Hành hương Phật giáo

GN - Du lịch hành hương ngày nay là một loại hình khá phổ biến trong nhiều xã hội, nhất là trong những xã hội trọng đạo lý và các giá trị tâm linh. Sự phát triển của các phương tiện truyền thông đã đem lại thông tin và hình ảnh của những nơi xa xôi trên trái đất mà chỉ nửa thế kỷ trước đây người ta tưởng mình không bao giờ đến được. Đồng thời ngành hàng không, nhất là hàng không giá rẻ, đã tạo điều kiện để con người được đi du lịch đến những nơi rất xa với phí tổn hợp lý. Bài này nhằm tổng hợp một cách sơ lược những nơi đáng chú ý của hành hương Phật giáo trên thế giới.

DSC_0300.JPG

Du lịch hành hương ngày nay là một loại hình khá phổ biến trong nhiều xã hội,
nhất là trong những xã hội trọng đạo lý và các giá trị tâm linh

Du lịch, tại sao cần thiết?

Đời sống thường nhật của chúng ta thường có tính chất lặp lại, ngày hôm trước tương tự giống như ngày hôm sau. Tâm tư của chúng ta do đó cũng bị cuốn vào một nhịp điệu quen thuộc và dễ sinh ra trì trệ. Tâm không còn nhạy cảm để nghe thấy những điều đáng chú ý, suy nghĩ. Nếu tạm so sánh với đất thì tâm thức đó cũng như một mảnh đất khô hạn, không được cày xới và do đó không thể làm cho hạt giống nảy mầm tươi tốt.

Vì những lẽ đó, xưa nay, phương Đông cũng như phương Tây, người ta vẫn khuyên con người nên dành thì giờ du lịch, đi ra khỏi những nơi quen thuộc. Vị Đạt-lai Lạt-ma, trong các bài giảng của Ngài, cũng có khuyên một câu thiết thực, mỗi năm ta nên đến một nơi chưa bao giờ đến. Nơi đó không nhất thiết phải thật xa, nhưng phải là nơi chưa bao giờ biết đến. Tâm chúng ta sẽ được “xới” lên khi nó được mở rộng bằng sự mới mẻ, bằng cảnh quan và con người mới lạ, bằng sự chứng kiến những phong tục, tư duy hay cảnh ngộ chưa từng thấy.

Người Đức cũng có một câu tục ngữ, đại ý, du lịch chính là đào tạo. Du lịch là một dạng làm tâm phong phú và trưởng thành bằng cách trải nghiệm sự khác biệt. Tôn trọng sự khác biệt giữa con người là một trong những nét tiêu biểu của trình độ văn hóa và nhân văn. 

2.jpg

Khi một người lên đường, đến chiêm bái viếng thăm một nơi thiêng liêng
trong niềm tin tôn giáo mình, thì đó là một cuộc hành hương

Hành hương là gì?

Trong các loại hình du lịch thì hành hương là một loại đặc biệt. Khi một người lên đường, đến chiêm bái viếng thăm một nơi thiêng liêng trong niềm tin tôn giáo mình, thì đó là một cuộc hành hương. Trên thế giới, hầu như trong mọi tôn giáo đều có những cuộc hành trình về những vị trí, nơi chốn đặc biệt để chiêm nghiệm, tưởng nhớ, cử hành nghi lễ. Cũng có những chuyến du hành tìm về một vị đạo sư còn sống để đảnh lễ, tu học, tham vấn. Những chuyến đi đó cũng được gọi là hành hương.

Phật giáo là một tôn giáo lớn trên thế giới và có nhiều trung tâm khác nhau tùy theo điều kiện địa lý và quốc gia. Do đó trong Phật giáo, hành hương là một truyền thống có từ xưa và trong thời đại mới của truyền thông và du lịch ngày càng phát triển. Các chốn hành hương Phật giáo tuy chỉ tập trung vào các nước châu Á, nhưng châu Á thì bao la và Phật giáo thì luôn luôn mang nét đặc trưng của địa phương nên vị trí và tính chất hành hương của Phật giáo cũng rất đa dạng.

