Hòa chung niềm hân hoan

Tại Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, chúng tôi đã gặp gỡ và ghi nhận được những ý kiến, cảm xúc, cảm nhận của nhiều Tăng Ni, Phật tử. Xin chia sẻ cùng độc giả.                                

anhchup.jpg

 TT. Thích Minh Hiền  (Trưởng ban Văn hóa THPG Hà Nội)

Trong các nghi lễ Phật giáo được đông đảo Phật tử và nhân dân biết đến và mong muốn đến xem, có lễ cầu siêu và lễ cầu quốc thái dân an. Tôi quan sát thấy, người dân biết đến các lễ cầu siêu nhiều hơn là biết đến các lễ cầu quốc thái dân an. Người dân quan niệm rằng tưởng nhớ đến những người đã mất là thể hiện lòng thành kính tâm linh, từ đó sống bình an. Cầu siêu cho các vong linh người đã mất là việc rất nên làm, nhưng cầu an cho người sống còn quan trọng hơn nhiều, vì dương có an thì âm mới siêu thoát được. Dương an và âm siêu luôn phải đồng hành cùng với nhau.

Với truyền thống hiếu hòa và giải thoát, lấy ân báo oán của giáo lý Đức Phật, với truyền thống bang giao hữu hảo, khép lại quá khứ đau thương, hướng tới tương lai tốt đẹp. Điều này cũng đồng nghĩa với phương châm mà Nhà nước và nhân dân ta đang thực hiện, đó là Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới. Giới Tăng Ni, Phật tử cả nước nhất tâm cầu nguyện siêu thoát đến các chân linh, chiến sĩ trận vong, đồng bào cơ cận tử nạn. Ngay cả những quân nhân các nước đã từng tham gia chiến tranh xâm lược Việt Nam trước đây cũng sẽ được cầu siêu đăng nơi Phật quốc và được người dân nước ta cung tiễn chân linh quý vị được đoàn tụ về với gia đình nơi quý quốc.

anhchup-3.jpg

 ĐĐ.Thích Giác Hoằng - Tăng sinh Trường Trung cấp Phật học Hà Nội 

Đến dự Đại lễ, điều cảm nhận đầu tiên của tôi là thấy lực lượng Tăng Ni ở Hà Nội rất đông đảo ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi, có đến hàng nghìn Tăng Ni đến dự lễ khai mạc ngày hôm nay. Thủ đô mình mở rộng thêm nhiều, hợp nhất Phật giáo Hà Tây vào Hà Nội nên số lượng Tăng Ni rất lớn. Ấn tượng thứ hai là cách bài trí, trang hoàng vô cùng công phu choáng ngợp. Các lán trại đều được làm thủ công do bàn tay của các nhà sư tự làm, tự trang trí, điều này cho thấy những tâm huyết rất lớn cùng khởi lên trong tất thảy mọi người.

anhchup-1.jpg

Phật tử Trần Trọng Hoàng  (website Phattuvietnam.net)

Đây là Đại lễ xuyên suốt một nghìn năm, nên cơ duyên sẽ chỉ đến một lần trong đời. Tất cả các Phật tử và bản thân tôi rất xúc động và tự hào vì Phật giáo được tổ chức Đại lễ tại Hoàng thành Thăng Long - nơi linh thiêng suốt chiều dài phát triển lịch sử của cả dân tộc. Điều này thêm một lần nữa khẳng định thế đứng của Phật giáo trong lòng dân tộc, luôn đồng hành cùng dân tộc với vai trò hộ quốc an dân. Tại Đại lễ này, chúng tôi nhận thấy từ cách sắp đặt lễ đài, trang trí đến cách thức tổ chức đều mang đậm nét Phật giáo và vượt tầm mọi Đại lễ từ trước đến nay.

anhchup-4.jpg

Phật tử Tô Giang Sơn (Hà Nội)

Là thanh niên Phật tử thủ đô, bất cứ ai cũng mong muốn được tham gia phục vụ tại Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, với niềm hào hứng mong muốn đóng góp công sức của mình vào sự thành công chung của Đại lễ.

anhchup-5.jpg

 Phật tử Đặng Thị Nhung (Hà Nội)

Chúng tôi là những đại biểu đoàn Phật tử của Tập đoàn Tôn Hoa Sen, với 50 người được Cty cho đi dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Công ty chúng tôi thường xuyên tổ chức cho nhân viên tham gia nhiều các hoạt động của Phật giáo, và khuyến khích mọi người trở thành Phật tử. Nhờ đó, tôi đã đọc được kinh Phật, hiểu được giáo lý của đạo Phật, và qua đó mình sống tốt hơn, thấy đời sống tinh thần, đời sống tâm linh của mình ngày một thăng hoa. Đến với Đại lễ này, tôi cũng như tất thảy mọi người đều cầu mong mọi người trên thế gian này cùng hướng thiện, và nguyện cầu cho quốc thái dân an, mọi người cùng sống an lạc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.