Hai mẹ con & một hành trình

Giác Ngộ - Chúng tôi gặp hai mẹ con chị Chung Thị Do và Nguyễn Chung Tú vào cuối buổi trưa khi tiết học thứ 5 kết thúc tại sân Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM (cơ sở Thủ Đức).

Hình ảnh người mẹ tần tảo cõng con chầm chậm từng bước chân xuống cầu thang, rồi đặt con trên chiếc xe máy cồng kềnh (do một người tốt bụng tự chế giúp) rất gọn. Chị lấy dây thun chở hàng ràng hai chân Tú chắc chắn vào bàn đạp, đeo khẩu trang cho Tú rồi từ từ chở Tú hướng ra phía cổng trường…

Cõng con vào đời

Lần đầu tiếp xúc với chị Do, mẹ của Tú, ai cũng sẽ cảm nhận đây là người mẹ quê rất hiền, chịu thương, chịu khó và rất đỗi thương con. Chị nói quê mình ở tận thị trấn Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), chị giờ đang ở đây là đang được “theo con đến trường”. Chị nói về con trai mình với rất nhiều niềm tự hào pha lẫn một chút lo lắng trên gương mặt.

Nguyễn Chung Tú (sinh năm 1992), khi mới sinh ra đời  ai cũng vui mừng vì th

DSC_0002.JPG

Cõng con vào đời- Ảnh: H.D

ấy Tú là đứa trẻ bụ bẫm và khỏe mạnh. Thế nhưng khi đến tuổi tập đi những bước chân của con trẻ không được bình thường. Lớn hơn một chút, có những lúc đang đi Tú lại tự ngã ập xuống và Tú ngã nhiều hơn.

Có những lần tưởng chừng như hạnh phúc đến gần với chị như lần con được đoàn bác sĩ nước ngoài đến khám bệnh, hai mẹ con lại hớn hở cõng nhau đi. Sau ca mổ, vị bác sĩ tiên đoán, Tú có thể sẽ ngồi xe lăn vĩnh viễn.

Và, sau đó là hiện thực, Tú không còn tự đi lại, các dây thần kinh và cơ vận động đều bị tê liệt, thậm chí không thể vệ sinh cá nhân được nữa. Căn bệnh suy cơ đã cướp đi của Tú sự vận động trên cơ thể khi lên 10 tuổi. Hiện tại, Tú chỉ có thể nhúc nhích hai tay, có thể cầm bút viết bài học còn các hoạt động khác đều phải nhờ đến mẹ.

Suốt những năm cấp I, cấp II rồi lên cấp III, chị Do là người chở Tú đến trường trên chiếc xe đạp cọc cạch, rồi ngày ngày cõng Tú vào lớp học. Đôi chân chị Do cứ thế ngày càng từng bước một, nâng đỡ cho con đến trường dù cuộc sống gia đình vô vàn khó khăn, chật vật.

Chị Do nói, đã mấy bận chị quyết tâm cho con nghỉ học vì gia đình quá khó khăn, cuộc sống của cả gia đình phải nương nhờ vào đồng tiền cắt tóc của ba Tú. Nhà không có để ở, phải ở nhờ vào nhà chị ruột. Chị Do cũng không có việc làm ổn định, chị trông nhờ vào những việc làm vặt vãnh, hoặc những buổi làm cỏ thuê…

Nhưng, chị đã thấy trong mắt Tú niềm khát khao cháy bỏng được đi học. Cứ mỗi lần định cho Tú nghỉ học, nhìn thấy con ôm tập sách ra đọc là chị Do không đành lòng. Như lần Tú học xong lớp 6, chị tính cho Tú nghỉ nhưng rồi Tú đậu vào trường chuyên, vậy là chị Do cố gắng đứng dậy. Và hơn nữa, bên cạnh Tú còn thầy cô và các bạn luôn động viên nên chị Do một lần nữa quyết đứng dậy tiếp tục cuộc hành trình cùng Tú đến trường.

Dù khuyết tật cơ thể nhưng suốt 12 năm học, Tú là học sinh giỏi và được bạn bè quý mến. Chị Do nhớ lại: “Tính cho cháu học đến lớp 12 thôi, đâu ngờ cháu thi đại học và đậu đến hai trường cùng lúc. Tú chọn ngành công nghệ thông tin vì có thể phù hợp với mình.  Tôi mừng cho con nhưng cũng vô cùng lo lắng vì lấy đâu ra tiền cho con nhập học ở một nơi xa xôi. Người có hoàn cảnh bình thường còn khó khăn huống chi mình. May quá, Tú được Báo Tuổi Trẻ cấp học bổng “Vì ngày mai tươi sáng”, vậy là hai mẹ con đánh liều, tôi lại cõng con đi nhập học”. Đó là câu chuyện của một năm trước, bây giờ Tú đã là sinh viên năm II ngành Công nghệ thông tin Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

