HT.Thích Như Niệm, Phó ban Thường trực Ban TTXH TƯGH, Phó BTS THPG TP.HCM: “Giáo hội phải có trách nhiệm”

LTS: Trên tay chúng tôi hiện nay là lá đơn tố cáo hành vi không đủ tư cách của một tu sĩ ở một ngôi chùa nuôi dạy trẻ mồ côi thuộc tỉnh Đồng Nai. Và, gần đây nhất là thông tin trên  báo Dân Trí cho thấy nhiều vấn đề còn bất cập trong việc nuôi dạy trẻ mồ côi ở chùa Tiên Phước 2, Q.Bình Tân, TP.HCM. Sự lỏng lẻo trong quản lý của địa phương và Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho thấy còn nhiều sơ hở để những người nhân danh lòng từ bi lợi dụng vì lợi ích cá nhân. Việc làm thiếu lương tâm của một số người "mượn đạo tạo đời" đó đã đem đến sự bất hạnh cho những em bé mồ côi không nhận được sự quan tâm, chăm sóc tốt nhất mà lẽ ra các cháu phải được hưởng… Đây là tiếng chuông báo động cho GHPGVN về những hoạt động TTXH đang bị lợi dụng lòng thương của quần chúng nói chung và Phật tử nói riêng để trục lợi núp với danh nghĩa và chiếc áo Phật giáo.

Lật  lại hồ sơ cũ,  chúng tôi được biết chùa Tiên Phước 2 (17/66/26 tổ 126, KP9, phường Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, TP.HCM) được Sư cô Nguyên Thanh xây dựng những năm 1990 từ một lô đất của huyện Bình Chánh. Sau đó, Sư cô Nguyên Thanh đã tập hợp trẻ em nghèo trong khu vực làng người mù gần đó để thành lập lớp học tình thương. Trường học lúc đó là lớp học đơn sơ trong ngôi nhà còn đang xây dựng dở dang đối diện. Lớp học tình thương khá đông, khoảng hơn 100 em, lớp học dạy phổ cập từ 1 đến lớp 5 dưới sự quản lý của Phòng Giáo dục địa phương. Trong thời gian này, chúng tôi có tiếp xúc với Sư cô và được cô cho biết quê ở Quảng Ngãi và đã tốt nghiệp Học viện Phật giáo tại TP.HCM (khóa II).

chuanuoitre-1.gif

Một cô giáo đứng lớp nhiều năm tại đây cho biết, cô Nguyên Thanh rất ác, thường chửi bới, hành hạ các em và lợi dụng lòng thương của mọi người để trục lợi riêng. Chính vì điều này mà cô thấy bất bình và đã nghỉ dạy giữa chừng.

Khoảng năm 1996, chùa Tiên Phước 2 bắt đầu nuôi trẻ mồ côi do có người mang trẻ đến chùa bỏ. Số trẻ từ từ tăng dần và hiện nay chùa đang nuôi dưỡng 20 trẻ mồ côi, bị bỏ rơi. Theo báo Dân Trí, Sư cô Nguyên Thanh đã có dấu hiệu bạo hành với trẻ. Ngoài ra, nhiều người đã từng làm từ thiện ở chùa đứng đơn tố cáo Sư cô Nguyên Thanh cũng đã có những dấu hiệu cho thấy không minh bạch trong việc tiếp nhận sự hỗ trợ của các mạnh thường quân.

chuanuoitre.gif

SC. Nguyên Thanh dù chưa được THPG TP.HCM bổ nhiệm nhưng vẫ̉n làm trụ trì mà các cơ quan chức năng địa phương cũng như BĐDPG Q. Bình Tân không hề hay biết!  

Theo TT.Thích Nhật Ấn, Chánh đại diện PG Q.Bình Tân: “Khoảng năm 1992, Sư cô Nguyên Thanh đã đến huyện Bình Chánh mua đất cất nhà và thỉnh tượng Phật về dựng lên tự xưng là chùa. Sau đó, Sư cô có đến xin phép để xúc tiến thành lập lớp học tình thương, chúng tôi đã hướng dẫn đến Phòng Giáo dục vì không thuộc thẩm quyền của chúng tôi và từ đó không thấy xuất hiện nữa. Chùa Tiên Phước 2 cũng không thuộc trong danh bạ 22 ngôi chùa thuộc BĐDPG quận Bình Tân”.

