Hãy mỉm cười khi khó khăn đến gõ cửa

GNO - Sống ở đời, chúng ta luôn mong muốn mọi thứ đều diễn ra như ý, tốt đẹp, thuận buồm xuôi gió, nhưng đó là điều không thể đạt được. Bởi cuộc sống có những thuận lợi thì cũng có những khó khăn nhất định của nó. Vậy thì khi khó khăn đến gõ cửa, ta phải làm sao?

tutam.jpg


Ảnh chỉ mang tính minh họa

Ta chạy trốn, tránh né hay phản kháng lại nó? Chạy trốn, tránh né sao được một khi khó khăn đã thực sự tìm đến mình. Còn phản kháng ư, chỉ làm ta thêm mệt mỏi và bất an hơn, vì càng phản kháng, khó khăn lại càng chồng chất thêm mà thôi. Chỉ có một cách, ấy là vận dụng và chuyển hóa khó khăn thành những điều tốt đẹp. Bởi theo đạo Phật, những khó khăn cũng có những giá trị tích cực của nó, như kinh nói, tất cả pháp đều là Phật pháp, đều có thể vận dụng vào việc thực tập chuyển hóa thân tâm. Pháp thuận cũng là pháp tu mà pháp nghịch cũng là pháp tu.

Tuy vậy, thuận hay nghịch còn tùy thuộc vào nhận thức và sự vận dụng của mỗi người. Với người này thuận chưa hẳn đã tốt, vì không nương vào đó để phát triển, tiến bộ hơn, mà lại chìm sâu vào lỗi lầm, sai trái, điều này như Đức Phật nói là người từ sáng mà đi vào tối, từ thuận lợi mà đi vào khó khăn. Với người kia nghịch chưa hẳn đã xấu, vì đã biết vận dụng, chuyển hóa nó thành sự tiến bộ tốt đẹp cho mình, như người từ tối ra sáng, biến khó khăn thành động lực khơi dậy những tiềm năng tích cực của bản thân. Khó khăn, nếu được nhận thức với tâm thái như vậy, thực sự không khiến bạn trở nên khổ sở lắm đâu.

Vậy thì điều gì khiến bạn khổ đau thực sự? Chính là thái độ và nhận thức của bạn trước các sự việc khó khăn. Bạn ngồi đó than thở hay điềm nhiên chấp nhận để sống tích cực hơn. Điều đó tùy thuộc vào nhận thức và thái độ của bạn, vào tâm hồn bạn. Càng than thở, bạn càng chìm sâu vào khó khăn. Còn khi biết mỉm cười trước khó khăn, bạn đủ sức vượt qua mọi trở ngại. Mỗi chúng ta đều là thủ lĩnh tâm hồn mình. Ta có đủ quyền lực để điều khiển nhận thức và thái độ của mình trước mọi vấn đề của cuộc sống. Bạn hãy ghi nhớ lời này: “Khi bóng đêm bao phủ, khi cảm giác bất công đè nặng trái tim ta, hay khi những dự định bấy lâu của chúng ta dường như vượt khỏi tầm với - hãy nghĩ đến Mandela và câu nói bất hủ giúp ông trụ vững giữa bốn bức vách nhà tù: Dù cổng tù có chật đến đâu, dù bản án có tàn nhẫn thế nào, ta vẫn làm chủ số phận: ta là thủ lĩnh của tâm hồn mình” (lời của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại lễ tưởng niệm Nelson Mandela).

Không ai muốn sống giữa chốn lao tù, nhưng giả dụ một khi bạn đã bị đẩy vào đó, bạn không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc biết chấp nhận và làm chủ tâm hồn mình. Bạn có thể phản ứng giận dữ và oán thù người đã tống giam bạn hay bạn cũng có thể tha thứ và yêu thương họ, điều đó tùy thuộc vào tâm hồn bạn. Có điều, nếu bạn phản ứng giận dữ và oán hận họ, bạn sẽ sống trong đau khổ gấp bội phần; còn bạn vẫn có thể mỉm cười và yêu thương chính những người đã bỏ tù mình, thì bạn thật sự đang sống trong tự do và hạnh phúc, mặc dù thân thể bạn đang ở chốn lao tù. Và Nelson Mandela đã làm được như thế khi ở giữa chốn lao tù mà không oán hận, thù hằn các đối thủ chính trị của ông.

