Hoàn thiện hệ thống hành chánh GHPGVN

Tháng 3-2015, Phật giáo tỉnh Lai Châu là đơn vị sau cùng được thành lập Ban Trị sự - Ảnh: Phúc Thịnh
Tháng 3-2015, Phật giáo tỉnh Lai Châu là đơn vị sau cùng được thành lập Ban Trị sự - Ảnh: Phúc Thịnh
0:00 / 0:00
0:00
GN - Tháng 3-2015, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN công bố quyết định thành lập Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lai Châu, đây là đơn vị sau cùng được thành lập Ban Trị sự cấp tỉnh thành.

Như vậy, sau 34 năm, GHPGVN đã hoàn thiện hệ thống hành chánh trong cả nước, với 63/63 tỉnh thành đã thành lập Ban Trị sự…

Các dấu ấn thành lập Ban Trị sự GHPGVN đầu tiên ở ba miền

GHPGVN thành lập vào ngày 7-11-1981, ba tháng sau, tại trụ sở Văn phòng II Trung ương Giáo hội - chùa Xá Lợi (ngày 24, 25-2-1982), chư tôn đức Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đã có phiên họp về việc tiến hành thành lập các Tỉnh hội và Thành hội Phật giáo để thuận lợi cho các hoạt động Phật sự diễn ra rộng khắp. Đây là một trong những vấn đề cấp thiết của Giáo hội lúc bấy giờ.

Chư tôn đức Ban Thường trực Hội đồng Trị sự xác định và ý thức rõ việc thành lập Tỉnh hội, Thành hội Phật giáo trên thực tế không phải dễ nhưng không vì thế mà chậm trễ vì giới Tăng Ni, Phật tử khắp nơi đều trông ngóng Phật giáo hiện diện qua các cơ sở Phật giáo tại địa phương. Trong nghị quyết cuộc họp này, GHPGVN xác định hạn chót phải thành lập Tỉnh, Thành hội Phật giáo vào tháng 9-1982.

Tháng 3-2015, Phật giáo tỉnh Lai Châu là đơn vị sau cùng được thành lập Ban Trị sự - Ảnh: Phúc Thịnh
Tháng 3-2015, Phật giáo tỉnh Lai Châu là đơn vị sau cùng được thành lập Ban Trị sự - Ảnh: Phúc Thịnh

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN đương nhiệm nhận định, yếu tố quan trọng để xây dựng, thành lập đơn vị Ban Trị sự tỉnh thành giai đoạn bấy giờ chính là nhân sự, mà nhân sự tích cực nhất là thành viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự được chư tôn đức quan tâm đầu tiên. Chính yếu tố này tạo nên các cột mốc quan trọng xây dựng cơ sở hành chánh Giáo hội cấp tỉnh, thành giai đoạn đầu. “Thời điểm Hội nghị thành lập GHPGVN (7-11-1981), cả nước chỉ có 41 tỉnh, thành. Ngay sau thành lập GHPGVN, ở phía Bắc, ngày 11-11-1981, Giáo hội thành lập đơn vị Ban Trị sự Phật giáo đầu tiên, đó là tỉnh Hải Hưng. Vì đây là tỉnh nhà của cố Hòa thượng Thích Thanh Tứ, bấy giờ là Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng I Trung ương Giáo hội”, Hòa thượng nói.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn cho biết thêm: “Ở tại TP.Hải Phòng có Hòa thượng Kim Cương Tử và Hòa thượng Quảng Mẫn; phía Nam, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng có 2 "hạt nhân" tích cực là Hòa thượng Thích Quang Thể và Hòa thượng Thích Thiện Duyên; đặc biệt, TP.HCM có Hòa thượng Thích Trí Thủ, Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Hòa thượng Thích Minh Châu, Hòa thượng Thích Thiện Hào; tại TP.Hồ Chí Minh là nơi đặt Văn phòng II Trung ương Giáo hội do Hòa thượng Thích Từ Hạnh đảm nhiệm Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II Trung ương Giáo hội, điều hành công tác Phật sự tại phía Nam. Tại tỉnh Bình Trị Thiên có Hòa thượng Thích Thanh Trí và Hòa thượng Thích Chánh Trực, Hòa thượng Thích Đức Tâm…, đây cũng là nơi phát tích của Hòa thượng Thích Trí Thủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN. Tại tỉnh Đồng Tháp có Hòa thượng Thích Vĩnh Đạt, Ni trưởng Thích nữ Như Hoa là những hạt nhân tích cực trong việc góp phần cho Giáo hội thành lập Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành”.

