GN - Với người Phật tử Việt, Bồ-tát Quán Thế Âm là vị Bồ-tát gần gũi để nương tựa, giãi bày những nỗi khổ niềm đau. Gần như ngôi chùa Bắc tông nào cũng có tôn thờ Đức Quán Thế Âm, nhất là các tượng lộ thiên để Phật tử chiêm bái, đảnh lễ, cầu nguyện.
Nhân lễ vía Đức Quán Thế Âm (19-9 ÂL), Giác Ngộ đã có cuộc trò chuyện với HT.Thích Hải Ấn, UVTT HĐTS, Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Huế về niềm tin Quán Âm trong đời sống tâm linh của người Phật tử.
HT.Thích Hải Ấn
Bồ-tát trong dòng chảy văn hóa - tâm linh
* Bạch Hòa thượng, tại sao Đức Quán Thế Âm trở thành vị Bồ-tát gần gũi với người dân, Phật tử như vậy?
- HT.Thích Hải Ấn: Sở dĩ người dân luôn tin tưởng vào Bồ-tát Quán Thế Âm vì hình ảnh của Ngài thể hiện đức tính từ bi của chư Phật. Theo đó, đức từ bi là một tình cảm sâu sắc, luôn xoa dịu những khổ đau của mọi người, không phân biệt người có tôn giáo hay người không tôn giáo.
Ước muốn có được sự chia sẻ mỗi khi gặp đau khổ cũng là ước muốn chung của con người. Trong khi đó, nỗi khổ là điều thường trực của chúng sinh ở cõi Ta-bà này, nên vì vậy Đức Quán Thế Âm Bồ-tát là niềm tin không thể thiếu đối với đa số người dân và Phật tử Việt Nam.
* Hình tượng của Ngài trong tướng nữ nhân, tay cầm tịnh bình, tay cầm dương liễu mang ý nghĩa gì, thưa thầy?
- Bồ-tát Quán Thế Âm biểu hiện trong thân người nữ, tay cầm nhành dương liễu là hình tượng rất phổ biến ở những chùa tại các nước như Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam…
Theo kinh Pháp hoa - phẩm Phổ môn, Đức Quán Thế Âm thị hiện nhiều thân tướng mỗi khi chúng sinh cần đến để cứu độ họ. Tại các đất nước vừa nói ở trên đều có quan niệm rằng người phụ nữ có tình cảm đậm chất từ bi, vì vậy chư Tổ sư thấy hình tượng này rất phù hợp với tâm hồn người tin Phật.
Thêm nữa, nhành dương liễu với bình nước cam lộ là một biểu tượng thăng hoa để tâm hồn người khổ đau sẽ được chuyển hóa, vượt thoát các khổ nạn khi gặp phải. Như trong một câu Hán ngữ ở chánh điện chùa Từ Đàm (Huế): Dương bình cam lồ nhất sái biến trần gian tam thiên giới ngoại, phổ từ bi tẩy tận phiền căn mạn đà tác vũ, có nghĩa: Bình cam lồ nhánh dương, một giọt rưới trần gian, từ bi rải khắp cả ba nghìn thế giới, tẩy sạch não phiền, mưa hoa khắp nẻo. Qua câu này ta thấy quý ngài xưa quan niệm: một giọt nước cam lồ khi rải nơi trần gian thì sẽ thăng hoa phổ biến khắp ba ngàn thế giới để đem nước từ bi xóa tan những phiền não cho nhân thế như là cơn mưa hoa mạn-đà-la vậy. Do đó, hình tượng Đức Quán Thế Âm và bình cam lồ sẽ luôn hiện hữu và thân gần để xóa tan mọi nỗi khổ niềm đau cho mọi người; cũng giống như một người mẹ luôn gần gũi, vỗ về người con khi người con có điều gì sợ hãi hay đau khổ.
* Các chùa chọn tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm để tôn thờ lộ thiên trong kiến trúc truyền thống của tự viện Bắc tông xuất phát từ lý do nào, thưa thầy?
