Học viện Phật giáo: Cần những bước chuyển mình

GN - Thực hiện sứ mệnh quan trọng “đào tạo thế hệ Tăng sĩ có tài có đức để kế thừa gia tài Phật pháp” do Giáo hội giao phó, hơn 30 năm tồn tại và phát triển, Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM đã có một số thành tựu khiêm tốn góp phần vào sự lớn mạnh của ngành giáo dục của Phật giáo.

006_5.jpg
HT.Thích Minh Châu trao bằng tốt nghiệp đến Tăng Ni sinh tốt nghiệp khóa II
trường Cao cấp Phật học - TP.HCM

Trường Cao cấp Phật học VN - cơ sở II, tiền thân của Học viện được phép thành lập vào những năm đầu của thập niên 80, thế kỷ XX, để nối tiếp truyền thống giáo dục của Đại học Vạn Hạnh. Có thể nói rằng đây là một giai đoạn lịch sử tương đối khó khăn của xã hội VN. Vì vậy, mặc dầu phải luôn đối mặt với muôn vàn gian lao, thử thách của hoàn cảnh và môi trường, các bậc tôn túc lãnh đạo ngành giáo dục Phật giáo phải luôn linh động để tìm ra giải pháp nhằm đạt được mục đích “vì lợi ích trăm năm trồng người”.

Với cơ sở vật chất ban đầu là một dãy nhà gạch cấp 4, gồm một văn phòng và một phòng học, được xây dựng để phục vụ cho việc tu và học của Tăng Ni lúc bấy giờ, ngôi trường cao cấp Phật học này từng bước lớn mạnh và trưởng thành theo năm tháng. Qua 4 khóa đào tạo, gần 700 Tăng Ni đã tốt nghiệp cử nhân Phật học tại đây. Nội dung đào tạo chính của trường là con đường giới định tuệ, được triển khai theo ba truyền thống kinh điển chính của Phật giáo gồm kinh điển của Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Bộ phái và Phật giáo Đại thừa. Mục tiêu của nền giáo dục này là nhằm đào tạo ra những con người giỏi về lý thuyết, thiện xảo về hành trì. Nói theo ngôn ngữ phương Tây, giá trị chân chính của một con người không phải là cái người ta có, mà là cái người ta sống. Với tôn chỉ như vậy, các Tăng Ni sau khi tốt nghiệp tại đây mới hy vọng đủ khả năng và kinh nghiệm để hoàn thành sứ mệnh hoằng pháp của mình. Nói khác đi, “tri hành hợp nhất” mới là mục tiêu đặc thù của giáo dục Phật giáo. Trong thực tế, đường hướng giáo dục đúng đắn này đã đào tạo ra rất nhiều tu sĩ tài đức, hiện đang phục vụ cho Phật giáo và xã hội.

006_2.jpg

Tăng Ni sinh tốt nghiệp khóa II trường Cao cấp Phật học chụp hình lưu niệm với chư tôn đức - Ảnh: Tư liệu TGCC

Sau hơn 15 năm hoạt động, Trường Cao cấp Phật học đã được Chính phủ cho phép đổi tên thành Học viện Phật giáo VN như là một sự thừa nhận những đóng góp to lớn của ngôi trường này trong việc đào tạo nhân tài để phục vụ nhân sinh. Song song với sự thay đổi có ý nghĩa về mặt danh xưng và tổ chức, ngôi trường này cũng được Giáo hội và chính quyền cho phép đại trùng tu tại địa điểm số 750 Nguyễn Kiệm, phường 4, quận Phú Nhuận, TP.HCM, để xứng tầm với tên gọi, đồng thời để đáp ứng cho nhu cầu tu học của hàng trăm Tăng Ni tốt nghiệp hàng năm từ 32 trường trung cấp Phật học trong cả nước.

Đó là bước chuyển mình quan trọng, đánh dấu một bước trưởng thành của Học viện. Từ một ngôi trường khiêm tốn chỉ có khả năng đào tạo khoảng 60 sinh viên (khóa I) cho đến tối đa là 250 sinh viên (khóa V) cho mỗi khóa học 4 năm; từ khóa VI trở đi Học viện đã có thể tiếp nhận khoảng 500 sinh viên cho mỗi lần tuyển sinh. Bên cạnh ấy, chủ trương tuyển sinh của trường cũng được phép thay đổi từ 4 năm một lần thành 2 năm một lần nên số lượng sinh viên của trường lên đến con số ngàn.

