Tranh vẽ Bồ Đề Đạt Ma của Thiền sư Hakuin Trong lịch sử Phật giáo Nhật bản, Thiền sư Hakuin Ekaku (Bạch Ẩn, 1685-1768) là một người nổi tiếng trên cả hai phương diện: Ngài nổi tiếng với phong trào chấn hưng thiền phái Lâm Tế ở Nhật, đồng thời ngài còn nổi tiếng không kém về tài hội họa và viết thư pháp. Cuộc triển lãm này - cuộc triển lãm lần đầu tiên nhìn lại những tác phẩm nghệ thuật của Thiền sư Hakuin tại Hoa Kỳ - cho thấy rõ rằng, bậc danh sư và nhà họa sĩ luôn gắn kết chặt chẽ với nhau. Thiền sư Hakuin đã khởi xướng việc quay về với những nguyên tắc đầu tiên trong thiền Lâm Tế: tham cứu về những câu thoại đầu (những vấn đề nghịch lý được đưa ra để phá vỡ những lối tư duy thường tình), và huấn luyện không ngừng, ngay cả sau khi đã giác ngộ. Chủ đề của cuộc triển lãm bắt nguồn từ một câu thoại đầu nổi tiếng nhất của Thiền sư Hakuin: "Âm thanh của một bàn tay là gì?". Cuộc triển lãm sẽ khai mạc với bức tranh về Bồ tát Di Lặc làm điểm nhấn - vị Bồ tát có cái bụng bự biểu trưng cho sự hoan hỷ, sự may mắn - đang đưa lên một bàn tay với nụ cười dò xét. Bức tranh này là một kiệt tác của Thiền sư Hakuin: Bồ tát Di Lặc cân xứng với cái túi vải truyền thống của Ngài, được phác họa với một vài nét bút tinh tế, trong khi cái y của Ngài thì dường như đang tuột khỏi đôi vai được vẽ bằng một lớp dày cùng với những đường gợn sóng màu đen sâu, còn cái túi vải của Ngài thì được vẽ bởi những nét bút mạnh với mực xám nhạt. Phần lớn thời gian trong cuộc đời của Thiền sư Hakuin là làm trụ trì chùa Thắng Nhân (Shoin-ji), một ngôi chùa nhỏ ở làng Hara. Mặc dù ngài sống khá biệt lập, cách ly với thế giới bên ngoài, nhưng danh tiếng của ngài thì càng ngày càng được lan xa. Không ít người ước muốn được làm môn đệ của ngài. Thiền sư Hakuin tập trung vào công việc hội họa một cách nghiêm túc khi ngài bước vào độ tuổi 60. Ngài dùng hội họa như là một công cụ để chuyển tải triết lý về thiền đến với hội chúng, gồm nhiều thành phần khác nhau và số lượng ngày càng gia tăng. Hội chúng ấy gồm có những vị đệ tử xuất gia, những người nông dân, ngư dân, kỹ nữ, sĩ quan quân đội và cả các vị vua chúa. Để cho khán thính giả dễ tiếp thu ngôn ngữ của mình, Thiền sư Hakuin đã mở rộng vốn từ của việc vẽ bằng bút lông truyền thống, bao gồm cả hình ảnh, chủ đề và thậm chí là cả những phong cách hội họa được lấy từ văn hóa dân gian hiện đại, văn hóa dân gian truyền thống, và trong cuộc sống hàng ngày. Những vị thần trong dân gian là một chủ đề được ưa thích: Thần Ebisu, một vị thần bảo vệ cho ngư dân, được vẽ với tay đang cầm con cá chép màu cam đỏ; còn thần Shoki, vị thần chế ngự yêu ma, xuất hiện hai lần: một là trong một bức họa thần Shoki nằm gối đầu lên một con yêu ma bị bắt giữ với đôi mắt trừng trừng giận dữ; và lần thứ hai thần lẻn vào trong đôi ủng bằng da báo thanh lịch. Có một gian phòng trưng bày toàn tranh ảnh về ngài Di Lặc, đang