Như đã nói, mỗi chuyến du hành đều có khả năng xới lên trong tâm con người lòng nhạy cảm, khả năng tiếp nhận, sự mở rộng tầm nhìn và lòng tôn trọng con người. Vì lý do đó, trên bước đường du lịch tâm linh, những tính chất chung vừa kể đó được nhân lên gấp bội lần. Các chuyến đi hành hương thường ít chú trọng đến tiện nghi vật chất mà nội dung của nó nhắm vào những giá trị đạo đức và tâm linh, tìm hiểu lịch sử và đời sống các vị đạo sư, tìm sự cảm khái và an lạc trong tâm khi đứng trước những đền đài, những nơi chốn lịch sử mà con người chỉ biết qua kinh sách. Và trong một số trường hợp, các chuyến hành hương có thể mang lại những năng lượng to lớn, những phước báu bất khả tư nghì, khi con người cảm thấy xúc động tại những nơi thiêng liêng.

Đáng vui mừng thay khi thấy ngày nay có rất nhiều Phật tử Việt Nam đã đi hành hương nhiều nơi trên thế giới. Biệt nghiệp của từng người kết hợp với cộng nghiệp tốt đẹp chung của xã hội đã tạo cơ hội cho hàng ngàn người lên đường đi đến những nơi mà đời chúng ta không dám nghĩ là mình sẽ đến. Nếu trong nước, Yên Tử là đỉnh cao lịch sử và thiêng liêng nhất thì tại nước ngoài, đâu là những đích hành hương quan trọng nhất?

Ấn Độ, quê hương Phật giáo

Phật Thích-ca sinh ra và thành đạo tại Ấn Độ nên bán đảo mênh mông này là mục đích hành hương của Phật tử trên toàn thế giới. Tại vùng Đông bắc Ấn Độ ngày nay, tập trung trong một khu vực mà hai điểm xa nhau nhất chừng 600km, người ta tìm thấy hầu như tất cả dấu tích của cuộc đời Đức Phật, một nhân vật có thực, từng sống và chết trên trái đất này. Trong vùng đất xung quanh tiểu bang Bihar mà ngày xưa là các nước Ma-kiệt-đà, Kiều-tát-la…, ta sẽ tìm gặp bốn nơi chốn thiêng liêng nhất của đạo Phật, được mệnh danh là “Tứ động tâm”. Đó là nơi mà tâm khách hành hương sẽ “chuyển động mãnh liệt” khi đứng trước bốn vị trí lịch sử: nơi Phật đản sinh (Lâm-tì-ni), nơi Phật thành đạo (Bồ-đề đạo tràng), nơi Phật giảng pháp lần đầu (Lộc Uyển), và nơi Phật thị tịch (Câu-thi-na).

Trên chuyến hành hương tìm theo bước chân Phật Thích-ca, khách cũng được đưa đến những nơi khác cũng rất nổi tiếng trong lịch sử đạo Phật như thành Vương Xá, nơi Phật giảng vô số bài kinh mà ta tìm thấy trong các tập kinh Nguyên thủy. Khách cũng sẽ chiêm bái đỉnh Linh Thứu, nơi Phật đã sống 7 năm hay Xá Vệ, nơi Phật từng lưu trú 25 mùa mưa.

Các chuyến hành hương Ấn Độ thường kéo dài từ 12 đến 14 ngày và phải đi qua hai quốc gia Ấn Độ và Nepal vì Lâm-tì-ni nằm trong địa phận Nepal. Nếu chuyến hành hương kết hợp được với một chuyến viếng thăm các vị đạo sư nổi tiếng hiện nay là Đạt-lai Lạt-ma và Karmapa tại Dharamsala tại miền cực Bắc Ấn Độ thì hết sức trọn vẹn. Đó là cơ hội để khách được gặp các vị được xem là “thánh nhân” trong thời đại này cũng như được ngắm rặng núi Hy Mã Lạp sơn. 

