Hòa thượng Thích Nhật Quang: “Giữ gìn đạo mạch Thiền tông Việt Nam là tâm nguyện của ân sư”

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1184 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1184 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Nhân kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca thành đạo cũng là ngày truyền thống của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, chư tôn đức Tăng Ni trong tông phong đã thành kính tổ chức lễ khánh thọ bách tuế Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Từ, Phó Pháp chủ GHPGVN, Tông chủ Thiền phái.

Dịp này, Hòa thượng Thích Nhật Quang, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, Trưởng ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam đã chia sẻ những hồi ức về Hòa thượng ân sư với báo Giác Ngộ.

Được biết, Hòa thượng sinh ra tại một miền quê của tỉnh Tây Ninh, do khó nuôi, năm 7 tuổi, đã được gởi vào chùa và được bén duyên lành với Tam bảo từ đó. Nhớ lại nhân duyên với Phật pháp, Hòa thượng Thích Nhật Quang kể lại:

“Năm 1956, tôi được gởi xuống chùa Vạn Đức xuất gia tu tập với cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh. Tôi được thầy thương, tận tình dạy dỗ. Sau đó, cố Hòa thượng đã gởi tôi theo học các trường thế học, Phật học như: Phật học đường Nam Việt tại chùa Ấn Quang, Trường Phật học chùa Phước Hòa (Vĩnh Bình), Phật học viện Huệ Nghiêm, Viện Đại học Vạn Hạnh,… và cũng từ đó, tôi được nương bóng mát từ các cây đại thọ Phật giáo thời bấy giờ. Chính duyên lành này đã giúp bản thân tôi được tiếp thu các kiến thức Phật pháp, niềm tin Tam bảo cũng ngày thêm kiên cố.

Tôi nhớ có lần Hòa thượng Thích Thanh Từ được mời về Phước Hòa (Vĩnh Bình) giảng dạy, tôi được phân công thị giả ngài. Sau thời ngọ trai, Hòa thượng đi dạo và nhìn thấy mấy chú thị giả đang ngồi ăn cơm. Hòa thượng đến hỏi chuyện, xong nhìn tôi, ngài bảo: ‘Sau này, thầy mở trường chú về học với thầy’.

Về sau, khi được tham gia học tại Phật học viện Huệ Nghiêm, tôi mới biết chính Hòa thượng cùng với Hòa thượng Thích Bửu Huệ, Hòa thượng Thích Thiền Tâm đã đứng ra thành lập trường để đào tạo Tăng Ni. Tôi may mắn là thế hệ học trò đầu tiên ở ngôi trường ấy. Sau khi được đào tạo tại đây xong, tôi được gởi đến Viện Đại học Vạn Hạnh để vừa học, vừa phụ giảng dạy cho lớp đàn em mới vào học tại Huệ Nghiêm. Nhờ vậy, tôi có dịp được hầu chuyện nhiều cùng Hòa thượng nhiều hơn. Hình bóng ân sư, một người hết lòng vì Tăng Ni đã in sâu vào tâm thức tôi từ đó.

Đến năm 1966, sau khi sắp xếp xong mọi công việc của Giáo hội, của trường, Hòa thượng nhập thất tu thiền tại thất Pháp Lạc nơi núi Lớn ở Vũng Tàu.

Đến năm 1968, Hòa thượng mở thất và bắt đầu xây dựng thiền viện Chơn Không. Năm 1970, 10 anh em chúng tôi gồm: các Hòa thượng Phước Hảo, Đắc Pháp, Thiện Năng, Như Thông, Phước Tú, Trí Cảnh, ..… đã khăn gói lên núi học pháp với thầy”.

Thuở sơ khai nhiều gian khó

Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, vâng theo lời chỉ dạy của Tôn sư, Hòa thượng Thích Nhật Quang cùng các huynh đệ rời Chơn Không về tiếp nhận khu đất 52 mẫu ở Long Thành, Đồng Nai do Phật tử phát tâm cúng dường, để vừa làm kinh tế tự túc, vừa tu hành. Thiền viện Thường Chiếu dành cho Tăng và Viên Chiếu dành cho Ni đã ra đời trong những năm tháng khó khăn đó.

