Tham dự lễ khai mạc có HT.Thích Đức Nghiệp, Phó Thư ký HĐCM GHPGVN; HT.Thích Trí Quảng - Phó Chủ tịch HĐTS, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM; HT.Thích Giác Toàn - Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Viện trưởng Học viện, Trưởng ban Tổ chức Hội thảo cùng chư tôn đức HĐTS, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, Thường trực BTS THPG TP.HCM và tỉnh Bình Dương. Đông đảo các giáo sư, các nhà nghiên cứu, học giả trong cả nước như: Giáo sư, NGND Hoàng Như Mai, GS Trần Hữu Tá, GS Nguyễn Huệ Chi, GS Mạc Đường… cùng hơn 300 Tăng Ni, Phật tử đã đến dự…
Trong lời phát biểu khai mạc, HT. Thích Trí Quảng nhấn mạnh tinh thần “nhận chân lịch sử, thắp sáng tương lai”, nêu lên tinh thần Phật giáo gắn kết với dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc từ khi dựng nước, các vị tiền bối Phật giáo luôn đặt lợi ích của dân tộc trên lợi ích của cá nhân, tuy có những lúc các thế lực thù địch ngoại bang xem Phật giáo như là một tôn giáo làm cản trở con đường xâm chiếm Việt Nam nên đã tìm cách dựa vào thế lực của nhà cầm quyền đương thời nhằm tiêu diệt Phật giáo mà nổi bật nhất là năm 1963. HT nhấn mạnh: “Hàng ngàn năm qua, vô vàn những Phật tử, những vị cao tăng chân chính ở nước ta luôn luôn kiên trì một lý tưởng “nhập thế độ sinh”, một quan niệm “Phụng sự dân tộc cũng chính là một Phật sự vô cùng quan trọng”…, sự an nguy của dân tộc cũng chính là nỗi lo canh cánh trong lòng của những người con Phật; phàm đã một lòng kính Phật thì cũng chân thành thương dân, luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích cá nhân”. Suốt chiều dài lịch sử, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc hòa quyện trong sự thăng trầm của lịch sử dựng nước và giữ nước…
Quang cảnh khai mạc Hội thảo
Nhà giáo Nhân dân, GS Hoàng Như Mai phát biểu
GS Trần Hữu Tá báo cáo lời dẫn
Trong bản báo cáo lời dẫn, GS Trần Hữu Tá, Tổng Thư ký Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP.HCM đã trình bày quyển sách “Hội thảo khoa học Văn học, Phật giáo với 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội” được chia làm 2 phần lớn: Phần I: Phật giáo với 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội gồm có 32 bài tham luận được sắp xếp thành 3 tiểu mục: Phật giáo thời Lý, Phật giáo thời Lý-Trần và Phật giáo sau đời Trần. Phần II: Văn học với 1.000 năm Thăng Long có 37 bài viết được chia thành 3 cụm:Văn học Lý Trần, văn học cổ điển sau đời Trần và văn học hiện đại.
Sau phần khai mạc, Hội thảo đã chia làm hai 2 nhóm thảo luận: nhóm 1: Phật giáo và 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, và nhóm 2: Văn học và 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
HT.Thích Đức Nghiệp ban đạo từ
Chư tôn đức Ban Tổ chức và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
HT. Thích Giác Toàn báo cáo tổng kết sau một ngày làm việc
Buổi chiều cùng ngày, HT.Thích Giác Toàn, Trưởng ban Tổ chức Hội thảo đã báo cáo tổng kết và đánh giá những thành tựu nhất định nhằm chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Có thể nói, hội thảo lần này là một sinh hoạt tập hợp được tâm huyết của giới trí thức khoa học xã hội nhân văn trong cả nước, tạo được một điểm nhấn tốt đẹp trong hàng loạt các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã tiến hành cả năm nay và vẫn còn đang tiếp tục được triển khai.