Hành trình của mẹ

Bên cạnh niềm vui con vào đại học, chị Do càng bối rối hơn vì Tú sẽ học ở một nơi hoàn toàn xa lạ, mọi thứ đều đắt đỏ. Câu hỏi nan giải nhất lúc này là hai mẹ con sẽ ở đâu và làm gì để sống, để học. Sau khi làm thủ tục nhập học, chị cõng con vào ký túc xá nhưng chị đã phải trở ra vì Ban quản lý chỉ nhận Tú vào ở mà không cho chị theo. Thất vọng, chị cõng con ra xe đi về Tiền Giang, hai ngày suy nghĩ và chị cùng Tú quay trở lại. Mấy ngày trời lặn lội tìm chỗ trọ cho cả hai mẹ con nhưng có nơi thì không đủ điều kiện cho người khuyết tật như Tú, có nơi lại giá quá cao.

May mắn, có một vị bác sĩ tốt bụng đã cất một căn nhà nhỏ giữa mảnh đất trống tại ấp Gò Công, phường Long Thạnh Mỹ, Q.9, TP.HCM cho mẹ con Tú ở nhờ. Hàng ngày chị chở Tú vượt qua 12km để đến trường. Tuy có hơi xa, nhưng nhờ vậy cuộc hành trình đến trường của hai mẹ con Tú đã có một điểm tựa.

DSC_0001.JPG

Hàng ngày chị Do cõng con đến giảng đường- Ảnh: H.D

Sau khi cõng Tú vào giảng đường, người mẹ ấy lại tất tả đến các hàng quán xung quanh trường để xin việc, nhưng với thời gian chị đưa ra ai cũng lắc đầu. Vì lẽ thời điểm họ cần thì cũng là lúc chị phải đón Tú về. Cả năm trời Tú rời quê vào giảng đường đại học thì cũng chừng ấy thời gian chị Do đã cùng con vất vả ở quê người để làm điểm tựa cho đứa con ăn học. Tú đã bắt đầu vào giảng đường trên lưng của mẹ.

Chị nói, giờ thì đỡ hơn rồi vì mọi người đều biết hoàn cảnh của hai mẹ con nên có lúc chị được gọi đi lau nhà, rửa chén sau khi đưa Tú vào lớp học, có khi lại đi làm cỏ vườn. Khi chúng tôi gặp chị tại sân sau của trường, chị Do đang bày lỉnh kỉnh những hộp giấy.

Trong lúc ngồi chờ Tú, chị Do ngồi dán giấy thành những chiếc hộp, cứ 100 chiếc hộp thì chị nhận được 9.000 đồng. Chị nói: “Nếu cố gắng làm tới 9 giờ tối thì sẽ làm được 300 hộp được 27.000 đồng, với số tiền này, hai mẹ con có thể mua gạo, thức ăn, rau thì hái ở đất và còn một ít dành dụm để đóng học phí cho Tú. Sắp tới học phí năm thứ 2 không biết có nhiều không”.

Trong câu chuyện của mình, chị vẫn luôn day dứt một nỗi niềm nhớ con. Chị Do còn một đứa con trai nữa mới học lớp 5 ở dưới quê. Em Nguyễn Chung Thảo (11 tuổi) cũng có căn bệnh giống như anh mình, có những bước đi không bình thường, cứ đi là té xuống. Không có mẹ Do ở nhà, bố con Thảo phải tự xoay trở, bố Thảo ngoài giờ đi cắt tóc còn phải đưa đón Thảo đến trường. Chị Do lo sợ một ngày nào đó, đứa con bé nhỏ cũng sẽ không thể vận động được như anh Tú.

Chị Do tâm sự: “Nhiều lúc muốn buông xuôi tất cả nhưng thấy con đứa nào cũng ham học, thằng nhỏ cũng là học sinh giỏi nên đâu đành lòng. Hai đứa nhỏ thì chia nhau ra, mỗi người lo cho một đứa, nhiều lúc nhớ con nhưng về quê đâu được. Cả năm học của Tú vừa rồi hai mẹ con đợi nghỉ hè mới dám về, nghỉ được 1 tháng ở quê rồi mẹ con lại đùm túm nhau lên đây nhập học”.  Và chắc rằng, cuộc hành trình dài khó nhọc của hai mẹ con vẫn còn ở phía trước.

Mùa Vu lan vừa qua, Tú đã viết về mẹ rằng: “Mẹ ơi, mẹ hy sinh cho con nhiều đến thế mà chưa bao giờ mẹ đòi con trả công. Mẹ là người mẹ tuyệt vời nhất, cao cả nhất, vĩ đại nhất”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.