Hội nghị Sakyadhita lần thứ 11 tại Việt Nam: Nữ giới Phật giáo lỗi lạc

Từ ngày 28-12-2009 đến 3-1-2010, Hội nghị Nữ giới Phật giáo Thế giới Sakyadhita sẽ diễn ra tại Nhà Truyền thống-Văn hóa, chùa Phổ Quang, Q.Tân Bình (TP.HCM). Hội nghị sẽ có 320 đại biểu quốc tế đến từ hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ và trên 1.400 đại biểu trong nước tham dự. Hội nghị lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam do Phân ban Đặc trách T.Ư (thuộc Ban Tăng sự T.Ư) đăng cai tổ chức nhằm xây dựng mối quan hệ bền vững, nâng tầm giá trị đời sống phạm hạnh, vì sự tiến bộ và bình đẳng của nữ giới Phật giáo trên toàn thế giới...

Hội nghị Sakyadhita (Người con  gái của Đức Phật) hay còn gọi là  Hội nghị Nữ giới Phật giáo Thế giới, đây là Hội nghị của chư Ni và nữ cư sĩ Phật giáo. Hội nghị nữ giới Phật giáo Thế giới lần thứ I tổ chức tại Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ vào năm 1987. Từ đó đến nay đã trải qua 10 lần (hai năm tổ chức một lần), Hội nghị được tổ chức tại các nước và vùng lãnh thổ khác nhau: Ấn Độ, Thái Lan, Sri Lanka, Campuchia, Nepal, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Mông Cổ… Những người tham gia vào tổ chức Sakyadhita bao gồm nhiều truyền thống Phật giáo khác nhau và cùng nhau gặp gỡ trao đổi thực nghiệm tu tập, trao đổi, nâng cao kiến thức, giúp đỡ lẫn nhau nhằm mang lại lợi lạc cho đời sống tu tập, hành trì. Đồng thời, nỗ lực mang lại những giá trị thiết thực từ sự bình đẳng, hạnh phúc cho số đông phụ nữ Phật giáo và tạo điều kiện cho nữ giới Phật giáo phát triển khả năng của mình để đóng góp, phục vụ cho lợi ích của toàn xã hội.

chuni-3.gif

Nhà Truyền thống Văn hóa Phật giáo - nơi diễn ra Hội nghị Sakyadhita

Sự kiện Hội nghị Nữ giới Phật giáo Thế giới Sakyadhita được tổ chức tại Việt Nam là một sự kiện lớn của Ni giới Phật giáo Việt Nam . “Ngay từ tháng 1-2009, Ni sư Tiến sĩ Kamar Lekshe Tsomo, Chủ tịch sáng lập Sakyadhita sang Việt Nam đặt vấn đề tổ chức Hội nghị tại Việt Nam vì tin tưởng rằng chư Ni Phật giáo Việt Nam có đời sống tu học tốt, là một trong số các nước có chư Ni đông nhất trên thế giới. Đó là một tin vui đồng thời cũng là trách nhiệm và thách thức lớn đối với chúng tôi. Được sự cho phép của chư tôn đức giáo phẩm HĐTS, Ban Tăng sự T.Ư, Ban Tôn giáo Chính phủ và được sự cố vấn trực tiếp của chư tôn đức Tăng, chúng tôi đã tập trung toàn lực để lo khâu chuẩn bị và mong rằng Hội nghị sẽ thành công tốt đẹp trên nhiều lãnh vực”, Ni sư TN.Huệ Từ - Chánh Thư ký Phân ban Đặc trách Ni giới T.Ư cho biết.

Hội nghị Sakyadhita có chủ đề chính: “Nữ giới Phật giáo lỗi lạc” (Eminent Buddhist Women) sẽ có 81 tham luận gồm nhiều đề tài: Những giá trị tu tập trong đời sống của chư Ni và nữ Phật tử trong lịch sử cũng như hiện đại. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề cấp thiết được xã hội quan tâm hiện nay như: Ứng dụng lời Phật dạy trong đời sống hiện đại, Nạn bạo hành gia đình, Sự bình đẳng giới, Vì môi trường sống, tự do và tiến bộ của nữ giới Phật giáo… Đại biểu sẽ tham gia thảo luận tại hội trường chính, ngoài ra còn thảo luận nhóm.