EmeiShanTop.jpg

Nga Mi sơn

Trung Quốc, xứ sở của các vị Bồ-tát

Phật giáo được truyền từ Ấn Độ qua Trung Quốc trong thế kỷ thứ nhất. Tại đây Phật giáo đã phát triển mạnh mẽ và chuyển thành một nền Phật giáo được mệnh danh là Phật giáo Đại thừa. Đặc trưng của Phật giáo Đại thừa là hình ảnh các vị Bồ-tát, là các hữu tình đã giác ngộ nhưng không chấp nhận nhập Niết bàn mà vẫn chủ động giữ hình tướng trong cõi Ta bà để phổ độ chúng sinh. Tại Trung Quốc có bốn rặng núi lớn được gọi tên là “Tứ đại danh sơn” (1), được xem là bốn trú xứ, bốn đạo tràng của bốn vị Đại Bồ-tát quan trọng nhất của Phật giáo. Lần lượt đó là rặng Ngũ Đài sơn, trú xứ của Bồ-tát Văn Thù; Nga Mi sơn của Bồ-tát Phổ Hiền; Cửu Hoa sơn của Bồ-tát Địa Tạng; Phổ Đà sơn của Bồ-tát Quan Âm.

Tại các rặng núi lớn đó người ta tìm thấy đền đài tự viện đã xây dựng rất xưa và nằm trên những đỉnh núi cao. Đó cũng là những vị trí mà người ta tin rằng có nhiều điều huyền diệu xảy ra, phù hợp với ý nguyện cứu độ của các vị Bồ-tát. Nhiều người cảm nhận có nhiều năng lượng đặc biệt hay những hiện tượng khác thường xảy ra trên các đỉnh tại các rặng núi này.

Đền đài chùa chiền tại các rặng Tứ đại danh sơn cũng chứa rất nhiều kinh sách, tác phẩm nghệ thuật, cổ vật được lưu giữ từ hàng chục thế kỷ trước. Vì Trung Quốc rộng lớn và các rặng núi nằm xa nhau, khách cũng phải mất khoảng 14 ngày mới đi chiêm bái hết tất cả các rặng núi thiêng. 

CKB.jpg

PG Tây Tạng cũng được gọi Mật tông với đặc trưng là mối quan hệ giữa thầy trò
đóng vai trò then chốt trong việc truyền bá giáo pháp.

Tây Tạng, xứ sở của Kim Cương thừa

Sau Trung Quốc, Phật giáo Tây Tạng lại là một dạng phát triển khác của nền Phật giáo Nguyên thủy. Từ thế kỷ thứ bảy Phật giáo được du nhập tại Tây Tạng, được xem là do Ngài Liên Hoa Sinh (Padmasambhava) khởi xướng. Phật giáo Tây Tạng cũng được gọi Mật tông với đặc trưng là mối quan hệ giữa thầy trò đóng vai trò then chốt trong việc truyền bá giáo pháp.

Tại Tây Tạng khách hành hương sẽ tham bái rất nhiều đền đài và tranh tượng quý báu. Thiêng liêng nhất là đền Barkhor ngay giữa trung tâm Lhasa, thủ đô Tây Tạng. Khách sẽ được viếng điện Potala, ngôi đền lớn nhất của Phật giáo Tây Tạng và cũng là nơi chứa các bảo tháp của các vị Đạt-lai Lạt-ma. Khách hành hương còn có thể đi chiêm bái đền Samya, vốn do Ngài Liên Hoa Sinh sáng lập. Ngoài ra, ta cũng có thể chiêm bái các viện đại học Phật giáo xưa của Tây Tạng, nơi từng đào tạo các vị Lạt-ma nổi danh trong các thế kỷ qua.

Hành hương tại Tây Tạng đòi hỏi khách phải có một sức khỏe ổn định vì Lhasa nằm trên một độ cao chừng 3.600m. Từ Lhasa, khách sẽ được chiêm bái Gyantse hay Shigatse, hai nơi cũng rất thiêng liêng của Phật giáo Tây Tạng. Chuyến đi sẽ đưa khách đi trên một độ cao gần 5.000m nơi mà không khí loãng sẽ ảnh hưởng rất nhiều lên sức khỏe.

Borobudur, Mạn đà la vĩ đại tại Indonesia

Tại Indonesia, ngày nay là một nước theo Hồi giáo, bất ngờ thay, ta tìm thấy ngôi đền Borobudur, ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới. Đây là một Mạn-đà-la ba chiều bằng đá, được xây dựng trên quan niệm vũ trụ của đạo Phật và được trình bày chi tiết theo hướng Kim Cương thừa.