Trao đổi vấn đề này với HT.Thích Nh ư Niệm, Phó ban Thường trực Ban TTXH TƯGH, Phó BTS THPGTP và được HT khẳng định những ngôi chùa như Tiên Phước 2 là chùa nuôi trẻ mồ côi tự phát không đăng ký với Ban TTXH TP. Cơ sở này không đăng ký sinh hoạt với GH.

chuanuoitre-4.gif

HT. Thích Như Niệm - Phó ban Thường trực Ban TTXH TƯGH,
Phó BTS THPG TP.HCM

“Báo chí gần đây đã lên tiếng về những nghi vấn chùa Tiên Phước 2, làm dấy lên nhiều dư luận không tốt, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành TTXH PG và uy tín Giáo hội. Chúng tôi cho rằng khi báo chí đã bức xúc lên tiếng thì đã phần nào đúng sự thật. Sư cô Nguyên Thanh đã có hành vi bạo hành với trẻ em, thiếu nhận thức, trách nhiệm của mình trong cách nuôi dạy trẻ. Ngoài ra, những nghi vấn Sư cô Nguyên Thanh “có vấn đề” trong việc tiếp nhận sự ủng hộ tài vật để nuôi dạy trẻ. Nếu đúng sự thật thì đây là hành vi lợi dụng trẻ để mưu cầu lợi ích cá nhân làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của trẻ mồ côi được nuôi dưỡng tại đây. Sư cô Nguyên Thanh đã lợi dụng chiếc áo để trục lợi cá nhân, gây mất uy tín cho Phật giáo và làm mất lòng tin nơi những người có lòng từ tâm quan tâm đến các cháu mồ côi.

Chúng tôi đề nghị các ngành chức năng như Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP.HCM, chính quyền địa phương, Ban ĐDPG quận Bình Tân trực tiếp kiểm tra nhằm có hướng giải quyết sớm nhất để bảo vệ quyền lợi cho các cháu mồ côi. Ngoài ra, những tự viện tương tự cũng cần được các ngành chức năng kiểm tra kịp thời để chấn chỉnh và bảo vệ quyền lợi cho trẻ em. Những lý do đề nghị này bởi vì GHPGVN hoạt động trong khuôn khổ Pháp luật Việt Nam . GH là một tổ chức tôn giáo hoạt động trong lòng xã hội Việt Nam .

Qua sự kiện này cho thấy GH cũng phải chịu trách nhiệm vì đã quản lý không chặt chẽ để tu sĩ hoạt động tắc trách. GH cũng thiếu tầm nhìn bao quát, khả năng quản lý Tăng sự còn hạn chế nên mới phát sinh những ngôi chùa hoạt động ngoài sự quản lý của GH, gây ảnh hưởng xấu trực tiếp đến những trẻ em vô tội và làm mất lòng tin của mọi người. Các chùa muốn giáo dưỡng trẻ mồ côi phải có trách nhiệm thực hiện đúng với lộ trình và đề xuất của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP, chính quyền địa phương và được sự đồng thuận của Ban TTXH PG TP, Ban TTXH TƯGH.

Điều chúng tôi lưu ý là làm công tác TTXH cần có tâm từ thiện và có nhận thức, khả năng cũng như trách nhiệm xã hội, chứ với cái tâm từ bi thôi thì chưa đủ để giáo dưỡng những đứa trẻ mồ côi. Chúng ta có truyền thống tốt đẹp là tương thân tương trợ đã làm nên những hành động, một nhân cách sống động trong cộng đồng. Nhưng trong môi trường từ thiện, những ai có lòng từ tâm cũng cần có cái nhìn trí tuệ để phân biệt đâu là chân đâu là giả. Nói như thế để thấy trong xã hội còn có những thành phần vì lòng tham, vô trách nhiệm lợi dụng từ thiện để trục lợi từ công tác từ thiện, âm mưu từ thiện và thủ đoạn từ thiện”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.