Hạnh ngộ ở Dharamsala

Giác Ngộ - Từ thủ đô New Delhi, sau một đêm ngủ vờ vật và nôn mửa mấy bận, tôi đã đến Dharamsala. Trạm xe đỗ là một khoảnh đất rộng vài trăm thước vuông, trung tâm khu phố nhỏ McLeod Ganj.
Tôi lật bản đồ ra xem, nhìn quanh quất. Đây rồi. Mấy con đường chính: Tipa road dẫn đến Dharamkot - trung tâm thiền Vipassana; Temple road đến ngôi chùa Namgyal - nơi ngụ của Đức Dalai Lama; Bhagsunath road dẫn đến con thác nhỏ; Jogibara road, con đường có nhiều hàng quán, nhà trọ và những trung tâm giao lưu Anh ngữ - tôi quẩy ba lô xuôi theo con đường này.
2011-bq-Mot_goc_khu_pho_McLeod_Ganj_521901883.jpg

Một góc McLeod Ganj...

Cuối tháng Giêng, Dharamsala vẫn còn rất lạnh. Mấy chóp núi trên đỉnh Dhauladar đang đội những cái nón tuyết trắng tinh tươm. Nhưng McLeod Ganj thực ra đã khá ấm, cỏ cây xanh tốt và hoa dại ven đường đua nhau nở. Tôi rẽ xuống con đường của trường mẫu giáo Tây Tạng, vừa đi vừa đưa mắt tìm kiếm một căn nhà trọ khả dĩ để ở chừng đôi ba tháng. Lơ ngơ, tôi đá phải một bụi gai nhỏ. Cơn đau buốt nhói khiến tôi la oái như bị dăm bảy con ong cùng chích. Tội vội ngồi thụp xuống, nước mắt trào ra. Trời ơi, đau quá!

- Don’t cry! If you cry, you are like children! (Đừng khóc! Nếu khóc, chị giống như trẻ con!)

Tiếng một đứa bé ngượng nghịu ngay trước mặt. Tôi ngẩng đầu lên. Một bé gái Tây Tạng. Cái kiểu bé gái nói khiến tôi phải bật cười, dù vẫn còn nhức buốt. Cô bé khoảng chừng tám tuổi, có lẽ sinh ra ở McLeod Ganj - nơi được mệnh danh là tiểu Lhasa Ấn Độ - cái khu “hợp chủng quốc”, nên nói tiếng Anh khá rành rẽ. Cô bé bảo tôi chờ chút, rồi tìm quanh và hái một nhúm lá mềm, vò nát trong hai bàn tay bé nhỏ, chà vào vết gai chích. Trong một phút, tôi cảm thấy cơn đau dịu lại. Xem ra cô bé cũng có ít nhiều kinh nghiệm về phương thuốc dân gian đặc trị loại gai này.

- Cảm ơn em. Tôi nói. Em tên gì?

- Em tên Pema! Cô bé trả lời.

Về sau, tôi biết Pema có nghĩa là hoa sen - một đóa sen nhỏ dễ thương.

- Chị đi tìm nhà trọ à? Cô bé hỏi.

- Sao em biết?

- Thì bao nhiêu người đến đây cũng tìm nhà trọ mà. Gần nhà em còn một phòng trống đó, người ta mới đi.

Tôi theo em đến một ngôi nhà nhỏ. Thoạt nhìn, tôi biết ngay đây là ngôi nhà của người Tây Tạng, một mảnh vải đỏ sẫm với nhiều hoa văn đẹp mắt làm bức rèm chắn ở cửa ra vào.

- Đây là nhà em. Chị vào nghỉ chút!

Em mời tôi ngồi xuống chiếc ghế nhỏ rồi tất tả vào trong pha một cốc trà bơ sữa, người Tạng gọi là pocha, béo và mằn mặn… hơi khó uống. Nhưng sự mến khách của Pema khiến tôi hết sức xúc động. Tôi nhớ một câu nói của người Tây Tạng, rằng: cho dù kẻ thù có ghé nhà bạn, thì bạn cũng không để họ ra đi khi chưa mời một tách trà!

