Hội thảo khoa học “Bắc Ninh với vương triều Lý”

Hội thảo khoa học “Bắc Ninh với vương triều Lý”
Ngày 8/4 vừa qua, tại Trung tâm Văn hóa Thể thao Phú Sơn, Sở VH,TT&DL Bắc Ninh đã phối hợp với Văn hóa – Nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Bắc Ninh với vương triều Lý”.

Đến dự hội thảo có các nhà khoa học, nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa TƯ và địa phương. Đây là một trong những hoạt động thiết thực của tỉnh Bắc Ninh hướng tới 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

 Hội thảo thu hút 40 tham luận của các nhà khoa học, nghiên cứu, quản lý TƯ và địa phương, tập trung vào các vấn đề chính xoay quanh chủ đề “Bắc Ninh với vương triều Lý”:  Vai trò của nhà Lý với sự phát triển của văn hóa Bắc Ninh và sự gắn kết chặt chẽ với văn hóa Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội; Khẳng định vị trí, vai trò của văn hóa, văn hiến Bắc Ninh trong sự phát triển của văn hóa Đại Việt; Trong xu thế hội nhập, Bắc Ninh với mật độ di tích, di chỉ vật thể, phi vật thể và danh nhân văn hóa thời Lý đậm đặc sẽ là tiềm năng nhân văn để phát triển du lịch…

Hội thảo ghi nhận những kết quả của tỉnh Bắc Ninh đã đạt được trong công tác tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Lý; chủ động tổ chức đa dạng và phong phú các hoạt động hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Di sản văn hóa thời Lý trong văn hóa, văn hiến Bắc Ninh

Trong mối liên hệ với văn hóa Thăng Long, di sản văn hóa thời Lý ở Bắc Ninh đóng vai trò quan trọng bởi đây là nơi phát tích vương triều Lý, khai mở nền văn minh Đại Việt. Báo Bắc Ninh xin giới thiệu những ý kiến tâm huyết tại hội thảo khoa học “Bắc Ninh với vương triều Lý”.

Lý Công Uẩn là người gắn kết văn hóa Kinh Bắc với Thăng Long và xứ Đoài (GS.TS Phạm Đức Dương, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á)

Dời đô ra Thăng Long đồng nghĩa với việc Lý Công Uẩn đã gắn kết, hội nhập được hai nền văn hoá, vừa bảo lưu văn hoá bản địa ở xứ Đoài vừa tích hợp với văn hoá vùng Kinh Bắc để kết tạo nên một bức tranh văn hoá tổng thể của người Đại Việt xưa cũng như nền văn hoá, văn hiến Việt Nam ngày nay.

Ngay từ buổi đầu dựng nước, Lý Công Uẩn đã có một tầm nhìn rộng, nhìn xa khi lấy văn hoá, hiền tài, tri thức làm trọng để xây dựng nhà nước theo con đường văn hoá. Không dùng vũ lực mà dùng bút, dùng văn chứ không phải dùng võ để xây dựng một quốc gia văn hiến. Cũng chính vì thế, quốc gia văn hiến được gắn với thời kỳ dựng nước Đại Việt từ khi Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long và trở thành biểu tượng của Việt Nam qua mọi thời đại.

Ngọn nguồn lịch sử mảnh đất quê hương nhà Lý (PGS.TS Trịnh Sinh, Viện Khảo cổ học)

“Địa linh” tất sinh ra “nhân kiệt”, Bắc Ninh là một mảnh đất như vậy. Lý giải cho câu hỏi vì sao mảnh đất này lại sinh ra 8 vị vua triều Lý làm rạng danh dân tộc, chúng ta phải tìm về ngọn nguồn lịch sử mảnh đất này, không chỉ vài trăm năm mà hàng nghìn năm. Những chứng tích khảo  cổ cho thấy con người đến khai phá mảnh đất này ít ra từ cách đây khoảng gần 4.000 năm về trước.

Ở thời đại này, Bắc Ninh có tới 33 làng cổ, là một trong những tỉnh có mật độ làng cổ dày đặc nhất. Vào thời Hùng Vương-An Dương Vương, Bắc Ninh thuộc địa phận 1 trong 15 bộ của các vua Hùng, vua Thục. Trong thời kỳ “Bắc thuộc”, Bắc Ninh được biết đến với vùng đất Luy Lâu nổi tiếng là trung tâm Phật giáo lớn nhất nước với hệ thống chùa Tứ Pháp. Có thể khẳng định rằng, không phải ngẫu nhiên mà lịch sử chọn mảnh đất Bắc Ninh là nơi phát tích vương triều Lý. Đó là một cây đại thụ mọc trên một mảnh đất địa linh, giàu truyền thống lịch sử.

Cần nghiên cứu thiết lập tuyến lữ hành-du lịch di sản văn hóa thời Lý ở Bắc Ninh   (Ths. Nguyễn Hữu Toàn, Cục Di sản)

Vì là đất phát tích vương triều Lý, lại nằm liền kề kinh đô Thăng Long, tiện bề cho các vua Lý cùng hoàng tộc đi lại nên Bắc Ninh cũng là vùng đất hiện còn lưu lại được rất nhiều di sản thời Lý. Giá trị đặc biệt của các di sản văn hóa thời Lý ở Bắc Ninh là “câu chuyện” rất dễ thống nhất, nhưng vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị những di sản văn hóa ấy thì còn nhiều việc cần làm. Theo chúng tôi, việc tổ chức nghiên cứu thiết lập tuyến lữ hành du lịch di sản văn hóa thời Lý ở Bắc Ninh là việc rất nên làm và cần được làm sớm.

Tuyến lữ hành-du lịch ấy cần thiết lập trên quy mô cả tỉnh với các điểm: Đình Bảng, Đình Sấm, Phật Tích, Tiêu Sơn, Đại Lãm, Thiên Thai, và đặc biệt là hệ thống di tích về phòng tuyến chống Tống bên sông Cầu... Trên cơ sở đó có thể chia tiếp thành các tuyến nhỏ theo khu vực địa lý hoặc chủ đề thích hợp. Cũng có thể nghiên cứu thiết lập các tuyến lữ hành-du lịch trên cơ sở gắn kết các di sản văn hóa thời Lý ở Bắc Ninh với các di sản văn hóa thời Lý trên địa bàn Hà Nội và vùng phụ cận; Bắc Ninh cũng là địa phương có tiềm năng du lịch nổi trội và dồi dào cần khai thác tốt qua việc thiết lập tuyến lữ hành-du lịch: di sản văn hóa thời Lý khác, làng nghề thủ công truyền thống, dân ca Quan họ, ẩm thực xứ Kinh Bắc... Việc nghiên cứu thiết lập các tuyến lữ hành-du lịch nói trên không chỉ nhằm quảng bá rộng rãi các di sản văn hóa thời Lý ở Bắc Ninh mà còn nhằm khai thác có hiệu quả kho tàng di sản văn hóa quý báu này phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, qua đó thực sự tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa di sản với cộng đồng và cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.