“Trong chuỗi ngày dài ấy, hình bóng ân sư vẫn luôn là gương sáng để huynh đệ tiến tu. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh thầy xách từng bao gạo, một ít nước tương, hay tí quà nhỏ từ núi Chơn Không xuống thăm đệ tử. Thầy cũng xắn tay áo cùng nhổ cỏ, trồng lúa,... hay cùng ngồi bên mâm cơm đạm bạc nhưng chan chứa tình thầy trò. Những buổi giảng của thầy bên hiên chùa tạm, không có đầy đủ tiện nghi. Thầy ngồi trên chiếc ghế tre, chúng đệ tử quây quần lắng nghe từng lời pháp nhũ. Và dù ở đâu, thầy vẫn vậy, vẫn luôn hết lòng trong từng trang kinh”, Hòa thượng Thích Nhật Quang hồi tưởng.

Mãi đến năm 1986, Hòa thượng Thích Thanh Từ trở về Thường Chiếu, Tăng Ni mọi miền quy tụ về học pháp mỗi ngày một đông. Từ đó, nền tảng thiền học được phổ biến và phát triển, các thiền viện được xây dựng khắp nơi. Những thế hệ đầu tiên theo Hòa thượng học pháp đã có nhiều người thành tựu trên đường tu và trở thành những vị thầy hướng dẫn cho đồ chúng tu học. Nhưng có lẽ, trong ký ức của những học trò của ngài ở buổi đầu sơ khai ấy, hình ảnh thầy trò bên nhau, cùng chia sẻ những gian khó vẫn là hình ảnh sống động và thân thương nhất.

Nối tiếp mạch nguồn Thiền tông

Dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử là dòng thiền chánh thống của người Việt Nam, do Sơ tổ Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông khai sáng. Trải qua hơn 700 năm, biết bao biến thiên dâu bể, nhưng mạch nguồn ấy của Tổ sư từ chốn non thiêng Yên Tử vẫn âm thầm luân lưu trong tâm tư dân tộc Việt, Tăng Ni Việt. Để rồi đến cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Từ đã khôi phục lại nơi mảnh đất phương Nam. Bắt đầu từ ngọn nguồn Chơn Không, tiếp nối là sự ra đời của các Chiếu, và bừng sống dậy mạnh mẽ trên đỉnh Phụng Hoàng - Thiền viện Trúc Lâm; sau đó, lại ngược dòng về chốn Tổ: thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, Tây Thiên, Sùng Phúc,…

Ngày nay, thiền viện, đạo tràng Tăng Ni, Phật tử trực thuộc Thiền phái có mặt khắp nơi trong và ngoài nước. Với tư cách là Trưởng ban Quản trị tông phong, Hòa thượng Thích Nhật Quang cũng đã chia sẻ về những ưu tư, trăn trở của mình, đặc biệt là đối với những Tăng Ni trẻ.

Hòa thượng cho biết, hiện nay, Ban Quản trị đã xây dựng và mở Trường Phật học Trúc Lâm Việt Nam để đào tạo cho Tăng Ni sinh theo cương lĩnh của Thiền phái mà Hòa thượng ân sư đã dày công giáo huấn: “Chân tâm vô niệm”, “Phản quan tự kỷ bổn phận sự”. Hòa thượng Thích Nhật Quang kỳ vọng mỗi Tăng Ni sinh trẻ phải cố gắng nỗ lực để xứng đáng là thế hệ kế thừa, nối tiếp bậc tiền bối giữ gìn và phát triển đạo mạch Thiền tông Việt Nam. Vì đó là tâm nguyện một đời của Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Từ.

“Thế giới bên ngoài vốn có nhiều cám dỗ, nếu mỗi Tăng Ni trẻ không khép mình trong khuôn khổ, nghiêm trì giới luật, giữ thân định, tâm an thì sẽ dễ bị ngoại cảnh chi phối. Vì vậy, người đi trước cần phải có trách nhiệm nâng đỡ, hết lòng giáo dục Tăng Ni trẻ, nhằm giúp họ có thể vượt qua những chướng ngại để tiến tu đạo nghiệp”, Hòa thượng Thích Nhật Quang nhắn nhủ.

