Hai chương trình, một đích đến

GN - Bên cạnh các ấn phẩm tuần báo và nguyệt san xuất bản theo định kỳ, tòa soạn Giác Ngộ còn có Ban Từ thiện xã hội (TTXH) như là một hoạt động ngoại vi của Báo với chủ trương giúp đỡ các đối tượng khó khăn.

Rất nhiều chư tôn đức, nhà hảo tâm, mạnh thường quân đã đồng hành và dấn thân đến những vùng quê xa xôi, hẻo lánh cùng với Ban TTXH thực hiện các chương trình lâu dài có giá trị về giáo dục, y tế của cộng đồng... Họ là người lặng thầm đến, đi trao tịnh tài, tịnh vật của bạn đọc, mạnh thường quân tới tận tay người khó khăn, có hoàn cảnh bất hạnh… và để lại những nơi ấy niềm tin về tương lai tươi sáng hơn…

Chắp cánh cho “Kỹ sư công nghệ thông tin”

TT.Thích Minh Thiện, trụ trì tu viện Tuệ Viên (Hoa Kỳ), người đang cùng với Ban TTXH Báo Giác Ngộ thực hiện đề án “Tặng máy vi tính cho trẻ em nghèo” ở thôn quê Việt Nam đã vô cùng tâm đắc với mỗi lần quay trở lại thăm các lớp học tin học miễn phí do thầy tài trợ tại Việt Nam.

Hinh (2).jpg

Chương trình tặng máy vi tính cho trẻ em nông thôn

Đề án “Tặng máy vi tính cho trẻ em nghèo” ở Việt Nam được TT.Thích Minh Thiện học hỏi từ mô hình tại Ấn Độ. Với trẻ em ở nông thôn Việt Nam , mô hình này trở thành cực kỳ hữu ích. Trong những lần về quê hương làm công tác từ thiện giúp đỡ các gia đình khó khăn, Thượng tọa trông thấy trẻ em nông thôn Việt Nam, mà đặc biệt là học sinh nghèo ở các miền đất nước, đa phần đều thiếu phương tiện học vi tính (máy vi tính) và mù hẳn kiến thức tin học trong thời buổi công nghệ thông tin đang “phủ sóng” cả thế giới.

Day dứt, trăn trở mãi sau những chuyến đi như thế, TT.Thích Minh Thiện đã cùng Phật tử tâm huyết và kết hợp với Ban TTXH Báo Giác Ngộ thực hiện đề án “Tặng máy vi tính cho trẻ em nghèo” với kỳ vọng xóa mù vi tính cho trẻ nghèo ở nông thôn.

Bắt đầu khởi động chương trình vào năm 2010 là Cơ sở dạy tin học và ngoại ngữ Sen Vàm Cỏ (chùa Long Phước) và lớp học vi tính chùa Long Thạnh tại tỉnh Long An với mỗi nơi 10 máy. Và, sau đó đề án này thực hiện mở rộng ra các điểm dạy vi tính miễn phí cho trẻ em nghèo tại tỉnh, thành: Kiên Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, TP.Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Nam, TP.Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa… Tính đến nay, đề án thực hiện tại nhiều tỉnh thành trong cả nước với hơn 200 máy vi tính cho trẻ em nông thôn Việt Nam .

Đề án này có sự cam kết giữa nhà tài trợ (chủ đề án) và tại cơ sở tổ chức lớp học rất chặt chẽ để nâng cao chất lượng dạy học vi tính cho trẻ em nghèo. Trong 3 năm qua, đề án thực hiện chủ yếu tại các chùa cam kết tổ chức dạy vi tính miễn phí cho trẻ em, học sinh. Qua thực tế, đề án không chỉ tặng máy vi tính làm phương tiện học tập mà có nơi TT.Thích Minh Thiện phải hỗ trợ thêm phần chi phí mời giáo viên hàng tháng, trang bị bàn ghế, tiền điện, tặng tập bút, phần thưởng khuyến khích các em học tập vì chùa không thể đảm đương.

Đề án đã đặt “viên gạch đầu tiên” không chỉ làm nền tảng xóa mù vi tính cho trẻ em, học sinh, thanh thiếu niên nông thôn mà còn tạo công ăn việc làm ổn định, tạo niềm say mê học tin học, nâng cao về kiến thức tin học. Từ những lớp học như thế, nhiều em nuôi ước mơ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin. Chính vì thế, năm 2014, đề án này tiếp tục được thực hiện tại các tỉnh Tây Nguyên Việt Nam .

