GN - Chữa bệnh phải chữa cả “tâm”, đó là phương châm của HT.Thích Thanh Sơn, viện chủ tổ đình Vạn Thọ (Q.1, TP.HCM). Hòa thượng đã gắn bó với phòng thuốc “trật đả cốt” và chữa lành rất nhiều chứng bong gân, trặc xương, bó gãy xương bằng thuốc và không thu phí đã hơn 20 năm qua…
Bệnh hết… tâm cũng thông
Đó là một trong những kỷ niệm mấy mươi năm làm nghề, HT.Thích Thanh Sơn nhớ lại: “Vào buổi sáng tụng kinh, có một người tìm tôi vào sáng tinh mơ, hỏi ra mới biết anh ta làm nghề đạo chích, trong khi hành nghề bị người ta đánh bể hai mắt cá chân không đi được phải nhờ người bạn cõng tới bỏ ở cửa chùa thầy.
HT.Thích Thanh Sơn trị trật đả cho người nghèo - Ảnh: V.G
Sau khi nghe xong tôi vẫn đắp thuốc chữa bệnh, và cũng khuyên nhủ nên bỏ nghề này, kiếm nghề lương thiện khác mà làm. Bẵng đi một thời gian có người tới xin được gặp thầy nói chuyện, qua câu chuyện tôi mới chợt nhớ là người năm xưa đã đến nhờ chữa bệnh. Hỏi thăm tình hình, anh ta cười vui vẻ trả lời con nghe lời thầy, giờ con đã có việc làm lương thiện ổn định để nuôi gia đình rồi”.
Còn trường hợp của cô Sáu, vốn là chị nuôi trong cảng đóng tàu Ba Son, giai đoạn khó khăn 1990 không may chị bị té xe, sau một thời gian bị cứng khớp tay đã tới phòng thuốc của chùa, được đắp thuốc, nắn khớp cộng điều trị tận tình của thầy, chỉ sau hơn một tháng thì khỏi bệnh. Chị đã mang tặng thầy mấy kg khoai mì để cảm ơn. Hình ảnh cánh tay vẫn còn bó thuốc xách giỏ quà làm thầy cảm động không phải vì giá trị mà vì người bệnh đã khỏi sau khi được thầy chữa trị.
Nói về phòng thuốc, có bữa thuốc dùng không đủ mà bệnh nhân tới đông các thầy phải ra ngoài mua thêm thuốc, hàng ngày có khoảng 50-60 người tới chữa bệnh, khi bệnh nhân đông có khi lên tới 200 người thì thầy phải huy động thêm người để làm cho kịp, công việc tuy cực một chút nhưng vui khi giúp được người bệnh, bởi mỗi người tìm tới phòng thuốc đều có một lý do chung là “có bệnh thì vái tứ phương”, khi bệnh nhân tìm tới với thầy thì các thầy đều hết mình chạy chữa, đó cũng là cái tâm của những thầy thuốc.
Nhìn gương mặt nở nụ cười thật tươi của chị Hoa khi bước ra khỏi phòng khám, gương mặt của vị trụ trì, năm nay đã bước qua tuổi 82 cũng thấy rất hạnh phúc cho dù mình đã già nhưng vẫn giúp được chút gì đó cho xã hội qua công việc của một thầy thuốc.
Chùa của người bệnh nghèo
Cô Út, lao động nghèo trong quận bị bệnh thoái hóa khớp gối đã hơn 1 năm do không có tiền mua thuốc Tây uống nên khớp gối ngày càng sưng nhiều, nhưng từ ngày biết phòng khám của chùa, cô đến mỗi ngày nhờ bó thuốc. Sau hơn 1 tháng cô đã có thể đi đứng được thoải mái hơn. Tiền chữa trị mỗi ngày thì tùy tâm đóng góp cho phòng khám để có kinh phí duy trì hoạt động.
