Hội thảo quốc tế về di sản Phật giáo Gandhara của Pakistan

Đại diện Phật giáo đến từ các quốc gia thuyết trình tại hội nghị
Đại diện Phật giáo đến từ các quốc gia thuyết trình tại hội nghị
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Vừa qua, Pakistan đã tổ chức một hội nghị quốc tế kéo dài 3 ngày, từ ngày 11 đến ngày 13-7-2023 với chủ đề “Ngoại giao văn hóa: Hồi sinh nền văn minh Gandhara và di sản Phật giáo ở Pakistan” tại thủ đô Islamabad, Cộng hòa Hồi giáo Pakistan.

Hội nghị nhằm thúc đẩy sự hòa hợp giữa các nước Phật giáo và không theo Phật giáo trong khu vực, cũng như giới thiệu việc bảo tồn các di sản Phật giáo cổ đại tại quốc gia này.

Sự kiện đặc biệt này có sự tham gia của một số nhà ngoại giao, nhà quảng bá du lịch, chuyên gia liên tôn và các nhân vật quan trọng khác đến từ Trung Quốc, Malaysia, Nepal, Hàn Quốc, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam.

Tổng thống Pakistan Arif Alvi phát biểu tại lễ khai mạc

Tổng thống Pakistan Arif Alvi phát biểu tại lễ khai mạc

Tổng thống Pakistan Arif Alvi, trong buổi lễ khai mạc hội nghị, đã nhấn mạnh rằng Pakistan hy vọng sẽ tăng cường nỗ lực thúc đẩy mối liên hệ ngoại giao thông qua du lịch và tôn giáo. Đối với Pakistan, nền văn minh Gandhara có đóng vai trò rất quan trọng đối với quốc gia, đại diện cho một khía cạnh to lớn trong di sản văn hóa phong phú của nước này.

Ông cũng cho biết trong thế giới ngày nay, hận thù, những hành động gây hấn, sự phân cực ngày càng gia tăng đã châm ngòi cho các cuộc xung đột và chiến tranh bùng nổ. Chính vì vậy, đã đến lúc cần phục hồi vai trò của các mối quan hệ ngoại giao văn hóa nhằm thúc đẩy đối thoại giữa các nền văn minh trên thế giới. Đặc biệt, ngoại giao về văn hóa rất có tiềm năng trong việc thắt chặt mối quan hệ của các quốc gia trên toàn cầu. Do đó, việc phục hồi nền văn minh Gandhara và di sản Phật giáo ở Pakistan lại trở nên quan trọng và cấp bách hơn bao giờ hết.

Hội thảo quốc tế về di sản Phật giáo Gandhara được tổ chức bởi Quốc vụ khanh đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ về du lịch Gandhara, Viện Nghiên cứu chiến lược Islamabad (ISSI), và Tổng cục Bảo tàng và Khảo cổ học, Chính phủ Khyber Pakhtunkhwa.

TS.Ramesh Kumar Vankwani, Quốc vụ khanh đặc phái viên của Thủ tướng về du lịch, nói rằng sự kiện này nhằm thúc đẩy hòa bình và tình đoàn kết giữa các tôn giáo cũng như quảng bá những di sản Phật giáo quý giá của Pakistan đến toàn thế giới, đặc biệt là Phật tử và những người quan tâm đến Phật giáo. Ông cho biết: “Mục tiêu của hội nghị chuyên đề là nâng cao nhận thức của toàn cầu về ý nghĩa lịch sử và văn hóa của nền văn minh Gandhara và di sản Phật giáo ở Pakistan. Sau sự kiện trọng đại này, chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc thi nghệ thuật Gandhara cấp quốc gia để thu hút sinh viên và nghệ sĩ tham gia quảng bá về văn hóa và du lịch Gandhara ở trong và ngoài nước”.

GS.TS Haridaya Ratna, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Phật giáo Lumbini tại Nepal, bày tỏ niềm hoan hỷ khi đến Islamabad tham dự hội nghị: “Phật giáo Đại thừa mà chúng tôi thực hành ở Nepal xuất phát từ Gandhara. Phật giáo được chúng tôi tiếp nhận như một tài sản quý giá. Chúng tôi xem đây là một di sản chung của Kathmandu và Pakistan. Từ nền văn minh Gandhara, ánh sáng Phật giáo đã được lan tỏa đến nhiều nơi trên thế giới”.

Di sản Gandhara là một phần quan trọng và lớn lao của kho tàng văn hóa nghệ thuật Phật giáo nói riêng và thế giới nói chung

Di sản Gandhara là một phần quan trọng và lớn lao của kho tàng văn hóa nghệ thuật Phật giáo nói riêng và thế giới nói chung

Nổi tiếng với bề dày lịch sử Phật giáo, Pakistan là nơi có những tàn tích quan trọng của nền văn minh Gandhara cổ đại, bao gồm Takshasila (Taxila), Purushapura (Peshawar), Pushkalavati (Charsadda) và nhiều địa điểm khảo cổ nằm rải rác trên Gilgit Baltistan. Dưới triều đại của vua Ashoka, tuyến đường giữa Gilgit và Kashmir đã được thiết lập và tạo điều kiện cho sự truyền bá Phật giáo sang Trung Quốc và Tây Tạng thông qua khu vực Gilgit.

Vào thế kỷ I, dưới triều đại Kushan (Quý Sương) vua Kanishka, Gandhara thật sự tỏa sáng thành một nền nghệ thuật được trộn lẫn giữa sự tinh tế của phương Tây và sự hài hòa của phương Đông qua các kiệt tác văn hóa, nghệ thuật nói chung; đặc biệt là nghệ thuật Phật giáo, tôn giáo được nhà vua ủng hộ mạnh mẽ trước các tôn giáo khác cùng thời…

Gandhara là một trong những khu vực quan trọng nhất đối với sự phát triển của Phật giáo sơ kỳ sau khi được truyền bá rộng rãi ra khỏi vùng Tây Bắc của Ấn Độ. Nằm trên lãnh thổ của Pakistan và Afghanistan ngày nay, Gandhara từng là nơi giao thương thịnh vượng của các đế chế Hy Lạp và Ba Tư ở phía Tây, Ấn Độ ở phía Nam và phía Đông và Trung Quốc ở phía Bắc, tất cả được kết nối bởi Con đường tơ lụa, đi về hướng Bắc và sau đó về hướng Đông qua Đôn Hoàng và đi vào miền trung của Trung Quốc.

Các thành phố được phát hiện gần đây ở vùng Gandhara sở hữu các yếu tố nghệ thuật từ nhiều nền văn minh và thời kỳ lịch sử khác nhau. Điều này giúp cho các nhà khảo cổ học hiểu thêm về cuộc sống và tập quán thời đó.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.