GN Xuân - Kính hiếu, hồi hướng về cha mẹ tôi không gì hơn là làm người Phật tử như cha mẹ tôi đã là người Phật tử. Mỗi lần tôi lạy Phật, thấp thoáng hình ảnh cha mẹ tôi cũng đang hướng về Phật…
Đời sống tâm linh của một gia đình được thể hiện ở bàn thờ - Ảnh chỉ mang tính minh họa
Đời sống tâm linh của một gia đình được thể hiện ở bàn thờ, đặt ở vị trí trang trọng trong ngôi nhà, thường là ở giữa gian chính. Bàn thờ tổ tiên nhất thiết phải có. Đối với Phật tử, còn có bàn thờ Phật ở vị trí cao hơn và ở phía trước bàn thờ tổ tiên. Những ngày rằm, mồng một, ngày lễ Phật, ngày kỵ, ngày Tết, ngày cưới,… bàn thờ được chủ gia đình chuẩn bị hương, hoa, bánh trái để cúng Phật và cúng ông bà cha mẹ.
Chọn hoa trái gì để cúng Phật và cúng ông bà? Việc này tùy theo ý thích của mỗi người, miễn sao hoa trái tươi lành thể hiện tấm lòng thành kính; tuy thế mỗi vùng có tập quán khác nhau, cũng như có những đặc sản khác nhau, nên việc chọn hoa trái trên bàn thờ cũng tùy từng địa phương và từng gia đình. Tôi xin lấy chuyện nhà như là một gia đình bình thường ở Huế trong việc sắm sửa hoa trái trên bàn thờ nhà mình.
*
Chuyện quan trọng số một trong năm là chuyện Tết. Thời trước, cha tôi nghĩ đến trước hết là cành mai, có mai là có Tết, không có mai là Tết nhạt nhẽo. Trước Tết khoảng bốn, năm ngày, cha tôi đã đi rảo chợ mai tại vườn hoa Thương Bạc, xem chất lượng hoa và giá cả như thế nào. Thế rồi 27, 28 Tết cha tôi phải rinh cho được một cành mai tương đối kha khá, để đặt trước bàn thờ Phật, vừa thờ vừa điểm tô cho phòng khách lộng lẫy sắc xuân, và một cành mai nhỏ hơn đặt trên bàn thờ ông bà. Khá vất vả để mua được một cành mai như ý: thân chính thẳng, khỏe, vươn lên, tán vừa phải và tròn, hoa vừa chớm nụ để mồng một Tết là bừng lên tràn đầy sắc vàng tươi thắm. Chọn được cành mai như thế đã khó, lại chọn cho hợp với túi tiền của mình lại khó thêm, cho nên khi đặt mai vào vị trí trang trọng, ngắm đi ngắm lại, sửa cho chỉnh thì cha tôi xem như đã hưởng Tết một nửa, còn tôi thì khoan khoái như trút được gánh nặng.
Thật ra, vườn nhà tôi có hai cây mai cân đối trước nhà, nhưng cha tôi không cho chặt, vì để cho đẹp cảnh vườn trong ngày xuân, thế nhưng năm nào cũng có những người thân của cha tôi ngỏ ý xin mai, cha tôi không từ chối, sai con cháu trong nhà ra cưa. Ai trong nhà cũng bực cha tôi hiếu khách quá đáng. Sau này nhớ lại càng thương cha mình.
Màu sắc Tết Huế xưa trong không gian tái hiện phiên chợ Gia Lạc tại TP.HCM - Ảnh: Yên Hà
Truyền thống mua mai để cúng và chưng Tết tiếp tục như thế, dẫu cho thế sự có nhiều đổi thay, cho đến một năm… Cành mai mua về vẫn cứ dửng dưng, không thấy nở thêm, chỉ hé mấy bông đã có sẵn. Thật ra, hoa có nở thêm rải rác nhưng không khởi sắc. Thế rồi đến giao thừa và đầu năm mới thì chuyện đã rõ: mình mua lầm cành mai bị hãm, cứ tưởng những nụ hoa hứa hẹn nở đều, không ngờ. Cha tôi trầm ngâm, còn mẹ tôi buồn thấy rõ, nỗi buồn của tuổi già ngại có điều gì không lành trong năm mới. Những năm sau này, gặp thời mai lên giá quá đáng, nguồn mai rừng bị khai thác cạn kiệt, vả chăng thiên hạ đã chuyển qua chơi mai chậu, qua bàn tay của nghệ nhân trở thành các tác phẩm tuyệt mỹ và đắt tiền, tôi không mua nhành mai để cúng Tết nữa, thay vào đó, tôi cũng có mai vườn, mai chậu để mừng xuân và tưởng nhớ đến cha tôi, một người chung thủy với mai.