Kính mừng khánh thọ bách tuế Hòa thượng Tôn sư

Hòa thượng Thích Nhật Quang đảnh lễ Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Từ
Hòa thượng Thích Nhật Quang đảnh lễ Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Từ

Hôm nay ngày mùng 8 tháng Chạp năm Nhâm Dần - 2022, là ngày truyền thống của Thiền phái Trúc Lâm, cũng là ngày thầy tròn đầy tuổi thọ bách tuế, viên mãn phúc tuệ và công đức của một thiền sư nước việt.

Tăng Ni, Phật tử thiền phái Trúc Lâm hết sức vui mừng khi Thầy trụ thế dài lâu, làm bậc tùng lâm thạch trụ cho Tăng-già thêm vững mạnh. Thầy là hiện thân của sự tiếp nối mạch nguồn Tổ tông, khiến cho dòng thiền nước Việt tuôn chảy mãi không ngừng, là bậc tông sư mô phạm cho Tăng Ni tứ chúng theo về, siêng năng tu học.

Dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử là dòng thiền chánh thống của người Việt Nam, do Sơ tổ Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông khai sáng. Sơ tổ Trúc Lâm, Nhị tổ Pháp Loa, Tam tổ Huyền Quang là linh hồn của thiền phái Trúc Lâm. Nhìn lại dòng lịch sử Thiền tông từ ngàn xưa cho đến hôm nay, dù trải qua bao nhiêu cuộc biến đổi vô thường, nhưng mạch sống Phật Tổ vẫn âm thầm luân lưu trong tâm tư dân tộc Việt, Tăng Ni Việt. Đến cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, sự ra đời và chấn hưng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử của Thầy, càng khẳng định rõ mạch sống Thiền tông nước Việt luôn được tiếp nối, mãi mãi tiếp nối, vĩnh cửu trong lòng Tăng Ni, Phật tử và dân tộc Việt Nam.

Ngày nay, dưới sự gia trì của Tam bảo, công đức giáo hóa của Thầy, các thiền viện và đạo tràng Phật tử trực thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử có mặt khắp nơi trong cũng như ngoài nước, Tăng Ni, Phật tử cùng nương tựa tu tập bên nhau. Niềm vui và niềm tin trong công phu, đã chuyển hóa tâm tư hành giả ngày càng rõ nét, đem lại ánh sáng trí tuệ và tình thương trong cuộc sống của mỗi người con Phật. Chân trời an vui giải thoát mở toang, mặc tình cho hành giả cất bước thênh thang. Điều này thể hiện sống động trong sinh hoạt tu tập của thiền sinh tại các thiền viện và đạo tràng Thiền tông hiện nay.

Hôm nay, đối trước Thầy, toàn thể đệ tử chúng con xin dâng lên tấm lòng cảm bội thâm ân của ân sư, bậc Thầy đã suốt đời tận tụy hy sinh vì tác thành đạo nghiệp cho Tăng Ni tứ chúng. Môn hạ đệ tử chúng con nguyện hết lòng đi theo con đường thiền Thầy đã khai sáng, cho tới ngày thành tựu viên mãn mới thôi. Tất cả công đức có được xin dâng lên cúng dường ngày bách tuế của Thầy, nguyện Thầy sống lâu nơi đời, mãi mãi là con thuyền đại pháp, đưa chúng con và tất cả chúng sanh rời bờ mê quay về bến giác.

Hướng về thiền phái Trúc Lâm, lịch đại Tổ sư nước Việt, vâng lời Thầy dạy, chúng con nguyện nhận lãnh trọng trách mồi đèn tiếp lửa, thắp sáng ngọn tâm đăng Phật tổ, giữ gìn đạo mạch Thiền tông nước Việt dài lâu. Nguyện Phật giáo Việt Nam cửu trụ nơi đời, ánh sáng đạo lan tỏa khắp muôn nơi, xua tan bóng tối vô minh, đem nguồn an vui hạnh phúc đến cho dân tộc và đất nước Việt Nam muôn đời.

Hòa thượng Thích Nhật Quang

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.