GNO - Tôi đến chùa Kỳ Quang II (154/4A, Lê Hoàng Phái, P.17, Q.Gò Vấp, TP.HCM) vào buổi sáng (ngày 23-3), lúc Sài Gòn đang chộn rộn nhịp sống hối hả thường nhật.
Trên con hẻm nhỏ đường Lê Hoàng Phái, lối dẫn vào chùa là không gian yên tĩnh, tách hẳn với những xô bồ của phố thị. Nơi đây, hiện đang nuôi dạy hơn 200 trẻ em mồ côi, khuyết tật. Mỗi em là mỗi phận đời, câu chuyện khác nhau, tựa như những mảnh ghép còn khuyết, u buồn… của cuộc sống muôn màu.
“Cha ơi, cha ở đâu. Mẹ ơi, mẹ ở đâu...”
Tôi không khỏi chạnh lòng thương cảm, khi nhìn hình ảnh của những đứa trẻ còn nằm nôi, đã sớm thiếu vắng hơi ấm tình thương của cha mẹ. Em như dấu chấm hỏi giữa cuộc đời, “tuổi thơ em lang thang lạc loài, em nào có tội gì đâu”, thân phận của em như lời bài hát buồn. Lẽ ra, em phải được sống trong vòng tay yêu thương, bảo bọc nhưng trớ trêu thay, em đã sớm chịu cảnh mồ côi. Cha mẹ là ai, em nào có biết...
Em bị bỏ rơi khi còn rất nhỏ và được sống trong mái ấm của từ bi
Ánh mắt trong veo, vô tư hồn nhiên của em chưa gợn chút ưu phiền...
Em vẫn là đứa trẻ hiếu động đang thiếu vắng vòng tay của cha mẹ.
“Bụt” giữa đời thường
Cuộc sống luôn hiện hữu bao điều tốt đẹp, vì luôn có những người từng ngày làm công việc thầm lặng, chăm sóc cho các em bằng sự cảm thông, tình yêu thương to lớn như của cha, của mẹ. Ở đây, tôi có dịp được lắng nghe các cô bảo mẫu trải lòng về chuyện đời, chuyện chăm bẩm từng miếng ăn, giấc ngủ của những đứa trẻ đáng thương...
Bà Nguyễn Thị Cuộng, 62 tuổi, quê ở Tây Ninh, là người gắn bó với công việc bảo mẫu suốt 20 năm.
Khi được hỏi về cơ duyên nào dẫn bà đến công việc chăm sóc các em nhỏ mồ côi, bà nói: “Hồi trước, tôi có đưa một đứa em khiếm thị, con của người dì xuống đây, lúc đó cơ sở này mới mở. Tôi thấy HT.Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa Kỳ Quang II nuôi các em nhưng không có người phụ chăm sóc nên tôi xin thầy ở lại. Lúc đầu, tôi phụ làm bếp. Về sau này, số lượng các em đông hơn nên tôi chuyển qua làm bảo mẫu để trực tiếp chăm sóc cho các em”.
“Tôi thương các em như con cái của mình. Tôi mong cho các em ở đây được khỏe mạnh,
để nó vui chơi, ăn uống bình thường. Chỉ vậy thôi là tôi mừng rồi”, bà Cuộng chia sẻ.
Bà Cuộng từng bị mẹ phản đối khi quyết định ở lại chùa để nuôi giữ trẻ nhưng vì tình thương dành cho những mảnh đời kém may mắn, bà đã vượt qua rào cản của gia đình mà ở lại. “Tôi thương các em ở đây như con cái của mình”, bà Cuộng tâm sự.
Với bà, khó khăn trong công việc chính là những lúc các em bị bệnh: “Phòng của tôi chăm sóc cho những em bị bại não, lúc bị bệnh thì hay quấy khóc, khó ăn... Mỗi lúc như vậy, tôi thường thức đêm để chăm sóc cho các em”.
Điều bà mong muốn dành cho các em ở đây không gì hơn chính là sức khỏe. “Tôi mong cho các em ở đây được khỏe mạnh để nó vui chơi, ăn uống bình thường. Chỉ vậy thôi là tôi mừng rồi”.
Bà Cuộng đang chăm sóc cho một em bé mắc hội chứng não úng thủy.
Quê An Giang, lặn lội lên Sài Gòn và gắn bó với việc chăm sóc cho trẻ mồ côi ở chùa như là duyên nghiệp, bà Phan Thị Hân (53 tuổi), làm tình nguyện viên ngót đã 6 năm.
Bà chia sẻ: “Tôi làm vì cái tâm. Tôi hay đi đến các chùa làm từ thiện, khi đến đây, thấy mấy em tội nghiệp quá nên tôi xin thầy ở lại để chăm sóc cho các em”.
Điều thú vị là gia đình bà Hân, cả ba người con của cô, ai cũng ủng hộ việc thiện nguyện mà mẹ mình đang làm.
“Tôi làm vì cái tâm... thấy mấy em tội nghiệp nên tôi xin thầy ở lại để chăm sóc cho các em”.
Nhìn cách bà chăm sóc cho các em, đút từng muỗng cơm, kiên nhẫn từng chút một, mới thấy tình thương thấm thía biết bao.
Bà nói: “Nuôi mấy em này phải chịu khó vì chúng nó thích ngọt. Nếu mình la mắng, nó giận lên là sẽ la hét, nằm vạ ra, không nghe lời. Mỗi khi giận quá, tôi thường niệm Phật, rồi bỏ đi ra chỗ khác cho nguôi giận, xong rồi sẽ quay về năn nỉ, dỗ dành chúng nó”.
Tôi nhận ra, nếu không có tâm từ bi thì mấy ai có đủ sự kiên nhẫn, cái tâm để mà kiên trì với những đứa trẻ bất hạnh này...
“Tôi tâm nguyện, chăm sóc là mang tình thương đến, mong cho em ăn uống bình thường.
Nguyện vọng tôi chỉ bấy nhiêu thôi.”
Khi tôi hỏi: “Có lúc nào cô thấy buồn, không muốn tiếp tục công việc này nữa không?”. Bà cười: “Ai kêu buồn, chứ tôi thấy vui vì đã quen rồi. Mình phát tâm làm vì tình thương. Nhìn lúc mấy em vui vẻ như vầy, tôi thấy vui trong lòng nhiều lắm!”.
Cuộc sống vô thường có rồi lại mất, chẳng có điều gì là bất biến, chỉ có tình thương và sự chân thành mới trường tồn mãi với thời gian. Cảm ơn cuộc đời vẫn còn đó những người như bà Cuộng, bà Hân... để những đứa trẻ côi cút kia không cảm thấy quá lạc lõng, bơ vơ giữa chợ đời.
“Nhìn lúc mấy em vui vẻ như vầy, tôi thấy rất vui", bà Hân tâm sự
Với các em nơi đây, bảo mẫu chính là người mẹ thứ hai đã sinh em ra lần nữa, đem tình thương đến trong đời...
Hình ảnh của hai "người mẹ" - bảo mẫu, khiến tôi nghĩ đến tấm lòng của những người mẹ vượt khó, nhân hậu, bao dung, sống vì mọi người và không cần đền đáp. “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng... để gió cuốn đi...”, tấm lòng của họ là thế.