Hãy chạm tới giá trị của từng trái tim

Đức Phật không dạy cho học trò trở thành học giả, Ngài luôn hướng học trò đến sự thực hành, thực chứng - Ảnh minh họa
Đức Phật không dạy cho học trò trở thành học giả, Ngài luôn hướng học trò đến sự thực hành, thực chứng - Ảnh minh họa

GN - Ngày 26-9-2016, rapper, nhà thơ, nhà sản xuất phim kiêm nghệ sĩ hùng biện nổi tiếng người Mỹ Prince Ea đã đăng trên tài khoản Facebook của mình đoạn video clip dài 5 phút về một phiên tòa giả định, trong đó “bị cáo” là hệ thống giáo dục hiện đại. Video clip “I just sued the school system!” - (Tôi kiện hệ thống giáo dục!) ngay lập tức thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng trên toàn thế giới, chỉ sau 24 giờ đã có 7 triệu lượt xem; đến nay con số đó gần chạm ngưỡng 16 triệu với khoảng 200.000 lượt thích, 40.000 bình luận.

Prince Ea buộc tội sự lỗi thời của hệ thống giáo dục, cho rằng học sinh đang bị ép vào khuôn mẫu, bị đánh giá không đúng về khả năng. Ông so sánh hệ thống giáo dục với sự phát triển của xe hơi, điện thoại trong 150 năm qua và kết luận: “Lớp học ngày nay không khác gì 150 năm trước, hệ thống giáo dục đang tạo ra những con robot thay vì kích thích sự sáng tạo”. Ông nhấn mạnh: “Nếu bác sĩ phát thuốc giống hệt nhau cho mọi bệnh nhân, thì sẽ thật thảm kịch, rất nhiều người sẽ bệnh nặng”.

Quả thực, việc giáo dục hướng đến cá nhân nghe như một giấc mơ; song giấc mơ đó, những đất nước như Phần Lan, Singapore ngày nay đã làm được.

Prince Ea nhận thấy hệ thống giáo dục “không mấy thay đổi trong suốt 150 năm qua”. Nhưng nếu trông xa hơn nữa, hơn 2.500 năm về trước, có lẽ ông đã nghĩ khác: giáo dục hiện đại đã không học được những cái hay của tiền nhân, bằng cách “chạm tới giá trị của từng trái tim trong từng lớp học”, như những thánh nhân Ấn Độ cổ đại đã từng làm.

Trở lại Ấn Độ thời Đức Phật, nền giáo dục hướng đến từng cá nhân theo kiểu Upanisad - đến gần và ngồi xuống bên thầy. Xem lại kinh văn, chúng ta thấy cách dạy hướng đến từng cá nhân thời ấy rất thịnh hành, có thể phát huy hết khả năng tiềm ẩn của học trò, không cứng nhắc, khuôn mẫu theo kiểu “bắt cá leo cây”. Trong Jataka - kinh Tiểu bộ, chúng ta thường thấy hình ảnh Bồ-tát (tiền thân Đức Phật) được giáo dục theo cách này và luôn đạt được những kết quả tốt đẹp.

Bản thân Đức Phật cũng luôn hướng đến lối giáo dục thích hợp với căn cơ của mỗi người. Ngài ví chúng sanh cũng như hoa sen, có hoa còn ngập trong bùn, có hoa tuy đã ngoi lên khỏi bùn nhưng vẫn còn trong nước, có hoa vươn lên khỏi bùn khỏi nước và tỏa hương ngạt ngào. Pháp của Ngài do đó trở thành phương tiện thích hợp với mỗi người. Người thích dịu ngọt, người ưa cứng rắn, người mê bay bổng, kẻ chịu giản đơn… trong phương tiện của Ngài đều có đủ. Đặc biệt, Đức Phật không chỉ đợi học trò đến ngồi gần bên cạnh để được nghe giảng mà Ngài còn chủ động đến tìm học trò khi biết chắc rằng người học trò đó có khả năng hiểu và sáng tỏ, thực chứng những lời Ngài dạy. Khi trong giảng đường, lúc dưới bóng cây, lắm khi ngay cả bên vệ đường, Đức Phật đều có thể thuyết pháp. Lối giáo dục của Ngài hết sức linh động, sinh động và hiệu quả, luôn “chạm tới giá trị của từng trái tim”.

Hệ thống giáo dục hiện đại quả thực “lỗi thời” - như cách nói của Prince Ea. Trong khi đó, lối giáo dục của Đức Phật tuy “cổ” nhưng không “lỗi”, như một trong năm đặc tính giáo pháp của Ngài - siêu việt thời gian - nên ngày nay chúng ta cần phải học tâp.

Tuy nhiên, Đức Phật không dạy cho học trò trở thành học giả, nhồi nhét cho họ đầy ắp kiến thức; Ngài luôn hướng học trò đến sự thực hành, thực chứng - học đi đôi với hành. Đó là điều mà hệ thống giáo dục ngày nay, nhất là ở nước ta - kể cả Phật giáo - ít nhiều đánh mất…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.