Hiếu hạnh nền tảng đạo đức gia đình

Đức Phật hóa độ vua cha chứng đắc Thánh quả trước khi qua đời
Đức Phật hóa độ vua cha chứng đắc Thánh quả trước khi qua đời
Hiếu là văn hóa đạo đức của   toàn nhân loại. Nguồn   mạch đạo đức ấy tuôn   chảy từ xưa đến nay, dù văn hóa Đông hay Tây. Bởi vậy khắp năm châu, nhân loại đều đề cao hiếu nghĩa

 Có thể nói hiếu là văn hóa đạo đức bất diệt trong lòng nhân loại. Hiếu biểu trưng cho tinh thần nhớ ơn, biết ơn và đền ơn. Hiếu là nền tảng hạnh phúc gia đình. Chính hai điều này, hiếu được nâng lên thành đạo hiếu và trở thành bất diệt.

Thực ra nền tảng hạnh phúc gia đình không chỉ có hiếu, mà bao gồm các mối quan hệ giữa cha và mẹ, giữa cha mẹ và con cái. Trong phạm vi bài viết này, người viết chỉ trình bày mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, yếu tố hiếu đóng vai trò chủ đạo, nếu người con có hiếu thảo thì mối quan hệ này tốt đẹp và hạnh phúc, ngược lại là đổ vỡ, khổ đau, vì gần như chẳng có cha mẹ nào lại ngược đãi con cái, chỉ trừ một số trường hợp cá biệt.

Thực tế cho thấy dù cha mẹ có thành đạt về kinh tế, hay có địa vị cao trong xã hội mà con cái ngỗ nghịch bất hiếu, chơi bời hư hỏng thì gia đình không thể có hạnh phúc. Có rất nhiều người giỏi làm kinh tế nhưng đều than thở bất hạnh về đường con cái. Họ bất hạnh vì con của họ đi vào con đường nghiện ngập, đắm mình trong những trò giải trí thiếu lành mạnh. Thực trạng này chúng ta đều biết qua các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay.

Như đã nói, hiếu là cơ sở tạo nên mối quan hệ tốt đẹp, hạnh phúc giữa cha mẹ và con cái. Nhưng như thế nào là hiếu? Tinh thần hiếu đạo là bất biến, nhưng tùy mỗi thời đại, mỗi xã hội mà có những cách thể hiện khác nhau. Ngày xưa, hiếu là con cái phải nghe lời cha mẹ theo kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Như việc hôn nhân ngày xưa, trai gái không có quyền tìm hiểu nhau. Người bạn đời của con cái là do cha mẹ định đoạt. Nếu con cái cưỡng lại sự định đoạt ấy tức là bất hiếu.

Ngày nay, hiếu không nhất thiết con cái phải răm rắp nghe theo lời cha mẹ, mà có sự “cãi lại”. Phản biện là biểu hiện sự tự do và quyền con người vốn là hai yếu tố văn hóa của xã hội hiện đại. Con cái tuy do cha mẹ sinh ra nhưng vẫn có quyền cá nhân của mình. Tự do ở đây thuộc phạm trù tâm lý đạo đức, được suy xét, soi sáng và hướng dẫn bởi lý trí. Do vậy, con cái có quyền “cãi lại” cha mẹ mà không được xem là bất hiếu. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong xã hội hiện đại là mối quan hệ hai chiều, chứ không như xã hội phong kiến chỉ có một chiều áp đặt từ cha mẹ xuống, hay nói cách khác, đó là mối quan hệ đối thoại, truyền thông với nhau. Cha mẹ không thể áp đặt quan điểm và quyền hành của mình lên con cái, mà chỉ đóng vai trò gợi ý, tư vấn, quyền tự do chọn lựa và tự quyết vẫn thuộc về người con, miễn là sự chọn lựa, tự quyết đó không lệch ra khỏi quỹ đạo đạo đức xã hội hiện hành.

Thế nhưng, để có bản lĩnh đạo đức trước mọi cám dỗ của cái xấu, cái ác, trước hết chúng ta phải thành tựu đức hiếu thảo. Đạo đức hiếu thảo là nền tảng của mọi đạo lý ở đời. Các bậc tiền nhân đã dạy: “Trăm hạnh hiếu là gốc/Muôn đức hiếu là nguồn”. Một người không có hiếu thì sẽ không thành tựu mọi đạo lý khác ở đời. Người không có hiếu là người vô ơn bội nghĩa. Một người vô cảm trước nguồn yêu thương vô tận của cha mẹ thì sẽ chẳng có cảm xúc nào dấy khởi trước Chân thiện mỹ của cuộc đời và sẽ chẳng từ một việc xấu ác nào. Một người như vậy chỉ làm khổ gia đình, cha mẹ và tạo bất an cho xã hội.