Ngoài mai, cha tôi còn mua thêm hoa đặt trên bàn thờ ngày Tết, thường cha tôi thích nhất là hoa lay-ơn, màu đỏ hoặc vàng. Sau này, tôi vẫn tiếp tục với sự chọn lựa đó, kèm thêm với cúc vàng hoặc các loại hoa khác. Lay-ơn có thứ cao cấp, có thứ thường. Đẹp hơn cả là lay-ơn Đà Lạt, nhiều khi đắt và hiếm, nên nếu không mua được thứ đó thì lay-ơn Phú Yên chấp nhận được, còn lay-ơn Huế thì dáng dấp nhỏ và khiêm tốn quá, thôi thì để dành cho ngày thường.
Nếu cha tôi lo hoa thì mẹ tôi lo trái trên bàn thờ. Ngày Tết cúng trái nhiều, số lượng lẫn chủng loại, theo kiểu ngũ quả, nhưng cũng như mọi gia đình ở Huế, nhất thiết phải có nải chuối. Không phải chuối gì cũng được mà phải là chuối mật hay chuối mốc. Vì sao chọn loại chuối đó, một loại chuối không phải là ngon nhất? Đó là vì chuối này rất đẹp khi đặt trên bàn thờ. Bình thường chuối đó không đắt tiền, nhưng ngày rằm, mồng một thì lên giá, còn Tết thì giá chuối đó rất cao nếu chọn nải chuối to, đều, mũm mĩm, no tròn, và hứa hẹn đúng Tết sẽ bắt đầu ngả vàng như mật ong. Ngoài chuối, những trái cây khác thì tùy nghi, miễn sao đẹp và tươi. Nhưng có một loại trái cây đi vào trí nhớ của tôi mà tôi chưa thấy trong một thời gian dài của cuộc đời, đó là do mẹ tôi kể lại, đẹp quá, như bàn tay Phật: trái Phật thủ! Mẹ ơi, bây giờ trái Phật thủ từ miền Bắc vào, đã được đặt trên bàn thờ của nhiều ngôi chùa ở Huế, màu vàng, đẹp như mẹ nói, có những “ngón” dài như bàn tay Phật.
*
Tết là thiêng liêng... - Ảnh: thanhnien.com.vn
Chuyện hoa trái ngày Tết là chuyện thiêng liêng, mỗi năm một lần, cho nên người chủ gia đình phải lo với tất cả lòng thành, chứ những dịp khác, việc sắm sửa trên bàn thờ đơn giản hơn nhiều. Điều đáng nhớ là một số loại hoa có thời kỳ lịch sử khi xuất hiện trên bàn thờ. Thuở thiếu thời, cơm ăn áo mặc vốn đã khó khăn, đâu có nhiều hoa đẹp như sau này? Thế mà có đấy, hoa phượng cúng! Hồi đó, mỗi nhà có mảnh vườn thường trồng cây phượng cúng đằng trước, bên góc vườn. Hai loại phượng, đỏ hay vàng đều đẹp, hiền, nhã, khiêm tốn, hầu như ra hoa quanh năm; cứ rằm, mồng một, sáng sớm gia chủ ra cắt vài nhánh hoa, cắm vào bình, đặt lên bàn thờ, dễ thương vô cùng! Hoa phượng cũng có bán ở chợ nhỏ, hòa đồng với những khoai, sắn, chè, kẹo gừng, bánh lá… Thế rồi hoa phượng cúng nhẹ nhàng rút lui vào lúc nào, tôi không nhớ chính xác, cùng với hiện tượng những cây phượng cúng phải nhường chỗ cho các cây hoa trái khác, đẹp hơn, kinh tế hơn, ít choán chỗ hơn.
Hoa phượng cúng
Nếu cây phượng cúng gây ấn tượng từ thuở nhỏ của tôi, thì cây bông thọ (vạn thọ) cho tôi niềm cảm mến lâu dài. Bông thọ tròn, cánh hoa chi chít đều, với hai màu: vàng và đỏ cam, trở thành loại hoa đại chúng nở vào dịp Tết, thật hớn hở vui tươi, phổ biến đến nỗi nhiều nông dân vùng ven Huế trồng đại trà và cứ gần Tết thì đi bán dạo khắp nơi, rẻ tiền; nhà nào mua vài ba chục cây để trồng là mảnh vườn bừng lên sắc xuân thấy rõ. Một loại hoa đẹp như vậy, phải có vị trí xứng đáng trên bàn thờ gia đình tôi, không chỉ là ngày Tết mà cả mùa xuân. Vạn thọ, đúng như tên của nó, không chỉ có ý nghĩa tươi lâu mà dáng ôm tròn cùng với màu vàng - tươi hoặc đậm - gợi lên sự viên mãn, không chỉ là thọ mà có cả phúc nữa, và tôi không thể quên mùi hương nồng nàn, hơi hăng hắc, lưu lại trong tôi một thời gian dài, và thật may mắn, ngày nay cây bông thọ đã trở lại, to và đẹp còn hơn trước.
