Hạnh phúc của người phụ nữ

GN - Tuổi gần chạm 50, trên người mang nhiều bệnh tật, sức khỏe kém, cái nghèo bủa vây nhưng bà Nguyễn Thị Dung (xã Phước Vân, huyện Cần Đước, Long An) vẫn một lòng cùng chồng nuôi ba chồng mù lòa, bệnh tật. Căn nhà vợ chồng bà đang ở như túp lều tranh, ở cuối con đường làng nhỏ xíu nhưng nhắc đến, bà con từ đầu làng đến cuối xóm ai cũng đều biết rõ… Đó là những gì bạn đọc nhắn tin cho chúng tôi.

Khi yêu thương là chất liệu

Theo địa chỉ giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà bà Dung, bà là một Phật tử với pháp danh Diệu Dung, vào buổi chiều những ngày cuối tháng Hai. Hỏi thăm đường, người dân nói ngắn gọn: “Ở cuối con đường mòn. Cái nhà xiêu vẹo, niễng qua một bên đó. Đường đồng bé xíu, đá lởm chởm, đi bộ thôi, yếu tay lái chạy xe lọt ruộng đó nghen”.

Và, khi chúng tôi đến nhà bà, điều đầu tiên đập vào mắt là một mái tôn cũ kỹ, chắp vá đủ chỗ; bên hông nhà chằng chống bằng những cây trâm bầu liêu xiêu, níu kéo ngôi nhà khi mưa gió, xập xệ hơn những gì chúng tôi hình dung.

hinh xh 989 .JPG

Bà Dung chăm sóc ba chồng bị mù trong căn nhà xiêu vẹo

Cả nhà, từ nhà trên xuống nhà dưới, đến cái bếp đều nát tươm, nền nhà bằng đất cũng lởm chởm. Duy nhất một chỗ được che chắn kỹ nhất, lành lặn nhất là chỗ nằm của ba chồng bà, năm nay 82 tuổi.

Bà cho biết: “Trời nắng, nhà nóng lắm nên cố gắng đi nài nỉ, xin hàng xóm mấy tấm tôn người ta làm chòi vịt về chằm ghép, che cho chỗ ba tôi nằm được kín đáo, để nắng không rọi vào. Vì ông mù, không thấy đường để đi trốn nắng”. Hỏi ra mới biết, cứ trời nắng gắt, chịu không nổi cái nóng, buổi trưa vợ chồng bà Dung phải ra gốc cây ngồi cho mát.

“Coi vậy chứ mà nóng, chúng tôi không sợ, sợ nhất là trời mưa, giông gió. Mưa dột là không có chỗ để đứng, nhà cũng không có đủ thau để hứng. Vợ chồng tôi cứ đội nón lá chịu trận, rồi niệm Phật cầu cho nhà đừng sập. Sợ nhà sập đè lên ba chồng thì biết làm sao. Nhớ hôm gả con gái, cuối năm 2018 mà trời mưa dữ lắm, khách đến dự cũng không có chỗ đứng luôn”, bà Dung nói.

Ngồi trò chuyện cứ năm, ba phút bà lại lấy hơi lên một lần vì hội chứng raynaud - xơ cứng bì toàn thể, chân tay tê cứng. Có lúc giọng bà nhỏ xíu, nói không lên lời. Hàng xóm nói rằng: “Nhà cô Dung yếu, sức khỏe của cô cũng yếu. Cũng không khác mấy ngọn đèn trước gió, không khác gì ngôi nhà đang sắp sập nhưng cô không dám uống thuốc hay đi bệnh viện tái khám”.

Bốn tháng nay, chồng bà Dung thất nghiệp, chưa có người thuê đi trộn hồ, ba chồng lại bệnh khó thở thường xuyên nên phải quanh quẩn ở nhà chăm nom. Nhà không tiền, gói ghém lắm từ tiền con gái cho, bà chỉ đủ tiền xe đến chùa hốt thuốc Nam từ thiện về nấu uống. “Bữa Tết, mấy chị em với các cháu có cho tiền lì-xì, gom cũng được gần một triệu đồng, tính nán tới hết tháng Hai đi khám bệnh. Nhưng khi ba chồng bệnh, phải chích thuốc, vô nước biển, tôi lấy tiền đó ra lo cho ba trước, còn phần mình, thôi tôi để tính sau vậy”, bà Dung tâm sự.

Bà bảo, hoàn cảnh của mình như thế, sức khỏe yếu ớt như vậy nên khi gả được con, bà rất mừng. Bà mừng bởi lẽ: “Nó yên bề gia thất, ấm yên nhà cửa bên chồng là điều may mắn ơn trên dành cho tôi. Tôi giải tỏa được nỗi lo lớn nhất, vì không biết ngày mai của mình thế nào...”.

Quả thực, nhà bà tuy vá lỗ chỗ, riêng tấm lòng yêu thương mà người phụ nữ này dành cho gia đình, người thân thì bao giờ cũng nguyên vẹn. Bởi lẽ, như bà bảo, bà vượt qua được bao nhiêu nghịch cảnh là nhờ “tôi là… phụ nữ mà”.

Gánh vác… gia đình

Cả cuộc đời người phụ nữ này là bài học về những yêu thương, yếu sức lực nhưng đầy nghị lực. Dù làm việc nặng không nổi nhưng đôi bàn tay bà luôn chìa ra, cố gắng vun vén, phụ chồng chăm sóc cho cả gia đình, để cùng nhau nhìn thấy “mặt trời” ngày mới. Bệnh là vậy, ngày nào thấy bản thân có thể làm được là bà Dung đi xuống nhà người quen xin cắt chỉ các mặt hàng gia công, may túi xách, ráp các loại áo quần cho xí nghiệp.