Đang trò chuyện với Pema, chợt tôi nghe sau lưng có tiếng người. Một chàng trai Tây Tạng đột ngột xuất hiện, đứng choáng ngay cửa vào. Tôi hơi sững sờ. Chàng trai này sao quen quá, nhưng chắc chắn là tôi chưa gặp bao giờ! Có lẽ tôi đã trông thấy một người giống như thế trên mạng chăng?

Vào dịp Tết nguyên đán vừa rồi, do công việc của một năm không mấy trôi chảy và có nhiều phiền muộn, tôi đã cùng với nhỏ bạn đi hành hương thập tự ba đêm bốn ngày từ TP.HCM lên Đà Lạt. Hướng dẫn tâm linh cho đoàn là một vị Đại đức trẻ. Trong suốt hành trình, thầy đã hướng dẫn đoàn cách lễ Phật, hành thiền và kể nhiều câu chuyện thú vị. Nhưng chuyện tôi quan tâm nhất chính là việc thầy một mình quảy ba lô đến Ấn Độ, chiêm bái nhiều Phật tích và ở suốt bốn tháng tại Dharamsala. Mặc dù ở Ấn, nhưng hầu như thầy chỉ kết bạn với những người Tây Tạng, phần lớn trong số đó là những người rời khỏi quê hương họ để đến Dharamsala, nơi có cộng đồng Tây Tạng và đặc biệt là vị thầy tâm linh vĩ đại: Đức Dalai Lama.

Thầy cũng say sưa kể về khóa thiền Vipassana mười ngày tại Dharamkot. Khóa thiền khá khắc nghiệt: tuyệt đối giữ yên lặng (trừ lúc trình pháp với thiền sư), không đọc sách, không viết, không trao đổi (dù là bằng mắt); mỗi ngày ngồi thiền 10 giờ và 2 giờ nghe giảng, từ 4 giờ sáng đến 9 giờ tối. Ăn thì gồm một bữa chính với 2 bữa nhẹ - nhưng toàn thức ăn Ấn Độ khó nuốt - khó nuốt nên dễ dàng nhận thấy nhu cầu và sự thèm khát ghê gớm của mình. Thầy nói, hơn 15 năm tu học, thầy chỉ nhận chân lờ mờ con đường giải thoát; nhưng chỉ sau 10 ngày thiền tập, thầy thấy rõ được con đường. “Vấn đề là mình có chịu đi hay không thôi”, thầy khôi hài bảo. Sau khi hướng dẫn chúng tôi thiền hơn 1 giờ, thầy dặn: “Đây chỉ là thiền gieo duyên thôi. Nếu ai muốn học thiền để thấy rõ được mình, tốt hơn hết là phải tham dự một khóa, ít nhất là 10 ngày”.

Cũng chính vì câu nói đó mà tôi buông tất cả công việc để có mặt tại Dharamsala, dù tại Việt Nam hiện nay có không ít những khóa thiền như thế. Đơn giản là vì tôi muốn được tận hưởng những cảm giác giống thầy nơi vùng đất thiêng liêng này.

Sau chuyến hành hương, tôi lên mạng tìm hiểu tất cả những thông tin về Dharamsala, về cộng đồng lưu vong Tây Tạng và về những khóa thiền. Trong những lúc lang thang trên mạng đó, tôi đã tình cờ bắt gặp hình ảnh một chàng trai Tây Tạng đứng cô đơn giữa hoang thảo. Chàng trai đó, không hiểu sao, giống với chàng trai này quá thể!

- Chào cô! Cô từ đâu đến? Chàng trai hỏi bằng một thứ tiếng Anh đậm chất Tây Tạng. Tôi đáp:

- Tôi đến từ Việt Nam!

- Vien-na à?

- Ồ, không! Việt Nam. Tôi nói thêm: Việt Nam nằm cạnh Lào và Campuchia.

- Có gần Thái Lan không?

- Cũng gần. Nhưng gần Trung Quốc hơn. Việt Nam là láng giềng của Trung Quốc.

Chàng trai gật đầu ra chiều hiểu biết, nhưng kỳ thực, đây là lần đầu tiên anh ta nghe đến cái tên Việt Nam. Tôi cũng lấy làm lạ và hơi sốc, nhưng sau này tôi biết rằng có khá nhiều người Tây Tạng chưa từng nghe hay biết gì về Việt Nam!