Ngôi đền này được xây dựng trong khoảng thế kỷ thứ 9, đã bị vùi lấp rất lâu dưới tro núi lửa và được phát hiện lại trong thế kỷ thứ 19.

Cách Borobudur chừng 3km có ngôi đền Mendut, trong đó có chứa ba bức tượng Phật bằng đá rất lớn diễn tả các vị Bồ-tát Di-lặc, Quán Thế Âm và Kim Cương thủ. Ba bức tượng này được nhất trí thừa nhận là ba bức tượng đá đẹp nhất trên thế giới.

Chương trình chiêm bái Borobudur khá dễ dàng. Khách chỉ cần đến sân bay quốc tế Jakarta và sau đó  đi Yogyakarta, kinh đô cũ của Indonesia. Borobudur cách Yogyakarta chừng 40km về phía Tây bắc.

Miến Điện với sợi tóc Phật

Sau khi Phật thành đạo tại Bồ-đề đạo tràng, theo lịch sử kể lại, có hai thương nhân đi ngang cây Bồ-đề. Hai vị đó cúng dường cho Phật và trở thành hai vị đệ tử tại gia đầu tiên của Ngài. Hai vị đó là người Miến Điện, được Phật trao tặng tóc của Ngài. Hai vị thương nhân trở về Miến Điện và tám sợi tóc Phật nay được thờ tại đền Shwedagon tại Yangon, đền thiêng liêng nhất của Miến Điện ngày nay. Trong đền này cũng thờ di vật của ba vị cổ Phật khác. Đền Shwedagon là nơi mà Phật tử hành hương đều đến chiêm bái và đi nhiễu quanh đền.

Tại Miến Điện khách cũng đi thăm Bagan, vốn là kinh đô cũ của một triều đại trong thế kỷ thứ 11. Bagan còn là một trung tâm đền đài Phật giáo với hàng ngàn ngôi đền. Khoảng trong thế kỷ thứ 12, Bagan là trung tâm cực thịnh của Phật giáo theo chiều hướng Thượng tọa bộ.

Một chuyến hành hương Miến Điện kéo dài chừng 7 ngày. Ngày nay chúng ta có đường bay thẳng từ Việt Nam đi Miến Điện nên việc di chuyển rất thuận tiện.

Tích Lan (Sri Lanka) với cây Bồ-đề và Xá lợi Phật

Tích Lan hay Sri Lanka (tên mới) là một nơi có rất nhiều di tích của Phật, xuất phát từ thời trước Công nguyên. Trong thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, con trai của nhà vua A Dục là Mahinda đã đưa Phật giáo du nhập vào Tích Lan.

Đặc biệt cây Bồ-đề tại Tích Lan là cây được trực tiếp lấy giống từ cây Bồ-đề nguyên thủy tại nơi Phật thành đạo ở Bồ-đề đạo tràng. Cây Bồ-đề nguyên thủy ngày nay không còn, nó đã bị trốc gốc trong thế kỷ thứ 19. Còn cây Bồ-đề ta thấy hiện nay tại Bồ-đề đạo tràng lại lấy giống từ cây Bồ-đề tại Tích Lan.

Xá lợi Phật quý nhất được xem là răng của Phật, được thờ trong một ngôi đền riêng có tên là Sri Dalada Maligawa. Ngoài ra, có một di tích được xem là vết chân Phật.

Tương truyền, Kinh Lăng Già được xem là lời giảng của Phật tại Tích Lan khi Ngài dùng Báo thân vượt biển đến Tích Lan giảng pháp.

Hiện nay chưa có nhiều công ty Việt Nam tổ chức đi hành hương tại Tích Lan. Thực ra ta có thể đến Tích Lan dễ dàng, qua đường hàng không Thái Lan.

