Hãy biết thưởng thức & nhân rộng niềm vui ấy

GN - Có người hỏi tôi: Tại sao dân Việt mình thông minh, khôn ngoan mà đất nước cứ nghèo?

Văn hóa thưởng thức bóng đá

Liệu chúng ta đã biết thưởng thức niềm vui từ một trận bóng đá chưa? Tôi nhớ có người hoài nghi khi nhìn khán đài trống vắng trong những trận đấu của V- League và nói rằng chúng ta chỉ có văn hóa “phù thắng”, nghĩa là nếu thắng thì a dua theo khen còn thua thì bỏ chạy, tẩy chay luôn. Hãy nhìn Premier League của người Anh, những đội bóng nhỏ thường hay thua như Watford hay Bournemouth luôn đầy ắp ủng hộ viên trên khán đài. Họ không hề mặc cảm mà vẫn hát vang sân vận động dù gặp đối thủ mạnh cỡ nào đi chăng nữa.

Nhưng chúng ta tạm không bàn chuyện đó ở đây, vì chúng ta vừa trải qua một cột mốc đáng nhớ của bóng đá nước nhà khi vừa giành Huy chương vàng lần đầu tiên sau 60 năm tại SEA Games. Cả nước lại có một đêm không ngủ, ngây ngất vì mãi đến đến bây giờ chúng ta mới có lại niềm vui vô địch sau 6 trận chung kết thua trong tức tưởi cũng có, trong sự thán phục dành cho đội bạn cũng có. Trong khi chúng ta biết người Thái đã đăng quang đến 14 lần trong thời gian đó, xen kẽ là người Mã, còn Indonesia cũng đã mất 28 năm chờ đợi nhưng không ai chờ lâu như chúng ta. Vậy thì đáng vui quá đi chứ!

Chúng ta lại nói về những chiếc cúp, tạm quên những buồn bực lo toan hàng ngày. Bóng đá trở thành phương tiện kết nối mọi người, tạo ra sự hứng khởi trong cuộc sống. Mọi người cuồng nhiệt xuống đường tung hê cả đêm. Họ có quyền tự hào về một đội bóng, về một huấn luyện viên đã làm được những chiến công đầu tiên cho bóng đá Việt Nam ở giải U-23, Cúp AFF và bây giờ là SEA Games. Văn phòng Chính phủ cũng dành một buổi tiếp đón trang trọng và một bữa cơm ấm cúng tiếp đón hai đội tuyển. Có người đã trách cứ trên Facebook rằng vận động viên các môn khác cũng đổ mồ hôi và cả máu giành lấy huy chương thì lủi thủi về nhà trong yên ắng. Nhưng biết sao được? Nước nào cũng thế. Chỉ có bóng đá mới khích động quần chúng nhiều đến thế! Người viết đã trải qua một đêm ở Đan Mạch trong kỳ World Cup 1998, mỗi khi đội Đan Mạch ghi bàn, chủ quán tặng thực khách một vại bia miễn phí. Tiếc rằng chỉ có hai vại thì Đan Mạch để thua Brazil. Họ cũng buồn sau khi rời khỏi quán bar, đi lang thang cả đêm, ngủ vạ vật khắp đường phố nhưng họ nói với tôi rằng: “Thôi kệ! Đan Mạch thua thì người Đan Mạch chỉ buồn một đêm chứ nếu Brazil thua thì họ buồn đến 4 năm!”.