Phòng thuốc tại chùa Vạn Thọ lúc nào cũng đông bệnh nhân - Ảnh: V.G
Thầy Đức Nguyên, người thường trực tại phòng thuốc cho biết, đa phần người bệnh tìm tới chùa là những lao động nghèo, làm những nghề lao động chân tay nặng nhọc cho nên thường xuyên bị các chứng bệnh, bong gân, trật khớp hoặc gãy xương, do điều kiện kinh tế khó khăn cho nên tìm tới phòng thuốc của chùa. Thấu hiểu khó khăn đó nên các thầy đã cố gắng chữa trị bởi mọi người biết chùa có một bài thuốc rượu xoa bóp cổ truyền rất hay, trị khỏi nhiều chứng bệnh về “trật đả cốt”.
Chỉ có 12 cái giường bệnh, chật hẹp là thế nhưng các bệnh nhân đến khám chữa bệnh không hề có sự chen lấn, xô đẩy nhau như ở bệnh viện. Mỗi người cứ lần lượt vào lấy số và kiên nhẫn ngồi chờ. Có bệnh nhân mới đến thì luôn nhận được sự hướng dẫn tận tình từ những người cũ.
Đến chữa chứng bong gân chân tại chùa, anh Nam (Q.Bình Thạnh) cho biết, gia đình anh và những người trong phường nhiều năm nay hễ ai bị té ngã, đau khớp hay ê ẩm trong người đều tìm đến chùa thầy để chữa trị. “Người có tiền thì cho vào thùng tùy hỷ vài nghìn đồng, người không có tiền cũng không ai nhắc. Các thầy tốt lắm, chữa trị rất hay”, anh nói.
Không gian cửa chùa vẫn yên tĩnh nhưng vào mỗi buổi chiều từ thứ 2 tới thứ 7 thỉnh thoảng lại nghe có tiếng la đau đớn của những bệnh nhân mới hoặc của những người bệnh nặng được các thầy chữa trị. Cứ như thế người cũ lại động viên người mới “cố lên, cố gắng chịu đau thời gian đầu rồi mới hết bệnh được”.
Kết hợp y võ thuật vào chữa bệnh
Điều trị chủ yếu các chứng bong gân, trặc xương, bó gãy xương bằng thuốc gia truyền đòi hỏi người thầy thuốc phải am hiểu tốt về các huyệt đạo trong võ thuật. Vốn là một võ sư có nhiều năm tôi luyện ở Trung Sơn võ đường, HT.Thích Thanh Sơn, đã áp dụng những ưu việt của y võ thuật vào công tác chữa bệnh mà vốn đòi hỏi người thầy phải am hiểu về cách chữa bệnh như một lương y phải biết.
Để đảm bảo chất lượng của phòng thuốc, việc đào tạo công tác chuyên môn khám chữa bệnh cho đội ngũ làm việc cũng được chùa quan tâm hàng đầu. Hiện đã có 2 thầy là ĐĐ.Thích Trúc Nguyên và ĐĐ.Thích Trúc Hòa học chuyên sâu về y học cổ truyền cũng như chuyên môn về dược tá. Phòng khám được Sở Y tế thành phố cấp phép hoạt động.
Nhằm giảm bớt một phần gánh nặng kinh phí hoạt động cho phòng thuốc, chùa đã có ý tưởng dùng thảo dược được chính nhà chùa gửi trồng ở Bình Dương, Lâm Đồng để chữa trị. Nếu cứ tính trung bình mỗi tháng, phòng thuốc phải dùng tới 500-600kg thảo dược, với giá cả thị trường bây giờ bình quân khoảng 1.000đồng/kg, tính ra số tiền cũng không phải nhỏ.
HT.Thích Thanh Sơn cho biết thêm, bên cạnh công việc khám chữa bệnh thì chùa cũng chú tâm vào việc tìm ra các phương thuốc chữa bệnh mới mà tập trung chủ yếu vào chuyên khoa xương, khớp với những vị thuốc y học cổ truyền. Sư kết hợp việc nắn, sửa với các vị thuốc luôn cho kết quả tốt trong việc điều trị chứng bong gân, trật khớp không quá nghiêm trọng của người bệnh.