Chàng trai mà tôi cảm thấy “quen biết” từ lâu ấy tên là Tenzin - một cái tên rất Phật giáo, có nghĩa là hộ trì chánh pháp. Ban đầu tôi tưởng Tenzin là anh trai của Pema, nhưng Pema bảo không phải, anh ấy chỉ là “một người hàng xóm tốt bụng”. Tenzin cũng rất vui khi biết tên tôi là Sa, vì tôi bảo Sa như trong chữ Lhasa. Lhasa là quê hương anh!

Không hẹn mà gặp, tôi thuê được căn phòng ở cạnh phòng Tenzin. Hàng ngày Tenzin đi làm ở một quán bán đồ thờ cúng, lưu niệm - chủ yếu là tượng Phật, pháp khí, đặc biệt là tranh thangka. Nhờ sự giới thiệu của Tenzin, tôi xin được việc làm thiện nguyện tại LTWA - Library of Tibetan Works And Archives - thư khố của người Tây Tạng, nằm không xa khu phố McLeod Ganj.

Tôi làm việc một tuần ba buổi, chủ yếu là lau dọn và sắp xếp sách báo, nhưng nhờ vậy mà tôi hiểu thêm được rất nhiều điều. Thời gian còn lại, tôi đến lớp đàm thoại Anh ngữ dành cho người Tây Tạng ở LHA, gần trạm xe bus. Thỉnh thoảng tôi cũng tham gia chương trình thu gom rác trên những con phố, phân thành hai loại: rác dễ tiêu hủy và rác khó tiêu hủy. Ở McLeod Ganj, người ta hầu như không sử dụng bao ny-lon mà thay vào đó là một loại bao giấy được làm từ những tờ báo cũ, nên mỗi khi đi mua thức ăn, tôi phải ôm hết vào người.

Tôi hay đến tiệm bán hàng nơi Tenzin làm việc, đến độ có người xì xầm rằng tôi và Tenzin chính là một “cặp đôi hoàn hảo”. Nhưng tôi chỉ cười. Tôi tin Tenzin, cảm nhận nơi anh một sự bình an vững chãi, dù anh đã trải qua rất nhiều đau khổ, phải xa quê hương và sống một mình nơi mảnh đất này. Bàn chân phải của anh đã mất đi một ngón do bị hoại tử - hậu quả của cuộc hình trình trốn khỏi Tây Tạng để đến Nepal với một đôi dày vải suốt gần một tháng trời trên vùng tuyết lạnh. Anh đến Dharamsala được hai năm và đang trong diện chờ để được sang Úc định cư trong một chương trình tiếp nhận 1.000 người Tây Tạng của quốc gia này.

Xong việc, Tenzin thường dẫn tôi đến chùa Namgyal lễ Phật. Mỗi chiều, anh lạy chừng 300 lạy - lạy nằm dài xuống đất, vừa lạy vừa niệm câu chú Om mani padme hum. Tôi cũng lạy theo anh, ban đầu rất mệt nhưng sau quen dần, cảm thấy khỏe khoắn và an lạc. Tenzin không thích lạy trên thềm chùa, mà giống như nhiều người Tây Tạng khác, anh trải tấm ván ngoài vườn và lạy vọng vào. Lạy như thế, tôi có cảm giác là mình đang lạy vị Phật bên trong mình hơn là lạy một vị Phật ở bên ngoài. Cảm giác đó rất hay.

Một bữa, Tenzin nói với tôi:

- Em có muốn tự tay nấu món thenthuk và làm bánh momo không?

Dĩ nhiên là tôi gật đầu. Tenzin không đưa tôi về nhà mà dẫn tôi đến một nơi khác - một gian nhà nhỏ nằm tuốt trên đồi bên đường Bhagsunath. Trong gian nhà nhỏ có hai vị sư già đang ngồi trầm mặc. Anh bảo hai vị là đồng hương Lhasa với anh, thỉnh thoảng anh đến nấu ăn cúng dường cho hai vị. Bởi thường các vị chỉ ăn uống qua quýt, còn những bữa ăn chính thì được các gia chủ luân phiên thỉnh đến nhà cùng ăn. Ăn xong, họ tụng kinh và chúc phúc cho cả nhà.

