vụ về quan hệ quốc tế. Vì vấn đề đối ngoại của đất nước nói chung và của Phật giáo nói riêng rất quan trọng. Nếu quan hệ quốc tế không được mở rộng, hoạt động Phật giáo chúng ta không thể tồn tại và phát triển lâu dài trên thế gian. Từ đó đất nước mới có chủ trương đa phương, đa dạng.

Tôi được biết Hòa thượng Đào Như có duyên cùng tôi sang Hoa Kỳ, đến Liên Hiệp Quốc nhằm nói lên đất nước Việt Nam của chúng ta có tôn giáo và có tự do tín ngưỡng. Đó là việc quan trọng mở đầu cho công tác ngoại giao của Giáo hội. Về sau, tôi quan hệ với nhiều nước, tham gia các cuộc hội thảo quốc tế để tạo thế đứng vững mạnh cho Phật giáo Việt Nam. Hoạt động đối ngoại này của Phật giáo chúng ta đã làm nhiều nước có suy nghĩ đúng đắn về Việt Nam và họ đã thể hiện tấm lòng kính trọng đối với Phật giáo chúng ta.

Thật vậy, tôi đã giới thiệu cho họ biết ý thức thống nhất Phật giáo đã có ở nước ta rất sớm, từ thời Phật hoàng Trần Nhân Tông cách đây hơn bảy thế kỷ. Ngài đã nói rằng đất nước và Phật giáo mạnh, vì đã tạo được sự thống nhất và đoàn kết mạnh mẽ.

Nhờ chủ trương đoàn kết dân tộc và thống nhất Phật giáo thành một khối của Phật hoàng Trần Nhân Tông mà hai lần Ngài đã đánh thắng quân Mông Nguyên, đội quân chưa từng chiến bại. Gót giày xâm lăng của họ đã chiếm lãnh hai phần ba địa cầu. Thậm chí nhiều nơi, đoàn quân Mông Nguyên chưa tới mà đất nước đó đã tự tan rã. Nhưng hai lần đến xâm lăng đất nước chúng ta, họ đều chiến bại.

Có thể nói sự thành công vĩ đại này là nhờ ý chí thống nhất toàn dân và tinh thần đoàn kết mãnh liệt của Phật giáo, cũng như nhờ sự tu tập giác ngộ ở đỉnh cao đặc biệt của Phật giáo Việt Nam.

Và ý thức tốt đẹp này được nuôi lớn trong từng giai đoạn, càng đối đầu với tình trạng khó khăn nguy hiểm, chúng ta càng có ý niệm thống nhất, đoàn kết.

Vì vậy, năm 1951, Phật giáo Việt Nam đã có lần thống nhất, đưa đến sự thành lập Tổng hội Phật giáo gồm cả ba miền Bắc, Trung, Nam.

Nhưng phải đến năm 1981, mới có sự thống nhất thật sự Phật giáo cả ba miền Bắc, Trung, Nam và năm nay đánh dấu hoạt động của Giáo hội chúng ta tròn 35 năm.

Trong thời gian 35 năm đó, chúng ta đã thống nhất các hệ phái, thành lập tất cả các Ban Trị sự tỉnh thành trên cả nước. Đồng thời Giáo hội cũng đã thành lập nhiều trường Phật học, từ sơ cấp, trung cấp đến đại học.

Thời kỳ mà tôi đến thành phố Cần Thơ hoằng pháp, chưa có một Tăng Ni có cử nhân. Nhưng hôm nay, chúng ta nghe giới thiệu tỉnh nhà đã có ba, bốn vị tốt nghiệp tiến sĩ. Đó là bước tiến đáng mừng.

Phải nói nhờ đất nước độc lập, thống nhất và Phật giáo thống nhất, chúng ta mới làm được việc tốt đẹp như vậy. Thời tôi xuất gia học đạo, vào năm 1950, chưa có Tăng sĩ đi học, nhưng với sự thống nhất Phật giáo và nhiều trường Phật học được thành lập, cho đến nay, riêng thành phố Hồ Chí Minh đã có trên 200 Tăng Ni có học vị tiến sĩ.

Cần biết rằng có kiến thức Phật học sâu sắc sẽ làm mọi người kính nể chúng ta về tri thức, nhưng điều quan trọng hơn, đòi hỏi chúng ta phát triển đạo lực tu hành; vì có học nhưng không tu thì so với các học giả, các trí thức bên ngoài, chúng ta cũng không khác gì họ. Chúng ta khác người đời vì chúng ta có tu.

Vì vậy, mối quan tâm nhất mà ngày nay chúng ta đã thực hiện được là có trường Phật học và Phật pháp được giảng dạy, nhưng thiết nghĩ việc quan trọng, chúng ta phải biết ứng dụng Phật pháp vào đời sống được kết quả tốt đẹp theo tinh thần Phật dạy. Tăng Ni có học và tu hành có sở đắc, chắc chắn người sẽ quý trọng.

Tôi mong Tăng Ni cần có kiến thức, nhưng tu hành quan trọng hơn. Chúng ta tu gì. Trên bước đường tu, phải rèn luyện bốn oai nghi là nhân cách của người tu. Trước nhất là tu thân. Trong bốn oai nghi Phật dạy, chúng ta phải rèn luyện từ dáng đi, cử chỉ, lời nói thể hiện mẫu người xuất gia là đối tượng kính trọng của Phật tử.

Làm sao thân chúng ta không bệnh hoạn. Tại sao chúng ta bệnh. Vì do vọng tưởng điên đảo trong lòng chúng ta. Chắc chắn phải dùng giáo lý Phật để xóa vọng tưởng điên đảo.

Thật vậy, năm nay tôi gần 80 tuổi vẫn còn sức khỏe giảng dạy, thuyết pháp, nhờ biết giữ gìn thân tâm theo Phật dạy. Theo Phật, người tu không cắt bỏ được tâm phiền não coi như hỏng. Tâm an sẽ tự giúp cho chúng ta khỏe mạnh.

Hôm qua tôi tiếp Giáo sư Tiến sĩ Y khoa, ông xác định trong Phật giáo có điểm quan trọng là chữa bệnh bằng phương pháp tu hành, đó là cách chữa tận gốc bệnh tật. Chữa bệnh bằng  thuốc men là chữa vòng ngoài, chữa bệnh này thì lại sanh bệnh khác và tạo ra các phản ứng phụ.

Vì vậy, Tăng Ni tu sao cho thân không bệnh hoạn, tâm không phiền não, thể hiện biểu tượng trong Phật giáo làm cho người phát tâm theo Phật.

Tôi có suy nghĩ sẽ đưa thêm môn Y học cổ truyền vào giảng dạy tại Học viện Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, để áp dụng phương thuốc rất hay của người xưa là của các thiền sư đi trước. Vì trường đào tạo Phật pháp, nhưng cũng cần hướng dẫn chữa trị được thân bệnh và tâm bệnh cho mình và mọi người.

Tôi mong với sự lãnh đạo của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh nhà cùng với Ban Giám hiệu trường sẽ hướng dẫn Tăng Ni hôm nay và mai sau đi đúng con đường Phật đã chứng đắc và truyền trao cho nhân loại, để chúng ta tiếp tục thắp sáng ngọn đèn Chánh pháp tồn tại mãi mãi làm lợi ích cho mọi người.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.