Đây là sự kiện trọng đại của nữ giới Phật giáo Việt Nam và nữ giới Phật giáo trên toàn thế giới nên Ban Tổ chức muốn thể hiện sự đa dạng các nghi lễ truyền thống Ni giới Phật giáo của các phái đoàn tham dự. Do đó, về nghi lễ truyền thống sẽ thực hiện 7 nghi thức khác nhau của 7 phái đoàn Ni giới quốc tế tiêu biểu (mỗi đoàn 3 phút) gồm: Thái Lan, Trung Quốc , Indonesia , Nhật Bản, Tây Tạng, Triều Tiên và Việt Nam .

Các buổi tối trong tuần diễn ra Hội nghị sẽ có chương trình thuyết pháp do Ni sư Tiến sĩ Kamar Lekshe Tsomo, Chủ tịch sáng lập Sakyadhita; Ni sư Tiến sĩ Tenzin Palmo, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Trong động tuyết sơn” và Ni trưởng TN.Tịnh Thường, Phó Trưởng Phân ban Đặc trách Ni giới T.Ư trình bày về các truyền thống tu tập chư Ni Phật giáo thế giới, đời sống của chư Ni Phật giáo Việt Nam và chia sẻ những thực nghiệm tu tập của bản thân.

chuni-1.gif
Mô hình lễ đài chính của Hội nghị Sakyadhita lần thứ 11

Theo Ni trưởng TN.Tịnh Nguyện, Phó ban thường trực Phân ban Đặc trách Ni giới T.Ư, Phó ban Tổ chức cho biết: Hội nghị Nữ giới Phật giáo Thế giới nhằm thiết lập mối quan hệ quốc tế, đi đến sự thống nhất và hòa hợp để nâng tầm giá trị của Ni giới và nữ cư sĩ Phật giáo. Qua đó đẩy mạnh mối quan hệ tốt đẹp dựa trên sự hòa hợp, trao đổi các truyền thống Phật giáo các nước và vùng lãnh thổ. Hội nghị cũng tạo cơ hội cho nữ giới Phật giáo thế giới trao đổi kinh nghiệm tu học, xiển dương Chánh pháp, đóng góp vào hòa bình thế giới thông qua thực hành lời dạy của Đức Phật.

Hội nghị lần thứ 11 tại Việt Nam cũng sẽ giới thiệu nhiều tấm gương tu học của các vị giáo phẩm Ni tiền bối, nữ Phật tử Việt Nam được lịch sử, dân tộc ghi nhận là bậc nữ lưu tài hoa, xuất chúng và đóng góp to lớn cho sự hình thành và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử hơn 2.000 năm của Phật giáo Việt Nam…

Hiện nay, Ban Tổ chức chuẩn bị cho công tác tổ chức tại chùa Phổ Quang, quận Tân Bình nơi diễn ra Hội nghị hòa trong không khí phấn khởi, nhộn nhịp của tiến độ khẩn trương chuẩn bị, thiết trí hội trường, sân khấu và khu vực triển lãm. Tiểu ban Văn hóa cũng đã chuẩn bị hơn 100 bandrole, pano chào mừng, cổ động treo dọc từ Sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực Công viên Hoàng Văn Thụ đến Nhà Truyền thống-Văn hóa Phật giáo, chùa Phổ Quang. Theo Ban trần thiết, bên trong hội trường sẽ thiết kế lễ đài chính đồng thời là sân khấu thể hiện đậm nét lịch sử Ni giới và đặc trưng văn hóa Việt Nam qua hình tượng: Đức Kiều Đàm Di Mẫu đang thuyết pháp, mái chùa, trúc và hoa sen.

nigioi-4.gif
 Ni sư Karma Lekshe Tsomo (người thứ 5 từ trái qua) 
Tiến sĩ Triết học, Chủ tịch Hội Sakyadhita

Theo Ni sư TN.Như Cương, Trưởng tiểu ban Văn hóa, trong suốt các ngày diễn ra Hội nghị, Ban Tổ chức sẽ triển lãm, trưng bày hình ảnh tư liệu Phật giáo với chủ đề “Nữ giới Phật giáo Việt Nam hình thành và phát triển” gồm 8 đề mục quan trọng: Lịch sử Ni giới từ đầu Tây lịch đến thế kỷ XXI, hình ảnh sinh hoạt của Ni giới trên các lĩnh vực: Hoằng pháp, Giáo dục, Văn hóa, Kinh tế, Từ thiện xã hội của Ni giới từ cận hiện đại; Ban Quản trị Ni bộ từ thời Chấn hưng Phật giáo đến nay, thống kê tự viện Ni và Phật tử Việt Nam; Phật giáo tranh đấu bất bạo động vì Pháp nạn 1963 và hòa bình Việt Nam giai đoạn 1966-1967 và nhiều hình ảnh sinh hoạt sinh động, đặc trưng của Ni giới Phật giáo các tỉnh, thành.