Thenthuk là món súp, kiểu như bánh canh của người Việt. Nồi nước được bắc lên bếp đun sôi rồi nêm gia vị; bột mì nhào kỹ, cán mỏng, cắt lát dài, bề ngang chừng 1cm, dùng tay lắt từng miếng vuông thảy vào nồi. Còn momo thì tựa bánh bao, có thể nắn thành hình tròn, nhưng cũng có khi làm dẹt kiểu bánh bột lọc. Hai món này là hai món ăn truyền thống và phổ biến nhất của người Tây Tạng. Bữa ăn tối hôm đó với hai vị sư thật ấm áp, dễ chịu.

Ăn xong, chúng tôi chào hai vị sư ra về. Bên ngoài, trời tối mịt mùng. Tenzin phải dắt tay tôi, lần từng bước cho khỏi ngã.

- Sa nè! Tenzin nói, giọng trầm lắng rất ư “nỗi niềm”. Cuộc sống thật vô thường. Chắc sẽ không bao giờ có được những ngày như hôm nay.

Tôi hỏi:

- Anh nói vậy nghĩa là sao?

- Giấy tờ đã hoàn tất, anh sắp đi rồi, nhưng chưa biết cụ thể là ngày nào!

- Bên trung tâm Vipassana cũng đã báo cho em biết là ngày kia khóa thiền sẽ bắt đầu. Em đến đây chủ yếu để tham dự khóa tu này...

Tenzin không nói gì nữa. Chúng tôi đi song song, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ, lòng buồn man mác. Trời đêm mỗi lúc mỗi lạnh.

Hôm sau, Tenzin đón auto-rickshaws đưa tôi đến trung tâm thiền Vipassana gần Dharamkot. Tôi phải đến sớm một bữa theo đúng quy định, để nhận chỗ ở, làm quen với không gian mới và nghe phổ biến nội quy khóa thiền.

Xe chạy vòng vèo qua những ngọn đồi, qua những rặng thông già và những cây sồi Himalaya rồi đột ngột dừng lại trước một cánh cổng màu vàng. Trung tâm thiền đây rồi. Đúng lúc đó, tôi chợt nhớ đến vị Đại đức trẻ trong chuyến hành hương thập tự. Thầy cũng đã đến đây, đã đứng trước cánh cổng màu vàng này, giống tôi. Nhưng, tâm trạng của thầy lúc đó chắc là khác xa với tâm trạng của tôi bây giờ. Tôi tự nhủ, mình đến đây là để nhận ra chính mình, để nhận ra con đường; Tenzin chỉ là một giấc mơ, một chàng trai cô đơn giữa hoang thảo như trong bức ảnh...

Chợt Tenzin choàng tay khẽ ôm lấy bờ vai tôi, xiết nhẹ. Tôi hơi bất ngờ nhưng vẫn yên lặng.

- Xin lỗi em... Anh chỉ muốn ôm lấy một người Việt Nam thôi chứ không có ý gì. Cảm ơn em đã cho anh biết về một dân tộc!

- Cảm ơn Tenzin, cảm ơn người-Tây-Tạng-tốt-bụng! Tôi khẽ nói.

Chúng tôi chia tay nhau trước cánh cổng vàng trong một buổi chiều nắng cũng ngả vàng như thế...

Hơn mười ngày sau, khóa thiền kết thúc. Chiếc auto-rickshaws lại đưa tôi trở về căn nhà trọ quen thuộc. Bên cạnh phòng tôi vẫn là căn phòng của Tenzin. Nhưng… ở đó không có Tenzin mà là những người Tây Tạng khác. Tôi chợt hốt hoảng. Tenzin đi rồi? Đúng là Tenzin đi rồi! Những người ở đó nói với tôi là Tenzin đã tới New Dehli, chuẩn bị sang Úc...

Không dưng, tôi bật khóc. Khóc ngon lành.

- Don’t cry! If you cry, you are like children! Tiếng của Pema vang lên ngay sau lưng tôi. Tôi quay lại nhìn em rồi khẽ ôm em vào lòng, nói:

- Đóa sen nhỏ của chị! Chị khóc, nhưng không phải giống con nít đâu. Chị khóc là vì một con người, một dân tộc, em có hiểu không!

TP.HCM, khuya 20-12-2011

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.