Đó là những giảng viên, sinh viên đang công tác và học tập tại các trường ở Việt Nam, cùng doanh nhân, trụ trì một số ngôi chùa đã ngồi lại với nhau để lên “ý tưởng”, hành động vì Trường Sa, vì nhà giàn. Chương trình “Hạt mầm yêu nước” ra đời từ đó, qua việc quyên góp tối thiểu 500kg hạt giống rau mầm các loại và 30 tấn đất hữu cơ, đất màu giàu dinh dưỡng để gửi đến tất cả các điểm đảo ở Trường Sa, các nhà giàn DK1.
Hạt mầm kết nối tình yêu
Ngày 20-3, lễ phát động chương trình “Hạt mầm yêu nước” đã diễn ra tại Trường Cán bộ Quản lý giáo dục TP.HCM. Trước đó, các thầy cô giáo trẻ đã ngỏ lời, xin lãnh đạo trường mượn nơi này làm địa chỉ chính thức của chương trình, với mong muốn, từ đây chương trình có thể lan tỏa đến quý thầy cô, đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là các em học sinh ở trong nước và nước ngoài; truyền cảm hứng, khơi dậy và đánh thức lòng yêu nước đã có trong tim mỗi người.
Tại buổi ra mắt chương trình, Tiến sĩ Võ Đình Bảy, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường Cán bộ Quản lý giáo dục TP.HCM, phụ trách chương trình đã trải lòng: “Ngay lúc này và nhiều năm qua, hàng nghìn chiến sĩ của chúng ta, những người con của Tổ quốc đã can trường, hiên ngang canh giữ bờ cõi trên những nhà giàn, điểm đảo có cuộc sống rất khổ cực. Họ đối diện với phong ba, bão táp, kẻ thù rình rập, hiểm nguy. Họ xa gia đình, vợ con, người thân, thiếu nước, thiếu rau”.
Và khi lắng nghe anh Đỗ Hoàng Kha, nguyên là chiến sĩ huyện đảo Trường Sa, chia sẻ về cuộc sống khó khăn của các cán bộ, chiến sĩ ngoài đảo, về sự thiếu nước ngọt và rau xanh, đặc biệt tại các nhà giàn, nhiều người cảm thấy rưng rưng.
Cả hội trường lắng đọng khi nghe anh kể: “Ở nhà giàn, rau trồng lên mầm được chút xíu là các chiến sĩ đã hái ăn rồi. Các em hay nói vui là ngoài đảo không thiếu gì, chỉ thiếu nước ngọt và rau thôi. Khi các đoàn ra thăm Trường Sa, các chiến sĩ hay nói vui với trưởng đoàn là, nếu thương các chiến sĩ chiến đấu, khi ra chỉ cần mang giùm hai thứ, một là nước ngọt, hai là thật nhiều rau để anh em chia nhau sử dụng”.
Đó cũng chính là lý do vì sao, trong 500 ký hạt giống chương trình kêu gọi tặng chiến sĩ Trường Sa và nhà giàn DK1 thì hạt rau mầm các loại được ưu tiên số một. “Khi thời tiết khắc nghiệt không trồng được rau ngoài trời, thì các chiến sĩ chỉ cần ủ trong nhà là rau mầm có thể lên và vài ngày sau là có thể dùng được”, đại diện thầy cô tổ chức chương trình cho biết.
Tình yêu trong mỗi hạt mầm
Bao giờ cũng vậy, lời nói và hành động từ trái tim sẽ đến với trái tim. Thông điệp của chương trình “Chúng ta không thể làm được việc lớn lao nhưng có thể làm được việc nhỏ với tình yêu nước lớn lao. Bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất, đơn giản nhất” đã chạm và kết nối với những trái tim chung một nhịp đập.
