“Hủ tục đốt và rải tiền vàng mã cần phải bỏ”

ThS Dương Hoàng Lộc
ThS Dương Hoàng Lộc

GNO - Đó là khẳng định của Thạc sĩ Văn hóa học DƯƠNG HOÀNG LỘC, giảng viên ngành Dân tộc học - Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. Tiếp tục câu chuyện vàng mã trên Giác Ngộ số 838 ra ngày 25-3 vừa qua, ThS Lộc chia sẻ thêm:

- Hủ tục này ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa. Theo đó, quan niệm dân gian trước nay cho rằng việc đốt vàng mã để người chết mang theo làm lộ phí xuống âm phủ và để tiếp tục tiêu xài - tức con người ta sẽ có một cuộc sống tiếp tục sau khi mất đi. Vì thế, không chỉ trong đám tang, người ta còn đốt vàng mã cho tổ tiên vào dịp tết, giỗ chạp.

Còn rải vàng mã trên đường là do quan niệm cho rằng khi đưa tang, nếu không rải vàng mã thì các vong hồn sẽ phá phách và ăn hiếp linh hồn mới như ông bà ta hay nói: “Ma cũ ăn hiếp ma mới”. Nói chung, tục đốt và rải tiền, vàng mã phản ánh quan niệm thực tế của con người: “Trần sao thì âm vậy”.

* Vừa qua Trung ương GHPGVN đã ban hành công văn về việc “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc đưa tang”- trong đó có nhắc đến việc bỏ hủ tục đốt và rải tiền vàng mã vì nó ảnh hưởng tới giao thông cũng như vấn đề vệ sinh môi trường. Thạc sĩ có biết việc này?

- Thực ra, không chỉ đám tang mà trong các nghi lễ hầu đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu, nghi thức cúng tống ôn ở lễ hội kỳ yên các đình làng… cũng có sử dụng khá nhiều tiền và vàng mã. Do vậy, tôi nghĩ rằng việc Trung ương Giáo hội có công văn thể hiện quan điểm của mình trong bối cảnh nhiều đám tang, nhất là của các Phật tử, đốt quá nhiều tiền, vàng mã, làm lãng phí và gây ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh đường phố là một việc làm đáng hoan nghênh. 

Tuy nhiên, để triệt để việc này không phải dễ dàng vì nó đã ăn sâu vào nếp sống văn hóa, dịp tang ma, giỗ chạp, lễ hội của người Việt. Trong một đám tang, lễ giỗ, nếu không đốt tiền, vàng mã cho người mất thì liệu rằng người sống có cảm thấy an tâm, vui không? Đây thuộc vấn đề nhận thức. Cho nên không thể một ngày một bữa là thay đổi hoàn toàn.

* Trong một nghiên cứu về vấn đề vàng mã, từ năm 1952, Hòa thượng Tố Liên đã khẳng định đốt vàng mã có nguồn gốc Trung Quốc, được xem là đầu độc tín ngưỡng, hoàn toàn không phải văn hóa Việt Nam...

- Để giảm bớt vấn đề vàng mã trong tang ma các gia đình là Phật tử thì phải thay đổi nhận thức của tín đồ thông qua các bài giảng pháp (thường xuyên) - để họ hiểu rõ bản chất của vấn đề trên nền tảng giáo lý chân chánh của Đức Phật - rằng, làm việc lành để hồi hướng phước báo cho người đã mất mới giúp được họ chứ không phải đốt vàng mã.

* Là một chuyên gia nghiên cứu văn hóa, Thạc sĩ có thể cho biết ở các nước Đông Nam Á họ có đốt và rải tiền vàng mã khi đưa tiễn người thân qua đời không?

- Các nước Thái Lan, Lào, Myanmar, Campuchia,… theo Phật giáo Nam tông nên khi có người mất, đa số tiến hành nghi thức hỏa táng, họ không sử dụng vàng mã trong tang lễ.

* Cám ơn Thạc sĩ!

Thử nghĩ tới nhà thờ công nghệ cao

Văn minh là những giá trị văn hóa có tính thời đại, phù hợp với thời đại hay thể hiện có trình độ phát triển của thời đại. Ví dụ ở Nhật có mô hình tạm gọi là nhà thờ 3D, tức là người thân chúng ta khi quá vãng sẽ ở đấy - “đầy đủ tiện nghi”. Hình ảnh trong nhà thờ 3D đó là do người thân gửi đến, các chuyên viên phần mềm sẽ thiết lập một cuộc sống cho người quá cố qua các mô tả tính cách và các thói quen khi sống. Và con cháu họ có thể đến thăm viếng bất cứ lúc nào bằng cách truy cập vào trang web đã đăng ký cho người thân…

Theo tôi nghĩ đó là cách tổ chức tang chế và hậu sự cho người thân khá văn minh và cũng rất nhân văn, phù hợp với văn hóa hiếu thảo của người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng.

Thạc sĩ Văn hóa Đoàn Thị Thoa
(giảng viên Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình II)

Thu Hiền thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.