Nepal, miền đất chuyển tiếp

Nepal là một nước nhỏ so với Ấn Độ và Trung Quốc nhưng thực ra đó chính là miền đất nối liền giữa Ấn Độ và Tây Tạng nên từ xưa Nepal là nơi các vị Tăng sĩ từ Ấn Độ du hành đi Tây Tạng và ngược lại. Đường đi đó đã ghi dấu rất nhiều vị thánh nhân mà ngày nay ta không thể tìm lại hết. Tại Kathmandu, thủ đô Nepal, nhất là tại Patan, kinh đô cũ của Nepal, ta có thể tìm thấy rất nhiều dấu tích Phật giáo. Tại Kathmandu, khách hành hương thường đến đảnh lễ tại hai ngôi đền nổi tiếng, Boudhanath và Swayambhunat. Đó là hai đền rất thiêng liêng của Nepal. Cách Kathmandu chừng 20km có một nơi là hang động tu tập của Liên Hoa Sinh, trước khi Ngài đến Tây Tạng. Nơi đây còn một dấu tay trên đá của Ngài để lại. Trong các vùng rừng núi của Nepal, ta tìm thấy rất nhiều khu vực mà theo truyền thống Kim Cương thừa, đó là đạo tràng của các vị thần bảo hộ tối cao của Mật tông.

Ngày nay Nepal là một nơi tập trung của Tăng sĩ Tây Tạng và vì thế có rất nhiều vị cao tăng Kim Cương thừa đang lưu trú trong các tu viện tại đây.

Nepal thường là nơi xuất phát cho các đoàn hành hương đi Tây Tạng. Nhưng nếu chỉ giới hạn tại Nepal thì chuyến hành hương Nepal chỉ kéo dài khoảng một tuần. Từ thủ đô Kathmandu, ta có đường bay nội địa đi Lâm-tì-ni, nơi Phật đản sinh.

Ngân Sơn, ngọn núi thiêng

Ngân Sơn (Kailash) là một địa điểm hành hương hết sức đặc biệt. Đó là một ngọn núi tại miền Tây Tây Tạng. Đỉnh Ngân Sơn cao khoảng 6.450m nhưng khách hành hương không leo lên đỉnh. Ngược lại, theo truyền thống, khách chỉ đi vòng quanh núi, trên một độ cao chừng 5.000m, điểm cao nhất là đèo Dolma cao 5.660m.

Ngân Sơn được xem là hiện thân của núi Tu-di trên trái đất, là thánh địa không những của Phật giáo mà cả của Ấn Độ giáo. Trong phạm vi của Ngân Sơn có hai hồ thiêng, hồ Manasarovar và Rakastal. Từ Ngân Sơn phát xuất bốn con sông lớn chảy ra bốn phía. Do đó Ngân Sơn là hiện thân của Mạn-đa-la thiên tạo cao quý nhất, theo thế giới quan của Kim Cương thừa.

Khách hành hương có thể đi từ Nepal để đến Ngân Sơn. Một cách khác là đi từ thủ đô Lhasa của Tây Tạng. Cả hai cách đều đưa khách đi bằng xe dã ngoại hay xe buýt, trên một độ cao gần 5.000m, với một chặng đường khoảng  900km (từ Kathmandu) hay 1.300km (từ Lhasa).

Tại chân núi Ngân Sơn, khách hành hương đi bộ quanh núi với độ dài 52km. Tất cả phải ngủ hai đêm trên núi cao, trong tu viện hay lều. Người ta cần có một sức khỏe rất dồi dào mới có thể chịu đựng được.

Chuyến hành hương này kéo dài chừng 16 ngày và sẽ cho khách những cảm nhận vô cùng khác lạ vì năng lực của Ngân Sơn cũng như vì cảnh quan lạ lùng trên cao nguyên Tây Tạng.

Kết luận

Du lịch hành hương Phật giáo là một cơ hội cho Phật tử được chiêm bái và đảnh lễ những di tích thiêng liêng, những trung tâm năng lực vĩ đại, những đền đài, di vật tối cổ của lịch sử Phật giáo. Đó cũng là cơ hội cho tâm chúng ta chuyển biến một cách tích cực, tốt lành, tạo nên những thiện nghiệp không thể nghĩ bàn cho đời này và đời sau.

Những ai có đủ điều kiện nên một lần trong đời tham gia một chuyến du lịch hành hương. Những bạn trẻ, khi nghĩ đến công ơn cha mẹ, nên xem xét khả năng tặng cho cha mẹ mình một cơ hội quý báu trước khi các vị quá cao tuổi.

Nguyện cầu cho ai cũng được đầy đủ cơ duyên để vun trồng thiện nghiệp, chuyển hóa tâm thức theo hướng tốt đẹp.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.