GNO - Hơn 250 nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học, các cán bộ quản lý văn hóa tỉnh Ninh Bình và nhiều chuyên gia Phật học thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cùng tham gia Hội thảo khoa học về thân thế, sự nghiệp Thiền sư Nguyễn Minh Không diễn ra tại chùa Bái Đính sáng ngày 6-9.
Hội thảo đã cùng tập trung làm sáng rõ thân thế, sự nghiệp của Thiền sư Nguyễn Minh Không; đánh giá vị trí, vai trò và những đóng góp của Thiền sư Nguyễn Minh Không về văn hóa, Phật học, y học, kinh tế... trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam.
Toàn cảnh hội thảo
Tại buổi hội thảo, các nhà nghiên cứu cũng bất ngờ khi chiêm ngưỡng bức chân dung cổ về vị quốc sư Nguyễn Minh Không được vẽ với pháp tranh Mật tông Thangka với kỹ thuật thếp vàng lên lụa và dát ngọc.
Theo nhận định của Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, người xưa đã vẽ lên áo của vị quốc sư hình rồng năm móng để ngầm ám chỉ đây là vị quốc sư danh tiếng bậc nhất thời Lý, là người đã từng cứu sống vua Lý Thần Tông.
Trong bài tham luận của mình, TS Nguyễn Hữu Mùi - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết đã có 50 đạo sắc liên quan đến Thiền sư Nguyễn Minh Không được tìm thấy tại đền Thánh Nguyễn (Ninh Bình), cùng với văn bia và 2 cuốn tư liệu chữ Hán liên quan.
PGS.TS Trần Thị An, Đại học Quốc gia Hà Nội lại mang đến những phân tích về vị thiền sư qua những thần thoại về ông khổng lồ có hiệu là Minh Không đã khai sơn phá thạch vùng Ninh Bình được lưu truyền trong dân gian. Công trạng ông gắn với một số địa danh ở huyện Gia Viễn, hòn Nẹ (huyện Kim Sơn), núi Đồng Cân (huyện Hoa Lư)…
Từ các góc nhìn của mình, bà An kết luận: “Ý nghĩa sâu xa của nhân vật thần thoại này là những cống hiến mang tính khởi thủy cho vùng đất Ninh Bình như sắp đặt giang sơn, dạy dân chinh phục thiên nhiên bằng trồng cấy và đánh cá, khởi nguồn tu tập. Rồi từ đó, lan tỏa không gian huyền thoại ra vùng đồng bằng châu thổ Bắc bộ”.
Tranh cổ - chân dung Thiền sư Nguyễn Minh Không
Là đại diện cho các nhà sư thời hậu thế nghiên cứu, học tập tấm gương của bậc tiền nhân, TT.Thích Minh Quang, Uỷ viên HĐTS, Phó Chánh Văn phòng T.Ư GHPGVN, Phó ban kiêm Chánh thư ký BTS GHPGVN tỉnh Ninh Bình đã mang đến hội thảo những phân tích, góc nhìn nhằm làm nổi bật chủ đề: “Thiền sư Nguyễn Minh Không - một tấm gương sáng ngời về tinh thần nhập thế của Phật giáo thời Lý”.
Theo Thượng tọa, có 4 đặc điểm cơ bản tiêu biểu nhất để phác thảo lên chân dung về Thiền sư Nguyễn Minh Không - đó là một vị Thiền sư, Pháp sư, Dược sư, Quốc sư lỗi lạc. Ngài được nhân dân phong Thánh và tôn thờ khắp nơi với tên gọi gần gũi là Thánh Nguyễn. Các loại hình di tích thờ Thánh Nguyễn khá đa dạng gồm cả chùa, đình, đền và cụm đền chùa. Tại một số nơi có lễ hội gắn liền với Nguyễn Minh Không, tập trung nhiều tại các địa phương miền Bắc, tiêu biểu như chùa Viên Quang (Ninh Bình), chùa Keo (Thái Bình), chùa Cổ Lễ (Nam Định), chùa Ngũ Xã (Hà Nội), chùa Trông (Hải Dương), chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh).
TT.Thích Minh Quang trình bày đề tài nghiên cứu tại hội thảo
Được biết để chuẩn bị cho bài tham luận của mình, ngày 2-9 vừa qua, theo dấu chân xưa, Thượng tọa Minh Quang đã tìm về chùa Vân Mộng - nơi mà xưa kia Thiền sư Nguyễn Minh Không đã đến tìm cây thuốc để cứu nhân độ thế và lập am tu hành tại đây.
Thượng tọa cho biết, chùa Vân Mộng nằm sâu trong hang núi Tượng Lĩnh (xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), dưới chân hang chùa là thung lũng rộng khoảng gần 3ha với nhiều cây thuốc quý. Hiện tại chùa chỉ còn hang với nền móng cũ và mộ số hiện vật còn lại như: các chân tảng đá to, hai cây đại khoảng ngàn năm tuổi, một giếng đá tròn trên núi.
Thượng tọa Minh Quang diễn tả: “Đặc biệt, tôi có nhìn thấy 4 bia đá - trong đó 2 bia trong hang (hai bia này đều bị xây bệ thờ che lấp khoảng 2/3, còn đọc được dòng chữ lớn là Vân Mộng Nguyên Khánh Bi và niên hiệu Vĩnh Thọ Vạn Vạn Niên Trị Nhâm Dần - thời vua Lê Thần Tông 1658-1661) và 2 bia trên vách núi (một bia đã bị phong hóa toàn bộ, không còn đọc được chữ gì, một bia còn đọc được dòng chữ to là: Tạo Vân Mộng Tự Bi)”.
“Điều này có thể nhận định rằng: Thiền sư Minh Không luôn tìm cây thuốc để cứu nhân độ thế và tìm hang đá để lập am tu hành, thể hiện thinh thần tu hành và nhập thế tích cực”, Thượng tọa chia sẻ.
Kết thúc bài chia sẻ của mình, Thượng tọa Minh Quang nhấn mạnh: “Thiền sư Nguyễn Minh Không là tấm gương sáng ngời về tinh thần nhập thế của Phật giáo thời Lý. Và qua ngài đã thể hiện rõ tinh thần hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam. Có lẽ ngài là vị thiền sư duy nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam được vua phong Quốc sư, dân phong Thánh, bởi ngài không chỉ chữa bệnh thân cho Lý Thần Tông, mà điều quan trọng hơn là ngài chữa bệnh tâm và thuyết giáo về triết lý nhân quả và vô thường cho vua. Đây chính là một bậc Y vương”.
Phát hiện viên ngói cổ còn nguyên vẹn
Hội thảo khoa học về Thiền sư Nguyễn Minh Không do Uỷ ban Nhân tỉnh Ninh Bình và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp tổ chức - không chỉ tập trung làm rõ về thân thế, sự nghiệp của thiền sư, mà còn nhằm kế thừa, bảo vệ, phát huy những giá trị di sản lịch sử văn hóa liên quan đến Thiền sư Nguyễn Minh Không trong sự nghiệp xây dựng văn hóa, kinh tế, xã hội của tỉnh hiện nay.
Khép lại buổi hội thảo, TS Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Ninh Bình, đề xuất: “Cần lồng ghép các giá trị di sản liên quan đến thiền sư Nguyễn Minh Không trong kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình. Tiến hành kết nối các di sản liên quan đến thiền sư trong cả nước”.
Bia đá trên vách núi
Chùa Vân Mộng nhìn từ ngoài vào
Bia đá trong chùa Vân Mộng
Lương Đình Khoa