HT.Thích Giác Toàn chia sẻ nhân duyên với “Chơn lý”

GN - Nhân lễ tưởng niệm 66 năm ngày Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng (1954-2020), vị Tổ sư sáng lập Hệ phái Khất sĩ (HPKS) - thành viên sáng lập GHPGVN, HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS, Giáo phẩm Thường trực HPKS đã dành cho Báo Giác Ngộ cuộc nói chuyện về nhân duyên với bộ “Chơn lý” của Tổ sư. Hòa thượng chia sẻ:

1 HT Giac Toan.jpg

HT.Thích Giác Toàn

- Bản thân nhà sư thuở nhỏ mồ côi cha mẹ, được bà ngoại dưỡng nuôi. Năm 14 tuổi, nhà sư xin phép xuất gia tu học với Hòa thượng Bổn sư là Sư cả Từ Huệ, viện chủ tịnh xá Mỹ Đức, TP.Mỹ Tho. Sau tháng Giêng năm 1965, HT.Pháp sư Giác Nhiên, nguyên Trưởng Giáo đoàn IV, Giáo hội Tăng-già Khất sĩ VN (nay là Hệ phái Khất sĩ) thường về thăm TX.Mỹ Đức. Đủ nhân duyên, trong một lần nhà sư đảnh lễ bạch xin và được HT.Pháp sư cho bộ Chơn lý toàn tập của Tổ sư Minh Đăng Quang.

Như có được của báu, trong hơn 6 năm tập sự, Sa-di rồi thọ Tỳ-kheo (1962-1968), tự thân nhà sư rất hoan hỷ thọ học bộ Chơn lý của Tổ sư; đồng thời tham học các bộ Sa-di luật giải Quy Sơn cảnh sách của HT.Thích Hành Trụ, cùng bộ Phật học phổ thông của HT.Thích Thiện Hoa - là những bậc luật sư và danh tăng đương thời. Cuối tháng 11 năm 1965, nhà sư xin phép HT.Bổn sư lên thành phố y chỉ tu học với HT.Pháp sư Giác Nhiên tại TX.Trung Tâm, Gia Định cho đến ngày đất nước hòa bình năm 1975. Do nhân duyên này, đến năm 1977, nhà sư được chỉ định trách nhiệm trụ trì TX.Trung Tâm. Bấy giờ, nhà sư nghĩ ngay đến việc phải mở lớp giáo lý hướng dẫn tu học cho Phật tử, và bộ sách mà nhà sư hướng đến chính là bộ Chơn lý.

TX.Trung Tâm nguyên là trụ sở của hệ phái, cho nên việc mở lớp học Chơn lý cho các Phật tử sẽ giúp họ được “uống dòng sữa mẹ” mà lớn lên. Không ngờ thấm thoát tròn 3 năm, từ năm 1977 đến năm 1980, nhà sư đọc giảng liên tục hai lượt trọn bộ Chơn lý. Lớp học vào mỗi chiều Chủ nhật, buổi đầu chỉ có 25 Phật tử, sau tăng dần lên hơn 100, rồi 200... theo thời gian. Đó chính là nhân duyên khởi đầu của nhà sư đọc và giảng bộ Chơn lý của Tổ sư.

thuyet phap 2.jpg


Tổ sư Minh Đăng Quang thuyết pháp cho cư sĩ - Ảnh tư liệu của HPKS

Xin Hòa thượng chia sẻ những điều tâm đắc từ lời dạy của Tổ sư trong quá trình đọc giảng Chơn lý?

- Tổ sư Minh Đăng Quang sinh ngày 26-9-Quý Hợi (1923), tại xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1937, ngài xin phép thân phụ rời quê hương sang xứ chùa Tháp tìm hiểu Phật pháp. Cuối năm 1941, ngài về lại quê nhà. Giữa năm 1943, ngài lên miền Thất sơn tầm sư xuất gia tu học. Sau đó, ngài hiện diện ở Mũi Nai, Hà Tiên tham thiền nhập định, thân chứng ý pháp “Thuyền Bát-nhã”, và được một thiện nam thỉnh về chùa Linh Bửu ở Phú Mỹ, Tân Phước, Tiền Giang ẩn tu 2 năm (1944-1946). Đến năm 1947, ngài bắt đầu hành đạo từ Long An xuống Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre; rồi trở lại Long An, Thủ Thừa; rồi lên Chợ Lớn, Sài Gòn-Gia Định (1948); sau đó lan tỏa rộng ra các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ cho đến ngày vắng bóng (1-2-Giáp Ngọ, 1954).