Ta không thể làm chủ được cuộc đời để có thể xoay chuyển mọi thứ theo ý mình, vậy ta phải làm gì khi cuộc đời trao cho ta những khó khăn? Trường phái triết học cổ Hy Lạp, Stoicien, đưa ra hình ảnh con chó chạy theo chiếc xe với sợi dây thòng lọng cột ở cổ nó để nói lên tình trạng của ta với cuộc đời, chỉ khác là ta có sự tự do trong tâm trí, con chó thì không. Chúng ta đối với cuộc đời cũng như con chó đối với chiếc xe. Con chó cưỡng lại chiếc xe, sợi dây sẽ thắt chặt cổ nó lại, chúng ta cưỡng lại cuộc đời, cuộc đời sẽ bóp ta nghẹt thở. Cho nên cách sống tự tại nhất là ôm lấy tất cả vào lòng, yêu những điều mình muốn đã đành, cả những điều không thích mình cũng yêu. Yêu những điều thuận lợi mà cũng yêu luôn những việc khó khăn. Một đại hiền triết trong trường phái đó, Epictetus, bảo rằng sống tự do là muốn sự việc đến với mình như chính nó đến chứ không phải như mình mong ước. Ông nói: “Sống tự do là muốn sự việc đến, không phải như ta muốn thế, mà như là nó đến”. Học trò của ông, Marcus Aurelius, một triết gia đồng thời cũng là một nhà vua, thì nhấn mạnh hơn nữa, không những muốn sự việc đến như nó đến mà còn phải yêu nó nữa. Lời ông: “Chỉ yêu biến cố nào đến gặp ta và liên hệ ta với định mệnh”. Ai sống được như thế, người đó quả thật là một bậc thánh vĩ đại.

Đạo Phật có châm ngôn sống: Lấy ma quân làm bạn đạo, lấy khó khăn làm thích thú, lấy kẻ tệ bạc làm người giúp đỡ. Lấy ma quân làm bạn đạo, thì đâu là kẻ thù cần phải loại trừ nữa? Người giúp đỡ ta bạn đã đành, mà người bạc đãi ta cũng là bạn. Người khinh miệt, bạc đãi ta giúp ta nhìn lại bản tâm mình, thấy được giới hạn thường tình của tâm thức. Bình thường ai mến ta, thương ta thì ta thương lại, mà không thể thương được người ghét ta, chống đối, quấy phá ta, đó là giới hạn thường tình của tâm thức. Bây giờ có người ghét mình, gây cản trở, khó khăn cho mình, ấy là cơ hội để ta tập mở lòng, tập mở rộng tình yêu thương vượt qua giới hạn đó. Khi mình thương được người ghét mình, đó là lúc ta vượt qua được giới hạn thường tình của tâm thức, đó là lúc ta rất hạnh phúc, ta trở thành một bậc thánh, trở thành con người cao quý, vĩ đại. Hay nói khác, là ta đã vượt qua được giới hạn tâm thức phàm phu để bước vào địa hạt tâm thức bậc thánh. Yêu được người chống phá ta, ấy là tâm của bậc thánh. Người quấy phá giúp ta thăng tiến tâm linh, chuyển phàm thành thánh, thì đó chẳng phải là bạn đạo, chẳng phải là ân nhân, chẳng phải là pháp tu tuyệt vời nhất hay sao? Thế thì sợ gì ma quân, sợ gì khi khó khăn đến gõ cửa!

