Thời gian qua, nhiều rạp chiếu phim nổi tiếng ở các nước phương Tây như: Mỹ, Canada, New Zealand, Mexico, Italia,… đã trình chiếu một bộ phim ký sự làm rung động bao trái tim khán giả: Journey from Zanskar (Hành trình từ Zanskar). Journey from Zanskar là bộ phim về cuộc hành trình của hai vị Tăng sĩ người Tây Tạng, dẫn theo 17 trẻ em nghèo ở Zanskar, vượt qua một chặng đường dài mấy trăm cây số giữa cảnh núi non hiểm trở, tuyết đông dày đặc, để đưa các em đến học trong những ngôi trường Tây Tạng tại đất nước Ấn Độ - cuộc hành trình mà cách đây 30 năm, hai vị Tăng sĩ ấy cũng đã trải qua. Zanskar là một địa danh hẻo lánh thuộc vùng cực Tây bắc Ấn Độ. Trước đây, Zanskar là một phần của lãnh thổ Tây Tạng. Chính phủ Ấn Độ từng xem vùng này như là một khu vực không thể quản lý, và đã chính thức đóng cửa nó với thế giới bên ngoài, mãi cho đến năm 1974. Zanskar chỉ cách Pakistan, Afghanistan có vài dặm, và thuộc vùng biên giới Tây Tạng - Ấn Độ. Con đường duy nhất dẫn đến thung lũng Zanskar có độ cao hơn 3.600 mét này đặt dưới sự quản lý của chính quyền thị trấn Bắc Kargil. Vì bị đóng cửa với thế giới bên ngoài trong một thời gian dài và nằm ở vùng hẻo lánh, tách biệt với các vùng lân cận, giao thông trở ngại, nên đời sống người dân Zanskar hết sức nghèo nàn, lạc hậu. Mặc dù vậy, nền văn hóa phong phú, đa dạng, mang bản sắc Tây Tạng của khu vực này vẫn còn nguyên vẹn, chưa hề bị xâm hại bởi thời gian. Chính vì vậy, Zanskar được xem như là một "Little Tibet" (tiểu Tây Tạng). Tuy nhiên, nền văn hóa đặc sắc và nguyên vẹn của khu vực Zanskar có thể sớm bị biến đổi, bởi chính quyền Ấn Độ đang khởi công xây dựng một tuyến đường từ Leh - thủ phủ của Ladakh, đến Padum - thủ phủ của Zanskar. Tuyến đường này hoàn thành sẽ rút ngắn lộ trình 2 ngày (và hoàn toàn bị tê liệt trong hơn 7 tháng vào mùa Đông) còn lại khoảng 3-5 tiếng đồng hồ. Một khi Zanskar thông thương với thế giới bên ngoài, chịu sự du nhập của các trào lưu văn hóa, xã hội khác thì nền văn hóa "Little Tibet" này có thể sẽ bị xâm hại nghiêm trọng, thậm chí có thể bị hủy diệt. Ý thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn và bảo vệ nền văn hóa của người Tạng ở vùng Zanskar, Đức Dalai Lama đã chỉ dạy hai vị Tăng của tu viện Stonge ở Zanskar phải làm tất cả mọi thứ trong khả năng của họ để đảm bảo rằng, những nguồn gốc Phật giáo trong nền văn hóa Zanskar phải được bảo tồn thông qua giáo dục. Ngài nhấn mạnh: "Zanskar đóng vai trò tối quan trọng trong sự sống còn của Phật giáo Tây Tạng". Vâng theo lời dạy của Đức Dalai Lama, hai vị Tăng ấy đã xây dựng một ngôi trường tại Zanskar để giáo dục trẻ em các vùng lân cận về văn hóa, lịch sử, tôn giáo và ngôn ngữ bản xứ. Trong ngôi trường này, cùng với việc học tập các truyền thống của bản địa, các em còn được giáo dục theo những chương trình học tập tốt nhất ở phương Tây. Các vị Tăng ấy đang chạy đua với thời gian. Cùng với việc mở trường học ở địa phương, các vị còn đưa các trẻ em trong vùng đến các trường học, các tu viện khác thuộc thành phố Manali và các đô thị lân cận để học tập. Để làm được điều này, họ phải thực hiện cuộc hành trình vượt qua hàng trăm cây số núi non hiểm trở, tuyết trắng phủ dày. Bộ phim Journey from Zanskar diễn tả lại cuộc hành trình chăm lo cho sự nghiệp giáo dục để bảo tồn văn hóa của họ. Journey from Zanskar cho khán giả thấy rõ câu chuyện về sự quả cảm và nghị lực phi thường của hai vị Tăng cũng như các em nhỏ. Hai vị đã lựa chọn các trẻ em một cách thận trọng, có độ tuổi từ 4 đến 12, xuất thân từ những gia đình nghèo nhất nhưng lại có năng lực và thông minh nhất. Những đứa trẻ ấy phải rời xa gia đình, xa ông bà, cha mẹ, xa những người thân trong một thời gian dài, có thể 10 đến 15 năm mới trở về quê hương. Cảnh chia tay lưu luyến, bịn rịn, ngập tràn nước mắt giữa kẻ ở người đi làm cho khán giả xúc động, không cầm được nước mắt. Hai vị Tăng đã dẫn 17 đứa trẻ vượt qua lộ trình năm ngày đường cam go và nguy hiểm, khi đi bộ, lúc cưỡi ngựa; đến ngày thứ năm, đoàn gặp phải một khe núi, dốc dựng đứng, cao gần 90 mét, tuyết phủ sâu, ngựa và bò (yak) không thể đi qua