Hoài cảm... hoa đào

GN - “Với một cành hoa, một chút nước ta có thể gọi về sự cao rộng của sông núi”. Ikennobo Sen’o - bậc thầy của Hoa đạo trên xứ sở Phù Tang đã nói như thế. Có thể hiểu đó là tiếng nói của một trái tim nghệ sĩ đầy ắp sự lãng mạn, nhưng cũng có thể hiểu đấy là sự khải thị hướng tới siêu việt, vuợt lên trên và vượt ra ngoài mọi giới hạn thời gian.

Cho dù Ikennobo Sen’o không gọi tên cụ thể một loài hoa nào, nhưng tiếng nói mang tinh thần của Hoa đạo dường như bao giờ cũng ẩn chứa hàm lượng ngôn linh (Kotodama), như một đức tin vào thế giới siêu nhiên. Thế giới tinh anh cỏ cây sông núi kết tinh lại thành muôn vàn hương sắc, mà ở quê hương Ikennobo Sen’o, hoa đào được xem như là Quốc hoa, tên gọi của nó được thi hóa, nhạc hóa thành tên gọi một xứ sở, một đất nước, cũng giống như hoa hồng hay hoa tu-lip ở châu Âu vậy.

Ở ta, mà cụ thể là Đà Lạt, cũng từng được mệnh danh là xứ sở hoa đào, hẳn những ai yêu Đà Lạt đều thuộc lòng câu hát: Ai lên xứ hoa đào, dừng chân, mang về một cành hoa...!

hoa dao Nhat.jpg

Nhưng hoa đào Đà Lạt cám dỗ tôi còn là cả một thế giới mà chủ nhân của một vườn đào nổi tiếng trên thành phố cao nguyên này, lúc còn sinh thời, ông thường diễn dịch đấy là thế giới của mật ngôn. Vâng, làm sao thấu đạt cái thanh âm tiếng chồi non mở từng cuống lá, tiếng nụ chuyển mình nở những cánh hoa hồng phấn, hồng phai bát ngát mùi hương.

Trong cái vườn đào huyền thoại này, bây giờ những cành hồng đào, bích đào, liễu đào vẫn thay mặt chủ nhân của nó rực rỡ sắc hoa vào những ngày xuân. Có vẻ như trong cái bầu không khí se lạnh giữa vườn đào vào một chiều thanh vắng tràn ngập sương mù, tôi bỗng nghe ra từng bước chân xưa trở về!

Chợt thơ mơ hồi tưởng ngàn trang thi ca cổ điển Vạn diệp tập (Manyoshu), tập thơ được xem như là nguồn cội thi ca của con dân xứ sở Phù Tang, để từ đấy nghe ra sức sống của tình yêu và cái đẹp sinh nở trên Mười ngàn chiếc lá xanh. Một thế giới thơ cổ điển, sánh vai cùng Đường thi Trung Hoa, hay Homère của Athène đã làm giàu có thêm cho văn hóa nhân loại.

Từ Vạn diệp tập, bằng cảm thức ta có thể nghe ra hương thơm còn lưu lại trong thanh âm (Koe no nioi ni), một ẩn dụ giống như Thôi Hộ trong hồi quang huy hoàng của Đường thi “Đào hoa y cựu tiếu đông phong”, mà đại thi hào Nguyễn Du đã dịch là: Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.

Hoa đào năm ngoái, cũng như lúc tôi lang thang giữa mù sương trong vườn đào này, hoa hiện tại đấy mà hoa ngày xưa cũng đấy. Cũng có thể nhìn vào đó, trong ta lại sinh nở thứ hoa tâm tưởng mà tinh thể của nó là “hạt giống” từ Vạn diệp tập hay là từ Cổ kim tập (Kokinshu)... gieo vãi mà thành bất tận một thế giới miên mật.

Sở dĩ có những liên hệ xa xăm đến thế là vì câu chuyện “vượt biên” của một người làm vườn có tên là Yahagi Mitsuo ở cái làng Yamagata của nước Nhật xa xôi. Khi nghe được vườn hoa đào huyền thoại ở Việt Nam, Yahagi Mitsuo đã lặn lội đến bằng được, để rồi chính anh cũng thành... huyền thoại nốt. Những mầm đào, mầm táo Fuji mà Yahagi Mitsuo mang từ nước Nhật xa xôi đến cấy ghép trong vườn đào này liệu có từ “hạt giống” huyền nhiệm kia gieo cấy, làm nên một tình yêu không biên giới.

Hóa ra cỏ cây hoa lá, bằng mật ngữ của mình, đã biết gợi mở cho con người tìm đến với nhau dưới mái nhà chung thiên nhiên tươi xanh, mà nếu thiếu đi một đam mê, một tình yêu đắm say người ta sẽ không hiểu được, rằng cái màu xanh căng tràn sức sống ấy biết réo gọi con người vượt qua những biên giới để tìm đến với nhau.

Nữ thi sĩ Ono no Komach, gọi tên người nữ thi sĩ này cũng ví như ta lãng du vào những truyền thuyết của hương sắc hoa đào. Không đắm say hoan lạc như vậy thì làm gì tiếng mưa rơi trong vườn đào của hơn nghìn năm trước nghe ra còn vọng mãi đến bây giờ. Hana no iro wa/ Utsurrinikerina/ Itazura ni/ Wa ga mi yo ni furu/ Nagame seshi ma ni (Hoa đào ơi/ Nhan sắc phai rồi/ Hư ảo mà thôi/ Tôi nhìn thăm thẳm/ Mưa rơi trên đời).

