Mặc dù nhà sư và các Phật tử gửi nhiều đơn đến cơ quan chức năng huyện Tiên Lữ, nhưng đã gần 2 tháng trôi qua, sự việc vẫn chưa được giải quyết, hiện sư Thích Đàm Oanh phải lang thang, tá túc ở các chùa khác, không về được nơi ở hợp pháp của mình…
Sư thầy Thích Đàm Oanh trình bày: Khoảng 16 giờ ngày 3-9-2011, nhà sư về đến chùa thì thấy tất cả các cửa khóa cũ đều bị cắt, thay khóa mới. Khoảng 5 phút sau thì có một nhóm người gồm: bà Trần Thị Oánh, cán bộ phụ nữ thôn Phương Chung; ông Nguyễn Văn Lâm, ở đội 5; ông Nguyễn Văn Thắng, CA về hưu; ông Vũ Văn Hiền; ông Lê Văn Thơ, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã và ông Vũ Văn Giang, Bí thư Chi bộ đội 5… kéo đến.
Nhóm người này tự xưng là Ban quản lí lâm thời chùa Vị, thực hiện hành vi niêm phong chùa. Riêng ông Vũ Văn Giang hùng hổ túm cổ áo lôi sư Oanh ra ngoài đường. Khoảng 21 giờ cùng ngày, sư Oanh lại phải trèo tường vào trong chùa.
Theo giới luật nhà chùa thì “Pháp bất li thân”, nên nhà sư buộc phải tìm cách tiếp cận 3 tấm Y Pháp của nhà sư còn bị khóa trong phòng. Thấy vậy, một nhóm người ùa đến lôi kéo, xô đẩy khiến sư Oanh bị ngã xuống sân xi-măng. Tiếp đó nhóm người này túm chân, tay nhà sư khiêng quẳng ra đường. Nhiều phật tử chứng kiến sự việc rất bất bình, nhưng không thể can thiệp trước thái độ hung hăng của nhóm người nói trên.
Khoảng 22 giờ đêm, ông Vũ Văn Giản, Phó Chủ tịch UBND xã và một cán bộ CA huyện có mặt, nhưng cũng chỉ đứng ngoài. Riêng ông Vũ Văn Giản vào dàn xếp, liền bị nhóm này đẩy ra khỏi khu vực. CA huyện đề nghị họ mở cổng cho nhà sư vào chùa ăn uống, tắm giặt nhưng họ dứt khoát không đồng ý, CA huyện cũng đành chịu không làm gì được họ.
Trước đó, ngày 24-8-2011 ông Bùi Văn Lương, Trưởng thôn Phương Chung mời sư Oanh về họp tại Chùa Vị. Ông Lương yêu cầu nhà chùa phải làm đơn hiến đất cho thôn làm đường. Sư Oanh nhất trí, nhưng yêu cầu phải có chữ kí và dấu đỏ của cấp có thẩm quyền và lấy vào chùa bao nhiêu mét, để nhà sư có căn cứ báo cáo lên chính quyền. Thế nhưng, ông Lương ngang ngược tuyên bố không có giấy tờ gì hết, rằng nếu nhà chùa không đồng ý thì chúng tôi sẽ lấy bằng mọi giá.
Ngày 27-8-2011, trong khi sư Oanh đi học thì ông Lương cho người ra cắm đất và lệnh cho một số người đập phá tường bao của chùa. Ngày 29-8-2011, nhóm người quá khích đem theo kìm cộng lực, búa đinh kéo đến chùa đập phá, hô hào đuổi bằng được sư Oanh đi khỏi chùa.
Không chỉ có vậy, họ còn tổ chức cưỡng chế cụ bà Bùi Thị Dần (cụ Cừ) 90 tuổi, là mẹ liệt sĩ, được nhà chùa chăm sóc, ở tại chùa hơn 10 năm, buộc cụ về nhà ở với con cháu!
Sư Thích Đàm Oanh cho biết, theo lời cụ Dần thì hôm đó có ông Oánh, Trưởng ban Văn hóa xã thuê tắc-xi đến chùa chở cụ về nhà. Cụ vừa múc bát cháo chưa kịp ăn thì bà Oánh, cán bộ phụ nữ giật lấy đổ lại vào nồi, rồi xốc nách cụ đưa ra xe…
Tuy tin nhà sư phản ánh đúng, song phóng viên Báo Người cao tuổi cũng đến tận địa phương xác minh thì thấy sự việc đúng như trình bày của sư Thích Đàm Oanh. Ngày 2-10-2011, sư thầy Thích nữ Chí Hải, Chánh đại diện Ban Phật giáo huyện Tiên Lữ cũng có đơn gửi UBND tỉnh Hưng Yên, UBND huyện Tiên Lữ cùng các báo, đài Trung ương và địa phương.
Trong đơn, sư thầy Thích nữ Chí Hải xác nhận: Ni sư Thích Đàm Oanh đã tu hành tại chùa Vị và giúp nhân dân địa phương gần 20 năm. Nhà sư và các Phật tử luôn chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, chính sách, pháp luật; sống tốt đời, đẹp đạo… Đề nghị các cơ quan chức năng xem xét giải quyết để các sư, vãi ở Chùa Vị thoát khỏi cảnh ngộ bạo lực do một nhóm người gây ra.
Qua sự việc trên, khẳng định đây là vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Đặc biệt, những kẻ quá khích lại là các cán bộ tại địa phương, thì không thể chấp nhận lối hành xử bất chấp pháp luật như vậy. Xét góc độ pháp luật, sư Thích Đàm Oanh có hộ khẩu thường trú tại Chùa Vị, do đó nhà chùa là nơi ở hợp pháp của nhà sư. Hơn nữa, nhà chùa là cơ sở thờ tự thuộc quyền quản lí của Giáo hội Phật giáo, nơi bất khả xâm phạm. Đuổi sư ra khỏi chùa là việc làm bất hợp pháp, cần phải bị nghiêm trị theo pháp luật.
Việc lấy đất làm đường vào thôn là nhu cầu chính đáng, song phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vận động nhà chùa hiến đất cũng phải dựa trên cơ sở tự nguyện, chứ không thể dùng vũ lực để bắt ép. Hành vi của nhóm người nói trên đã xâm hại nghiêm trọng chính sách tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Hành vi của họ đủ yếu tố cấu thành tội “Xâm phạm chỗ ở của công dân”, quy định tại Điều 124 Bộ luật Hình sự: “1. Người nào khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm./ 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Gây hậu quả nghiêm trọng”.
Báo Người cao tuổi đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Hưng Yên sớm vào cuộc, trả lại quyền và lợi ích hợp pháp cho nhà sư Thích Đàm Oanh cùng các Phật tử ở chùa Vị; tiến hành điều tra, làm rõ hành vi, truy tố nhóm người quá khích ở thôn Phương Chung, xã Phương Chiểu, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên ra pháp luật, nhằm bảo vệ chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta.