Trả ơn cuộc đời…
Gọi là trả ơn cuộc đời bởi vì rất nhiều tình nguyện viên tham gia chương trình "Tiếp sức mùa thi do Đoàn - Hội sinh viên tổ chức đều có cùng một tâm niệm: "Mình phải tiếp nối hành trình của các anh chị sinh viên đi trước. Ngày xưa, khi còn chân ướt chân ráo lên Sài Gòn thi mình cũng được tiếp sức từ các anh chị "áo xanh". Và cái ơn, cái tình mà những người đi trước đã trao thì nay các bạn cũng tiếp bước xem như một cách "đáp đền tiếp nối".
Bạn Phan Thị Hạnh, sinh viên năm nhất, khoa Xã hội học, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM cho biết: "Vừa thi xong mình có hai phương án đưa ra: Một là về quê hai tuần, hai là đi tiếp sức mùa thi nửa tháng. Cuối cùng mình đã chọn phương án hai dù… cũng muốn về quê lắm". Lý do chọn đi tiếp sức mùa thi của Hạnh chính là để "làm công việc mà khi còn là thí sinh mình đã mơ, đến khi được là sinh viên nhất định mình sẽ làm; đó là tham gia tiếp sức mùa thi".
Ý thức được việc mình làm là để trả ơn cuộc đời đã từng cưu mang, hỗ trợ mình trong những lúc chập chững lên thành phố đi thi cũng là một hạnh tốt mà không phải ai cũng nhớ và làm. Tri ơn và báo ơn chính là điều mà những người trẻ hôm nay đã làm thông qua công tác tình nguyện, giúp cho thí sinh trong mùa "lai kinh ứng thí". Hành động ấy nhờ được nuôi dưỡng, tiếp nối mà đến hôm nay, sau nhiều năm tổ chức chương trình "Tiếp sức mùa thi" thì Đoàn - Hội thanh niên đã mở rộng được phạm vi, số lượng tình nguyện viên tham gia ngày càng đông, góp phần thành công cho một kỳ thi quan trọng - tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Bài học sẻ chia
Bạn Nguyễn Lan Phương, sinh viên Trường ĐH KHTN TP.HCM cho biết: "Năm ngoái em đi tiếp sức mùa thi… chưa đã nên năm nay em tham gia tiếp". Câu đùa dí dỏm của bạn thực ra chính là sự thích thú khi tham gia chương trình. Từ "học kỳ" tiếp sức mùa thi, Lan Phương nhận ra: "Tình thương cha mẹ dành cho con cái thật lớn". Bạn "ngộ" ra điều ấy từ hình ảnh tay xách nách mang của những ông bố, bà mẹ từ ngoài Bắc, Trung hoặc ở miền Tây đưa con vào Sài Gòn thi. "Có những tâm sự nghe nghẹn lòng lắm anh à", Phương bộc bạch. Đó chính là câu chuyện người mẹ bán mấy sào ruộng và đàn vịt đẻ đưa con đi thi, bà nhịn ăn sáng nhưng cứ muốn con ăn thật no để làm bài cho tốt. Hay đó là câu chuyện ông cha đưa con đi thi rồi dặn với con "nếu thi đậu ba sẽ ở lại Sài Gòn làm phụ hồ, nuôi con ăn học ra trường"…
Đến nay, sau một năm làm công tác tiếp sức mà những hình ảnh ấy vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ: "Nhờ họ mà em mới thấy được nhiều điều giá trị của cuộc sống này, em mới thương cha mẹ nhiều hơn đó anh…".
Bài học từ những phụ huynh, thí sinh, từ những gian khổ mà họ vẫn nuôi khát khao học hành, "trong khi mình tương đối đủ điều kiện mà lại không bằng, mình thấy xấu hổ", Hoàng Thanh Tùng, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng bồi hồi chia sẻ. Tùng vốn là con nhà giàu, học giỏi, nên gần như mọi thứ đều được ba mẹ sắp đặt. Ngay cả đi tiếp sức mùa thi cũng là vì… ở không nên tham gia cho vui. Ai dè, chính từ môi trường ấy bạn đã học được nghị lực và ý chí từ chính những sĩ tử chân quê. Cũng từ sau mùa tiếp sức năm ngoái mà Tùng bớt chạy theo hàng hiệu, biết vượt khó hơn…
"Những người bạn hăng say làm công tác từ thiện, tình nguyện trong mùa tiếp sức cũng chính là tấm gương để mình học hỏi". Lệ Uyên, sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho biết. Thân cận và gần gũi người tốt cũng làm mình sống tốt hơn, anh nhỉ?", câu hỏi của Uyên cũng chính là câu trả lời, hay là bài học mà bạn rút ra từ mùa tình nguyện "Tiếp sức mùa thi". Và ai trong số các bạn ấy, khi được hỏi có tham gia tiếp sức trong mùa tuyển sinh 2010 không cũng đều khẳng định chắc nịch rằng: "Dạ đi chứ, đi để lòng mình rộng mở hơn…".
Năm nay Báo Giác Ngộ và Tiểu Ban Thanh Thiếu nhi Phật tử tiếp tục "Tiếp sức mùa thi", dự kiến khoảng 200 tình nguyện viên tham gia, hỗ trợ cho phụ huynh và thí sinh 4.500 chỗ trọ miễn phí tại 3 điểm: TP.HCM, Cần Thơ và Đà Lạt. Ngoài ra, chương trình còn hỗ trợ các suất cơm chay miễn phí và hướng dẫn đường đến điểm thi cho thí sinh. Chương trình diễn ra từ ngày 30-6 đến hết ngày 10-7. |
Kỳ cuối: Giác Ngộ số đặc biệt mùa Phật đản PL.2554 đăng phóng sự ảnh Tưới tẩm mầm sen ở Hàn Quốc, thì tại Việt Nam Sư cô Thích nữ Huệ Dâng (trụ trì chùa Long Phước, Bình Thạnh, TP.HCM) cũng mở một khóa "Tưới tẩm mầm sen", thu hút 26 bạn trẻ từ 4 đến 15 tuổi đến tu một tuần. Và những trải nghiệm thú vị làm rưng rưng những "mầm sen"…