GN - Đến thăm ngôi chùa Thiên Ân tọa lạc trên đảo Bãi Lớn, thuộc thôn Ninh Tân, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (phía Bắc tỉnh Khánh Hòa), chúng tôi phải đi tàu mất hơn một giờ mới tới đảo.
Đại hồng chung ở chùa Thiên Ân
ĐĐ.Thích Nguyên Quang (Nguyễn Văn Sĩ), trụ trì chùa ra tận mép nước đón tiếp, hoan hỷ hướng dẫn chúng tôi lên chùa. Luôn nở nụ cười hiền hậu, giới thiệu cho chúng tôi về bao ước nguyện thật lớn lao so với một Đại đức còn quá trẻ (37 tuổi đời, 15 năm tuổi đạo). Thầy sinh ra trong gia đình có tới 9 người con, tuổi thơ gắn liền với hình ảnh anh bộ đội, do nhà ở chung hàng rào với huyện đội Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi).
Từng ăn cơm cùng bộ đội nhiều hơn ăn ở nhà, học xong phổ thông là mặc ngay áo lính, gần 4 năm trong quân ngũ, được cử đi đào tạo sĩ quan. Nhưng, vị Tỳ-kheo cho biết: “Ngay từ nhỏ, tôi đã phát nguyện sẽ đi tu, ra quân, liền xuất gia tu học tại chùa Phước Lộc (Quảng Ngãi), rồi theo học cao đẳng Phật học, lại được cha hoan hỷ giúp cho tôi 5,6 ha đất mà ông đã rời quê hương Lý Sơn, khó nhọc trong thời gian dài vào Bãi Lớn khai phá từ năm 1992”.
Thầy đã bắt tay vào xây dựng ngôi chùa năm 2009, cực nhọc, khó khăn để đưa cả trăm tấn vật liệu xây dựng ra đảo. Tuy nhiên, đến nay ngôi chùa dần hình thành với các hạng mục theo ý tưởng thân thiện với môi trường, lắp đặt một tấm pin mặt trời, dùng cho khoảng 10 bóng đèn chiếu sáng cả đêm. Khu chánh điện được làm bằng gỗ, mái lợp cỏ tranh rất mát, các pho tượng tạc bằng gỗ mít được đặt từ miền Bắc đưa về an vị…
ĐĐ.Thích Nguyên Quang bên tấm pin mặt trời
Ra tận mép nước đón khách
Ước nguyện của Đại đức mang tính nhân văn sâu sắc, đó là nỗi trăn trở cho lớp trẻ trên đảo có nền tảng vững chắc trong chuyện học hành. Đại đức cho biết thêm: “Toàn đảo có khoảng 120 hộ dân, sinh sống ở Bãi Lớn và Bãi Tranh, do xa đất liền, người dân mưu sinh chủ yếu bằng nghề trồng tỏi và nghề đánh cá, đời sống rất khó khăn. Các em nhỏ muốn đi học phải vào đất liền rất bất tiện.
Vì vậy, tôi muốn xin chính quyền được xây một phòng học, mời giáo viên ra dạy, trước mắt cho bậc học sinh tiểu học, làm đường bê-tông, xây cầu cảng… tất cả với mong muốn cuộc sống bà con nơi đây ngày một tốt đẹp hơn”.
Chùa Thiên Ân lợp bằng lá tranh rất mát
Trong bữa cơm chay trưa, Đại đức lại cho chúng tôi biết một điều bất ngờ thú vị, rằng thầy còn hai người em trai nữa cũng đã xuất gia tu tập nhiều năm qua. Bản thân Đại đức từng sống và công tác tại đảo Lý Sơn, nay tu tập tại ngôi chùa cũng ở đảo xa đất liền nên luôn cảm thấy rất thân thuộc như là quê hương mình.
Công việc hoằng pháp ở một ngôi chùa ở đảo là nhân duyên thiện lành, và những ước nguyện mang lại hạnh phúc cho đồng bào trên đảo của một vị thầy trẻ trên Bãi Lớn rồi sẽ thành hiện thực trong một ngày gần đây.