anhminhhoa.jpg


Những ứng xử trong bóng đá cũng là ánh xạ của văn hóa một nước - Ảnh: Giao Thông

Chúng tôi đã từng viết một năm trước trên báo Giác Ngộ và cần lặp lại là một lần nữa cầu thủ sẽ ngập và ngộp trong những lời có cánh, những lời chúc tụng, cả những phần thưởng hiện kim và hiện vật. Về phía dân chúng là những cuộc vui thâu đêm. Chúng ta cũng phải ghi nhận những hiệu ứng tích cực khi người ta thông cảm cho nhau hơn. Có người thành tâm mong sao chiến thắng đến thường xuyên để tạo khí thế mới cho người Việt vốn từ lâu quanh quẩn trong cuộc sống thiếu… triết lý và ước mơ - một xã hội không quen nhường nhịn, một nền kinh tế không biết chia sẻ, mạnh ai nấy sống và vun quén cho cái “riêng” của mình. Nhưng cuộc vui thiếu văn hóa kềm chế để lại nhiều dư vị đắng. Theo số liệu tạm, trong đêm 10-12, toàn quốc xảy ra 50 vụ tai nạn giao thông, làm chết 31 người, bị thương 35 người. Trong đêm đó, lực lượng chức năng đã lập biên bản 89 trường hợp vi phạm, tạm giữ 58 xe, trong đó có một xe ô-tô chở nhiều người trên thùng xe. Cùng với đó, nhiều người điều khiển xe máy có hành vi như: không đội nón bảo hiểm, chở quá số người quy định, lưu thông thành đoàn... đã bị lực lượng chức năng lập biên bản xử lý.

Đúng một năm, tưởng cũng không thừa chúng tôi từng đề cập đến việc “Bóng đá cũng cần văn hóa”. Chuyện tưởng cũ mà hôm nay cũng vẫn còn mới. Đây là nốt trầm hay nét đứt gãy văn hóa trong những cuộc vui vừa qua.

Hiểu cho đúng khi nhân rộng niềm vui ấy?

Thủ tướng mong làm sao đem tinh thần quyết thắng trong bóng đá tạo nguồn cảm hứng vào các lãnh vực khác. Chắc ai trong chúng ta cũng mong như vậy, vì dù sao bóng đá cũng chỉ là một trò chơi (game) hay một môn thể thao trong số nhiều môn mà thành tích chúng ta chưa bao giờ ra khỏi khu vực Đông Nam Á. Vui nhưng hãy vui chừng mực đủ để hiểu, dù chúng ta đã có những thành quả nhất định nhưng còn bao nhiêu lãnh vực khác nữa cần trang bị tinh thần như thế!

Bóng đá Pháp sau World Cup ghi nhận theo chuyên gia Nathalie Henaff thuộc Đại học Limoges: “Người Pháp chi tiêu dịp này. Họ sẽ dành thời gian để ra ngoài ăn mừng, thay đổi hành vi một thời gian và chúng ta sẽ chứng kiến sự chuyển đổi tiêu dùng này. Nhưng đối với cả nền kinh tế thì nó không thấm là bao!”. Ngay cả năm 1998 cũng không tác động đáng kể đến GDP của Pháp.

Chúng ta nhân cơ hội này hãy khơi dậy lòng yêu nước từ những người trẻ. Khi rất nhiều người mù mờ về “bãi Tư Chính”, Trường Sa hay Hoàng Sa… hay rộng hơn là cả địa lý hay lịch sử Việt Nam.

Thủ tướng muốn tinh thần “Park Hang Seo” thổi vào kinh tế, vì cho dù kinh tế có nhiều đột phá nhưng vẫn dựa vào các doanh nghiệp FDI để xuất siêu (9 tỷ USD trong năm 2019, trong khi nhập siêu từ Trung Quốc hơn 27 tỷ USD).

Tinh thần ấy phải thể hiện khi đón đoàn học sinh dự các kỳ thi quốc tế trở về? Nếu không khéo chăm bón, một thời gian sau, các em này đều tìm cách “du học” nhưng chẳng có mấy ai về! Khi nào năng suất lao động chúng ta đuổi kịp Mã Lai, Thái Lan. Nói gì đến Singapore khi GDP đầu người họ gấp 20 lần chúng ta. Doanh nghiệp của ta có ai sánh ngang thế giới chưa? Ngay cả lãnh vực phần mềm, một lãnh vực mà sinh viên Việt Nam ở nước ngoài xuất sắc không thua gì sinh viên Ấn Độ hay Israel. Nhưng liệu chúng ta có tạo điều kiện cho họ về nước làm việc và cống hiến chưa? Chúng ta có tạo được cảm hứng cho họ không?