Trong suốt nhiều năm thọ học, đọc giảng Chơn lý, nhà sư rất tâm đắc tinh thần, tư tưởng, hành trì và hoằng hóa Chánh pháp của Tổ sư. Với tôn chỉ và mục đích “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, thành lập “Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam”, mặc dù thời gian hành đạo của Tổ sư không nhiều, chỉ tròn 10 năm (1944-1954), nhưng bộ Chơn lý là tài sản pháp bảo đối với Tăng Ni, Phật tử hệ phái. Ghi nhận cho thấy, Tổ sư tập trung cô đọng giáo pháp kinh luật luận một cách ngắn gọn, cụ thể và khoa học, rất phù hợp hoàn cảnh sống của xã hội nhân sinh giữa cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI.

Phần đầu bộ Chơn lý, ngài dành một số chủ đề giới thiệu khái quát về thế giới quan và nhân sinh quan, giúp cho thế hệ hậu học dễ tiếp cận. Các quyển Chơn lý như: Vũ trụ quan, Ngũ uẩn, Lục căn, Thập nhị nhơn duyên... để đến với Chánh pháp, như Chơn lý: Bát chánh đạo, Có và không, Sanh và tử, Chánh đẳng Chánh giác, Công lý võ trụ v.v... Tổ sư hướng dẫn thế hệ hậu học hữu duyên đi từng bước, từ sơ cơ đến trưởng thành trong giáo pháp, tuần tự qua các chủ đề Chơn lý: Cư sĩ, Bài học cư sĩ, Giới Phật tử v.v...; Khất sĩ, Luật Khất sĩ, Bài học Khất sĩ, Bài học Sa-di, Giới bổn Tăng - Giới bổn Ni v.v...; Nhập định, Thần mật, Số tức quan, Chơn như v.v...; Trường đạo lý, Xứ thiên đường, Khổ và vui v.v...

Xuyên suốt bộ Chơn lý, Tổ sư chỉ cô đọng tinh hoa kinh-luật-luận và giới-định-tuệ. Điều mà nhà sư tâm đắc nhất là dù với chủ đề nào, Tổ sư cũng luôn giữ vững nền tảng tư tưởng Chánh pháp, đề cao tinh thần sống chung tu học, thể hiện sự tinh tấn trong tu tập, hoằng hóa độ sinh và tinh thần viễn ly trong hạnh xuất gia, chuyển hóa các pháp tu sai lệch, mê tín dị đoan. Những lời giảng dạy của Tổ luôn gắn bó thuần nhất với giáo lý Tứ đế và Nhân quả trong cuộc sống.

Được biết Hòa thượng đã từng đọc, thọ trì và thuyết giảng nhiều bộ kinh, luận cũng như tác phẩm của chư vị Tổ sư, thiền sư… Hòa thượng có thể cho biết cảm nhận của mình về bộ Chơn lý của Tổ sư Minh Đăng Quang?

- Đức Phật là bậc Đại Giác ngộ, bậc Đại Đạo sư, bậc Thiên nhân sư, thầy của Trời Người. Tâm lực, đạo lực và trí tuệ của Ngài phủ trùm các cõi nhân thiên, vượt mọi không gian, thời gian. Những lời giáo huấn của Đức Phật luôn khai mở tâm thức vô minh, cảm hóa các hạng chúng sanh chuyển hóa khổ đau, thân chứng giải thoát. Tổ sư Minh Đăng Quang cũng đã thể hiện tâm nguyện của Bồ-tát hạnh, hành Duyên giác hạnh, giới thiệu gương hạnh “tri, hành” hợp nhất, gắn kết Chánh pháp trong giai đoạn Phật pháp lu mờ. Cho nên, những pháp thoại Chơn lý của Tổ là những pháp âm vang vọng, nhằm cảnh tỉnh, trợ giúp người hữu duyên nương về bờ giác giữa thời kỳ văn minh vật chất. Vì vậy, dù cách nhau hơn 2.600 năm, dù khác nhau về thời duyên nhưng giống nhau từ nền tảng kinh-luật-luận đến giới-định-tuệ của chư Phật, đặc biệt là tư tưởng Chánh pháp của Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni, Tổ sư đã triển khai ứng dụng trước thời duyên một cách rất gần gũi, tương đắc, góp phần cùng chư tôn đức Tổ sư Phật giáo Việt Nam đương thời phát huy, cổ xúy công cuộc “chấn hưng Phật giáo” nước nhà.