Sau tỉnh Hải Hưng, Quảng Nam - Đà Nẵng là tỉnh đầu tiên thuộc khu vực các tỉnh miền Nam chính thức thành lập Ban Trị sự (ngày 18, 19 và 20-5-1982), kế đến là tỉnh Bình Trị Thiên (24-5-1982). Tiếp theo, Phật giáo TP.HCM tổ chức Đại hội tại chùa Xá Lợi vào ngày 2, 3 và 4-6-1982, Thành hội Phật giáo thành phố chính thức được hình thành với địa bàn gồm 17 quận, huyện; Hòa thượng Thích Thiện Hào được suy cử làm Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố.

“Tầm vóc của Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM về cơ cấu nhân sự và tính chất tiêu biểu của nó gần như đại diện cho sự thống nhất của cả miền Nam. Sự thành công của Đại hội thành phố không chỉ cho riêng thành phố, mà còn có ảnh hưởng tốt đến các tỉnh miền Nam” - Chứng minh và ban đạo từ tại Đại hội, Hòa thượng Thích Trí Thủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN đã nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của sự kiện.

Với sinh khí mới, đầy phấn khởi này, Đồng Tháp là tỉnh tổ chức Đại hội thành lập Ban Trị sự sớm nhất trong các tỉnh thành miền Tây (24, 25, 26-8-1982); tỉnh Hải Phòng (7-1982), tỉnh Kiên Giang (10-9-1982), Lâm Đồng (từ ngày 22 đến 26-9-1982), Phú Khánh (2-10-1982), Nghĩa Bình (7, 8-10-1982), Thuận Hải (26-10-1982), Đồng Nai (28-10-1982), Long An (16-12-1982)...

Từ khi Giáo hội bắt đầu triển khai nghị quyết Hội nghị lần I, Tăng Ni, Phật tử khắp nơi đều hưởng ứng với một không khí đầy phấn khởi, do đó thành tựu Phật sự quan trọng này được phát triển với tiến độ khá nhanh và liên tiếp. Chỉ trong năm 1982, Giáo hội thành lập được 20/41 đơn vị Ban Trị sự Phật giáo tỉnh thành, trong đó các tỉnh, thành phía Nam chiếm đa số. Có thể nói, thành quả này là con số đầy khích lệ và là dấu mốc quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành của Giáo hội cũng như xác tín được niềm tin của đông đảo Tăng Ni, Phật tử khắp cả nước đối với GHPGVN.

Trong hội nghị đánh giá công tác xây dựng cơ cấu tổ chức hành chánh của Giáo hội, Hòa thượng Thích Trí Thủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN lúc bấy giờ nhận định: “Mỗi nơi có một đặc tính riêng, có những thuận lợi và khó khăn riêng nhưng đều đạt đến một kết quả chung là xây dựng thắng lợi cơ cấu tổ chức của GHPGVN đúng theo Hiến chương quy định, để hoàn chỉnh công cuộc thống nhất Phật giáo cả nước”.