Chương trình văn nghệ cũng đang tổng dợt trên sân khấu lần sau cùng để chuẩn bị phục vụ cho các đại biểu tham dự Hội nghị. Một số tiết mục mang đậm dấu ấn lịch sử của Ni giới và mang đậm tinh hoa, bản sắc văn hóa của dân tộc: vũ nhạc kịch “Cuộc đời Đức Phật và Tổ Kiều Đàm Di” của Phân ban Đặc trách Ni giới T.Ư; múa cung đình của Phân ban Đặc trách Ni giới Thừa Thiên Huế, múa cồng chiêng của Phân ban Đặc trách Ni giới Daklak.

Một số chương trình phụ của Hội nghị cũng được chuẩn bị chu đáo, từ khâu lo nơi lưu trú cho đại biểu quốc tế cho đến cách di chuyển cũng được hoàn tất. Sau Hội nghị, các đại biểu quốc tế cũng được Ban Tổ chức hướng dẫn thăm viếng các văn phòng của Giáo hội, UBND TP; giới thiệu đến đại biểu quốc tế các thắng tích Phật giáo tiêu biểu tại TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu.

chuni-2.gif

Ni trưởng TN.Huyền Huệ, Trưởng Phân ban Đặc trách Ni giới T.Ư, đồng Chủ tịch Ban Tổ chức:

Sự kiện Sakyadhita lần thứ 11 được tổ chức tại Việt Nam là một sự kiện trọng đại trong Ni giới Việt Nam nói riêng và Ni giới thế giới nói chung, chúng tôi hy vọng sẽ tổ chức thành công sự kiện này trên nhiều bình diện. Đặc biệt là xây dựng được mối liên hệ bền chặt của nữ giới Phật giáo thế giới để cùng nhau giữ gìn và phát triển các giá trị truyền thống Phật giáo. Học tập đời sống phạm hạnh, hành trì của chư vị Ni tiền bối. Nữ giới Phật giáo sẽ có cơ hội tự thắp lên ngọn đuốc trí tuệ của chính mình, phát triển năng lực tự thân để nâng tầm giá trị trong xã hội hiện đại vốn nhiều thách thức. Chúng tôi cùng nhau giúp đỡ, tạo điều kiện cho nữ giới Phật giáo dấn thân để đóng góp, hướng đến sự bình an của con người, cải tạo môi trường sống, đưa xã hội tiến gần hơn đến sự công bằng, bình đẳng và vì một thế giới hòa bình cho nhân loại.

Hiện nay nhiều mâu thuẫn đang tồn tại, trong đó sự xung đột gay gắt giữa con người và thiên nhiên, con người và con người, con người và xã hội... Nữ giới Phật giáo thế giới cùng ngồi lại với nhau tìm một giải pháp, một phương hướng để hóa giải, bắt tay nhau trong tình đoàn kết hòa hợp, phát triển năng lực của mỗi người để dấn thân, hòa mình và làm chủ bản thân trong mọi hoàn cảnh sống. Sự dấn thân của mỗi người trên con đường vì sự hòa hợp, bình đẳng, tự do, tình thương, trí tuệ và hòa bình là tiến đến sự tiến bộ của xã hội hiện đại. Đó cũng là mục đích chúng tôi muốn hướng đến trong Hội nghị Sakyadhita lần thứ 11 này.

Chúng tôi được chư tôn đức Giáo phẩm GHPGVN, các ban ngành đoàn thể... tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ để Hội nghị diễn ra tốt đẹp. Đây là niềm phấn khởi để chúng tôi tiếp tục phấn đấu điều phục tâm và xiển dương những giá trị đạo đức phù hợp với thời đại và cộng đồng xã hội.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 389/GP-BTTTT ngày 02-8-2022
Tổng Biên tập: Thượng tọa Thích Tâm Hải
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Xuân Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2025 - Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.