Do vậy, khi có dịp thọ học, đọc giảng các bộ kinh Nguyên thủy, sau đó là A-hàm, như: Trường A-hàm, Trung A-hàm, Tăng nhất A-hàm, Tạp A-hàm, rồi đến các bộ kinh Đại thừa: Hoa nghiêm, Bát-nhã, Niết-bàn... thì càng thấy tinh thần “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” của Tổ sư như là một thực tiễn gắn kết vi diệu hạt giống tâm Bồ-đề từ Đức Phật đến mọi tầng lớp nhân sinh trước thời đại là không có khoảng cách về không gian và thời gian qua lời dạy của Đức Phật: “Như Lai là Phật đã thành. Chúng sanh là Phật sẽ thành”. Ngày nay, nếu chúng ta có nhân duyên biết hướng về giáo pháp của Đức Phật, hành trì giới định tuệ một cách chuẩn mực, miên mật tinh tấn thì nhất định con đường thân chứng đạo quả là kết quả tất yếu.

7.jpg

Chư vị giáo phẩm hệ phái Khất sĩ

Với kinh nghiệm tu học lâu năm, đồng thời là vị Giáo phẩm Thường trực Hệ phái, xin Hòa thượng cho biết tầm quan trọng của bộ Chơn lý đối với đời sống tu học của Tăng Ni, Phật tử hệ phái hiện nay?

- Từ khi mới lập đạo, Tổ sư đã phác thảo một định hướng về tổ chức Tăng-già rất thực tiễn và đặc sắc: “Nên tập sống chung tu học: Cái sống là phải sống chung; Cái biết là phải học chung; Cái linh là phải tu chung”. Đây chính là nền tảng căn bản cho việc tu học, là sự thể hiện tinh thần Tam tụ, Lục hòa của Đức Phật được Tổ sư dạy rất rõ trong quyển Chơn lý “Hòa bình”. Mặt khác, Tổ sư đã chỉ rõ phương pháp ứng dụng tu tập thiền định bằng tinh thần hành trì giới định tuệ: “Giữ thân trong sạch là xứ Phật; Giữ miệng trong sạch là pháp Phật; Giữ ý trong sạch là con Phật; Và giữ tâm trong sạch là Đức Phật nơi mình” (Chơn lý “Tu và nghiệp”). Nếu Tăng Ni, Phật tử hệ phái có duyên quy ngưỡng tu học theo Chánh pháp chư Phật và Tổ sư, biết thọ nhận và tinh tấn hành trì thì nhất định không bị lệch lạc trong định hướng tu hành.

Trong Chơn lý “Đi tu”, Tổ sư từng giáo huấn người tu học Phật trước hết phải trau dồi tâm ý nơi tự thân cho thiện lành, trong sạch thì mọi việc, mọi sự sẽ theo đó mà thành tựu tốt đẹp. Nhân đây, nhà sư xin trích dẫn một ý pháp mà Tổ sư đã thực hành để thành tựu sự an trú hạnh phúc yên vui trước cuộc sống:

“Trong đời chúng ta ai chẳng mong ước sự thành công, sự vẻ vang bên ngoài, nhưng ít ai chịu ngó lại thâm tâm mình, nên phải bị vô thường thất bại, xấu hổ mà chúng ta chẳng biết nguyên nhân từ đâu. Khi chúng ta bị ai chửi là chúng ta giận ngay kẻ đó, mà không chịu xét lại tại cặp mắt mình có lỗi, háy nguýt người ta. Khi chúng ta bị người đánh đập thì chúng ta vội đánh lại họ, mà chẳng chịu tự đánh lấy cái nết hạnh xấu xa, không nghiêm chỉnh của mình. Chúng ta mải chê người mà chẳng biết tìm kiếm chỗ chê mình, chúng ta hẹp lượng quá, sái quấy quá. Chúng ta quên rằng cái trái nó vẫn lo sống lấy nó, mà khi nó chín thì ai cũng tìm đến cũng dùng được.

