Hoằng pháp thời công nghệ số cần bước đi thích ứng

GN - Vào các ngày 28, 29, 30-9, gần 400 đại biểu ngành hoằng pháp các tỉnh thành khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã hội ngộ tại thành phố biển xứ Trầm hương - Nha Trang để cùng trao đổi và chia sẻ với nhau trong khuôn khổ Hội thảo "Hoằng pháp trong thời đại mới". Sự kiện do Ban Hoằng pháp T.Ư phối hợp với BTS, Ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Khánh Hòa tổ chức.

Tại sự kiện này, nhiều ý kiến của đại biểu trao đổi cho thấy những ưu tư, trăn trở về hướng đi của ngành trước sự phát triển của khoa học công nghệ, tác động đến mọi mặt của cuộc sống.

Trăn trở về những bưc đi phù hợp với thời đại

Với chủ đề chính là “Hoằng pháp trong thời đại mới”, nội dung phần lớn của hội thảo tập trung vào hiện tượng mang tính thời đại: Sự bùng nổ của khoa học công nghệ và ngành hoằng pháp của Giáo hội cần sử dụng thành tựu này của nhân loại ra sao.

49 bài tham luận từ chư tôn đức ngành hoằng pháp ở các tỉnh, thành trong khu vực, từ quý học giả, các nhà nghiên cứu cùng nói lên những trăn trở, ưu tư cho sự nghiệp hoằng pháp trong giai đoạn mới.

congngheso.jpg

Vài năm trở lại đây, thuật ngữ “Cách mạng công nghiệp 4.0” được nói tới nhiều. Chính sự phát triển của công nghệ truyền thông, sự bùng nổ internet đã tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, mở ra nhiều cơ hội cho con người tiếp nhận thông tin, học hỏi kiến thức và trau dồi kỹ năng, tạo môi trường phát triển cho nhiều lĩnh vực.

Nhiều quốc gia, nhiều tổ chức trong và ngoài nước đã và đang tìm nhiều cách thức khác nhau để chủ động trong bối cảnh này. Đã có nhiều hội thảo quốc tế và hội thảo cấp quốc gia mà ở đó các vị lãnh đạo, người đứng đầu đất nước kêu gọi chuyên gia, nhà khoa học tư vấn, tham mưu giúp đưa ra các quyết sách phù hợp. Giáo hội cũng đã ý thức và có những bước đi khởi đầu.

Trong phát biểu khai mạc tại hội thảo của ngành tại Nha Trang vừa rồi, HT.Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư đã đề cập nhiều đến việc nhận thức vai trò, tác động của công nghệ hiện đại đối với chất lượng, hiệu quả của hoạt động hoằng pháp. Qua đó, Hòa thượng kêu gọi sự thống nhất về quan điểm của toàn thể thành viên Ban Hoằng pháp, nhanh chóng ứng dụng công nghệ để phát triển Phật sự của ngành.

Trong khi đó, HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS trong đạo từ dành phần lớn thời gian để nói về những động thái tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới của Giáo hội trong thời gian qua. Dịp này, Hòa thượng Chủ tịch HĐTS cũng cho rằng nếu cho chủ trương đúng đắn, có những bước đi thích hợp, chắc chắn những thành tựu của nhân loại sẽ giúp ích rất lớn cho các cấp Giáo hội thuận lợi hơn trong công tác quản lý, điều hành các Phật sự chứ không chỉ riêng ngành hoằng pháp.

Chung tay thích ứng

Trong một tham luận tại hội thảo, TT.Thích Nhật Từ, UV HĐTS, Phó ban Hoằng pháp T.Ư cho rằng cần áp dụng tinh thần giáo lý về tính khế lý khế cơ của đạo Phật, nên thay thế từ “Pháp sư”, chỉ cho những vị thầy truyền bá chân lý của Đức Phật, bằng từ “kỹ sư tâm hồn” (spiritual technician) nhấn mạnh về phương pháp, hay “bác sĩ tâm linh” (spiritual doctor) nhấn mạnh về trị liệu, chẩn đoán bệnh, tìm phương pháp trị bệnh.

“Nếu 54.000 Tăng Ni trong 18.447 ngôi chùa trên toàn quốc đều làm vai trò Pháp sư, trở thành “bác sĩ tâm linh” hay “kỹ sư tâm hồn” thì chắc chắn Phật giáo sẽ được nhân dân Việt Nam thuộc mọi thành phần xã hội gồm giới chính trị, doanh nhân, trí thức, tuổi trẻ và giới bình dân đón nhận”, TT.Thích Nhật Từ nhấn mạnh.

TT.Thích Nhật Từ cho rằng mỗi Tăng Ni phải có nhiệt huyết truyền bá chân lý Phật giáo, gồm dịch kinh sách, viết sách Phật học, thuyết pháp, tổ chức các khóa tu và tư vấn tâm linh; mỗi ngôi chùa cần thiết tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin bằng việc ra trang web, tận dụng mạng xã hội như là một kênh để truyền tải giáo lý Đức Phật.

