Hòa nhịp cùng anh linh sông núi 1.000 năm - Kỳ cuối: Một Hà Nội dung dị

Giác Ngộ - Loạt bài Hòa nhịp cùng anh linh sông núi 1.000 năm khởi đăng và đã nhận được những chia sẻ thật ngọt ngào của những người trẻ với tình yêu Hà Nội thiết tha. Giác Ngộ trích đăng chia sẻ "Người Hà Nội như tôi biết".

Hà Nội, ai đặt mà khéo thế, mỗi lần gọi lên đã thấy thật êm đềm lắng đọng. Ngày ấy thành phố nhỏ lắm, "nhỏ như bàn tay con gái," nằm gọn gàng trong sự bao bọc của ba dòng sông như lời câu ca cổ, "Nhị Hà quảnh Bắc sang Đông / Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này." Thế nên cái tên "Hà Nội" - nghĩa nôm là "trong sông" - có lẽ được đặt cho thành phố một cách thật tự nhiên. Rồi theo tháng năm, theo chìm nổi của lịch sử, hai âm điệu đều ở cung trầm ấy tự chúng cũng vẽ được nên hình ảnh một thành phố bình dị, hiền hòa. Hai tiếng thân thương ấy, bạn ạ, tôi cứ muốn gọi mãi, gọi mãi thôi!

dungdi-1.jpg

Người Hà Nội, cũng như sự chân thành êm ái của thành phố, hiền lành và giản dị theo cách thật tự nhiên. Ở người Hà Nội tôi tìm thấy tình yêu thương dạt dào giữa người với người, là sự chân thành trìu mến dành cho nhau trong gia đình, giữa bè bạn, người thân. Cái nề, cái nếp trong nhà, cái ăn, cái mặc hay cung cách cư xử là cái cốt lõi đẹp đẽ của con người nơi đây vẫn đã và đang trường tồn theo thời gian.

Khi vua Lý Thái Tổ ra chiếu rời đô đã viết về Hà Nội (Thăng Long của 1.000 năm trước) rằng: "Ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa Nam Bắc Đông Tây," và là "chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước". Có thế mới hiểu, rằng đất Hà Nội vốn là nơi tinh tú của cả nước gặp gỡ, đâm hoa phát lộc. Và, người Hà Nội cũng theo tiếng gọi của lịch sử để đổi thay phù hợp với vận mệnh quốc gia, để luôn là nơi nhân tài phát tiết, phục vụ cho lợi ích chung của nhân dân khắp nơi.

Thật khó để lấy người Hà Nội của một thời nào đó làm "mẫu" cho những thế hệ sau, nhất là khi những biến đổi lịch sử cứ luân phiên đào thải những cũ kỹ lạc hậu và mở đường cho lớp người mới đi lên, mang theo những tiêu chuẩn đạo đức mới mà những người hoài niệm chưa kịp thích ứng ngay. Mỗi khi tôi nghĩ về người Hà Nội là tôi lại nghĩ đến nét tần tảo của mẹ, nét khắc khổ của bố và sự đầm ấm nề nếp của gia đình qua năm tháng. Cả bố và mẹ tôi là người phương khác, cũng như bao người trong những năm kháng chiến, theo gia đình, theo bè bạn đổ về Hà Nội để mưu sinh. Khi họ đến, họ đã không phải là người Hà Nội; nhưng những năm tháng bươn chải trên đất này làm cho "chất Hà Nội" cứ thấm dần vào họ, thẩm thấu sang tôi.

Khi nghĩ về người Hà Nội, tôi còn nghĩ đến phố chợ Ngô Sĩ Liên chộn rộn những con người tứ xứ. Ở đó có đủ dạng người từ khắp nơi nơi kéo về trong những ngày loạn lạc để trốn tránh, để an cư, để có một khởi đầu mới mẻ, rồi họ tự gọi mình là "người Hà Nội".

Sự thiêng liêng của ba chữ ấy thật khó miêu tả, khi chúng dường như không để chỉ một nhóm người, mà như một lối sống, một đặc ân, một sự trang trọng khác thường. Có lẽ vì thế, những con người quanh tôi hồi đó không ai cư xử như họ đã từng nữa. Không có tướng cướp, không có địa chủ, cường hào hay ác bá, không có dân buôn, học giả…, chỉ còn lại tình hàng xóm thân thiết đùm bọc chở che lẫn nhau, chỉ còn những con người bình dị, chân thành, những con người nhẹ nhàng ý tứ trong lời ăn tiếng nói và những con người hiền hòa chẳng bao giờ phô trương hay tị nạnh so bì… Gia đình tôi sống ở đó nhiều năm trước khi chuyển đi, và rồi cũng nhiều năm mới có dịp trở về thăm lại mọi người. Đón tiếp gia đình tôi vẫn là những con người của ngày xưa ấy, với nét xuề xòa kín đáo và sự nhiệt tình niềm nở nhưng đầy ý tứ. Họ chính là những "người Hà Nội" mà tôi biết đấy, bạn ạ!

Ngõ nhỏ

Hà Nội nho nhỏ, mà nhiều ngõ lắm. Ngõ nứt ra từ lòng phố lớn. Ngõ chen vào giữa những ngôi nhà. Ngõ như một nụ cười, hé mở khoảng không gian mới, nhỏ, hẹp mà phong phú sắc màu. Hà Nội đã nở biết bao nụ cười như thế, khắc trong lòng tôi một vạch dấu yêu.

ngo-nho.jpg

Tôi yêu ngõ nhỏ Hà thành. Yêu nhất là cái ngõ có ngôi nhà cũ tôi từng sống. Cái ngõ ấy có hình dáng giống một lọ hoa cao cổ. Lối vào thẳng đuột, bé xíu, nhưng bên trong lại mở ra khoảng sân to rộng, tròn như một vầng dương. Trong ngõ chẳng có cây, chỉ toàn nhà là nhà. Nhưng bù lại, ngay trước ngõ có một cây sấu già xanh mướt. Thế là chỉ cần đón được mùi lá sấu chua dịu tan trong nắng, nhắm mắt lại cũng biết được đâu là ngõ nhà mình. Tôi nghĩ mùi hương đó là lời chào của ngõ. Tôi ở đó vào những ngày bé xíu. Trái tim khi ấy còn thơ, bước chân trong ngõ tung tăng chẳng lo chẳng nghĩ. Đến khi xa rồi, mỗi lần đạp xe ngang qua lại thấy sao nhớ quá những tháng năm xanh tròn như trái sấu non. Cây sấu vẫn còn đó, nhưng lời chào thoảng trong nắng gió năm nao giờ đã thành lời tạm biệt… Nhà cũ im lìm ngủ yên trong ngõ, như những điều đã qua chẳng bao giờ mất đi, chỉ đơn giản là bị bỏ lại, phía sau lưng.

M.H.N

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.