Ai tìm hiểu đạo Phật đều biết Đề-bà-đạt-đa luôn tìm cách gây khó khăn cho Phật, cản trở Phật rất nhiều trong bước đường tu tập và hành đạo. Thế nhưng hãy nghe Đức Phật nói gì với Đề-bà-đạt-đa: “Do người bạn tốt Đề-bà-đạt-đa mà làm cho Như Lai hoàn bị sáu pháp ba-la-mật, bốn tâm vô hạn, ba mươi hai tướng quý, tám mươi vẻ đẹp, thân màu hoàng kim, mười đại năng lực, bốn sự không sợ, bốn sự nhiếp hóa, mười tám sự đặc biệt, sức mạnh thần thông, sức mạnh tuệ giác, trở thành bậc biết khắp và đúng, hóa độ sâu rộng các loại chúng sanh, toàn là do người bạn tốt Đề-bà-đạt-đa”. Bản chất của đạo Phật là như vậy, chính nơi bùn lầy mới có hoa sen thơm ngát, chính nơi khó khăn, chướng ngại mới thành tựu được đạo nghiệp giải thoát.

Mỗi khi đối diện với khó khăn, ta luôn có tâm lý sợ hãi, ấy là lẽ thường tình. Nhưng giờ đây, ta đã học Phật, đã biết rằng mọi yếu tố, dù thuận lợi hay khó khăn đều có tiềm năng đưa đến giác ngộ. Toàn bộ trải nghiệm của đời sống, dù xấu hay tốt, tích cực hay tiêu cực đều có thể được sử dụng để chuyển hóa thân tâm, hướng đến giác ngộ và giải thoát. Hiểu được như vậy, thì tự nhiên ta thấy những khó khăn, trở ngại như là người bạn thân thiết nhất trên con đường rèn tập tâm linh, không còn ác cảm xem chúng như là những kẻ thù cần loại trừ nữa, chỉ khi ta chuyển hóa cái cảm xúc không tốt về nghịch cảnh như thế ta mới có thể sẵn sàng nghinh tiếp chúng trong tâm thế hoan hỷ, tự tại nhất!

Là người thiết tha với sự tu tập, mong muốn thăng tiến tâm linh, thành tựu đạo nghiệp, ắt hẳn ta không ngần ngại đối diện với những khó khăn để rèn tập ý chí, trui luyện sức mạnh vững chãi của tâm thức. Bởi lẽ, nếu mình cứ quen sống trong những điều kiện thuận lợi thì khi gặp sự cố trắc trở nhỏ thôi cũng khiến mình suy sụp, quỵ ngã. Ví thử sống trong một đoàn thể mà ai cũng tâng bốc, khen ngợi, ta không quen với sự chỉ trích, chê bai; thì khi bị chỉ trích, chê bai, ta không giữ được lòng trong bình thản, nỗi bực phiền cứ khuấy động tâm can. Cho nên sống mãi trong thuận duyên ta không thấy được cái tâm yếu đuối của mình. Hãy cảm ơn những người chê bai, khinh miệt, đối xử tệ bạc với ta, vì chính họ mới là hóa thân của Bồ-tát giúp mình nhận ra bản tâm mình, thấy rõ được lòng mình, giúp mình vượt qua cái yếu đuối của tâm thức để trở nên mạnh mẽ, vững chãi giữa sóng gió của cuộc đời. Cái cảm giác hạnh phúc nhất là bạn vượt qua được chính mình, chinh phục được lòng mình, như thể leo lên ngọn núi cao đầy cheo leo hiểm trở và khó khăn nhưng khi bạn đã vượt qua lên được đỉnh núi rồi thì một cảm giác hạnh phúc lớn lao ngập tràn thân tâm bạn.

Khó khăn là điều không ai muốn nhưng cũng không ai có thể tránh khỏi. Vậy thì khi khó khăn đến gõ cửa, hãy nhớ lời này của Đức Phật: “Lấy khó khăn làm điều thích thú”, thì ta được khích lệ tinh thần lớn lao, có thể mỉm cười trước khó khăn. Chỉ cần bạn có thể mỉm cười trước khó khăn, thì khó khăn có thể vơi đi một nửa rồi!

Vậy thì khi khó khăn đến gõ cửa, hãy mỉm cười, bạn nhé!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.