Ngay khi chương trình ra mắt, nghe thông báo “1kg hạt giống rau mầm có giá từ 300 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng, tùy từng loại hạt giống và số lượng đóng gói; 1kg đất hữu cơ từ 2,5 ngàn đồng đến 3 ngàn đồng, chưa kể chi phí vận chuyển”, các bạn trẻ, học sinh, sinh viên đã bắt đầu đóng góp tiền và những túi hạt giống bé xinh.
Những hạt mầm đầu tiên từ các tỉnh địa đầu của Tổ quốc như: Sơn La, Yên Bái, Hà Nội đang trên đường gửi về TP.HCM. Có những hạt mầm từ nơi xa xôi như Hoa Kỳ cũng đang được vận chuyển về nước.
Thầy cô phụ trách chương trình “Hạt mầm yêu nước” vui mừng cho biết: “Chúng tôi trân quý từng túi hạt mầm, từng túi đất mà đồng bào, đồng chí, các em học sinh tặng, gửi đến những người lính Trường Sa, nhà giàn DK1.
Quý giá bởi, đó không chỉ là tấm lòng thuần khiết, mà đó còn là những hạt mầm của tình yêu nước nuôi dưỡng tâm hồn, nuôi dưỡng sức mạnh của dân tộc”. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, những hạt giống mầm đong đầy yêu thương này sẽ được gửi đến những chiến sĩ ở Trường Sa.
Trong thời gian này, bên cạnh kêu gọi quyên góp hạt giống, đất hữu cơ cho Trường Sa và các nhà giàn DK1, các thầy cô giáo trẻ tổ chức chương trình “Hạt mầm yêu nước” còn dành thời gian gặp các chuyên gia nông nghiệp tìm hiểu về cách thức trồng từng loại rau mầm trong thời tiết nắng nóng, gió biển, để hướng dẫn cho cán bộ, chiến sĩ. Các thầy cô còn cẩn thận hơn khi trao đổi trực tiếp với đại diện Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân về cách thức vận chuyển, bảo quản hạt giống để đảm bảo hạt giống trao đến tay các chiến sĩ được nguyên vẹn nhất.
Chương trình quyên góp hạt giống và đất hữu cơ tặng đến các chiến sĩ Trường Sa, nhà giàn DK1, do Trường Cán bộ Quản lý giáo dục TP bảo trợ, được phát động thực hiện đến giữa tháng 12-2018. Tính đến thời điểm ngày 20-3, đã có rất nhiều địa phương tự nguyện đăng ký tham gia chương trình “Hạt mầm yêu nước” như: TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Cần Thơ, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hưng Yên, Sơn La... Theo kế hoạch, sẽ có hai đợt trao tặng hạt giống.
Đợt 1 vào hè 2018 (tháng 6 hoặc tháng 7), đợt 2 vào cuối tháng 12-2018. Ban Tổ chức dự kiến trao tặng hạt giống ở hai nơi: Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân ở Cát Lái và Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân tại Quân cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Người dân đóng góp, ủng hộ cho chương trình “Hạt mầm yêu nước” có thể gửi các loại hạt giống rau mầm tại Trường Cán bộ Quản lý giáo dục TP (số 7 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM).
Ông Phan Minh Phụng, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý giáo dục TP.HCM cho biết: “Khi tập thể lãnh đạo Trường Cán bộ Quản lý giáo dục TP.HCM tiếp nhận đề nghị của các thầy cô về ý tưởng thực hiện chương trình “Hạt mầm yêu nước”, và lắng nghe những lời chia sẻ từ những người đã ra thăm, công tác tại Trường Sa, tập thể nhà trường đã rất ủng hộ. Đây không chỉ đơn thuần là một chương trình hoạt động xã hội, mà còn khơi dậy, giáo dục lòng yêu nước. Đặc biệt, thể hiện tình cảm của đồng bào ở đất liền đối với các chiến sĩ của chúng ta đang ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc. Đã đồng hành rồi, thì chúng tôi sẽ đồng hành đến cùng”. |