GN - Thời gian gần đây, báo chí Việt Nam rầm rộ đưa tin: chính quyền huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi “giải cứu” 2 cha con “người rừng” sống cách ly 40 năm giữa rừng sâu, trong đó có anh Hồ Văn Lang vào rừng khi mới 1 tuổi.
Agafia, 70 tuổi, hiện vẫn sống một mình giữa rừng núi mênh mông bạt ngàn
Trong quá trình giúp anh Lang hội nhập xã hội, Ủy ban giải cứu đã cử người trông coi vì sợ anh trốn về đại ngàn. Riêng bản thân anh Lang, trong thời gian qua có biểu tượng hoang mang, lo âu căng thẳng trước môi trường sống hoàn toàn lạ lẫm.
Được biết, trước đây địa phương và bà con đã lên rừng nhiều lần kêu gọi hai cha con trở về nhưng hai người luôn trốn tránh, nhất định không muốn rời thế giới rừng sâu.
Sự việc “giải cứu” người rừng có lẽ xuất phát từ tình thương chân thật, muốn giúp đỡ đồng loại. Tuy nhiên, Đức Phật dạy, tình thương phải kèm theo sự hiểu biết, từ bi phải kèm theo trí tuệ thì tình thương ấy, lòng từ ấy mới đem lại niềm an lạc. Thương mà không hiểu dễ gây đến đau khổ cho người được thương. Có lẽ còn quá sớm để đánh giá hoặc rút kinh nghiệm từ sự việc “giải cứu” hai cha con người rừng.
Tuy vậy, chúng ta có thể xem xét sự kiện tương tự xảy ra ở quốc gia khác, để hiểu rõ tình cảnh và giúp đỡ anh Lang hiệu quả hơn. Khi ấy tình thương ta dành cho anh Lang mới đem lại an lạc đích thực về lâu dài.
Sự kiện hai cha con anh Lang tương tự câu chuyện gia đình Lykov xảy ra tại Liên bang Xô-viết vào năm 1978, từng kéo theo sự hiếu kỳ tò mò người dân Liên Xô trong thời gian dài. Câu chuyện này được hâm nóng lại vào đầu năm 2013 ở phương Tây với nhiều bài viết trên các trang khảo cổ hàng đầu thế giới như Smithsonian. Hãng Thông tấn Vice, trong năm 2013, cũng làm một phim tài liệu về sự kiện này.
*
Năm 1978, đoàn chuyên gia địa chất Liên Xô trên chiếc trực thăng có nhiệm vụ dò tìm khoáng sản vùng Nam Siberia, họ ngạc nhiên khi thấy bên dưới rừng rậm bạt ngàn có một đốm nhỏ như rẫy trồng ngũ cốc. Nơi đây tuyệt đối không thể có loài người vì địa điểm gần nhất có sự hiện diện của con người như đường giao thông, dù là đường mòn, làng xã cũng cách hơn 250 cây số.
Sự hiếu kỳ đã khiến đoàn chuyên gia yêu cầu phi công tìm bãi hạ cánh cách đó khá xa, dựng lều ở tạm để điều tra. Sau nhiều ngày cẩn thận thăm dò, họ phát hiện một gia đình 6 người trong căn chòi nhỏ giữa đại ngàn muôn trùng buốt giá. Đoàn chuyên gia tìm mọi cách tránh làm người rừng hoảng sợ để phải trốn chạy. Có khi, đoàn chuyên gia để lại bao muối, dao rựa trên rẫy nhỏ, khi thì áo quần để thay thế những tấm da thú. Từ từ, đoàn chuyên gia tiếp cận thân thiện được với gia đình người rừng và biết rõ câu chuyện về họ.
Vào năm 1930, vài vùng trong lãnh thổ rộng lớn Liên Xô trải qua biến động bạo lực. Ông bà Lykov đã đem 2 người con thơ đi sâu vào rừng vì sợ bị giết chết. Với vài dụng cụ dao búa, hạt giống mang theo, họ đã sống hơn 40 năm trời và sinh thêm 1 trai, 1 gái mà khi được phát hiện cũng đã trên 40 tuổi. Hầu hết những vật dụng mang theo đã không còn sử dụng được, họ tự chế đồ nghề, vật dụng, áo quần từ nguồn thiên nhiên.
Trong căn nhà giữa rừng của Agafia
Sau thời gian giao tiếp thân thiện, đoàn chuyên gia giúp gia đình người rừng từ từ làm quen lối sống văn minh bằng cách mời họ về trạm nghiên cứu dựng tạm gần đó để thỉnh thoảng ăn chung, xem ti-vi, nghe nhạc. Nhưng dù được tặng căn nhà đầy đủ tiện nghi tại ngôi làng ngày xưa nơi một số bà con ruột thịt và bạn bè đang cư ngụ, gia đình người rừng tuyệt nhiên từ chối. Đối với họ, rừng núi là quê hương, là mạch sống, nguồn hạnh phúc an lạc.
Đoàn chuyên gia và chính quyền địa phương sau nhiều tháng thuyết phục bất thành đã rút đi, tôn trọng để yên cho gia đình người rừng sinh sống tự nhiên như trước đây. Tuy nhiên, để đời sống bớt khó khăn, nhiều cơ quan đã tặng áo quần, vật dụng, đồ nghề để họ có thể canh tác, nấu nướng, may vá, săn bắn dễ dàng hơn. Căn chòi xiêu vẹo cũng được thay thế bằng căn nhà chắc chắn, kín đáo để có thể sống ấm cúng trong mùa đông khắc nghiệt Siberia. Hàng năm, có đoàn đi trực thăng đến thăm, tuy nhiên đến năm 2013, cả gia đình đều già yếu qua đời, chỉ còn người con gái tên Agafia 70 tuổi sống giữa rừng taiga mênh mông bạt ngàn.
