GNO - Nhân dịp đầu năm mới, Giác Ngộ đã xông đất chùa Pháp Hoa, quận Phú Nhuận, TP.HCM để vấn an sức khỏe HT.Thích Như Niệm, UVTT HĐTS, Phó BTS GHPGVN TP.HCM, Viện chủ chùa Pháp Hoa.
HT.Thích Như Niệm - Ảnh: Yên Hà
Trong dịp xuân về, Hòa thượng cho biết những điều một Phật tử nên làm trong những ngày xuân theo tinh thần chánh tín. Hòa thượng cũng chia sẻ về phong tục “lì xì” dịp năm mới đến với độc giả Giác Ngộ.
Không nên tin vào bói toán
Ngày nay, một bộ phận người ở thế gian trong những ngày đầu năm thường hay đi xem bói , xem vận mạnh, để biết làm ăn trong năm ra sao... Vì thế, nhiều hình thức bói toán phục vụ cho đối tượng này. Ngày xuân, người ta cũng hay bói Kiều (Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du). Nhưng, theo tôi, đã nói đến bói thì không thể đều đặn được, cũng như trái cây chín bói. Nó chín không toàn diện, nơi chín nơi không.
Cũng vậy, khi đi xem bói trong ngàn cái không đúng, chỉ có một cái đúng “ăn may” thì họ lấy cái đúng đó để khếch trương ra. Bởi vậy, người xưa mới có câu “Bói ra ma, quét nhà ra rác”.
Đối với Phật tử không nên xem bói với bất cứ hình thức nào, dù là bói Kiều, bói ca (bài hát)…
Điều nên làm của một Phật tử có chánh tín vào dịp năm mới là nên quan tâm hàng xóm, láng giềng, chúc tụng lẫn nhau trong những ngày Xuân mới. Các chùa cũng thường khuyên Phật tử ăn chay, làm lành, lánh dữ. Theo tập tục của người xưa, ngày đầu năm, mọi người trong gia đình thường đi chùa lễ Phật, cầu an.
Ngày xưa, ông bà mình dạy rất hay: “Mồng Một Tết ăn chay, đi chùa”. Ngày này, mọi người cũng xem xung quanh mình có những người nào còn nghèo, người khó khăn thì chia sẻ, giúp đỡ để họ cùng hưởng một cái Tết đầm ấm.
Tăng Ni, Phật tử tại các chùa Việt Nam những năm gần đây vào dịp giáp Tết thường tổ chức đi cứu trợ, giúp đỡ dân nghèo tại các tỉnh, vùng sâu, vùng xa để chia sẻ Tết yêu thương, đầm ấm.
Lì xì đầu năm
Ngày Tết thì không thể thiếu Lì xì (chữ Hoa): Lì là lợi, xì là sự. Tức là Tết làm “sự lợi”. Ngày xuân làm điều có ích. Trên bao lì xì đỏ thường có câu: Hoa khai phú quý, kiết tường như ý… Bao lì xì thường có màu đỏ, là “màu mẹ” của tất cả các màu sắc khác. Màu đỏ chỉ cho sự hy vọng, may mắn, sự sống vui tươi, rực rỡ.
Mừng tuổi ông bà
Cho nên, trên mỗi bao lì xì thường dùng màu đỏ chứ không một màu nào khác, trong bao lì xì thì phải đựng tiền chứ không chứa một vật gì, ít nhiều cũng phải có tiền. Vì lẽ, tiền là đơn vị để trao đổi, thông thương giữa mọi người.
Ngày Tết, người nhỏ tuổi hơn gởi phong bì đỏ cho người lớn, ví dụ trao cho tôi thì phải nói “con mừng tuổi thầy”, người lớn thì mới dùng từ “lì xì” đối với người nhỏ hơn. Nếu người nhỏ tuổi hơn mà nói “lì xì” với người lớn là không đúng.
Người lớn, người có tuổi thường có nhiều phước, đức, lộc, thọ. Vì thế, người lớn lì xì cho người nhỏ tức là phân phát sự lợi của mình đang có như một cách chia sẻ. Ngược lại, người nhỏ nhận được “lì xì” là nhận sự chúc phúc, may mắn…
Bao lì xì có từ lâu. Ngày Tết là ngày vui, những ngày mở đầu của năm nên ai cũng muốn có lì xì, trao đổi cho nhau những điều may mắn đầu năm.