Hẹn ngày sau sẽ mua vui

GNO - Tôi hân hạnh diện kiến nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn trong một dịp tình cờ theo chân người bạn Việt kiều Pháp vào nhà hàng của người nhà nhạc sĩ trên đường Hai Bà Trưng vào năm 1997.

Bạn tôi quen với ca sĩ Mỹ Lệ và kéo tôi đi cùng để nghe cô hát. Tôi hào hứng tham gia vì biết sẽ được dịp gặp nhạc sĩ họ Trịnh lừng danh với những bài tình ca lãng mạn.

trinh cong son.jpg

Tháng tư về, người ta lại nhớ Trịnh...

Hôm ấy còn có sự góp mặt của nữ danh ca Hồng Nhung trình bày ca khúc “Tiến thoái lưỡng nan”. Khi thần tượng đi ngang qua bàn chỗ tôi ngồi, nỗi xúc động pha chút hồi hộp vì gặp mặt thần tượng bằng xương bằng thịt, tôi vội vã đứng dậy gọi tên anh. Một cái xiết tay thật chặt tỏ lòng ngưỡng mộ tài năng người nhạc sĩ tôi hằng yêu mến từ khi tôi còn là cậu thiếu niên 13 tuổi trước năm 1975.

Như cánh vạc bay, Diễm xưa, Hạ trắng, Tình nhớ, Chiều một mình qua phố, Xin mặt trời ngủ yên… đi vào tâm tưởng tôi từ đó cho đến nay với ca từ, giai điệu đậm chất lãng mạn, trữ tình. Ngày đó tôi đê mê cảm xúc mỗi khi nghe Khánh Ly hát bài Hạ trắng với một đoạn kèn saxo dạo lên âm thanh cao vút nghe “sướng” cả hai lỗ tai. Tôi mời anh uống cà phê để được dịp nói chuyện nhiều hơn mặc dù biết anh không “hảo” cà phê lắm. Một thoáng do dự, anh nhẹ nhàng từ chối.

Điểm nổi bật của Trịnh Công Sơn qua tài năng và đức độ của anh được thể hiện trong từng tuyệt phẩm ít nhiều đều mang tính triết lý cuộc đời sâu sắc. Một “Đóa hoa vô thường” Trịnh gửi lại cho cuộc đời trầm luân này xem như cõi tạm, phù du. Một “Vết lăn trầm” mà cô em gái Trịnh Vĩnh Trinh hát “xuất thần” với hòa âm và tiếng kèn saxo theo thể loại nhạc Jazz gây nhiều cảm xúc.

 Nỗi niềm yêu quê hương, con người Việt Nam da diết còn được Trịnh gửi gắm qua các ca khúc Da vàng khơi lại tình yêu quê hương, dân tộc đồng thời kêu gọi sự đoàn kết, gắn bó khắp ba miền Nam Trung Bắc (Nối vòng tay lớn, Ca dao mẹ, Thấy gì trong đêm nay, Bà mẹ Gio Linh…). Những điều đó làm thăng hoa thêm tên tuổi người nhạc sĩ tài hoa, đức độ suốt cuộc đời vì nghệ thuật với những tuyệt tác mang tính từ bi, bao dung trong kinh Phật.

Trịnh mất vào ngày 1-4-2001, ngày cả thế giới thích nói dối để trêu đùa lẫn nhau. Ngày hôm đó tôi đang ở trên đường Phạm Ngọc Thạch, Q.1, TP.HCM và chứng kiến những vòng hoa phân ưu bạn bè đưa tiễn người nhạc sĩ trứ danh. Về lại cơ quan kể cho bạn bè nghe, dĩ nhiên không ai tin vì đó là ngày “cá tháng Tư” mà! Nhưng tôi tin tưởng lời hứa của Trịnh Công Sơn: “…Hẹn ngày sau sẽ… mua vui…” (Chiếc lá thu phai).

Kiếp tằm thì phải nhả tơ! Một chút nuối tiếc, một chút xót xa xin gửi đến cố nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.