Để thành tựu đức hiếu thảo trước phải quán niệm về ân đức cha mẹ mênh mông vô cùng tận, sánh trời cao biển rộng. Đức Phật dạy: “Này các thầy Tỳ kheo, nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi xa ngàn dặm, cung phụng đủ mọi thức ăn, đồ mặc, chăn nệm và thuốc thang, thậm chí cha mẹ có tiểu tiện trên vai mình đi nữa, cũng chưa trả được ân sâu. Các thầy phải hiểu rằng, ân cha mẹ nặng lắm, bồng bế nuôi nấng dưỡng dục đúng lúc, làm cho ta trưởng thành. Vì thế mà biết ân đó khó trả. Này các Tỳ kheo, có hai việc làm cho phàm phu được công đức lớn, được quả báo lớn, đó là phụng sự cha và phụng sự mẹ” (kinh Tăng Chi Bộ).

Hình ảnh cha mẹ luôn được ngợi ca qua văn chương và âm nhạc với ngôn ngữ, giai điệu truyền cảm và xúc động mà có lẽ chúng ta ai cũng từng nghe, từng đọc. Nhưng hơn hết, trong sâu thẳm trái tim mình, chúng ta phải cảm nhận được tình yêu thương vô bờ bến và sự hy sinh cao cả mà cha mẹ dành cho chúng ta. Ý thức và cảm nhận được như vậy, chúng ta sẽ tránh được những vụng về có thể gây đau khổ cho cha mẹ. Trái lại không ý thức được như vậy, chúng ta dễ có những hành động làm khổ cha mẹ, phá vỡ hạnh phúc gia đình.

Có biết bao nhiêu người cha người mẹ đã khóc hết nước mắt vì con cái. Những kẻ rượu chè, cờ bạc, phạm pháp, xì ke ma túy đều là nghịch tử. Thử hỏi có gia đình nào, có bậc cha mẹ nào được an vui hạnh phúc khi con cái sa vào các con đường đó. Cho nên trong gia đình, con cái không hiếu thảo thì gia đình không thể có hạnh phúc và xã hội không thể có bình yên. Trái lại, con cái hiếu thuận là gia đình hạnh phúc, dù có chút khó khăn về vật chất. Nhìn vào những bậc cha mẹ tuy cơ cực vất vả nhưng khuôn mặt vẫn rạng ngời hạnh phúc khi con cái hiếu hạnh, chăm lo học tập, lao động đem tiếng tốt về cho gia đình thì đủ rõ.

Xã hội sẽ không có người tốt, người có đạo đức, nếu mỗi người không ý thức được đạo đức hiếu thảo của chính mình. Vì vậy, giáo dục đạo đức hiếu thảo là bước đầu xây dựng nhân cách cao quý của con người. Chúng ta phải biểu dương những tấm gương hiếu thảo, nhất là những gương tiêu biểu gây xúc động mạnh để đánh thức những trái tim ngủ quên. Chúng ta cũng chú trọng hơn nữa vào các lễ hội có tính giáo dục cao về lòng hiếu thảo, đặc biệt là Lễ Vu lan - lễ hội của tình người, của đạo đức hiếu thảo, xuất phát từ truyền thống Phật giáo. Mặc dù ngày nay, Lễ Vu lan đã được xã hội đồng tình và hưởng ứng mạnh nhưng chúng ta cũng cần phát huy hơn nữa để tinh thần Vu lan-hiếu thảo hội nhập sâu rộng trong toàn thể xã hội.

Vu lan là dịp để chúng ta soi rọi lại mình, xem mình có làm gì cho cha buồn, mẹ khổ hay không. Hơn bao giờ hết, Vu lan chính là lúc trái tim mỗi người con thăng hoa với nhiều cảm xúc hiếu hạnh khác nhau. Chính cảm xúc đó dạy ta phải biết làm gì để cha không buồn, mẹ không khổ. Mẹ tôi thường nhắc nhở mấy anh em tôi rằng, các con sống có hiếu không chỉ cung phụng cha mẹ mà sống sao cho người đời thương quý. Chúng tôi mang lời mẹ vào đời, sống đạo đức và trung thực.

Mùa Vu lan về, lòng người con hiếu rộn lên niềm hiếu hạnh thiêng liêng. Mọi ý niệm lao xao thường nhật lắng xuống, nhường cho ý niệm báo hiếu lên ngôi. Đây chính là lúc tình cảm hiếu thảo của người con dâng lên dạt dào nhất, thể hiện chân thành nhất đối với hai đấng sanh thành. Nói sao cho cùng, tả sao cho tận nỗi lòng của người con khi mùa báo hiếu về. Chỉ biết nó thiêng liêng, mầu nhiệm, vì hiếu vừa là bổn phận, vừa là một thiên chức cao quý của con người. Vì vậy, chỉ những người con hiếu mới có diễm phúc cảm nhận trọn vẹn thiên chức cao quý đó. Mọi người đều có cảm xúc như vậy thì tôi tin rằng hiếu đạo sẽ được trưởng dưỡng và gia đình nào cũng tràn ngập hạnh phúc, an vui.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.