GN - Nhân Hội nghị giao ban lần I - 2018 do Ban Thường trực HĐTS - Văn phòng II TƯGH (VP.II TƯGH), tổ chức tại 7 điểm với sự tham dự của 34 tỉnh, thành phía Nam, PV Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi về những vấn đề xung quanh các hội nghị này với HT.Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký HĐTS kiêm Chánh Văn phòng II TƯGH. Hòa thượng cho biết:
- Hội nghị giao ban là hoạt động Phật sự được khởi động từ cuối nhiệm kỳ VII (2012-2017). Hội nghị giao ban đã đem lại một số kết quả rất tốt, bởi vì chư tôn đức BTS GHPGVN các tỉnh, thành phố, đại diện Ban Tôn giáo các tỉnh, thành cùng ngồi lại với Văn phòng II TƯGH để chia sẻ thông tin, học hỏi kinh nghiệm trong hoạt động Phật sự.
Đặc biệt, một số BTS GHPGVN tỉnh, thành phố đã nêu lên những khó khăn nhất định trong quá trình điều hành Phật sự của mình tại địa phương, những vướng mắc, khó khăn… Đại diện VP II TƯGH sẽ lắng nghe, tiếp thu và ghi nhận. Bên cạnh đó, đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Tôn giáo các tỉnh, thành phố cùng tham gia, họ sẽ có những ghi nhận và trả lời những vấn đề liên quan đến cơ quan quản lý tôn giáo và tham mưu với lãnh đạo tỉnh để có sự kết hợp nhằm giải quyết những vấn đề còn khó khăn, tồn đọng.
Trước đây, khi chưa có hội nghị giao ban thì đại diện các ban ngành này ít có cơ hội gặp nhau, có thể mỗi BTS GHPGVN tỉnh, thành phố làm theo một cách, thì nay họ được thảo luận chung, chia sẻ được với nhau những vướng mắc, khó khăn và cùng tìm hướng giải quyết… Hội nghị đã được mở ra theo hướng tích cực, về phía VP II TƯGH, chúng tôi sẽ trình với quý Hòa thượng lãnh đạo HĐTS những vấn đề chưa được giải quyết. Từ đó, các Hòa thượng sẽ có những chỉ đạo, ra những văn bản, thông tư phù hợp với tình hình chung.
Tôi cho rằng, hội nghị giao ban rất cần thiết và đem lại hiệu quả nhất định trong thời gian ngắn.
Hội nghị giao ban đầu nhiệm kỳ mới 2017-2022 có điểm nào khác so với nhiệm kỳ trước, trọng tâm sẽ bàn thảo về vấn đề gì, thưa Hòa thượng?
- Hội nghị giao ban lần I -2018 cũng sẽ nối tiếp những chương trình hoạt động, nối tiếp ý nghĩa của hội nghị giao ban ở nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, chương trình hoạt động Phật sự ở mỗi một giai đoạn, mỗi một năm sẽ có những diễn biến, trọng tâm khác nhau. Thứ nhất, Hội nghị giao ban đầu năm 2018 này sẽ tập trung bàn thảo về những vấn đề cơ bản như: BTS GHPGVN các tỉnh, thành sẽ có ý kiến đóng góp vào các Quy chế của Ban Thường trực BTS GHPGVN các tỉnh, thành phố; Quy chế của Ban Thường trực BTS GHPGVN cấp quận, huyện, đóng góp một số ý kiến cho Nội quy của Ban, Viện T.Ư; Những vấn đề liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm, bổn phận của BTS GHPGVN cấp tỉnh, thành phố…
Thứ hai, những thuận lợi và khó khăn phát sinh khi thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo vừa có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 nên chư tôn đức BTS GHPGVN cấp tỉnh, thành phố còn cảm thấy khá mới mẻ, chưa có sự nhuần nhuyễn trong sự phối kết hợp trong hoạt động, điều hành Phật sự… Đây là dịp để VP II TƯGH, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Tôn giáo các tỉnh, thành cùng lắng nghe, và từ đó, có những trao đổi, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn.
Thứ ba, VP II TƯGH sẽ triển khai sâu rộng, cụ thể Nghị quyết của Đại hội GHPGVN khóa VIII, chương trình hoạt động của TƯGH đến lãnh đạo Phật giáo cấp tỉnh, thành phố...
Hội nghị giao ban lần I - 2018 tổ chức tại VP II TƯGH - thiền viện Quảng Đức, Q.3, TP.HCM
Quan sát thấy các hội nghị nhiệm kỳ trước, đại diện VP II TƯGH chỉ lắng nghe và ghi nhận mà không thấy giải quyết ngay các vấn đề các tỉnh thành đặt ra. Vậy lần này, xin Hòa thượng cho biết, thẩm quyền quyết định trong việc giải quyết các vấn đề Phật sự đến đâu tại các cuộc họp giao ban?
- Thực ra, trong lời dẫn của hội nghị giao ban cũng nói rõ ý này; có những vấn đề thuộc thẩm quyền, chúng tôi trả lời ngay. Tuy nhiên, nhiều vấn đề, chúng tôi không đủ thẩm quyền để trả lời (có thể trả lời nhưng chắc chắn không thể giải quyết dứt điểm). Do đó, chủ yếu của hội nghị giao ban là VP II TƯGH sẽ lắng nghe nhiều hơn để có hướng tham mưu đến các Hòa thượng lãnh đạo HĐTS GHPGVN.
