GNO - Hội nghị Phụ nữ Phật giáo Quốc tế lần thứ IV, với chủ đề “Phật giáo và phát triển bền vững”, được tổ chức tại Ulaanbaatar từ ngày 31-10 đến ngày 1-11 vừa qua. Hội nghị được tổ chức tại Đại học Quốc gia Mông Cổ và đã thu hút 140 người tham gia cùng 36 diễn giả đến từ các quốc gia: Úc, Trung Quốc, Hungary, Mông Cổ, Nga, Hàn Quốc.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Mục đích của hội nghị là giới thiệu các khái niệm Phật giáo cơ bản như lòng từ bi trong việc nâng cao trách nhiệm xã hội của người Phật tử, phân tích các khía cạnh khác nhau của văn hóa và giáo dục Phật giáo. Mục tiêu này đạt được thông qua sự hợp tác giữa các tổ chức dân sự và Phật giáo, các hoạt động nghiên cứu và đào tạo, thông qua việc khuyến khích sự sáng tạo và phổ biến công việc của các nhà nghiên cứu.
Diễn đàn này được tổ chức bởi sự kết hợp của phụ nữ Phật giáo ở Mongolia Buman Khand (Million Dakinis), Khoa Triết học và Tôn giáo tại Đại học Quốc gia Mông Cổ (NUM), Hiệp hội Nghiên cứu Tôn giáo Mông Cổ và Hiệp hội nghiên cứu Tây Tạng - Mông Cổ.
Phát biểu chào mừng được thực hiện bởi Giáo sư Tiến sĩ P. Delgerjargal (Phó Giám đốc bộ phận nhân văn của Khoa Khoa học thuộc NUM), HT.D. Choijamtso (trụ trì Trung tâm Phật tử Mông Cổ tại tu viện Gandantegchinlen), TS.Khulan (cố vấn Chính sách văn hóa và tôn giáo của tổng thống Mông Cổ), GS.TS.B. Dagzmaa (Trưởng khoa Triết học và Tôn giáo của NYM), GS.TS S. Tsedandamba (người đứng đầu Hiệp hội các nhà nghiên cứu tôn giáo) và TS.Birtalan Ágnes (Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Mông Cổ Quốc tế, giáo sư tại Khoa Nghiên cứu Mông Cổ và Nội Á - Đại học Eötvös Loránd, Hungary).
Đại học Quốc gia Mông Cổ và các tổ chức văn hóa khác bày tỏ sự ủng hộ chủ yếu cho hội nghị bởi vì vai trò của phụ nữ trong truyền thống Phật giáo Mông Cổ là một chủ đề vẫn chưa được khám phá. Nó gần đây đã được đưa vào trong nỗ lực học tập của các tổ chức này như là một lĩnh vực nghiên cứu mới.
Các diễn giả trình bày tại hội nghị
Các chủ đề được thảo luận trong hội nghị bao gồm văn hóa Phật giáo Mông Cổ, triết học Phật giáo truyền thống và hiện đại, phụ nữ Phật giáo, nghệ thuật Phật giáo, cải cách Phật giáo, bảo tồn môi trường, y học và giáo dục gia đình. Chủ đề của phụ nữ Phật giáo được trình bày qua một phân tích về giới luật, hạnh nguyện, giáo dục và đạo đức. Vấn đề về cuộc sống của phụ nữ trong thời kỳ thanh lọc và áp lực chính trị cũng được trình bày.
Một chủ đề hấp dẫn khác là cuộc đời của các nữ tu Phật giáo và không hành nữ (dakini) - các nữ cư sĩ có phẩm chất tâm linh đặc biệt. Sự đấu tranh và thách thức của họ là chủ đề thảo luận của các học giả.
Trong số các diễn giả nổi tiếng là Ni trưởng Thubten Gyalmo (Glenda Lee) đến từ Tây Úc, người chuyển đến Mông Cổ năm 2008. Ni trưởng đã giới thiệu cuộc sống của các nữ tu Phật giáo phương Tây, bao gồm giới luật, đào tạo và những thách thức mà họ phải đối mặt.
Các học giả, nhà nghiên cứu và các nhà sư đã thảo luận một số vấn đề mà phụ nữ Phật giáo phải đối mặt và chú ý đến một số vấn đề hiện tại của họ. Kết luận là việc bảo tồn khía cạnh độc đáo này của xã hội Phật giáo đòi hỏi sự hợp tác và sự tham gia tích cực của nhiều bên liên quan.
Hội nghị Phụ nữ Phật giáo Quốc tế lần đầu được tổ chức vào năm 2014 tại tu viện Gandantegchinlen, tu viện lớn nhất ở Ulaanbaatar. Trong hội nghị lần thứ III vào năm 2016, Buman Khand được thành lập để giúp phụ nữ Phật giáo ở Mông Cổ bảo tồn và truyền bá truyền thống của họ. Kunze Chimed, một trong những nhà tổ chức chính của hội nghị lần thứ IV, được bầu làm lãnh đạo đầu tiên của tổ chức phi chính phủ này.
Văn Công Hưng (Theo Buddhistdoor Global)