được, cả đoàn rơi vào cảnh khốn đốn. Lại chứng kiến cảnh một người đàn ông bị chết vì cố gắng vượt qua khe núi, cho nên, thay vì để mọi người mạo hiểm với cái chết cận kề, hai vị Tăng quyết định cho cả đoàn quay ngược trở lại nơi xuất phát ở Padum. Những đứa trẻ Zanskar bên chân Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Dharamsala, Ấn Độ Không nản chí, hai vị quyết định chuyển đổi kế hoạch. Lần này, họ thuê xe buýt và xe hơi nhỏ, cả đoàn cùng lên đường, theo những con đường đã bị bít kín, thậm chí phải leo qua những dốc núi cao hơn, trước hết là nhắm đến Leh, rồi đến Manali. Và họ đã đến đích. Nhìn cảnh các em nhỏ nằm phơi mình trên đám cỏ xanh mượt, dưới nắng ấm và bầu không khí mát mẻ, khán giả cũng được vui lây, cũng cảm thấy được thư giãn, thoải mái như chính mình đang được tận hưởng khung cảnh yên bình ấy. Sau đó, những đứa trẻ đã được dẫn đến diện kiến và đảnh lễ Đức Dalai Lama ở Dharamsala, Ấn Độ. Bộ phim do ông Frederick Marx, người Canada, đạo diễn. Ông đã đạo diễn cho khá nhiều bộ phim và có hứng thú đặc biệt đối với các nền văn hóa trên thế giới. Chính sở thích này đã đưa ông đến với Ấn Độ, đến Dharamsala, để rồi từ đó nảy sinh ý tưởng làm bộ phim Journey from Zanskar. Sau khi trình chiếu, Journey from Zanskar đã nhận được sự đồng cảm và ca ngợi của rất nhiều người. Ông Robert Thurman, người sáng lập Hiệp hội Tibet House (Ngôi nhà Tây Tạng) ở New York - Hiệp hội giữ gìn và bảo vệ nền văn hóa của Tây Tạng - phát biểu: "Bộ phim Journey from Zanskar thật ấn tượng, có sức truyền cảm và rất chân tình. Nó đưa chúng ta đến gần với cuộc đời của những con người phi thường: của các vị Tăng, của dân làng, của các bậc phụ huynh, của các trẻ em xứ Zanskar. Bộ phim đã dắt chúng ta đi cùng cuộc hành trình của họ trong việc bảo tồn văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống, vượt qua những khó khăn cùng cực. Tôi thật sự xúc động mạnh và chân thành cảm ơn cũng như chúc mừng đạo diễn Frederick Marx cùng cộng sự của ông, ông Richard Gere, người đã thuật lại cuộc hành trình, và hai vị Tăng đã dẫn dắt các trẻ em. Tôi hy vọng là bộ phim sẽ mang lại nhiều sự hỗ trợ cần thiết cho người dân Zanskar đáng quý". Một cảnh trong phim Journey from Zanskar Tiến sĩ Julie Washington, Tổng Biên tập tờ Cleveland, phát biểu: "Hấp dẫn, có sức thu hút mạnh! Cảnh những em nhỏ vượt qua chặng đường phủ đầy tuyết là một hình ảnh rất ấn tượng". Bộ phim Journey from Zanskar cũng đã tạo cảm hứng cho nhiều tác giả viết các bài viết liên quan đến vấn đề văn hóa, giáo dục, cũng như các bài giới thiệu, bình luận và ca ngợi nó, đăng tải trên nhiều tờ báo uy tín. Tiêu biểu như: Journey from Zanskar: An ode to human will (Hành trình từ Zanskar: sự ngợi ca về ý chí của con người) của tác giả Phil Brown, trên báo Metro News; Journey from Zanskar: The road to redemption (Hành trình từ Zanskar: Con đường dẫn đến sự cứu vãn) của tác giả Jason Anderson, trên báo The Toronto Star; Journey from Zanskar: a long, hard way to get to school (Hành trình từ Zanskar: Một lộ trình dài và khó khăn để đến được trường học) của tác giả Jannie Punter, trên báo The Globe and Mail,… Bộ phim cho chúng ta thấy được sự gian nan, nguy hiểm trong hành trình bảo tồn văn hóa Phật giáo của người dân Tây Tạng nói chung và người dân xứ Zanskar nói riêng. Qua đây, chúng ta còn thấy được cái nhìn thấu triệt và chiến lược lâu dài đối với sự bảo tồn văn hóa Phật giáo Tây Tạng của Đức Dalai Lama, vị lãnh đạo tinh thần tối cao của người dân Tây Tạng. Không những thế, Journey from Zanskar còn cho chúng ta thấy rõ sự dấn thân và hy sinh cao cả của các vị tu sĩ Phật giáo Tây Tạng; họ không ngại khó khăn, gian khổ, không sợ hiểm nguy để sống cùng với người dân trong một vùng xa xôi, hẻo lánh, nghèo thiếu mọi bề, để rồi cùng họ bảo tồn và phát triển nền văn hóa của tổ tiên, xây dựng và phát triển xã hội, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực. Đây là một bài học giá trị, là tấm gương cao quý để cho những người Thích tử của Như Lai ở khắp nơi noi theo, nhất là đối với những đất nước đang trên đà hội nhập và phát triển như Việt Nam.