Hình ảnh này được một số người đăng trên diễn đàn mạng xã hội nhằm chứng minh rằng ông Nguyễn Minh Phúc có mối quan hệ với các vị giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội, cụ thể ở đây là Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Phật giáo quốc tế T.Ư GHPGVN, trụ trì chùa Phổ Minh.
Nói với Báo Giác Ngộ, Hòa thượng Thích Thiện Tâm cho biết: “Thật sự đáng tiếc và rất bất ngờ về sự có mặt của vị ấy trong ngày tu học của đạo tràng Phổ Minh”.
Hòa thượng Thích Thiện Tâm chia sẻ thêm, vào hôm Chủ nhật vừa qua (23-7-2023), sau giờ tu học của đạo tràng chùa Phổ Minh, Hòa thượng bất ngờ vì “vị ấy” có mặt, “không mời thỉnh mà vẫn hiện diện”.
Hòa thượng Thích Thiện Tâm, trụ trì chùa Phổ Minh xác nhận Nguyễn Minh Phúc mặc đạo phục, là khách "không thỉnh mời mà vẫn diện diện" tại đạo tràng chùa Phổ Minh hôm 23-7-2023 |
“Gặp tôi, vị ấy nói: 'Con đến chào Hòa thượng để đi Thái Lan nhập hạ', và tự động tham dự, chụp ảnh. Vì vị ấy mặc đạo phục nên không ai nhận ra, và cũng không ai báo cho tôi biết cả. Nếu biết, tôi đã cho mời vị ấy ngồi nơi thích hợp khác rồi!”, Hòa thượng Thích Thiện Tâm chia sẻ.
Hòa thượng trụ trì chùa Phổ Minh nói thêm rằng ai thấy hình ảnh “vị ấy” trong buổi tu học của đạo tràng cũng sẽ không hoan hỷ, và gửi lời xin lỗi mọi người vì sự việc thiếu cảnh giác, gây hiểu lầm đáng tiếc.
Ngài cũng mong Phật tử khắp nơi cẩn thận để tránh trường hợp bị lạm dụng hình ảnh như vậy.
Thông tin báo chí cho biết khuya 22-7, Công an quận Gò Vấp phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra nhiều cơ sở kinh doanh nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn. Clip có sự xuất hiện của một người đàn ông đầu trọc, mặc đồ giống nhà sư gây xôn xao.
Và người này được xác định là Nguyễn Minh Phúc, từng bị phản ánh vì làm giả giấy tờ chứng nhận Tăng Ni, chùa chiền dưới danh nghĩa do GHPGVN cấp cũng như các bằng khen, huân, huy chương của Nhà nước khác.
Trả lời báo chí về hiện tượng này, Thượng tọa Thích Tâm Hải, Trưởng ban Thông tin - Truyền thông GHPGVN TP.HCM cho biết: “Ông Nguyễn Minh Phúc được một số YouTuber, TikToker khai thác trên mạng xã hội, liên tục trong nhiều năm qua, dù Giáo hội đã phản ánh, các cơ quan chức năng cũng xác nhận hành vi làm giả giấy tờ, trong đó có chứng điệp thọ giới, chứng nhận Tăng Ni, bổ nhiệm trụ trì... Nhiều Tăng Ni bày tỏ băn khoăn về vấn đề này, nhưng không hiểu sao hiện tượng này cứ tồn tại lâu dài, các cơ quan chức năng cũng biết, tuy nhiên không có giải pháp gì nhằm chấm dứt. Nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn thì sẽ làm loạn thêm cho mạng xã hội, như một cách dung túng cho hành vi làm tổn thương, bỡn cợt đối với tôn giáo”.