Bài học thực tiễn và không ngừng đổi mới

Từ thực tiễn, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nhận định, GHPGVN phải mất 34 năm mới xây dựng xong hệ thống cơ sở hành chánh Giáo hội là do một số địa phương có những đặc điểm, khó khăn riêng. Thành lập các Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, thành phải hội đủ điều kiện thuận lợi như: các tổ chức Giáo hội, hệ phái Phật giáo tại địa phương đồng thuận, hòa hợp, hợp nhất thành lập Ban Trị sự, có nhân sự lãnh đạo, có nơi đặt trụ sở, chính quyền địa phương đồng thuận… thì thành lập trước, còn những tỉnh thành chưa đủ điều kiện thuận lợi thì thành lập sau. Các tỉnh khu vực phía Bắc, các tỉnh biên giới vì thiếu nhân sự nên thành lập sau.

“Sở dĩ, tỉnh Lai Châu cũng như một vài tỉnh phía Bắc thành lập Ban Trị sự Phật giáo cấp tỉnh tương đối chậm là do Phật giáo vắng bóng trong một thời gian dài, lại không có nhân sự là Tăng Ni để điều hành Phật sự. Do đó, Trung ương Giáo hội phải hiệp thương, điều nhân sự từ Trung ương về đảm nhận công tác Trưởng ban Ban Trị sự. Đồng thời, do địa hình tương đối phức tạp của một vài tỉnh miền núi phía Bắc nên sự đồng thuận của chính quyền địa phương chưa cao, do vậy công tác thành lập Ban Trị sự Phật giáo tại một vài tỉnh này tương đối chậm là vì thế”, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn cho biết.

Đại lễ quy y cho 6.000 Phật tử là một trong những thành tựu nổi bật của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Phước - Ảnh: Bảo Toàn

Đại lễ quy y cho 6.000 Phật tử là một trong những thành tựu nổi bật của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Phước - Ảnh: Bảo Toàn

Sự chung tay của Phật giáo đồ cả nước sau 34 năm với không ít khó khăn, cơ sở hành chánh Giáo hội cả nước mới đạt được kết quả toàn vẹn. Theo Thượng tọa Thích Thiện Thống, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II Trung ương Giáo hội, đến nay hệ thống tổ chức Giáo hội cấp tỉnh thành đã hoàn thiện theo hướng phát triển là đổi mới cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của từng Ban Trị sự luôn được tiến hành đồng bộ, có định hướng, mục tiêu rõ ràng, có bước đi thận trọng, chắc chắn và mang lại hiệu quả thiết thực. Trong thời gian qua, công tác hành chánh của Ban Trị sự Phật giáo cấp tỉnh thành có nhiều sự phát triển về chất lượng hoạt động và đi vào thực chất hơn đối với từng công tác cụ thể. Sự phát triển của từng Ban Trị sự trong thời gian qua là một quá trình liên tục kế thừa, không ngừng đổi mới và hoàn thiện.

Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy rằng, nhiệm kỳ trước của Ban Trị sự luôn là bài học quý giá cho việc kiện toàn, củng cố, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Trị sự nhiệm kỳ sau, kết quả hoạt động của Ban Trị sự nhiệm kỳ sau là kết quả của sự kế thừa và phát triển của Ban Trị sự nhiệm kỳ trước. Từ đó, Ban Trị sự cơ bản đã kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của GHPGVN, đáp ứng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các hệ phái, tự viện, Tăng Ni, Phật tử tại địa phương; chú trọng và chủ động quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương theo Hiến định; từng thành viên Ban Trị sự cấp tỉnh thành ở từng vị trí, vai trò khác nhau luôn phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.

Với cuộc sống đa chiều, xã hội luôn vận động hiện nay, Thượng tọa Thích Thiện Thống nhận định: “Trong quá trình hoạt động, Ban Trị sự Phật giáo cấp tỉnh thành đã bộc lộ một vài hạn chế tại một vài Ban Trị sự là quy luật tất yếu của sự phát triển. Một số hạn chế đó là chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn tuy đã có quy định nhưng áp dụng vào thực tế tại một số địa phương vẫn có vướng mắc; các chủ trương, đường lối của Giáo hội chưa được thể chế hóa, cụ thể hóa tại địa phương; khi đưa các quyết định giải quyết còn mang tính chủ quan, duy ý chí, đặc biệt là nhận thức trách nhiệm chưa cao, còn nặng tính hình thức hơn là chất lượng giải quyết và thực thi nhiệm vụ”.

