GNO - Khoảng 40 người đứng trong đống chai nhựa đã qua sử dụng ngập sâu đến tận mắt cá chân trong sân của một điểm tái chế tại Đài Bắc, đang giẫm lên cho bằng phẳng trong bước đầu tiên của một quá trình biến rác thành những món hàng có thể sử dụng được (ảnh).
Tại trạm điều hành của tổ chức từ thiện lớn nhất Đài Loan - Hội Từ Tế Phật giáo Đài Loan, hàng trăm tình nguyện viên đang giúp phân loại và tái chế chất thải nhựa cùng với chai thủy tinh và các thiết bị điện tử đã qua sử dụng khác.
"Chai nhựa sẽ không bị phân hủy ngay cả khi chúng được chôn vùi 1.000 năm, do đó chúng tôi bắt đầu tái chế và tái sử dụng chúng để làm giảm rác thải và ô nhiễm", bà Chien Tung-yuan, một phát ngôn viên của tổ chức, cho biết.
“Các chai nhựa đã qua sử dụng được xử lý trong một quy trình gồm 13 bước để trở thành hàng dệt may như chăn, quần áo và thậm chí cả những con búp bê".
Hội Từ Tế đang điều hành 5.400 trạm tái chế trên khắp Đài Loan với sự giúp đỡ của hơn 76.000 tình nguyện viên và đã phân phối hơn 460.000 tấm chăn được làm từ chai nhựa kể từ năm 2007 để sử dụng vào mục đích cứu trợ trong và ngoài nước.
Đối với các tình nguyện viên phụ trách nghiền các chai nhựa, những người đến từ hai nhà dưỡng lão dành cho bệnh nhân tâm thần gần đó, công việc tái chế cũng đã trở thành một phần trong liệu pháp trị liệu của họ, Chien nói.
"Họ đến đây hai lần một tuần vì công việc đơn giản này giúp họ tập trung và ổn định cảm xúc của mình, không chỉ để điều trị mà họ còn đang tạo ra một nhân tốt".
Đài Loan bắt đầu tái chế nhựa hơn một thập kỷ trước đây và ngày nay tự hào khi có hơn 70% tỷ lệ tái chế, theo Cục Bảo vệ môi trường.
Năm 2011, 193.000 tấn nhựa đã qua sử dụng được góp nhặt và biến thành nguyên liệu trị giá 5 tỷ đôla Đài Loan (172 triệu đôla Mỹ).
Đài Loan nổi tiếng hàng đầu quốc tế với loại "vải sinh thái" được sử dụng để làm áo trong cho 9 đội bóng trong World Cup 2010 ở Nam Phi.
Văn Công Hưng (Theo AFP)