Tất nhiên, hội nghị giao ban lần này, những gì VP II TƯGH giải quyết được hoặc cần có câu trả lời dứt khoát dựa trên một số quy định của Giáo hội như: Thông tư 005/2016/TT.HĐTS, Hiến chương GHPGVN… để BTS GHPGVN tỉnh, thành phố cảm thấy yên tâm, tự tin để giải quyết những khó khăn mà Phật giáo địa phương đang vấp phải. Còn những gì không nằm trong những quy định của Giáo hội đã ban hành thì VP II TƯGH sẽ lắng nghe để trình đến các Hòa thượng lãnh đạo HĐTS GHPGVN.
Thưa Hòa thượng, được biết thành phần tham dự hội nghị giao ban năm 2018 gồm: Ban Thường trực HĐTS, Văn phòng II TƯGH, đại diện Ban Tăng sự, Ban Pháp chế, Ban Kiểm soát T.Ư; đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ phía Nam, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố; đại diện Ban Tôn giáo các tỉnh, thành phố. Tại sao chỉ có những thành phần này mà không mở rộng hơn?
- Hội nghị giao ban có những hạn chế nhất định về di chuyển, thời gian và không gian tổ chức của Phật giáo từng tỉnh, thành đăng cai. Tuy nhiên, về chức năng, nhiệm vụ để giải quyết các vấn đề khó khăn tại hội nghị giao ban nên cần thiết phải có sự tham gia của những thành phần như trên.
Khi hội nghị giao ban kết thúc, Ban Thường trực BTS GHPGVN cấp tỉnh, thành phố tham dự phải có trách nhiệm triển khai nội dung hội nghị này đến BTS GHPGVN cấp quận, huyện, Tăng Ni tại địa phương. Thông thường thì Pháp chế, Kiểm soát, Tăng sự… là những Ban mang tính thường xuyên có sự phối hợp, để tham mưu cho Ban Thường trực BTS GHPGVN các tỉnh, thành phố; nếu mở rộng thành phần tham dự thì cũng có thể được, nhưng ở thời điểm này thì chưa cấp thiết.
Thành phần chủ chốt trên tham gia hội nghị giao ban, đủ chức năng, vai trò để lắng nghe, giải quyết và triển khai sâu rộng trong đa số Tăng Ni như mục đích của hội nghị giao ban đề ra. Bên cạnh đó, thời gian cũng là một vấn đề, không thể giải trình hết những khó khăn, vấn đề vướng mắc, tồn đọng… trong một buổi sáng, hoặc một buổi chiều. Do đó, chủ trương của VP II TƯGH vẫn chủ yếu là lắng nghe, ghi nhận, từ đó có những tham mưu lên lãnh đạo HĐTS. Tuy nhiên, về cơ bản, VP II TƯGH không có sự hạn chế mà BTS GHPGVN cấp tỉnh, thành phố có thể chủ động cử thành phần tham dự.
Theo tôi, tạm thời thành phần tham gia hội nghị giao ban như vậy là ổn, nếu sau này có nhu cầu cần thiết hơn thì VP II TƯGH sẽ trình đến các Hòa thượng lãnh đạo HĐTS GHPGVN để có sự chỉ đạo. Chúng ta có thể điều chỉnh, mở rộng về thành phần và thời gian sẽ kéo dài hơn.
Trước đây, trong một cuộc trả lời báo Giác Ngộ, Hòa thượng cho biết cần có sự đồng bộ của hai Văn phòng Trung ương Giáo hội. Vấn đề này đã có dấu hiệu gì thể hiện sự thống nhất trong các hoạt động của Giáo hội chưa?
- Từ trước đến nay, hai văn phòng TƯGH về cơ bản đã có sự thống nhất rất cao về mặt chủ trương, văn bản nhưng còn sinh hoạt Phật sự thì đòi hỏi nhiều yếu tố nữa. Chẳng hạn như thời gian an cư giữa hai khu vực Nam, Bắc cũng có một chút khác biệt, hội nghị giao ban ở khu vực phía Bắc khác phía Nam về thời gian và điều kiện. Do đó, chúng ta không thể đòi hỏi có sự thống nhất hoàn toàn. Sự thống nhất thể hiện rõ nhất giữa hai văn phòng TƯGH là về mặt đường lối, chủ trương, điều hành chung. Chúng ta đã, đang làm từng bước, và hiện nay đã thực hiện được những điều này.
Việc tổ chức hội nghị giao ban lần này rơi vào thời điểm chư Tăng Ni cả nước đang an cư kiết hạ, như vậy có ảnh hưởng như thế nào đến việc tu tập của chư tôn đức hay không, thưa Hòa thượng?
- Thật ra, hội nghị giao ban không mở rộng ra cho nhiều đối tượng Tăng Ni mà chỉ tập hợp những thành phần chủ chốt của Ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh, thành phố, trong thời gian ngắn (chỉ nửa ngày). Do đó, chắc chắn không ảnh hưởng đến việc chư tôn đức an cư kiết hạ.
Sở dĩ, Hội nghị giao ban lần I-2018 rơi vào mùa An cư kiết hạ là do chúng tôi phải tổ chức trước khi Hội nghị Ban Thường trực HĐTS GHPGVN diễn ra, vào thời điểm cuối tháng 6, đầu tháng 7 dương lịch. Từ những hội nghị giao ban với Phật giáo 34 tỉnh, thành phía Nam, VP II TƯGH sẽ có báo cáo trình tại Hội nghị Ban Thường trực HĐTS GHPGVN, để hội nghị có những giải quyết, mang tính cấp bách, tầm chiến lược, định hướng cho hoạt động Phật sự của Phật giáo cấp tỉnh, thành phố.
Xin cảm ơn Hòa thượng!