Thượng tọa nêu ra ba trong nhiều giải pháp để khắc phục những hạn chế trên. Đó là, các cấp Giáo hội cần tăng cường sự đoàn kết hòa hợp, thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, xem đây là nhân tố quyết định để hoàn thành trọng trách mà Tăng Ni, Phật tử ủy thác. Các hoạt động Phật sự đều phải y cứ tinh thần “Kính ngưỡng, phụng hành Giáo pháp, Giới luật Đức Phật chế và tuân thủ pháp luật Nhà nước”, thực hiện hữu hiệu phương châm hoạt động “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Đặc biệt, Ban Trị sự cần có phương án quy hoạch, bồi dưỡng đội ngũ Tăng Ni trẻ kế thừa để chất lượng hoạt động ngày càng hiệu quả hơn...

Về những thành tựu nổi bật của các Ban Trị sự Phật giáo tỉnh thành trong 35 năm qua, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN nhận định:

“GHPGVN được thành lập năm 1981, trải qua 7 nhiệm kỳ với 35 năm hoạt động, đến nay Giáo hội đã thành lập 63 đơn vị Ban Trị sự cấp tỉnh, thành tại 63 đơn vị tỉnh, thành phố trong cả nước với các hoạt động nổi bật như: Mỗi Ban Trị sự Phật giáo cấp tỉnh, thành đều có trụ sở văn phòng khang trang, tiện nghi; hoạt động hành chánh đồng bộ; nhân sự hòa hợp, đoàn kết, nâng cao tinh thần trách nhiệm, phục vụ Giáo hội.

Ở mỗi Ban Trị sự có nhiều cơ sở tự viện được trùng tu, xây mới; nhiều lễ hội văn hóa tâm linh. Ban Trị sự thực hiện lễ quy y cho đồng bào dân tộc, đại lễ cầu siêu anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ, đồng bào tử nạn qua các thời kỳ chiến tranh được tổ chức. Ban Trị sự Phật giáo hoạt động các mặt công tác Tăng sự, Giáo dục, Hướng dẫn Phật tử, Hoằng pháp, Văn hóa, Nghi lễ, Từ thiện xã hội… đều được đánh giá cao, nổi bật nhất là công tác từ thiện xã hội luôn được Tăng Ni, Phật tử nhiệt tình ủng hộ, tham gia, với kết quả đạt được ước tính hàng trăm tỷ đồng.

Cụ thể, hiện nay cả nước có 5 Ban Trị sự thành phố trực thuộc Trung ương (TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, TP.Hải Phòng, TP.Đà Nẵng, TP.Cần Thơ); trên 30 tỉnh thành lập Ban Trị sự trên 30 năm (Hà Nội, Đồng Tháp, Kiên Giang, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Thừa Thiên Huế…); và một số đơn vị thành lập Ban Trị sự tỉnh thành trong nhiệm kỳ VI và nhiệm kỳ VII của Giáo hội. Nhất là, Ban Trị sự Phật giáo TP.Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế hoạt động tương đối đồng bộ, mạnh về tất cả các mặt như: Tăng sự, Giáo dục, Hướng dẫn Phật tử, Văn hóa, Nghi lễ, Từ thiện xã hội, Phật giáo Quốc tế...

Phật giáo cấp tỉnh, thành có 34 Trường Trung cấp Phật học (phía Nam có 29 trường, phía Bắc có 5 trường). Số lượng Phật tử quy y nhiều, nổi bật như: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Điện Biên, Phú Thọ, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Kon Tum, Bình Phước… Ngoài Phật giáo TP.Hồ Chí Minh hàng năm ước tính công tác từ thiện xã hội đạt khoảng trên 200 tỷ đồng, một số tỉnh như: Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Thừa Thiên Huế đạt từ 40 đến 60 tỷ mỗi năm cho công tác từ thiện xã hội”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.