GN - Viện Nghiên cứu Phật học thuộc Đại học Dongguk (Hàn Quốc), do Giáo sư Jung Seung-Suk là Viện trưởng vừa thông báo ấn hành rộng rãi tạp chí khoa học quốc tế đầu tiên về nghiên cứu Phật học tại Hàn Quốc.
Ấn phẩm khoa học này có tên là Tạp chí khoa học quốc tế về văn hóa và tư tưởng Phật giáo (IJBTC), với số ra mắt được xuất bản vào tháng 6 vừa qua.
Bìa của tạp chí khoa học Phật giáo IJBTC
IJBTC do Giáo sư Kim Jong-wook đến từ Đại học Dongguk và giáo sư Richard McBride đến từ Đại học Brigham Young làm đồng Tổng Biên tập, được xem là tạp chí khoa học về nghiên cứu Phật giáo duy nhất được viết bằng tiếng Anh xuất bản tại Hàn Quốc cho đến thời điểm này. IJBTC được ấn hành hai kỳ một năm, vào tháng 6 và 12 hàng năm.
Hội đồng Biên tập của tạp chí bao gồm các học giả, nhà khoa học uyên thâm Phật giáo đến từ: Ấn Độ, Hoa Kỳ, Thái Lan, Đài Loan, Canada, Na Uy, Anh, Đan Mạch và Mông Cổ. Ngoài ra, Giáo sư Emeritus Akira Saito của Đại học Tokyo cũng được mời tham gia với vai trò Thành viên Hội đồng Biên tập danh dự.
Với nỗ lực hình thành và ra mắt tạp chí khoa học về Phật giáo này, giới chuyên gia và nhà nghiên cứu Phật học trên thế giới đánh giá IJBTC sẽ giữ vai trò quan trọng và đóng góp hữu hiệu vào việc quốc tế hóa các giá trị văn hóa và tư tưởng Phật giáo xứ sở Kim chi. Cùng với đó, IJBTC cũng sẽ giúp thiết lập một nền tảng nghiên cứu Phật học vững chắc trong tương lai.
Dù mới được ấn hành, nhưng năm 2010, IJBTC đã được đưa vào hệ thống chỉ số trích dẫn khoa học (KCI) do Quỹ Nghiên cứu Quốc gia Hàn Quốc quản lý. Kể từ đó đến nay, IJBTC vẫn được duy trì trạng thái của mình trong hệ thống của KCI.
Đặc biệt, từ năm 2018, IJBTC cũng đã được thêm vào hệ thống chỉ số trích dẫn nguồn mới nổi (ESCI), làm cơ sở dữ liệu mới của Thomson Reuters, và nhóm cơ sở dữ liệu tôn giáo (Atla RDB) của Hiệp hội thư viện về tôn giáo học Hoa Kỳ.
Từ kết quả trên, ấn phẩm đầu tiên của tạp chí nhanh chóng trở thành nguồn tư liệu khoa học quan trọng tại Hàn Quốc (theo hệ thống KCI) và của thế giới (theo hệ thống Atla RDB và ESCI) với 4 bài nghiên cứu đặc biệt về tư tưởng Phật giáo, 4 chuyên đề nghiên cứu khoa học và bài khảo cứu tổng hợp. Tác giả của các công trình này là các chuyên gia khoa học, những nhà nghiên cứu Phật học hàng đầu đang công tác tại các đại học danh tiếng, bao gồm: Đại học Boston, Đại học Peking, Đại học Shanghai, Đại học San Diego State và Đại học Hồng Kông.
Tất cả các bài viết và công trình nghiên được xuất hiện trong ấn phẩm đặc biệt ra mắt đều là các nghiên cứu mới, với mục đích cung cấp một cái nhìn rộng hơn về nghiên cứu Phật học. Đồng thời, giới thiệu mối tương quan và các phạm trù áp dụng tư tưởng Phật giáo vào đời sống của xã hội hiện đại.
Gia Trúc (theo QSWN)