Thế rồi đến lúc nhiều loại hoa đã cạnh tranh với vạn thọ, nào là hoa huệ, hoa cúc, thược dược…, trong đó hoa huệ được tôi chọn lựa cúng trên bàn thờ, bởi vẻ trắng muốt trinh nguyên, hương thơm quyến rũ, lại thân thẳng, lá đẹp, dễ cắm vào bình.
Đến bước ngoặt lịch sử, thời bao cấp khiến con người chạy vạy với đời sống khó khăn trước mắt, thì bàn thờ cũng phải tạm chia xa với những loại hoa khoe sắc hương. Không sao đâu, ôn mệ cũng thông cảm với hoa đồng cỏ nội, và không ngờ, một loại trước đây không mấy ai để ý, thì giờ đây là một giải pháp thay thế cho những hương hoa của một thời: đó là cây chuối kiểng (perroquet?), với hoa màu đỏ gạch, chắc khỏe, lá như lá chuối, nhưng nhỏ và cứng, cây cao khoảng một mét, mọc nơi ẩm, nếu đầy đủ ánh sáng là ra hoa quanh năm. Mảnh đất cuối vườn nhà tôi tha hồ cho cây này phát triển và nhiều khi có người đến hỏi mua với số lượng lớn. Nói hơi “tội” một chút, ngày Tết mà chưng hoa này trên bàn thờ thì lòng dạ không yên, nhưng rằm, mồng một thì cũng được, có còn hơn không.
Vạn thọ - loại hoa phổ biến trong dịp Tết về
Thời bao cấp qua đi thì bông chuối kiểng chấm dứt vai trò lịch sử của nó. Thị trường hoa càng dồi dào với sắc màu phong phú và nhiều giống mới, như đồng tiền, lily, cẩm chướng, hồng… và rất nhiều loại cúc với nhiều màu đẹp. Đặc biệt những năm sau này, cây cúc nở hoa vàng thắm trở nên phổ biến, làm huy hoàng trong nhà ngoài phố vào dịp Tết, không những thế, cúc được trồng đại trà và nở hoa quanh năm. Hoa cúc vàng xứng đáng được cúng trên bàn thờ trong các ngày rằm, mồng một và các ngày kỵ giỗ, và ngay cả Tết, hoa cúc vàng góp mặt rất đẹp cùng với các loại hoa khác trên bàn thờ. Nhưng tôi cũng như mọi người dân Huế làm sao quên được bông sen, chao ơi, vào những ngày hạ, đặc biệt là dịp Phật đản, làm sao “thỉnh” được một chục bông sen Tịnh Tâm trắng thứ thiệt đặt trên bàn thờ để sớm tinh sương hôm sau, hoa nở đều, bung cánh trắng, rung rinh nhụy vàng, lan tỏa hương thơm nhè nhẹ vô cùng ý vị, thì thật hoan hỷ cả ngày.
Khác với hoa có từng thời kỳ thay đổi trên bàn thờ, việc chọn trái cây tùy theo thị trường, theo chợ địa phương, và theo mùa. Vui và ấm áp làm sao khi nhìn thấy trên bàn thờ trái thanh trà, trái bưởi no tròn, cuống dính chút lá xanh; trái thanh long đỏ, da láng lẩy, dáng hình độc đáo; trái mãng cầu đương độ màu xanh nhạt chuyển qua vàng một chút, rồi cam quýt với sắc màu đẹp và đầy sức sống,… Nhưng dầu đẹp bao nhiêu thì chúng cũng nhường chỗ cho cây nhà lá vườn, tôi vẫn theo mẹ tôi ưu tiên chọn những trái cây trong vườn, dầu không đẹp lắm, bù lại, vô cùng tươi và nói lên lòng thơm thảo đối với Phật và tổ tiên: xoài, ổi, chuối đủ loại, kể cả chuối ba lùn cúng ôn mệ - một thứ trái mà không mấy ai cúng.
*
Hương, hoa, trái trên bàn thờ là phương tiện để tôi nhớ mình đã quy y Phật, nhớ mình cho tròn đạo Hiếu, và từ đó biết sống làm sao cho ngày thêm tinh tấn. Phương tiện có thể thay đổi nhưng lời nguyện theo Phật của tôi không thay đổi. Tôi đi theo con đường của Đức Phật cũng là nhờ truyền thống gia đình. Kính hiếu cha mẹ tôi, hồi hướng về cha mẹ tôi không gì hơn là làm người Phật tử như cha mẹ tôi đã là người Phật tử. Mỗi lần tôi lạy Phật, thấp thoáng hình ảnh cha mẹ tôi cũng đang hướng về Phật.