- Tôi nghĩ hình tượng Bồ-tát Quán Thế Âm hiện diện trong ngôi chùa sẽ làm cho khách viếng, người Phật tử mỗi khi vào chùa sẽ có cảm giác thấm đượm tính từ bi. Thêm nữa, tôn tượng Quán Thế Âm xuất phát từ các truyện tích Quan Âm như sự tích Quán Âm Thị Kính, Quan Âm Diệu Thiện hay Quan Âm Hương Tích… làm cho hình tượng của Ngài càng gần gũi với người Phật tử. Việc thờ tự đó giúp Phật tử khi tiếp xúc có thể học hỏi những đức tính của Bồ-tát.
Xa hơn nữa là xuất phát từ kinh Pháp hoa qua phẩm Phổ môn, đã nói lên các nguyện lực của Ngài rồi làm cho tình cảm, niềm tin của Phật tử gắn bó vào hình tượng Ngài. Đồng thời, hình tượng Ngài như đã nói là hình tượng thân người nữ với nét mặt từ bi rất phù hợp để biểu thị đức tính từ bi của chư Phật. Qua đó làm cho người Phật tử dâng lòng kính ngưỡng đến chư Phật thêm sâu sắc. Việc tôn kính một bậc có đức từ bi lớn giúp cho hành giả cũng gia cố tâm mình có được đức tính ấy.
Lễ hội Quán Thế Âm tại núi Tứ Tượng, Thừa Thiên Huế - Ảnh: Quảng Điền
Học Bồ-tát để vượt thoát
* Bồ-tát Quán Thế Âm được xưng tôn là Thí vô úy giả, hay là “Bồ-tát Lắng nghe”. Người Phật tử cần thực tập như thế nào để được Ngài lắng nghe, cứu khổ, thưa thầy?
- Bồ-tát Quán Thế Âm với tôn xưng Thí vô úy là vì trong mười hai lời nguyện mà Ngài đã phát nguyện, có lời nguyện đầu nói đến việc Ngài tu tập hạnh quán về âm thanh và đã chứng Viên thông (tức nghe được âm thanh của chúng sinh để ứng hiện cứu vớt). Ngoài ra, các nguyện lực của Ngài đều biểu thị đức tính: đại từ bi, đại hỷ xả, đại hùng lực - vì vậy Ngài cũng được tôn xưng là Thí vô úy, tức là mỗi khi Ngài thị hiện nơi nào đó hoặc có mặt trong tâm đối tượng nhớ nghĩ đến, đều đem lại sự không sợ hãi cho nơi đó, đối tượng đó.
“Bồ-tát Lắng nghe” cũng vậy. Lắng nghe là một nguyện lực của Bồ-tát Quán Thế Âm. Theo đó, khi lắng nghe thì Ngài sẽ hiểu hết mọi khổ đau của chúng sinh, sẽ nghe thấu hết mọi lời kêu cứu mà độ cứu độ tất thảy.
Người Phật tử muốn học hạnh lắng nghe của Bồ-tát thì cũng cần phải học tất cả những đức hạnh của Ngài. Tức là chúng ta phải học sự lắng nghe trong tỉnh thức, sự lắng nghe trên nền tảng từ bi, hỷ xả và hùng lực. Và khi lắng nghe không chỉ là lắng nghe mà phải học tập, thực hành những hạnh đó. Khi được các hạnh đó rồi thì tức nhiên chúng ta sẽ vượt thoát được khổ đau, phiền não, tức là được cứu khổ vậy.
* Trên bước đường tu, có bao giờ thầy cảm nhận được sự gia hộ của Bồ-tát, mà nhờ đó thầy vượt qua được khó khăn, chướng nạn…?
- Trong bước đường tu tập của mình, tôi thường nhớ đến Ngài; nhất là trong khi gặp chướng ngại, khổ đau, tôi thường tâm niệm và luôn nhớ đến hình ảnh Ngài, từ đó có thể chuyển hóa những phiền não mà mình gặp phải.
Tôi cảm thấy và được biết là trong hoàn cảnh đau khổ, hoạn nạn cùng cực thì niệm lực của chúng ta rất dễ được đáp ứng và sẽ được cứu khổ một cách rất nhiệm mầu mà chúng ta không thể hiểu nổi. Tôi nghĩ đó là niềm tin, là sự cứu khổ của Đức Bồ-tát Quán Thế Âm.
* Kính cảm ơn Hòa thượng!
Hữu Tình - Tấn Khôi thực hiện/Báo Giác Ngộ