Hai hạng người không biết chán đủ

GN - Quan sát cuộc sống, chúng ta dễ dàng thấy đời người mong manh, nay còn mai mất, vô thường nhanh chóng chẳng chừa ai. Không ít người vội ra đi mà không gieo trồng được chút phước nào, hoặc mang theo bao ý niệm tốt đẹp mong muốn sẻ chia mà chưa làm kịp. Rốt cuộc tài sản do mình làm ra tứ tán, trong khi hành trang phước báo lại rỗng không.

cung duong.jpg


Hai thương nhân Trapusha và Bhallika dâng cúng phẩm lên Đức Phật - Tranh minh họa

Có người tỉnh sáng hơn, thấy rõ vô thường nên lập hạnh sẻ chia, dù không phải là giàu có, dư dật. Tùy duyên chia sẻ một phần những gì mình có được luôn mang lại an vui cho người thân và cho mọi người. Ngoài ra, hạnh hoan hỷ bố thí cũng là cách vun bồi cho hành trang phước báo đủ đầy ở trời, người của những kiếp lai sinh.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Đời có hai người không biết chán đủ mà bị mạng chung. Thế nào là hai người? Nghĩa là người được tài vật hằng cất giấu và người được vật mà thích cho người. Đó là hai người không biết chán đủ mà bị mạng chung.

Bấy giờ có Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:

- Thế Tôn! Chúng con không hiểu nghĩa chỉ nói sơ lược này. Thế nào là được vật mà cất giấu? Thế nào là được vật mà cho người? Cúi mong Thế Tôn diễn rộng nghĩa này.

Thế Tôn dạy:

- Hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ vì các Thầy phân biệt nghĩa này.

- Xin vâng, bạch Thế Tôn.

Bấy giờ Phật dạy các Tỳ-kheo:

- Ở đây có người tộc tánh, học các kỹ thuật, hoặc tập làm ruộng, hoặc tập thư sớ, hoặc tập kế toán, hoặc tập thiên văn, hoặc tập địa lý, hoặc tập bói tướng, hoặc tập đi sứ phương xa, hoặc làm vương tá, chẳng tránh lạnh nóng, đói rét, cần khổ để tự mưu sống. Người ấy bỏ ra công sức này mà được tài vật, người ấy không dám ăn xài, cũng không cho vợ con, cũng chẳng cho nô tỳ, những người thân thuộc, cũng đều chẳng cho. Tài vật của người ấy hoặc bị vua cướp đoạt, hoặc bị giặc giã, hoặc lửa cháy, nước cuốn, phân tán chỗ khác, chẳng được lợi ích, hoặc ngay trong nhà có người phân tán tài vật này chẳng giữ mãi được. Đó là, này Tỳ-kheo, người được tài vật mà che giấu.

Còn, thế nào là được tài vật mà phân phát? Có người có tộc tánh, học các kỹ thuật, hoặc tập làm vườn, hoặc tập thư sớ, hoặc tập kế toán, hoặc tập thiên văn, địa lý, hoặc tập bói tướng, hoặc học làm sứ phương xa, hoặc làm vương tá, chẳng tránh lạnh nóng, đói rét, cần khổ mà tự mưu sống. Người ấy ra công sức này mà thu hoạch tài vật, họ ban phát cho chúng sanh, cấp cho cha mẹ, nô tỳ, vợ con, cũng cấp rộng đến Sa-môn, Bà-la-môn, tạo các công đức, trồng phước cõi trời. Đó là, này Tỳ-kheo, được vật mà bố thí. Đó là, này Tỳ-kheo, hai người không biết chán đủ. Như người trước, được vật mà cất chứa, các Thầy hãy nhớ xa lìa. Người thứ hai được vật mà bố thí rộng rãi, các Thầy nên học nghiệp này. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Tàm quý,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.260)

Rõ ràng, nếu “được tài vật mà che giấu, không biết chán đủ” thì mất phước. Mình và người thân không được hưởng thành quả lao động mà đáng ra họ được hưởng. Không chỉ có thế, sự cất chứa tài vật khiến tâm tham ái nặng nề thêm. Khi ra đi, tài vật cũng theo về nhà khác. Ngược lại, nếu “được tài vật mà phân phát, không biết chán đủ” thì được phước. Hiện đời an vui và những đời sau cũng được an vui.

Thế Tôn đã chỉ rõ hai hạng người không biết chán đủ: Hạng người được tài vật mà che giấu và hạng người được tài vật mà phân phát. Ngài dạy, nên xa lìa hạng người trước và nên học tập hạnh bố thí rộng rãi của hạng người sau. Thế nên, người đệ tử Phật luôn tùy duyên tu hạnh thí, một trong những hạnh lành căn bản (tín, văn, giới, thí, tuệ) để đời này và đời sau luôn hạnh phúc, an vui.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.