chơi bóng, đang tung những cái đĩa,… nói chung là đang tận hưởng cuộc sống. Đặc biệt có một bức họa có sức quyến rũ lạ thường, bức họa về sự tụ họp đông đảo các vị thần linh, được phục vụ bởi những con chuột mặc y của Tăng sĩ trong buổi tiệc mừng năm mới. Tranh vẽ Bồ tát Di Lặc nhìn những con chuột Trong những bức tranh cuộn của Thiền sư Hakuin, ngay cả tranh vẽ các vị thiền sư và các bậc thánh nhân trong Phật giáo, dường như được phác họa một cách rất kỳ lạ. Phật Thích Ca Mâu Ni, vừa mới trải qua 6 năm khổ hạnh và tham thiền nhưng vẫn chưa được giác ngộ, dường như dồn nén và trầm tư rất nhiều. Bồ tát Quan Âm, vị Bồ tát của tình thương yêu, tỏ ra buồn bã và kiệt sức. Ngài Lâm Tế Nghĩa Huyền có nét mặt dữ tợn nhưng cũng rất có tính người, khi được làm nổi bật bởi cái ngực lõm và cái cằm râu ria lởm chởm. Tuy bị phê bình một cách gay gắt rằng, là người thích màu mè, chểnh mảng, là người hổ lốn, Thiền sư Hakuin lại là một người giàu tính bao dung đối với những tôn giáo khác. Tại cuộc triển lãm này cũng có trưng bày một số bức thư pháp về Thần đạo (Shinto), về những câu thần chú trong Tịnh Độ tông, và có cả bức họa với chủ đề "Ba chuyên gia nếm" (The Three Tasters), phác họa ba vị hiền triết của Lão giáo, Khổng giáo và Phật giáo cùng tụ họp vui vẻ quanh một bình rượu. Phong cách vẽ của Thiền sư Hakuin càng trở nên tự tin và mạnh mẽ hơn lúc về già. Chẳng hạn như bức thư pháp "Chi Fuku Zen" (Nơi hành thiền lý tưởng) viết theo chiều ngang rất ngoạn mục, dường như đã được viết ra từ một nét bút liên tục, không ngừng nghỉ. Đây là sự biến tướng tinh tế trong độ dày của nét bút. Giống như nhiều bức họa ở giai đoạn sau của Thiền sư Hakuin, bức thư pháp "Chi Fuku Zen" được thực hiện trên giấy không thấm, sự biến đổi độ dày của mực ghi lại một cách trung thực sự chuyển động không chút do dự của nét bút. Thiền sư Hakuin đã đặt vấn đề rằng: "Tham thiền chân thực là như thế nào? Và ngài đã nói rằng: "Tham thiền chân thực là làm cho mọi thứ: từ việc ho, nuốt nước miếng, vẫy cánh tay, di chuyển, đứng yên, nói năng, hành động, cho đến tốt và xấu, phồn thịnh và suy thoái, được và mất, đúng và sai đều hòa nhập vào trong một công án đơn giản". Đến cuối đời mình, nghệ thuật của Thiền sư Hakuin đã trở thành sự diễn đạt trực tiếp về nhân cách đặc biệt của bản thân. Và ngày hôm nay, khi chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật của Thiền sư Hakuin, ta có cảm tưởng như là chúng vừa mới được sáng tác, như thể là thiền sư mới vừa nhón chân đi ra khỏi phòng triển lãm. Đối với Thiền sư Hakuin, nghệ thuật là một phương tiện để giảng dạy giáo lý Phật Đà. Thiền sư đã sáng tác hàng chục ngàn bức họa và thư pháp để lại cho đời. Điều đặc biệt là thiền sư không hề trải qua sự đào tạo chính thống trong lãnh vực hội họa. Tất cả các tác phẩm ấy đều rất đặc biệt, chuyển tải những nghĩa lý sâu xa về thiền, về lời Phật dạy.