Bà Agafia đã 5 lần được trực thăng chở về thăm quê cũ, nơi anh chị em họ và các em của mẹ vẫn còn sống. Bà ta vẫn một mực không chịu sống nơi văn minh dù chỉ còn một mình với núi rừng. Đối với bà, thế giới loài người hiện nay quá ư phức tạp, quá nhiều điều không cần thiết. Bà sống và lớn lên ở núi rừng. Bà và núi rừng là một, không thể tách rời.
Năm 2013, đoàn làm phim của Hãng Truyền thông Vice đã đáp trực thăng đến thăm bà Agafia. Họ đã ghi lại những thước phim về một người đàn bà lúc nào cũng vui tươi, môi luôn cười dù phải làm nhiều việc bằng tay chân để tồn tại giữa thiên nhiên đầy tuyết. Chỗ bà Agafia cư trú đến nay vẫn cách xa nơi có loài người hơn 200 cây số. Hầu hết, người dân Nga đều biết đến Agafia - người con vĩ đại của Siberia nghìn trùng. Họ rất yêu quý, tự hào, coi bà Agafia là biểu tượng của sự kiên trì, vượt khó, bất khuất và yêu chuộng thiên nhiên của người dân Nga.
Không những thế, bà cũng được thế giới ngưỡng mộ qua nhiều bài báo viết kỷ niệm 70 năm bà tồn tại với núi rừng trong năm 2013 từ những hãng thông tấn nổi tiếng trên thế giới.
*
Qua câu chuyện trên, ta thấy được cách ứng xử của đoàn chuyên gia người Nga. Họ cặn kẽ tìm hiểu gia đình người rừng, giúp đỡ nhưng không hề ép buộc. Tình thương trong sự hiểu biết đã đem lại hạnh phúc, an lạc cho gia đình người rừng Nga. Chúng ta hy vọng ủy ban “giải cứu” sẽ cẩn trọng tìm hiểu nguyện vọng gia đình anh Hồ Văn Lang để có kết quả tốt đẹp. Có như thế, “giải cứu” mới thật sự là giúp đỡ, tình thương mới thật sự là nguồn hạnh phúc.
Mong rằng, lời dạy của Phật: Từ bi -Trí tuệ luôn mãi song hành...
Huyền Lam
Về "người rừng" ở Việt Nam Theo An Ninh Thủ Đô, sáng 12-8, UBND huyện Tây Trà, Quảng Ngãi đã chính thức có văn bản công bố thông tin về nhân thân của cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh, 82 tuổi và Hồ Văn Lang, 41 tuổi. Theo đó, trong chiến tranh chống Mỹ, ông Thanh chuyển về sinh sống ở thôn Trà Kem, xã Trà Xinh và tham gia bộ đội Quân khu V. Khoảng năm 1972, gia đình ông Thanh bị trúng bom của Mỹ làm 2 người con đầu chết. Sau đó, vợ chồng ông chuyển về sinh sống ở xã Trà Khê, sinh được 2 người con: Hồ Văn Lang và Hồ Văn Tri. Năm 1974, ông Thanh dẫn đứa con nhỏ tên Hồ Văn Lang vào rừng sâu thuộc vùng núi Apon, thôn Trà Kem, xã Trà Xinh sinh sống. Sau năm 1975, người dân trong lúc đi làm rẫy thì phát hiện có người sống trong rừng. Qua tìm hiểu, người dân xác định đó là hai cha con ông Thanh. Đến năm 2004, sau khi huyện Tây Trà (được thành lập tách ra từ huyện Trà Bồng) biết được vụ việc trên, huyện và xã nhiều lần đến nhà ông Hồ Văn Phố (anh ruột ông Thanh, đã mất khoảng cuối năm 2012), Hồ Văn Lâm (con ông Phố) và ông Hồ Văn Tri (con ruột của ông Thanh) vào vận động trở về sinh sống cùng người thân, nhưng không được. Vào ngày 2-8 vừa qua, người dân phát hiện ông Thanh ốm nặng. Sáng 3-8 , ông Lâm và ông Tri vào rừng thăm thấy ông Thanh nằm một chỗ, không ăn uống được nên đã báo và nhờ chính quyền xã Trà Phong giúp đỡ đưa hai cha con ông về địa phương. Bên cạnh đó, nhiều thông tin cho biết, những ngày qua, mặc dù chính quyền địa phương và người thân đã tận tình chăm sóc, hỗ trợ, cấp giấy CMND, hộ khẩu, tiền bạc, chọn đất dựng nhà... cho cha con “người rừng”, nhưng hai cha con luôn tìm cách từ chối những thứ “hạnh phúc của người không ở rừng”, vì họ “muốn điều khác”. Theo đó, ông Thanh luôn thốt lên giọng điệu thương nhớ núi rừng: “tra xú mờ gót” (muốn trở về rừng, thăm rẫy). Có người hỏi anh Lang: “xun manh lé” (thích ở đâu), Lang đáp không chần chừ: “manh gốc” (thích ở rừng). Sáng 9-8, những người thân gia đình ông Lâm tá hỏa khi phát hiện anh Lang bỏ đi. “Lang ôm ống lồ ô đựng lá thuốc và lọ vôi ăn trầu chạy ra trước ngõ tìm đường trở lại rừng. May mà mấy đứa nhỏ quanh làng phát hiện gọi chúng tôi đến đưa Lang về”, ông Lâm thuật lại. P.V
Đưa cha con "người rừng" Hồ Văn Lang về sống giữa "rừng người" - nơi thế giới
quá lạ lẫm với họ nên những ngày qua hai cha con ông chưa thể thích nghi được - Ảnh: TTO