GNO - HT.Thích Như Niệm, Phó BTS kiêm Trưởng ban Từ thiện xã hội (TTXH) GHPGVN TP.HCM nói về đề tài Cương yếu cho người xuất gia vào sáng nay, 6-10 tại chùa Phổ Quang (Huỳnh Lan Khanh, P.2, Q.Tân Bình) trong khuôn khổ của khóa bồi dưỡng trụ trì 2015 (ngày thứ 2).
Ngày thứ 2, khóa bồi dưỡng trụ trì do
HT.Thích Như Niệm chia sẻ với đề tài Cương yếu cho người xuất gia
Hòa thượng nói về người xuất gia với 3 ý nghĩa là xuất thế tục gia, xuất phiền não gia, xuất tam giới gia. Người xuất gia được mệnh danh là trưởng tử của Đức Như Lai, là phước điền của chúng sanh, là bực chúng trung tôn trong đại chúng. Với địa vị và danh nghĩa như thế, nên người xuất gia phải nghĩ đến bổn phận của mình, trước hết đối với tự thân, sau đối với Tam bảo và tất cả mọi người.
Người xuất gia là mạch sống của Đạo pháp, là dây liên lạc mật thiết giữa Tam bảo và mọi người. Nếu người xuất gia không làm tròn bổn phận, không những đời người xuất gia sẽ mất hết công đức pháp lạc mà còn thương tổn đến giá trị Tam bảo và gây ảnh hưởng xấu cho mọi người - Hòa thượng Như Niệm nhấn mạnh.
HT.Thích Như Niệm nói về đề tài
Trong phần thảo luận, nhiều câu hỏi của chư tôn đức trao đổi về vấn đề từ thiện xã hội cũng được đặt ra.
Câu hỏi, đối với công tác từ thiện xã hội, người xuất gia phải thực hiện như thế nào để đúng với tinh thần “Tục diệm truyền đăng, xiển dương Phật pháp; lợi lạc quần sanh” - được Hòa thượng trả lời: Từ thiện là một phương tiện để chúng ta hành đạo, một người tu nếu không mượn phương pháp này thì rất khó hoằng pháp lợi sanh. Cái quan trọng nhất khi làm từ thiện là do sở nguyện của từng người và phải nhớ cần có sự kết hợp của từ bi và trí tuệ. Trong bố thí thì có tài thí, pháp thí đây là sự kết hợp.
Hoặc như câu hỏi, hiện nay trong các cơ sở Phật giáo việc nuôi trẻ em, người gia rất phát triển nhưng cơ sở đó vẫn chưa có sự cho phép của Giáo hội, để chấn chỉnh lại những cơ sở này Giáo hội có biện pháp nào, hướng dẫn như thế nào để có sự ủng hộ của Giáo hội?
Hòa thượng cho biết, trong các ban ngành của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì có Ban TTXH, tôi là Phó ban Thường trực ban TTXH T.Ư, với trách nhiệm của mình chúng tôi đã có soạn thảo ra một quy chuẩn gồm 21 điều cho các cơ sở nuôi người già, trẻ em... để biết cách thực hiện cho hợp pháp. Hiện chúng tôi đang chờ Giáo hội xét duyệt.
Với câu hỏi, khi làm từ thiện gặp nghịch cảnh phiền não thì làm như thế nào? Và như vậy có lợi ích không? Người xuất gia cần phải chuẩn bị tư lương như thế nào trước khi làm công tác từ thiện xã hội?
Hòa thượng trả lời, tất cả mọi người ở đây khi làm việc đều sẽ gặp phiền não, khi gặp thì vui vẻ chấp nhận. Bởi người xuất gia là đi ngược lại dòng đời. Tu hành là tứ đại giai không nên không có gì vướng mắc hết. Để thực hiện thì cần có đủ duyên. Cứ thực hiện theo những lời Phật dạy thì đó là tư lương tích lũy...
Chư tôn đức lắng nghe bài hướng dẫn của Hòa thượng và ghi chép cẩn thận
Nói với Giác Ngộ về thông điệp của bài thuyết trình, HT.Thích Như Niệm, Phó Trưởng BTS kiêm Trưởng ban Từ thiện xã hội GHPGVN TP.HCM cho biết: “Đối với người xuất gia hiện nay, tôi thấy một số vị còn chạy theo cái lợi trước mắt chứ không vì lý tưởng. Để làm sáng tỏ lý tưởng ban đầu, người xuất gia phải xác định được quan điểm, lập trường của mình. Quan điểm đó là gì, đầu tiên phải biết bản thân là một trong ba ngôi báu Phật - Pháp - Tăng thì mới có trách nhiệm với Tam bảo. Thứ hai đối với chúng sanh, người trụ trì phải xác định rõ trách nhiệm, bổn phận của mình. Thứ ba mới tới tự thân của mình. Đây là ba việc cần phải thấu triệt và thực hiện cho đúng. Ước mong của tôi là khi các vị học ở khóa bồi dưỡng trụ trì sẽ tiếp thu được những ý tưởng, đường hướng chung của Giáo hội, áp dụng vào đời sống tu tập, quản lý tự viện để đóng góp cho Giáo hội ngày càng phát triển”. |
Như Danh