Người ta thường làm từ sáng đến chiều khoảng 10 tiếng, thì riêng bà làm được 6 tiếng là nhiều. Tiền kiếm được, bà chỉ đủ mua gạo nấu cơm cho cả nhà, còn thức ăn là chòm xóm thương, người gửi cho chút ít. Cái gì cũng thiếu nhưng có gì ngon là bà Dung cũng sớt một chút phần của mình để chia cho má chồng, ở nhà kế bên.

Bà cho biết: “Má chồng của tôi cũng khó khăn, ở với em út. Nhưng, nó cũng bệnh, gãy chân không làm việc nặng được. Nhà mình yếu, nhà bển cũng không kém. Mình khổ một, chứ nó khó hai. Nếu mà lo xuể, thì cũng muốn lo cho má chồng, em chồng. Sống trên đời ít nhiều phải có những nỗi khổ, mình nghĩ cho nhau thì khổ mới vơi được”, bà Dung nói về lẽ sống của mình.

Đổi nỗi đau lấy sự kiên cường, vì nghĩ nhiều cho mọi người, chỉ cần cố một chút thì nỗi khổ niềm đau của cả nhà được vơi một chút nên bà Dung không muốn nghỉ làm ngày nào, trừ khi bất khả kháng là vậy. Ngày lễ, cuối tuần hay Chủ nhật, bà Dung đều muốn đi làm để kiếm thêm thu nhập.

Khái niệm “ngày nghỉ” dường như không có trong tư tưởng của bà, nghỉ chỉ khi không làm nổi nên nghỉ ngày nào là buồn, lo ngày đó. Khi hỏi, đã bao giờ được nghỉ ngơi ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 chưa? Bà trả lời, có biết nhưng chưa bao giờ dám nghỉ.

Niềm vui của bà cũng khác hẳn, ngày 8-3 vui nhất không phải giống mọi người là có quà hay có hoa, mà bà mong nhìn con bình yên, ba chồng khỏe mỗi ngày, chồng đi làm không bị thất nghiệp là món quà lớn nhất. Trong “phần quà” mà bà nhắc đến, vẫn là nghĩ nhiều cho người thân, không hề nhắc gì đến bản thân.

Thương con dâu, bà Trượng, 77 tuổi (má chồng bà Dung) chỉ biết cầu nguyện cho con. Mắt đã kèm nhèm, bà Trượng nói: “Thương nó, có hai vợ chồng nó lo cho ổng (chồng bà). Chứ tui già, không dìu ổng đi vệ sinh được. Những ngày hai vợ chồng con Dung đi làm, tui cứ trông nó mau về. Cái tay tui bị gãy, không lo cho ổng được. Tui thương con Dung, tuy là dâu nhưng lo cho tụi tui chu đáo. Nó nuôi ổng cực rồi, mà có gì ngon hay chiều nấu được tô canh rau hay kho tiêu con cá người ta cho, nó cũng múc một ít nhờ chồng đem qua cho tui. Biết là nó cho tui thì phần ăn của nó sẽ ít lại, nó nhịn cho tui ăn mà, nên nhiều lúc tui nói món đó tui không thích, đừng cho. Nó khổ, tui cũng khổ, mà thương cũng chỉ biết cầu nguyện cho nó có sức khỏe, chứ biết làm sao bây giờ...”. 

Bước chân ra về, chúng tôi cứ ám ảnh mãi hình ảnh nhỏ thó của ông Luận, chồng bà Dung đứng khép nép bên hiên nhà, nghèn nghẹn nói: “Tui ước sao ba tui khỏe, hy vọng tui đi làm có tiền lo cho vợ. Cực bao nhiêu, việc nặng gì tui đều cố gắng làm. Chứ thấy vợ vậy, tôi xót lắm, thương lắm...”.

Lời nói của ông Luận không chỉ là bầu tâm sự mà còn gói trong đó cả sự yêu thương vợ, hàm chứa cả sự bất lực của người làm trụ cột gia đình. Nhìn cách ông cho thuốc vào cái siêu, nấu thuốc cho vợ, cẩn thận canh lửa; rồi thuốc sắc xong chế ra chén, múc thêm chén nước để kế bên, để vợ uống bớt đắng…, mới thấy mọi thứ ông làm đều thể hiện sự quan tâm, và rất chu đáo.

Nhưng, ông cũng không biết làm sao hơn khi tuổi già cũng đến, không còn nhiều sức khỏe để làm việc nặng, công việc trộn hồ, vác gạch ở công trình mà ông vẫn làm hàng ngày, bây giờ đã trở nên nặng nhọc hơn trước rất nhiều. Có thể, ước mơ mà ông đã nói chỉ là điều mong manh nhưng ông Luận vẫn “chiến đấu” với số phận của mình, để san sẻ bớt nỗi vất vả của vợ.

 “Nhà đó thiếu nhiều thứ, thiếu tiền, thiếu gạo, thiếu sức khỏe nhưng đạo lý làm người, tình thương thì không thiếu. Nhờ vậy, gia đình họ mới bước qua được những ngày đầy khó khăn”, đó là cảm nhận của người hàng xóm về gia đình bà Dung.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.