(Nhân đọc những ý kiến về tôn xưng Pháp vương)
GNO - Là Phật tử, hơn 40 năm trước tôi có đọc một quyển sách của HT.Thích Thiện Hoa, đại ý khuyên dạy Phật tử khi vào chùa, dù gặp vị tu sĩ thuộc phẩm bậc gì, Hòa thượng, Thượng tọa hay Đại đức thì cũng chỉ cần gọi tiếng "thầy" là được rồi. Đâu nhất thiết phải “bạch Hòa thượng, Thượng tọa…” mà chỉ cần “bạch thầy, thưa thầy” nghe vừa giản dị vừa gần gũi, thân thương.
Thầy Thích Thiện Hoa là một bậc cao tăng, tuệ thông giáo lý…, là người biên soạn bộ Phật học phổ thông rất hay trước năm 1975. Không chỉ là bậc chân tu, thầy còn là một giáo phẩm cao cấp của Giáo hội với chức vị Viện trưởng Viện Hóa đạo. Tuy là bậc thượng tôn, nhưng với những gì thầy dạy rõ ràng thầy không hề ham mê chức tước, đạo vị, cũng như thể hiện rõ bản chất người con Phật: sống dung dị, từ bi.
Tôi thật sự không hiểu sao người ta có thể dùng 2 tiếng “Pháp vương” hay mỹ từ “Bậc Toàn tri Tôn quý” dành cho một người tu, dù đó có là bậc cao tăng hay thuộc bất cứ hệ phái nào trong ngôi nhà chung Đạo Phật. Bởi rất dễ hiểu những mỹ từ tôn quý đó chỉ dành cho Đức Phật, Bậc Đại giác ngộ mà người phàm chúng ta dù tu luyện đến đâu cũng không thể “tự cho” là đã đến bờ Đại giác!
Tự tôn hay tự nhận không khác nào tự sánh ngang hàng với Đức Thế Tôn!
Tôi nghĩ người Phật tử cũng như người tu hành cần sáng suốt nhận rõ vấn đề. Không để lầm lạc, sai đường bởi những ngôn từ, tính cách khác biệt, lạ lẫm. Giáo pháp nhà Phật là bất di bất dịch với bất kỳ hệ phái nào. Là con Phật thì không thể “sánh ngang hàng” với Phật, không thể xem mình là bậc Đại giác, thậm chí không thể “sánh” với người chỉ biết niệm Lục tự Di Đà thân tâm thường lạc.
Qua câu chuyện tôi càng quý càng yêu hơn tiếng “thầy”. Càng thấm nhuần hơn giá trị, đạo hạnh mà thầy Thiện Hoa hoan hỷ sẻ chia...
Thanh Vân (Trà Vinh)