Từ cổ điển đến tân cổ điển có lẽ lộng lẫy nhất là Shokushi, nàng công chúa xinh đẹp của Thiên hoàng Goshirakawa. Một nhà thơ mà Yasunari Kawabata - tác giả của “Phù Tang, cái đẹp và tôi”, đồng thời ông là văn hào nhận giải Nobel Văn chương 1968 đã ca ngợi không tiếc lời. Vâng, cả nghìn năm sau vẫn còn dư hương hoa đào của Shokushi: Hana wa chiri/ Sono iro to naku...” (Xa rồi hoa đào/ Tâm tư đã vắng màu sắc...).

Sau công chúa Shokushi gần hai thế kỷ, cái loài hoa linh thiêng ấy ta lại bắt gặp nơi Thiền sư Seigan Shotetsu. Một sức vang hưởng của tịch nhiên, ẩn trong mây trắng bay qua xứ sở chừng như không dứt từng cánh hoa đào. Xuyên suốt ý niệm này trường cửu một ám ảnh, hoặc là hoa đào là thứ hoa thường hằng như cơm ăn áo mặc, thường trực như hơi thở, hoặc trở thành một thứ huyết thanh siêu hình nuôi dưỡng tâm hồn con cái quê hương Thái dương thần nữ.

Nhưng hoa đào tồn tại trong thế giới Đường thi thì lại khác, những Thiên thai, những Đào nguyên là quê xứ của tâm tưởng để nuôi dưỡng cái đẹp vĩnh hằng. Sức lung linh của nó có vẻ truyền thuyết hơn những Cổ kim tập, Tân cổ kim tập... Có thể hương sắc của hoa đào mỗi cõi đất trời riêng một vang vọng, mà Thôi Hộ - đại biểu của Đường thi là một nhân chứng. Chuyện xưa kể rằng: Nhân tiết thanh minh, trên đường du xuân, Thôi Hộ gặp một vườn hoa đào khoe sắc thắm, thi sĩ bước vào thưởng thức hoa, duyên may gặp một người con gái đẹp, hai người biết nhau từ đấy. Vậy rồi thanh minh năm sau, chàng thi sĩ nhớ đường xưa quay về, ai ngờ vườn hoa đào xưa cửa đóng then cài.

Thôi Hộ đề một bài thơ trên cửa rồi ra về, ít ngày sau chàng thi sĩ đa tình quay trở lại. Một cụ già trong vườn đào bước ra chào, và kể lại cho thi sĩ nghe: Con gái của ông nhân đọc bài thơ lưu lại trên cửa đã nhịn ăn mà chết. Lạ lùng là hình hài thân xác vẫn đẹp nguyên vẹn như sắc hoa đào. Thôi Hộ bước vào khấn vái trước thi hài người con gái. Kỳ lạ thay người đẹp phục sinh ngồi dậy nhìn Thôi Hộ mỉm cười. Từ đó họ quấn quýt bên nhau và kết duyên thành chồng vợ.

Bài thơ “Đề tích sở kiến xứ”, nghĩa là thơ đề vào nơi trống vắng, nơi mà người đẹp kia từng hội ngộ với thi sĩ. Thơ ấy, lời ấy khác nào “Một lời là một vận vào khó nghe” (Nguyễn Du), cũng tức là một thứ ngôn linh trong Manyoshu. Một cõi thần giới nuôi nấng sắc hương hoa đào như nuôi dưỡng sự sống cho tình yêu “Khứ niên kim nhật thử môn trung. Nhân diện đào hoa tương ánh hồng. Nhân diện bất tri hà xứ khứ? Đào hoa y cựu tiếu đông phong” (Cửa này, năm ngoái, ngày nay. Hoa đào ửng chiếu mặt ai hồng đào. Mặt người giờ đã phương nào? Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông).

Bây giờ, một góc trời núi non này đang những ngày cuối đông, bỗng nhiên một thứ âm thanh kỳ lạ lẫn trong gió dào dạt quanh tôi giữa một vườn đào thanh vắng! Cho dù không như Đường thi lộng lẫy những lối Đào nguyên, nhưng sao cái cảnh trong thơ của thi sĩ Tào Đường lại giống mười mươi hiện thực nơi đây “Đào hoa, lưu thủy y nhiên tại”, nghĩa là: Chỉ còn hoa đào và nước chảy vẫn còn nguyên vẹn nơi đây. Ngồi bên dòng suối nhỏ giữa vườn đào, sự thanh vắng không phải vì thiếu bàn tay người chăm sóc mà là vì chủ nhân của nó cũng đã... người xưa! Dường như chạm vào mỗi cành, mỗi lá tôi đều có cảm giác nghe được mùi hương của âm thanh. Hiện thực hay là từ chân trời nào đó xa xưa truyền cho tôi cái diệu lực siêu nhiên này.

Nếu quả thật có một huyền nhiệm như thế, thì chủ nhân vườn đào - người xưa ơi! Tôi đang nghe những thanh âm của hoa đào trong Vạn diệp tập, trong Đường thi, và cả những nụ những giọt còn ẩn tàng trong dòng nhựa nuôi dưỡng cho từng mùa đào phai sinh nở, để ngộ ra sức sống của cái đẹp bất sá mọi dâu bể thời gian ở lại mãi với con người!

Nguyễn Nhã Tiên

_______________

(Toàn bộ thơ trong Đường thi, và thơ ca Nhật Bản cũng như bản dịch trong bài viết được rút từ Đường thi toàn tập của Trần Trọng Sang và Thơ ca cổ điển Nhật Bản của Nhật Chiêu)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.