 Một viên ngọc nó có khoe khoang đâu, mà ai ai cũng tìm kiếm chen đua. Một ngọn đèn nào có ngó riêng ai mà tất cả ai cũng nhìn xem, và đến gần nó. Như vậy, tại sao chúng ta chẳng trau tâm ta cho tốt đẹp trước sự thành công vẻ vang. Tại sao chúng ta chẳng lo trau quả tâm ta mà chỉ mải lo việc bên ngoài chi cho thất bại tội lỗi. Chúng ta ai cũng sợ người ta xem mình là vô ích, là không quan trọng, nhưng cái hữu ích và quan trọng là tâm ta chớ, vì ai cũng tin được tâm ta hơn là việc làm bên ngoài của ta (…). Thế thì, chúng ta phải tu, tu trước đã. Hãy xét ngó tâm mình, đừng ngó việc người. Hạnh phúc của ta ở nơi tâm ta. Sự nghiệp của ta lớn nhỏ là tùy nơi tâm ta lớn nhỏ. Đạo quả trong ngoài kết thành một lượt không mau chậm”.

“Về nghe tình tự trên không
Ngàn chư thiên hội dâng bông cúng dường
Ánh Minh Quang đẹp mười phương
Ta-bà nghi ngút trầm hương khói mầu
Ngày nay cho đến ngàn sau

Dòng thơ pháp sử ngọt ngào tâm kinh”

(Trích Pháp sử ngọt ngào - Trần Quê Hương)

Chân thành cảm ơn Hòa thượng!

Minh Trúc thực hiện

Hệ phái Khất sĩ thông báo về lễ tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang và các Phật sự khác

HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS, Giáo phẩm Thường trực Hệ phái Khất sĩ - thành viên sáng lập GHPGVN - vừa ký thông báo về việc tổ chức lễ tưởng niệm 66 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng (1954-2020).

Trong tình hình chung, lễ tưởng niệm lần thứ 66 Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng vào ngày mùng 1-2, Canh Tý (2020), tùy vào tình hình thực tế của mỗi Giáo đoàn thuộc HPKS, nên thực hiện lễ tưởng niệm tại mỗi tịnh xá, không tập trung Phật tử các nơi khác về dự lễ, nhằm góp phần phòng chống dịch bệnh.

Riêng Giáo đoàn IV sẽ tổ chức Lễ tưởng niệm tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Q2. Chư Tăng Ni và Phật tử cận sự tại TP.HCM về dự lễ với số lượng hạn chế tối đa. Nghi thức cử hành lễ tưởng niệm thật ngắn gọn. Chư Tăng Ni không tổ chức đi khất thực truyền thống, thay vào đó là ngồi thiền tưởng niệm.

Tại tổ đình Minh Đăng Quang (Vĩnh Long), tịnh xá Ngọc Phương (Ni giới) cũng thực hiện tương tự như tại Pháp viện Minh Đăng Quang, chủ động hạn chế đến mức thấp nhất số người từ các nơi khác đến tham dự.

Một số Phật sự khác như: Khóa tu truyền thống lần thứ 35 của Ni giới HPKS dự định tổ chức tại Quảng Nam vào hạ tuần tháng Giêng ÂL; Lễ khánh thành và bổ nhiệm trụ trì tịnh xá Ngọc Linh (TP.Cam Ranh, Khánh Hòa); Các cuộc họp của Ban Tổ chức khóa tu và ngày họp của Giáo phẩm Thường trực HPKS, lễ tưởng niệm cố Trưởng lão Giác Lý, cũng như khóa tu truyền thống Khất sĩ lần thứ 31 sẽ tùy theo diễn biến của dịch bệnh mà có quyết định về thời điểm tổ chức thực hiện.

Các sinh hoạt tại địa phương như cúng hội theo truyền thống của Hệ phái, tu Bát quan trai hay các khóa tu niệm Phật… vẫn tu học bình thường, nhưng chỉ dành cho Phật tử tại địa phương; đồng thời thực hiện nghiêm túc sự hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh của cộng đồng; không quy tụ, không gọi, mời Phật tử từ các tỉnh thành khác cùng đến tham gia tu tập. (D.Ng)

* Báo Giác Ngộ trân trọng chào đón tin, bài cộng tác của quý bạn đọc, CTV. Bài vở hoan hỷ gửi về: onlinegiacngo@gmail.com

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.