Sự chung tay thích ứng này còn thể hiện ở phương diện đổi mới cách tiếp cận, tận dụng công nghệ số theo như lời phát biểu của TT.Thích Tâm Như, Phó ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Khánh Hòa. Nếu mỗi vị giảng sư cần nhanh chóng vận dụng công nghệ số một cách hiệu quả để khắc phục được nhược điểm của các hình thức hoằng pháp truyền thống là chỉ truyền đi thông điệp một chiều, thiếu tính tương tác đa chiều. Ngược lại, hoằng pháp tận dụng công nghệ số giúp người làm công tác hoằng pháp tương tác chặt chẽ, nhanh chóng với đối tượng hoằng pháp nhờ vào khả năng phản hồi của các mạng xã hội. Cũng từ ưu thế này, người hoằng pháp có thể dễ dàng tiếp cận những nhu cầu, mong muốn, thắc mắc cũng như những ý kiến đóng góp, phản hồi của mọi người từ đó có những phương hướng thích hợp để hoằng pháp trong thời gian tiếp theo.

Cách tiếp cận này cũng rất phù hợp với nhiệm vụ hoằng pháp hướng đến giới trẻ hiện nay vì người trẻ sử dụng internet qua các máy tính, iPad, điện thoại thông minh. Vị giảng sư cần nương đó mà đưa giáo lý Phật-đà tiếp cận một cách nhẹ nhàng và gần gũi hơn với các tầng lớp thanh thiếu niên Phật tử.

Tuy vậy, có một ý kiến được ĐĐ.Thích An Nhiên, Phó Phân ban kiêm Chánh Thư ký Phân ban TTTT thuộc Ban Hoằng pháp T.Ư đưa ra từ hội thảo cũng cần được lưu ý khi cho rằng những thành tựu của thời đại 4.0 chỉ mang tính chất trung tính. Theo quan điểm này, có thể thấy nếu nhìn ở phương diện tỉnh thức hơn, tự thân nó không thể tạo dựng điều tốt lành hay xấu ác đến con người mà cách vận dụng của con người sẽ quyết định đúng sai, mang đến hạnh phúc hay khổ đau. Cách sử dụng tích cực hay tiêu cực lại phụ thuộc vào ý thức của từng người. Trong trường hợp này, các cấp Giáo hội cần vận động tất cả tín đồ, khuyến khích họ trở thành thành viên truyền thông của Giáo hội, là cánh tay nối dài của sứ mệnh hoằng pháp trong thời đại công nghệ kỹ thuật số.

Và để làm được điều trên, mỗi người Phật tử, thực tu thực học, luôn ý thức khi tham gia mạng xã hội, không bị cuốn theo trào lưu nhất thời, mà cần phải định tâm, sáng suốt để có cái nhìn đúng đắn, khách quan trước mỗi thông tin về Phật giáo nói chung, về Giáo hội nói riêng được truyền tải để có những phản ứng phù hợp. Người Phật tử phản biện cái xấu cái ác trôi nổi trên mạng xã hội, chia sẻ những thông điệp tích cực từ hoạt động của các cấp Giáo hội đến với mọi người… đã là người làm công tác hoằng pháp giản dị nhưng hiệu quả.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 xuất phát từ các nước phát triển (châu Âu và một phần châu Á) với tên gọi Industrie 4.0 trong một báo cáo của Chính phủ Đức. "Industrie 4.0" kết nối các hệ thống nhúng và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số giữa công nghiệp, kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong.

Hệ quả xã hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là điều mà chúng ta cần phải suy nghĩ, bàn bạc thêm nữa. Tuy nhiên, ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng, nhiều hệ lụy, thách thức mà người ta đang nói đến là tình trạng thất nghiệp của người lao động chân tay, nhân viên văn phòng và một số ngành nghề khác do sự phá vỡ thị trường lao động, áp lực dịch chuyển nguồn lao động ở nhiều quốc gia trên thế giới. Sự tiếp xúc giữa người với người dần thay thế bằng thiết bị điện tử. Con người sẽ trở nên xơ cứng và khô khan, xã hội dần mất đi tính nhân văn.

Tại Việt Nam, cuộc cách mạng 4.0 lần này đặt ra thách thức xã hội, như nhận định của TS.Nguyễn Bá Ân, Tổng Thư ký quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, chia sẻ: “Cách mạng công nghiệp  4.0 lần này cũng đang đặt ra nhiều thách thức mới đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Đó là thách thức tụt hậu xa hơn, lao động chi phí thấp mất dần lợi thế, khoảng cách công nghệ và tri thức nới rộng hơn dẫn đến phân hóa xã hội sẽ sâu sắc hơn... Chính phủ, các doanh nghiệp, các trung tâm nghiên cứu và cơ sở giáo dục tại Việt Nam cần phải nhận thức được và sẵn sàng thay đổi và có chiến lược phù hợp cho việc phát triển công - nông nghiệp, dịch vụ và kinh tế hay nguồn nhân lực trong thời kỳ internet vạn vật và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”.

(Trích Đề dẫn hội thảo của HT.Thích Tấn Đạt,
UVTK HĐTS,
Phó Thường trực Ban Hoằng pháp T.Ư)

Bảo Thiên

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.