Phụ nữ nghèo được sống một đời sống khác…

“Đó là cảm nhận của chúng tôi khi được nối tiếp công việc của cố HT.Thích Tôn Thật để lại, bởi lẽ họ là những phụ nữ nghèo ở nông thôn, luôn bị thiệt thòi. Họ bị bệnh tật mà không có điều kiện chăm sóc y tế.

Có khi chính những bệnh tật đó là nguyên nhân làm hạnh phúc gia đình đổ vỡ. Đơn giản, họ rất đáng được giúp đỡ để tìm lại niềm vui sống, sự tự tin với vai trò là một phụ nữ trong gia đình”, Ni sư TN.Chấn Nhân, trụ trì Quan Âm tịnh xá (Q.5, TP.HCM) cho biết nguyên nhân đến với chương trình phẫu thuật phụ khoa cho phụ nữ nông thôn.

TT (1).jpg
Quý Ni sư luôn gắn bó, chia sẻ với phụ nữ nghèo

Chương trình này đã được cố HT.Thích Tôn Thật (nguyên Trưởng ban TTXH Báo Giác Ngộ) khởi xướng năm 1995. Theo đó, Ban TTXH Báo Giác Ngộ kết hợp với Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương (TP.HCM) giúp đỡ cho chị em nông thôn chữa trị bệnh phụ khoa.

Trong đó, Ban TTXH Báo Giác Ngộ sẽ chi trả các chi phí khám, phẫu thuật, điều trị và bệnh viện chịu trách nhiệm điều trị. Thông qua chương trình của Ban TTXH Báo Giác Ngộ, nhiều tấm lòng đã đến hỗ trợ cho chị em, trong đó đặc biệt là Sư cô TN.Chấn Thường và Phật tử tịnh xá Từ Đức (Q.5); Ni sư TN.Chấn Nhân, Ni sư TN.Chấn Tịnh đã tài trợ từ khi chương trình mới bắt đầu cho đến hôm nay.

Phụ nữ nông thôn đã thiệt thòi vì nghèo, ít học, lại mắc nhiều bệnh “khó nói” do làm việc suốt ngày dưới nước, trong môi trường bị ô nhiễm. Bệnh ủ lâu ngày thành u, thành ung không có điều kiện điều trị. Nhiều chị em bị bệnh kéo dài, nguy hiểm đến tính mạng. Khi được điều trị khỏi bệnh, họ tâm sự, cảm thấy như được sống lại một đời sống khác. Chăm sóc y tế cho phụ nữ nông thôn chính là mang lại giá trị tinh thần, sự yêu thương, chia sẻ, thông cảm. Đồng thời kêu gọi sự quan tâm, ý thức bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân họ.

Những năm qua, đã có 1.250 ca phẫu thuật miễn phí (trung bình chi phí 5 triệu đồng/ca) cho phụ nữ ở nông thôn, đó là cuộc đồng hành dài với rất nhiều sự chia sẻ, cảm thông từ những nữ tu sĩ Phật giáo. Ban TTXH Báo Giác Ngộ sẽ tiếp tục ký hợp đồng với bệnh viện giúp đỡ khoảng 500 ca phẫu thuật nữa để nối dài cuộc đồng hành xóa đi bệnh tật cho phụ nữ nghèo.

Trong năm 2013,  Ban TTXH Báo Giác Ngộ đã thực hiện nhiều chương trình từ thiện: cúng chùa, cúng hạ trị giá trên 6 tỷ 126 triệu đồng; cứu trợ 102.154 phần quà, tặng 101 thẻ bảo hiểm y tế, 502 học bổng, tặng 39 căn tình thương, 17 cây cầu bê-tông nông thôn, xây dựng 2 phòng học, hỗ trợ phẫu thuật 2 ca bệnh tim, 61 ca phẫu thuật phụ khoa, 1.994 ca phẫu thuật mắt; tặng 98 xe lăn, 29 xe lắc, 90 chiếc xe đạp, 15 máy vi tính; cấp dưỡng cho 6 Mẹ Việt Nam anh hùng, tặng 1 giếng khoan…

Đặc biệt là chương trình nhận chuyển tiền từ độc giả báo Giác Ngộ, các nhà hảo tâm ủng hộ các chùa nghèo, bệnh nhân ung thư, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên 2 tỷ 565 triệu đồng. Ban TTXH Báo Giác Ngộ đã thực hiện được với tổng trị giá trên 43 tỷ 016 triệu đồng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.