Vì lý do này, một lần nữa Học viện lại gặp khó khăn về mặt cơ sở vật chất. Để giải quyết bài toán khó này, vào năm 2006, Hội đồng Trị sự GHPGVN đã có đơn xin cấp đất tại xã Lê Minh Xuân thuộc huyện Bình Chánh và giao cho Học viện tiến hành xây dựng một cơ sở giáo dục mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Khai kinh - Sam hoi - Hop (23).JPG

Cơ sở mới Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) - Ảnh: Bảo Toàn

Khởi công từ năm 2012, sau hơn 3 năm xây cất, ngôi Học viện mới tại xã Lê Minh Xuân đã tạm hoàn thành giai đoạn 1 và sẽ được đưa vào giảng dạy và tu học trong mùa hè này. Có thể nói rằng, sự thành tựu này, tuy còn khiêm tốn, vẫn là một dấu ấn rất có ý nghĩa đối với Học viện, vì đã từ lâu Tăng Ni Phật tử đã mong mỏi những bước chuyển mình như thế này của ngành giáo dục Phật giáo VN. Chắc chắn rằng sự hoàn thành ngôi Học viện mới này sẽ đem đến nhiều niềm vui cho mọi người. 

 Tuy nhiên, theo thiển ý của người viết, những bước chuyển mình trên của ngành giáo dục Phật giáo vẫn chưa phát huy hết hiệu năng và giá trị của triết lý Phật giáo, vì hiện tại hệ thống giáo dục này vẫn chỉ gói gọn trong lãnh vực Tăng Ni. Lý do là vì người ta thường có suy nghĩ mục đích chính của giáo dục Phật giáo là nhằm đào tạo ra các chức sắc có nhiệm vụ lo phần tín ngưỡng, tâm linh (kiếp sau hay phần hồn) cho tín đồ. Vì vậy, nội dung giáo dục ấy có lẽ chỉ bao gồm trong đời sống tu hành để giải thoát khỏi thế giới này. Trong một ý nghĩa nào đó, đây không chỉ là mục tiêu quan trọng của Phật giáo mà bao gồm tất cả các tôn giáo.

Nhưng ngoài chức năng của một tôn giáo, đạo Phật còn được xem như là một nghệ thuật sống (The Art of Living) có khả năng giải quyết những rắc rối trong đời sống thường nhật, đồng thời đem lại hạnh phúc cho những ai học và ứng dụng triết lý này. Vì lý do này càng ngày càng có rất nhiều người, đặc biệt là tại các đất nước Âu Mỹ văn minh quan tâm, nghiên cứu, học tập và hành trì theo con đường giác ngộ này.

Tại VN, nhu cầu học Phật của quần chúng cũng vô cùng to lớn. Thử làm một trắc nghiệm về các khóa tu mà các chùa tổ chức hàng năm cho giới sinh viên, học sinh và quần chúng sẽ thấy nhu cầu học Phật là cần thiết như thế nào trong xã hội ngày nay! Những khóa tu mùa hè, những lớp giáo lý hàng tuần, những hội thảo, tọa đàm về Phật giáo và cuộc sống, Phật giáo và hôn nhân gia đình, Phật giáo và thanh thiếu niên v.v… luôn thu hút hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người tham dự.

Điều đáng ghi nhận ở đây là hiệu quả của những việc làm này cũng rất tích cực nếu nhìn về khía cạnh giải quyết những mâu thuẫn, khủng hoảng của gia đình và xã hội. Cụ thể hơn nữa, nhu cầu học Phật pháp qua chương trình thí điểm “Đào tạo từ xa- Online- cấp Cử nhân Phật học” kéo dài trong 4 năm học dành cho mọi tầng lớp xã hội của Học viện trong 8 năm qua cũng nói lên thực trạng này. Bởi lẽ, bao gồm rất nhiều thành phần trong xã hội, mong muốn theo học chương trình cử nhân Phật học từ xa này là rất lớn, số lượng sinh viên của mỗi khóa học có lúc lên đến cả ngàn sinh viên.

Vì những lý do trên, thiết nghĩ các Học viện Phật giáo cần có những bước chuyển mình hơn nữa mới có thể đáp ứng nhu cầu học tập này, đồng thời góp phần để cải tạo con người, gia đình và xã hội mỗi ngày mỗi tốt hơn. Để thực hiện bước đi này, các Học viện cần được phép mở rộng chương trình đào tạo Phật học đến với bất cứ ai có nhu cầu. Học viện cần xin phép để được chính thức công nhận là Đại học Phật giáo, nối tiếp truyền thống giáo dục của Đại học Vạn Hạnh, nơi đã đào tạo ra rất nhiều nhân tài đã và đang phục vụ cho đất nước và xã hội.

Cuối cùng, để có thể hội nhập và phát triển trong khuynh hướng toàn cầu, giáo dục Phật giáo VN cần có những ngôi trường đại học Phật giáo ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới để chúng ta mới có thể bình đẳng cùng có lợi trong quan hệ đối tác cùng có lợi.

Nếu những bước chuyển mình này sớm được hiện thực hóa, chắc chắn rằng ngành giáo dục Phật giáo sẽ còn có những đóng góp to lớn và ý nghĩa hơn cho đạo pháp và dân tộc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.