Có người hỏi tôi: Tại sao dân Việt thông minh, khôn ngoan mà đất nước cứ nghèo? Tôi cũng chưa tìm ra câu trả lời thỏa đáng.

Nếu chúng ta quyết liệt thay đổi mọi mặt như trong bóng đá thì chúng ta sẽ thấy hướng đi sắp tới cho kinh tế và giáo dục của dân tộc này. Bóng đá giúp người ta khuây lãng phần nào chứ không thể quên đi tất cả. Nhìn lại chúng ta, những đại án hàng nghìn tỷ xử vẫn chưa xong và quy hoạch vẫn còn nhiều chỗ chưa làm hài lòng dân chúng; đường sá còn ngập nước sau mỗi cơn mưa, các vụ thu hồi đất đai vẫn còn là vết thương chưa khép miệng!

Lãnh vực khác ngoài bóng đá thì trầm lắng. Âm nhạc không có đột phá, nhiều chương trình truyền hình ăn theo “boléro” còn nhạc trẻ thì rất tệ! Phim ảnh trong nước “nhàn nhạt” như nhau, thậm chí phải “remake” phim nước ngoài. Nhiều phim đoạt giải theo kiểu “so bó đũa chọn cột cờ” chứ giá trị nghệ thuật không bao nhiêu. Văn học thì không có tác phẩm lớn. Đời sống phê bình trầm lắng, chỉ khen nhau hay khen theo đơn đặt hàng.

Các bạn trẻ hãy xây dựng lý tưởng hướng đến những mục tiêu cao hơn, xa hơn trong lĩnh vực mà trí tuệ, sức mạnh Việt Nam có thể chứng minh cho khu vực, cho thế giới.

Tuổi trẻ nên có những thần tượng mới là những cầu thủ hay Park Hang Seo chứ không phải những anh ca sĩ ẻo lả nào của Hàn Quốc. Các em nhỏ hôm nay ước mơ trở thành Quang Hải hay Văn Hậu, thậm chí Messi, Ronaldo hay Neymar…, nhưng cũng phải biết ước mơ thành Greta Thunberg - cô bé trở thành biểu tượng quốc tế, được chọn là “Nhân vật của năm” trong phong trào đấu tranh vì môi trường, hay xa hơn là Mark Zuckerberg, Bill Gates, những người làm giàu bằng trí tuệ của chính mình và đóng góp trở lại hơn 90% tài sản cho xã hội! Chúng tôi đã từng có lần viết trên báo này rằng tuổi trẻ phải biết ước mơ. Như Steve Jobs nói: “Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ”, nhưng ước mơ về cái đúng, cái tốt, cái đẹp.

Hãy trân trọng thành quả bóng đá bằng cách đừng ném đi những gì tốt đẹp quanh nó khi chúng ta vui đùa cuồng loạn, bất chấp thân thể mình và người khác, bất chấp thuần phong mỹ tục. Hãy ứng xử có văn hóa vì bóng đá chính là ánh xạ của văn hóa một nước.

Những quốc gia tiên tiến luôn biết phải kềm chế trước, trong và sau trận đấu. Không cuồng vọng kiêu ngạo hay dè bỉu, mỉa mai cay cú khi thua cuộc. Nâng cao chất lượng bóng đá còn là hướng đến phát triển con người cả trong và ngoài sân cỏ, đồng thời phải gìn giữ và nâng cao phẩm giá dân tộc như là mục tiêu xây dựng lại nền tảng văn hóa như lời một bài hát “Xin đi lại từ đầu, chưa đi vội về sau” (Phạm Duy).

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.